Tóc bạc, đầu xanh cùng thăng hoa với nhạc Trịnh
Trong chương trình biểu diễn đặc biệt nhân ngày giỗ cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, nhiều khán giả lớn tuổi cho đến những người trẻ như hòa làm một để thả hồn theo âm nhạc.
Tối 1/4, đúng ngày giỗ lần thứ 15 của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, khán giả yêu nhạc có cơ hội thưởng thức lại những tác phẩm để đời của ông giữa không gian rất đặc biệt tại Đường sách TP HCM.
Không gian thoáng đãng thơm mùi sách mới như tạo điều kiện để các nghệ sĩ thêm thăng hoa với thứ âm nhạc đẹp như nhạc Trịnh. Khoảng cách giữa ca sĩ và khán giả nhờ vậy cũng được xóa nhòa. Giữa hàng trăm khán giả đến từ sớm để chọn chỗ ngồi gần nhất, có thể bắt gặp những mái tóc hoa râm xen lẫn với mái đầu xanh. Nhưng khi âm nhạc vang lên, họ dường như hóa thành một.
Đức Tuấn là một trong những đại diện cho lớp ca sĩ trẻ thể hiện nhạc Trịnh. Trong đêm nhạc, anh khiến khán giả phải hòa nhịp từ những giai điệu đầy khí thế của Nối vòng tay lớn cho đến cảm giác sâu lắng của Ru ta ngậm ngùi. Có những lúc anh buông hẳn mic, tuy nhiên hàng trăm khán giả đã thay anh tiếp tục dâng cao tiếng hát.
Bà Trịnh Vĩnh Trinh – em gái cố nhạc sĩ say mê hòa theo những ca khúc nổi tiếng. Đại diện gia đình, bà bày tỏ sự cảm kích khi nhạc Trịnh luôn được khán giả đón nhận một cách nhiệt tình nhất. Với bà, những tác phẩm do anh trai chấp bút không của riêng ai mà là tài sản chung của người yêu nhạc.
Con gái nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn – An Trần đưa khán giả đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Ở tuổi 12, cô bé tự tin một mình thể tiếng kèn giàu cảm xúc qua ca khúc Diễm xưa.
Video đang HOT
Như lời bà Trịnh Vĩnh Trinh chia sẻ, muốn hát nhạc Trịnh hay cần có sự thoải mái. Không cần lên gân hay thể hiện quá nhiều kỹ thuật, người nghệ sĩ thoải mái trải lòng bằng chính những gì mình cảm nhận. Cũng vì điều này mà ngoài các giọng ca nổi tiếng, đêm nhạc còn đón chào nhiều tiết mục ngẫu hứng của khán giả.
Người hâm mộ đặc biệt của nhạc Trịnh – cụ bà 75 tuổi Hồng Châu lên sân khấu trình diễn ca khúc Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui. Tuổi cao nhưng sức không hề yếu, cứ thế, bà gần như mang đến một cảm giác rất đặc biệt cho khán giả. Bà chia sẻ chỉ có nhạc Trịnh Công Sơn mới khiến mình say mê đến thế.
Nhạc Trịnh không chỉ dành cho người lớn tuổi mà cũng đủ sức thu hút những khán giả trẻ tuổi. Thanh Nhật – nữ khán giả đến từ quận 10 (TP HCM) chia sẻ cô nghe các tác phẩm để đời của ông từ bé. Đến nay, cô cũng chỉ nghe nhạc Trịnh thay vì những dòng nhạc đúng với lứa tuổi.
Với lối thể hiện chân thật, mộc mạc và giản dị, những giọng ca bán chuyên này vẫn đủ sức quyến rũ tai nghe người hâm mộ.
Hai giọng hát trẻ đến từ trường nhạc của Thanh Bùi mộc mạc với Hãy yêu nhau đi. Tinh ý khoác lên mình bộ áo dài trắng và thể hiện ca khúc nổi tiếng một cách say mê, họ nhận được nhiều tràng pháo tay.
Những cụ bà cụ ông vừa nghe nhạc vừa hát theo. Điều kỳ lạ là dù tuổi già, nhưng họ thuộc không sót bất cứ ca từ nào.
Hình ảnh thường thấy trong các đêm nhạc Trịnh một lần nữa chứng tỏ sức sống mãnh liệt của nó. Song song với chương trình này, đêm nay, gần 300 người cũng tập trung tại mộ phần của Trịnh Công Sơn tại nghĩa trang Gò Dưa (TP HCM) để cùng đàn hát trắng đêm.
Theo Zing
Nhà Trịnh Công Sơn tràn ngập âm thanh trong ngày giỗ lần 15
Sáng 1/4, nhà riêng của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã mở cửa đón người hâm mộ cũng như bạn bè, thân hữu tới thăm hương tưởng nhớ ông.
Sáng sớm 1/4, ngôi nhà của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tại số 47C đường Phạm Ngọc Thạch (TP HCM) lại mở rộng cửa để đón bạn bè thân hữu và khán giả đến thắp nén nhang trong ngày giỗ lần thứ 15 của ông. Từ sáng sớm, em gái cố nhạc sĩ - bà Trịnh Vĩnh Trinh chọn bộ áo dài đen để đi viếng mộ anh trai tại nghĩa trang Gò Dưa (Thủ Đức-TPHCM), sau đó bà quay trở về nhà để tiếp khách.
Bà Trịnh Vĩnh Trinh tâm sự nhiều năm qua các hoạt động trong ngày giỗ anh trai mình luôn nhận được nhiều sự ủng hộ của nhiều tầng lớp khán giả. Năm nay, ngoài hàng chục đêm nhạc tưởng niệm tổ chức ở nhiều thành phố lớn 3 miền Bắc - Trung - Nam còn có đêm nhạc đặc biệt tổ chức tại Đường sách TP HCM. Chính điều này giúp bà có thêm niềm tin rằng nhạc Trịnh sẽ sống mãi với người Việt.
Người nhà dọn dẹp bàn thờ cố nhạc sĩ. Căn nhà nằm sâu trong hẻm nên rất yên tĩnh và thoáng đãng. Một chiếc máy chiếu được bố trí để phát những hình ảnh khi còn sinh thời của ông, kèm theo đó là âm thanh quen thuộc và buồn man mác của những ca khúccủa Trịnh Công Sơn.
Không quá ồn ào và vội vã, từng tốp người đến thắp hương tưởng nhớ nhạc sĩ cũng hòa mình vào không gian chung, nhẹ nhàng và có phần chậm rãi. Có người là bạn bè của nhạc sĩ, có người là fan từ hàng chục năm trước và cũng có những người trẻ - chưa một lần diện kiến trực tiếp ông nhưng "trót yêu" nhạc Trịnh. Họ lặng lẽ thắp hương rồi lại đi vòng quanh nhà để ngắm nhìn lại những hình ảnh của cố nhạc sĩ.
Tất cả dường như bỏ quên sự ồn ào, vội vã của cuộc sống bên ngoài để hòa mình vào những giai điệu thân quen. Đoàn giáo viên đến từ trường chuyên Lê Qúy Đôn (Nha Trang) trong dịp đưa học sinh lên thi Olympic tranh thủ đến nhà Trịnh Công Sơn.
Sau khi ông qua đời vào năm 2001, người nhà bố trí một góc riêng tại chỗ dễ nhìn thấy của căn nhà để trưng bày những hình ảnh mà Trịnh Công Sơn thích nhất khi còn sống.
Đó là những khoảnh khắc ông phiêu cùng âm nhạc, sáng tác hay rong chơi cùng những người bạn tri kỷ. Bức ảnh ông chụp cùng em gái (góc dưới bên trái) gợi nhớ nhiều kỷ niệm đẹp.
Sinh thời, Văn Cao và Trịnh Công Sơn là những người bạn thân. Trịnh Công Sơn gọi âm nhạc của Văn Cao là âm nhạc của thần tiên còn Văn Cao gọi Trịnh Công Sơn là con người của thơ ca.
Bức tượng chân dung Trịnh Công Sơn được đặt giữa suối nước, dưới tán cây xanh lá cũng như một lời nhắn nhủ, nhạc Trịnh không ồn ào nhưng có sức sống vô cùng mạnh mẽ.
Theo Zing
Chờ nhạc Việt bùng nổ Ngoài một số dự án lớn từ những tên tuổi đình đám, thị trường nhạc Việt 2016 còn chờ đợi sự bùng nổ của các ca sĩ trẻ. Hàng loạt dự án bị đình trệ từ năm 2015 dần hoàn thành cùng các kế hoạch live show để khẳng định thương hiệu từ các sao trong làng nhạc Việt hứa hẹn mang lại...