Tốc độ băng rộng di động của VN bằng 1/5 trung bình châu Á
Tốc độ băng rộng di động trung bình của châu Á đã ở mức thấp hơn so với thế giới, song tốc độ này của Việt Nam còn chỉ bằng khoảng 1/5 mức trung bình của châu Á, đạt 1,9 Mbps.
Theo khảo sát mới nhất của Netindex.com, trang đánh giá tốc độ Internet, tốc độ băng rộng trung bình của châu Á là 28,1 Mbps, vượt qua tốc độ băng rộng trung bình của toàn cầu (23,4 Mbps). Tuy nhiên, tốc độ di động của khu vực châu Á vẫn còn thấp hơn mức trung bình thế giới. Cụ thể, tốc độ di động trung bình của châu Á là 10,9 Mbps, trong khi tốc độ di động trung bình của thế giới là 12,4 Mbps.
Điều đáng nói hơn nữa là theo bảng thống kê này, tốc độ di động trung bình của Việt Nam (phần lớn kết nối qua 3G – PV) còn thấp hơn rất nhiều so với mức thấp của châu Á, chỉ bằng khoảng 1/5 so với tốc độ di động trung bình của châu Á. Tại Việt Nam, tốc độ di động trung bình chỉ có 1,9 Mbps, đứng thứ 20 ở bảng xếp hạng.
Theo thống kê, tốc độ dữ liệu di động ở New Zealand và Trung Quốc đạt mức cao nhất, lần lượt ở mức 27,7 Mbps và 27,6 Mbps. Nguyên nhân được cho là vì mạng di động thế hệ 4G đã được triển khai ở cả hai quốc gia này hồi năm ngoái. Trong khi đó, Tech in Asia cho rằng, “người dân ở Việt Nam phải nhìn chằm chằm vào các trang web trắng băng trên smartphone vì tốc độ dữ liệu di động ở đây chỉ đạt mức 1,9 Mbps”.
Sau đây là inforgaphic về tốc độ Internet tại châu Á, theo tổng hợp của trang Tech in Asia và ICTnews dịch sang tiếng Việt.
Video đang HOT
Trang Netindex.com chỉ rõ, các chỉ số trên được rút ra từ dữ liệu của hàng triệu kết quả thử nghiệm gần đây trên trang đánh giá tốc độ speedtest (www.speedtest.net). Chỉ số này so sánh và xếp hạng tốc độ tải xuống của người tiêu dùng trên toàn thế giới. Các giá trị tốc độ ở đây được đo trong 30 ngày qua, và chỉ những thử nghiệm được tiến hành trong vòng 300 dặm so với máy chủ mới được đưa vào tham khảo cho kết luận của chỉ số tốc độ.
Theo thống kê của Netindex, tốc độ băng rộng của Việt Nam đạt 17,37 Mbps, xếp thứ 59 trên tổng số 202 quốc gia trên thế giới. Netindex cũng có đánh giá chi tiết về tốc độ của từng thành phố tại Việt Nam. Xem chi tiết bản đánh giá toàn cầu của Netindex tại đây, và chi tiết đánh giá tốc độ tại Việt Nam tại đây.
Trước đây, vào tháng 3/2015, Netindex.com cũng đã đưa ra đánh giá tốc độ download của Internet tại Việt Nam đạt mức 16,85Mbps, đứng thứ 57 trên toàn cầu. Tuy nhiên, theo ý kiến của đại diện một nhà cung cấp dịch vụ Internet tại Việt Nam, kết quả đánh giá tốc độ Internet của Netindex chỉ là một kênh thông tin tham khảo. Bởi lẽ, Netindex thu thập dữ liệu từ speedtest.net mà kết quả dùng speedtest.net đo tốc độ Internet lại phụ thuộc vào việc người dùng chọn máy chủ nào, ở đâu để test.
Theo Bảo Bình/Ictnews/Zing
Nỗi khổ game thủ có crack mà vẫn không down nổi game
Sự tiện lợi của tốc độ internet cũng khiến không ít nhà phát hành game "mạnh tay" trong việc tạo ra những tựa game "nặng như chì" khiến game thủ phát choáng.
Rốt cuộc vấn đề lớn nhất của ngành game thế giới, song hành cùng những công nghệ cực khủng phục vụ cho việc chơi game lại là dung lượng của những trò chơi mới ra mắt giờ này càng ngày càng giống như những cơn ác mộng không hơn không kém đối với những game thủ hâm mộ trên toàn thế giới.
Dĩ nhiên chúng ta không thể kết tội cho những dịch vụ download game như Steam hay Uplay được. Sự ra mắt của những nền tảng phân phối game trực tuyến đã trở thành cú hích quá lớn để thị trường game có được ngày hôm nay. Game thủ đã không còn phải chầu chực ở những cửa hàng đĩa, lấy phiên bản vật lý về cài vào máy tính. Thế nhưng sự tiện lợi này cũng khiến không ít nhà phát hành game "mạnh tay" trong việc tạo ra những tựa game "nặng như chì" khiến game thủ phát choáng.
Những tựa game bom tấn giờ đây luôn có dung lượng hàng chục GB. Tuy nhiên ở nhiều nơi, tốc độ download dữ liệu thông qua internet thì không tăng như phần còn lại của thế giới. Điều này dẫn tới thực trạng nhiềugame thủ đã cố tình sử dụng bản game lậu sử dụng crack để chơi những nhiều lúc vẫn phải bó tay vì hàng chục GB dung lượng "ngồn ngộn" của bản cài game, vì file crack chỉ có vài chục MB nhưng chúng yêu cầu cả nội dung của bản game gốc.
Nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng, kể từ năm 2011, "trào lưu" ra mắt game dung lượng khủng đã bắt đầu. Sau 8 năm kể từ năm 2007, những tựa game đến từ những cái tên như EA, Ubisoft hay Activision đã tăng gấp 5 đến 10 lần xét riêng về dung lượng. Lấy ví dụ, phiên bản Assassin's Creed đầu tiên nặng 9GB, và phiên bản mới nhất, Unity đã ngấp nghé 40GB.
Từ năm 2011, những sản phẩm như Call of Duty hay Rage đã chạm ngưỡng 15, 20GB. Mọi thứ trở nên thực sự tệ hại cho nhiều game thủ với mạng chậm vào khoảng năm 2013 khi Xbox One và PS4 ra đời. Cuối năm ngoái, Call of Duty Advanced Warfare đã chạm ngưỡng 50GB, và GTA V thì hơn 60GB. Quả là cơn ác mộng của game thủ.
Đây rõ ràng là thứ khiến cho nhiều game thủ phải cân nhắc một cách thận trọng trong lựa chọn bản cài game. Và như thế là, những bản repack lại có cơ hội lên ngôi. Lấy ví dụ, bản repack của nhiều game chỉ có dung lượng bằng một nửa, thậm chí chỉ bằng 1/4 so với bản game hoàn chỉnh nhờ vào việc rip lại những nội dung không cần thiết như cắt cảnh hay những artwork nặng nề trong game.
Một định hướng khác của các nhà phát hành game chính là việc "nén" sẵn bản cài của game để game thủ tải về trước khi giải nén ngay trong máy tính của mình. Thế nhưng điều này cũng vô tình khiến cho những đoạn cắt cảnh cũng phần nào giảm chất lượng để đổi lấy tốc độ tải game nhanh.
Và thế là, game thủ giờ đây rơi vào tình thế khó khăn, vì ngay cả khi sở hữu crack để chơi free, thế nhưng tốc độ tải chỉ vài trăm kB/giây lại khiến cho họ "treo niêu", nghỉ game vì internet không chiều lòng người. Quả là "nỗi buồn biết ngỏ cùng ai"...
Theo Gamek
Sẽ giám sát dữ liệu từ điện thoại di động người dân Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, cho biết trong năm 2016 có thể đưa công nghệ sử dụng dữ liệu điện thoại di động của người dân tham gia giao thông để giám sát giao thông. Sáng 18-3, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã tổ chức Hội nghị Ứng dụng công...