Toàn văn phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước tại Hội nghị cấp cao ASEAN 37
Sáng 12/11, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Lễ khai mạc Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các hội nghị liên quan.
VTC News xin đăng tải lại toàn văn bài phát biểu:
Thưa Quý vị Lãnh đạo các nước thành viên ASEAN và các Đối tác,
Thưa Quý vị đại biểu và các vị khách quý,
Hôm nay, tôi rất vui mừng được phát biểu tại Lễ khai mạc chuỗi Hội nghị quan trọng nhất của ASEAN trong năm – Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các Hội nghị Cấp cao giữa ASEAN với các đối tác.
Mỗi lần tham dự hoạt động của ASEAN đều để lại cho tôi tình cảm ấm áp về tình đoàn kết, gắn bó như những người anh em trong một đại gia đình. Năm qua, tình cảm ấy càng được nhân lên khi các quốc gia thành viên ASEAN cùng chung tay gắn kết và chủ động thích ứng trước những thử thách, khó khăn mà khu vực Đông Nam Á và thế giới đang phải đối mặt.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Lễ khai mạc Hội nghị cấp cao ASEAN 37 và các Hội nghị cấp cao liên quan.
Thưa Quý vị,
Đại dịch COVID-19 bùng phát đã cướp đi sinh mạng của hàng triệu người dân, làm đảo lộn cuộc sống toàn cầu và tác động nghiêm trọng đến thành quả kinh tế – xã hội được tích lũy hàng thập kỷ qua. Năm 2020 đang dần khép lại với những biến chuyển sâu rộng, phức tạp của tình hình thế giới. Hơn bao giờ hết, các quốc gia, các dân tộc trên thế giới cần hòa bình, ổn định hợp tác và phát triển; người dân cần được quan tâm, bảo vệ và sẻ chia để vượt qua giai đoạn khó khăn này. Điều này chỉ có thể có được nếu các xung đột, cọ xát về lợi ích, khác biệt trong tư duy và cách tiếp cận được hóa giải bằng lòng tin, tinh thần xây dựng và thiện chí của các bên.
Video đang HOT
Thưa Quý vị,
Trên nền bức tranh nhiều gam màu của thế giới, những điểm sáng về hợp tác trong việc đối phó với các thách thức đang được ghi nhận ở châu Á – Thái Bình Dương, với vai trò tiên phong, nòng cốt của ASEAN.
Trong năm 2020, các nước ASEAN đều đã thể hiện bản lĩnh và quyết tâm, nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, thách thức. Từ cam kết chính trị ở cấp cao nhất đến các biện pháp triển khai đồng bộ, nhịp nhàng của cả bộ máy cũng như giữa các quốc gia thành viên, chúng ta đã chứng kiến tinh thần gắn kết và chủ động thích ứng của ASEAN được thể hiện mạnh mẽ trong phòng ngừa, kiểm soát COVID-19 cũng như khắc phục hậu quả dịch bệnh, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, đẩy mạnh phục hồi kinh tế. Niềm tin của người dân đối với khả năng ứng phó dịch bệnh của các chính phủ trong khu vực đều ở mức cao.
Trong khi một số thể chế đa phương đang gặp nhiều khó khăn thách thức, ASEAN đã thành công trong việc duy trì ổn định các hoạt động, giữ vững vai trò, vị thế của mình trong năm qua. Các Đối tác tiếp tục coi trọng và ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN. Xu hướng đối thoại, hợp tác và liên kết có cơ sở ngày càng vững chắc trong bối cảnh khu vực và thế giới ngày nay.
Tuy vậy, con đường trước mắt còn không ít trở ngại. Những tổn thất cả về người, về của mà hàng chục triệu người dân trong khu vực phải gánh chịu do thiên tai và dịch bệnh trong năm qua thật nặng nề. Người dân ASEAN đang trông đợi ở Quý vị Lãnh đạo các quốc gia đề ra những biện pháp hợp tác hiệu quả và quyết liệt hơn nữa để kiểm soát tốt các làn sóng lây nhiễm mới, đồng thời duy trì các hoạt động và cùng các doanh nghiệp vực dậy nền kinh tế, hỗ trợ ổn định cuộc sống, bảo đảm an sinh xã hội cho tất cả các vùng, miền và mọi người dân của các quốc gia.
Định vị chỗ đứng phù hợp cho ASEAN trong thế giới thời kỳ hậu COVID-19 là một vấn đề lớn. Mong muốn và ý chí mạnh mẽ giữ gìn một khu vực hòa bình, ổn định, đoàn kết và thống nhất trên cơ sở luật pháp quốc tế, đã và cần tiếp tục trở thành giá trị cốt lõi của Đông Nam Á và Cộng đồng ASEAN.
Trong bối cảnh mới, các nước ASEAN cần thể hiện bản lĩnh, tích cực phối hợp để hiện thực hóa những sáng kiến và kế hoạch phục hồi, với những phương thức hoạt động và hợp tác mới, thực chất và hiệu quả. Các khuôn khổ đối thoại và hợp tác ở khu vực với ASEAN giữ vai trò trung tâm càng cần được phát huy đầy đủ giá trị. ASEAN có thể đóng góp tích cực, hiệu quả hơn nữa vào nỗ lực thúc đẩy hợp tác đa phương, đề cao luật pháp quốc tế và củng cố hệ thống đa phương quốc tế với Liên hợp quốc là nòng cốt.
Thưa Quý vị,
Việt Nam luôn chủ trương giữ vững độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại; là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hòa bình, hợp tác và phát triển. Tinh thần đó đã đưa Việt Nam trưởng thành và lớn mạnh trong suốt 75 năm qua và sẽ tiếp tục là kim chỉ nam cho chính sách đối ngoại của chúng tôi, đặc biệt trong bối cảnh thế giới đang biến chuyển phức tạp và khó lường hiện nay.
Quá trình gia nhập và đồng hành cùng ASEAN trong suốt 25 năm qua chính là tiền đề để Việt Nam triển khai hiệu quả chính sách đối ngoại, hội nhập quốc tế cùa mình. ASEAN đã trở thành ngôi nhà chung; Cộng đồng ASEAN là cơ sở quan trọng trong việc duy trì bản sắc của Đông Nam Á.
Thưa Quý vị,
Với vai trò là Chủ tịch ASEAN năm 2020, trên tinh thần “gắn kết và chủ động thích ứng”, Việt Nam trân trọng sự đoàn kết, ủng hộ, hỗ trợ quý báu từ các quốc gia thành viên, các đối tác và bạn bè của ASEAN để Cộng đồng ASEAN vững vàng vượt qua các thách thức, giữ vững đà liên kết, xây dựng cộng đồng và củng cố vai trò trung tâm của ASEAN, xây dựng khu vực Đông Nam Á hòa bình, hữu nghị, hợp tác, trung lập và ổn định.
Chủ tịch Hồ Chí Minh của chúng tôi đã từng khẳng định “Đoàn kết là sức mạnh”. Chỉ có thông qua hợp tác, tin cậy và chung sức, đồng lòng, ASEAN và thế giới mới có thể cùng nhau vượt qua mọi khó khăn, thách thức, khôi phục tăng trưởng kinh tế, duy trì hòa bình, ổn định và phát triền bền vững.
Với niềm tin tưởng vào tình đoàn kết và sức mạnh cộng đồng của ASEAN, tôi xin chúc Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các Hội nghị cấp cao giữa ASEAN với các Đối tác thành công tốt đẹp, tiếp tục đưa ASEAN đạt được những bước phát triển mới, quan trọng trong giai đoạn tới, đáp ứng được mong đợi và kỳ vọng của người dân.
Xin cám ơn và chúc sức khoẻ tất cả Quý vị.
Khai mạc Hội nghị cấp cao ASEAN
Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các hội nghị liên quan khai mạc tại Hà Nội sáng nay, khi khu vực đang nỗ lực kiểm soát và khắc phục hậu quả Covid-19.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng dự lễ khai mạc và phát biểu chào mừng Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các hội nghị liên quan tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế ở Hà Nội. Tổng bí thư, Chủ tịch nước đánh giá năm 2020 "đang dần khép lại với những biến chuyển sâu rộng, phức tạp của tình hình thế giới", trong đó đại dịch Covid-19 đã cướp đi sinh mạng của hàng triệu người, làm đảo lộn cuộc sống toàn cầu và tác động nghiêm trọng đến thành quả kinh tế xã hội được tích lũy hàng thập kỷ qua.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 tại Hà Nội sáng nay. Ảnh: Vũ Anh.
"Hơn bao giờ hết, các quốc gia, các dân tộc cần hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển. Người dân cần được quan tâm, bảo vệ và sẻ chia để vượt qua giai đoạn khó khăn này. Điều này chỉ có thể có được nếu các xung đột, cọ sát về lợi ích, khác biệt trong tư duy và cách tiếp cận được hóa giải bằng lòng tin, tinh thần xây dựng và thái độ thiện chí của các bên", Tổng bí thư, Chủ tịch nước nói.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước cho rằng trong bối cảnh đó, đã có những "điểm sáng đối phó thách thức được ghi nhận ở châu Á - Thái Bình Dương với vai trò tiên phong, nòng cốt của ASEAN".
"Chúng ta đã chứng kiến tinh thần gắn kết và chủ động thích ứng của ASEAN được thể hiện mạnh mẽ trong phòng ngừa, kiểm soát Covid-19, cũng như khắc phục hậu quả dịch bệnh, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, đẩy mạnh phục hồi kinh tế", ông khẳng định.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sau đó phát biểu khai mạc, chào mừng lãnh đạo các nước ASEAN và các quốc gia đối tác của ASEAN tham dự hội nghị.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch AIPA 41, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch và đại diện các phái đoàn ngoại giao tại Việt Nam dự họp trực tiếp. Dự họp trực tuyến có lãnh đạo các nước ASEAN và đối tác.
Thủ tướng sẽ chủ trì Hội nghị Cấp cao ASEAN và các hội nghị giữa khối với những đối tác như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Liên Hợp Quốc, Mỹ, Australia, New Zealand. Thủ tướng cũng chủ trì Hội nghị Cấp cao Đông Á, Hội nghị Cấp cao Mekong với các đối tác Nhật Bản và Hàn Quốc.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuyên bố khai mạc sự kiện sáng 12/11. Ảnh: Vũ Anh .
Hội nghị trực tuyến kéo dài tới 15/11, là hội nghị cấp cao cuối cùng và quan trọng nhất trong năm Việt Nam làm chủ tịch. Hội nghị là dịp để ASEAN đánh giá tổng thể kết quả hợp tác nội khối, ngoại khối và đề ra định hướng ưu tiên cho giai đoạn tiếp theo. Các lãnh đạo dự kiến thông qua, ghi nhận, công bố hơn 80 văn kiện - số lượng nhiều nhất từ trước đến nay.
Các lãnh đạo sẽ tập trung trao đổi 4 nội dung chính gồm đẩy mạnh xây dựng cộng đồng, giữ vững đà hợp tác ASEAN vượt qua các khó khăn thách thức; mở rộng và làm sâu sắc quan hệ giữa ASEAN và các đối tác, phát huy vai trò trung tâm của ASEAN trong khu vực và nâng tầm vị thế quốc tế của ASEAN; kiểm soát hiệu quả và từng bước đẩy lùi Covid-19, tích cực khắc phục hậu quả dịch bệnh và thúc đẩy phục hồi; trao đổi các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm.
ASEAN và Nhật Bản sẽ công bố kế hoạch thành lập Trung tâm ASEAN về các tình huống y tế khẩn cấp và dịch bệnh mới nổi với sự hỗ trợ của Nhật Bản. Khối cũng sẽ công bố lập kho dự phòng vật tư y tế ASEAN để ứng phó với các tình huống y tế khẩn cấp. Các nước dự kiến thiết lập hành lang đi lại an toàn trong năm tới.
Không bị cuốn vào các dòng xoáy biến động, góp phần tái định hình thế giới Nhận thức được lợi thế và nguy cơ đặt ra với khu vực, ASEAN trên tinh thần tự cường, đã tỉnh táo và kiên định tiếp cận cân bằng và hài hòa, giữ vững vai trò trung tâm, không bị chao đảo, cuốn vào các dòng xoáy biến động thế giới và khu vực. Khó khăn không chùn bước, thách thức chẳng sờn...