Toan tính giành tài sản, nhà cửa nhà vợ của chàng rể thứ
Cuộc sống của đại gia đình không thể tránh khỏi những xáo trộn bất đồng, có giữ được tổ ấm hay không chính là nhờ cách ứng xử của từng người trong cuộc.
“Anh em cọc chèo” nhà ấy trước khi là “cọc chèo” đã chơi với nhau rất thân mặc dù tuổi tác chênh lệch nhau. Sau khi kết hôn với cô chị, thấy cô em vợ hình thức xinh xắn, tính tình nhu mỳ, chàng rể cả đã đứng ra làm mối, tác thành cho em vợ và cậu bạn thân được anh coi như em trai. Gia đình nhà vợ rất mừng.
Ban đầu đúng là hai đôi vợ chồng thân thiết, gắn bó, đi đâu, làm gì cũng có nhau. Vợ chồng người rể cả ở lại cùng nhà với bố mẹ vợ, còn vợ chồng cô gái út được bố mẹ mua cho căn hộ khá rộng rãi ở riêng. Với người rể cả, không phải là gia đình anh không có điều kiện lo nhà cửa cho con dâu, con trai, mà vì thấy ông bà thông gia có mong muốn cho anh được ở rể nên bố mẹ anh cũng chiều lòng. Vì bố mẹ anh lại có những hai cậu con trai. Nhưng còn cậu rể út, gia đình ở quê, bố mẹ lại đông anh em, kinh tế eo hẹp thì việc lấy được vợ thành phố, lại được nhà vợ lo cho nhà cửa là điều quá may mắn.
Cuộc sống lúc đầu vô cùng dễ chịu. Ngày ngày con rể, con gái cả đi làm, người mẹ ở nhà lo chợ búa, cơm nước, dọn dẹp nhà cửa. Bà vẫn nói vui với hàng xóm và các con: Cả đời bà quen lao động, giờ nghỉ hưu mới ở tuổi ngoài năm mươi, sức khoẻ còn tốt mà không làm lụng gì thì bà phát ốm. Bù lại chàng rể cả luôn nhắc nhở vợ nhớ đưa tiền sinh hoạt hàng tháng cho mẹ thật dư dả, còn lương hưu để bố mẹ thích tiêu gì thì tiêu. Rồi người mẹ bắt đầu phát hiện ra những sự khác biệt của hai chàng rể. Chàng rể cả rất kiệm lời, có khi cả ngày chẳng nói vài câu. Nhiều khi vợ và mẹ chuẩn bị cơm nước xong xuôi, có mỗi việc ngồi vào bàn ăn cho nóng sốt mà bà hô hào nhiều lần cậu chàng vẫn chưa ra khỏi phòng. Có khi bà nói với con rể câu gì đó mà hình như cậu ta chẳng để vào tai, nhiều lúc còn giật mình hỏi lại: “Dạ, mẹ vừa bảo gì ạ?” khiến bà bực cả mình. Than thở với con gái thì cô cười xuê xoa: “Tính nhà con vẫn thế. Khi anh ấy chú tâm vào việc gì thì chẳng còn biết chuyện gì xảy ra xung quanh đâu, mẹ đừng bận tâm”. Không bận tâm sao được khi tính bà nhanh mồm nhanh miệng, chưa thấy người đã thấy tiếng, lại gặp đúng chàng rể cả ngày “im thin thít như thịt nấu đông” khiến bà vô cùng ức chế? May sao chàng rể thứ lại ngược hoàn toàn. Từ nơi làm việc, cậu ta gọi điện về hỏi thăm chuyện trò với bà. Buổi tối cậu ta chuyện trò với bà qua điện thoại có khi cả nửa tiếng đồng hồ. Hôm nào về nhà thì ôi thôi, bà nở gan nở ruột vì được rể thứ lúc nào cũng ở bên cạnh, làm giúp bà mọi việc, lại còn hỏi bà có đau vai mỏi cổ không để cậu massage cho… Trong khi đó chàng rể cả rảnh rỗi lúc nào thì chỉ ngồi uống trà với bố vợ và bàn luận những chuyện đâu đâu, bà nghe thấy ghét…
Mỗi thành viên trong gia đình đều cần được chia sẻ và hoàn thiện mình (ảnh minh họa)
Một hôm vô tình cô con gái cả nghe được cuộc chuyện trò của mẹ với em rể. Đại ý người mẹ bày tỏ mong muốn được vợ chồng cô em về ở cùng với ông bà, để vợ chồng anh chị cả ra ngoài ở. Ngay sau đó, cô hỏi mẹ vì sao mẹ có ý định ấy thì người mẹ thẳng thắn trả lời con gái cả: “Vì tao không hợp với chồng mày, ở cùng nhà ức chế lắm”.
Cô gái khóc nức khi kể cho Thanh Tâm về chuyện xảy ra trong nhà cô. Cô nói lúc đó cô vừa tủi thân, vừa tự ái và rất giận mẹ suy nghĩ cảm tính. Cô nói với Thanh Tâm rằng cô hiểu rất rõ chồng cô là người có tâm với bố mẹ cô như thế nào. Chỉ tội anh ham mê công việc nghiên cứu, khi đã để tâm vào công việc thì anh chẳng còn biết gì diễn ra xung quanh nên bị mẹ vợ chê. Trong khi đó nhiều lần em gái cô đã phàn nàn với chị: “Lão chồng em chỉ được thói nịnh nhà vợ. Với bố mẹ vợ lão niềm nở, chu đáo hết sảy. Vậy mà bố mẹ, các em chồng em gọi điện lên lão gắt như mắm tôm. Ai nhờ vả gì lão xua quầy quậy”… Bản thân người chị cũng đã vài lần được đồng nghiệp của em rể nói đến tai, rằng cậu ta làm gì cũng có tính toán, nịnh cấp trên, láu cá với đồng nghiệp. Không dưới hai lần trong bàn nhậu cậu hả hê tuyên bố: Rồi tài sản, nhà cửa nhà vợ sẽ về tay cậu hết cho mà xem!… Phải chăng giờ là lúc bắt đầu cơ hội để cậu em rể dần đạt được mục đích?
Cô gái đã gọi cho Thanh Tâm đúng vào thời điểm ấy. Cô nói cô chưa dám hé răng nói với chồng cô về ý định của mẹ. Bởi cô biết với chồng cô, việc ở lại nhà cùng bố mẹ cô là để làm nghĩa vụ con cả, chăm sóc bố mẹ. Còn khi bố mẹ đã muốn vợ chồng con rể thứ về ở cùng thì anh sẽ hoàn toàn vui vẻ chấp nhận. Kể cả việc sau này bố mẹ cô giao hết nhà cửa, tài sản cho con rể thứ thì anh cũng không suy bì, thắc mắc. Nhưng với cô, cô không thể chấp nhận như vậy được.
Có lẽ, mỗi thành viên trong gia đình ấy đều cần được chia sẻ và hoàn thiện mình dần. Chàng rể cả tâm sáng, luôn muốn bố mẹ vợ được sống vui vẻ, gia đình vui vẻ, anh sẽ dần chiều lòng được mẹ vợ. Còn em rể, là bạn thân của anh rể, cần được nói chuyện thẳng thắn, chân thành để anh ấy hiểu rằng, sống chân thành anh ấy sẽ nhận được mọi thứ. Mong rằng sóng gió trong ngôi nhà ấy sẽ sớm qua đi.
Theo PNVN
Video đang HOT
Chồng trở mặt, công khai tình nhân ngay khi nhà vợ cắt 'viện trợ'
Nga chết sững khi nghe những lời Chiến vừa nói ra, cô không thể ngờ người đàn ông mà cô quyết sống quyết chết bảo vệ để lấy làm chồng lại có ngày "hiện nguyên hình" thành một kẻ cơ hội, đào mỏ khốn nạn đến vậy...
Từ khi Nga quen Chiến, một chàng công nhân đứng máy sản xuất gạch hoa cho công ty trang thiết bị xây dựng và nội thất, cả nhà Nga đã phản đối ầm ầm. Lý do không phải vì Chiến nghèo hay quê Chiến cách xa thành phố cả mấy trăm cây số, mà vì trong mắt bố mẹ, anh chị của Nga, Chiến là một chàng trai không có ý chí tiến thủ.
Sở dĩ gia đình Nga "chấm thấp điểm" cho Chiến như vậy là vì quen và yêu nhau cả năm trời, gia đình Nga có cả hệ thống kinh doanh nhà hàng, khách sạn nổi tiếng trong thành phố nên khi thấy Nga và Chiến có ý định gắn bó với nhau, bố mẹ Nga không ít lần đã "đánh tiếng" để Chiến đi học, nâng cao trình độ, về nhà Nga cùng tham gia quản lý công ty gia đình.
Ảnh minh họa
Thế nhưng mặc cho Nga dỗ dành, rồi bố mẹ cô vận động thuyết phục, Chiến vẫn khăng khăng với lý lẽ không muốn nhờ cậy gia đình vợ, cưới vợ chứ không phải tìm một "trung tâm bảo trợ xã hội"...
Thấy Chiến bảo thủ như thế, không ít lần cha mẹ, anh chị Nga đã khuyên cô chia tay, nhưng con tim có những lý lẽ mà người trong cuộc không thể dùng lý trí để lý giải. Vậy là sau hơn một năm chính thức yêu nhau, Nga và Chiến trở thành vợ chồng.
Dù ngoài miệng luôn nói không cần nhà vợ, nhưng thực tế ngay từ lễ ăn hỏi, tiệc cưới đến chuyến xe cho cô dâu mới trở về lại mặt gia đình vợ, tất tật cũng đều do gia đình Nga lo liệu.
Chiến ngoài việc đóng bộ lịch sự, đầu tóc bóng mượt, tay bắt mặt mừng tiếp khách thì không có thêm bất kỳ vai trò nào trong lễ cưới được coi là sang trọng và lớn nhất nhì thành phố vào thời điểm ấy.
Ngay sau lễ cưới, vợ chồng Nga trở về căn nhà 4 tầng khang trang nằm ngay mặt một con phố đông đúc, sầm uất. Nội thất trong nhà toàn đồ xịn, với những trang thiết bị sang trọng, đắt tiền mà nhiều người dù đã đi làm cả nửa cuộc đời vẫn khó có thể sắm sửa được.
Ngoài căn nhà, bố mẹ Nga còn tặng thêm cho con gái 1 chiếc xe ô tô có giá trị cả tỷ đồng, hàng chục cây vàng làm của hồi môn. Chiến thì vẫn đóng tròn vai chàng rể không nhờ nhà vợ, ngày ngày đi làm ở nhà máy, tối về đã có cơm dẻo canh ngọt, nhà cửa sạch sẽ bởi có đến tận 2 người giúp việc.
Chiến không phải đụng chân mó tay vào bất cứ việc gì trong gia đình, ngày nghỉ hai vợ chồng trẻ tay trong tay đánh xe đi chơi chỗ này chỗ kia, rồi thăm thú bạn bè hay tổ chức tụ tập ăn uống tại một khu du lịch sinh thái nào đó. Chi phí cho mỗi chuyến đổi gió ấy có khi là vài triệu, có khi lên đến hàng chục triệu đồng, bằng vài tháng lương đầu tắt mặt tối của Chiến ở nhà máy.
Nhưng thực lòng từ ngày yêu rồi cưới Nga, Chiến chưa khi nào phải lăn tăn nghĩ đến hai chữ "lo tiền", bởi Nga luôn như một "ngân hàng mở", cung cấp cho Chiến tiền tiêu thoải mái bất cứ khi nào Chiến cần.
Lương của Chiến cũng chưa bao giờ Nga quan tâm là Chiến nhận được bao nhiêu từ nhà máy, Chiến tiêu dùng nó vào việc gì. Từ quần áo đến xe cộ của Chiến đều do Nga mua sắm, trang bị cho Chiến đầy đủ.
Chẳng thế mà nhiều người lần đầu tiên gặp Chiến, khi được biết Chiến chỉ là công nhân sản xuất gạch ngói bình thường đã phải thốt lên ngạc nhiên vì cách ăn mặc, tiêu xài của Chiến như một "thiếu gia" con nhà đại tỷ phú.
Cưới nhau được gần một năm, trong khi hai bên gia đình sốt ruột mong ngóng có cháu bế bồng thì Chiến vẫn bình chân như vại. Không ít lần Nga năn nỉ chồng rằng đừng bắt cô "kế hoạch" nữa để hai vợ chồng sinh con cho vui cửa vui nhà nhưng Chiến nhất định không đồng ý. Thậm chí Chiến đi mua thuốc tránh thai và kiểm soát chặt cả việc Nga có uống thuốc đều hàng ngày hay không.
Lý do Chiến đưa ra cho việc chưa vội sinh con là vì hai vợ chồng còn trẻ, muốn có thời gian làm kinh tế, tự lo liệu cuộc sống thật ổn thoả mới có em bé. Nga ngạc nhiên khi nghe chồng mình giải thích lý do ấy, bởi nhà cô đâu có thiếu tiền để Chiến phải "đứng mũi chịu sào" mà lo làm ăn tiết kiệm tiền bạc.
Nghe vợ thắc mắc và không thuận với những lý do mình vừa nói, Chiến thủng thẳng bảo "đúng là ai nhìn vào nhà mình cũng bảo không thiếu tiền, nhưng em nhìn từ trong ra ngoài căn nhà này đi, xem cái gì thực sự là của hai vợ chồng mình".
Rồi Chiến liệt kê từ nhà, xe, đến sổ tiết kiệm mà Nga đang giữ trong nhà cũng đều đứng tên bố mẹ cô. Rồi chẳng khi nào bố mẹ Nga đưa cho vợ chồng cô "một cục" tiền mà cứ rải đều đều hàng tháng như "phát tiền từ thiện".
Thấy chồng căng thẳng, Nga nhẹ nhàng giải thích rằng không phải vì bố mẹ cô không tin con cái, mà ông bà muốn một thời gian nữa, khi vợ chồng cô thực sự trưởng thành, biết quán xuyến công việc làm ăn, ông bà sẽ trao toàn bộ tài sản cho Nga và Chiến bởi anh chị Nga cũng đều đã ổn định, cơ ngơi vững vàng và Nga là con út nên đương nhiên sẽ "tiếp quản" mọi tài sản.
Chiến chỉ cười khẩy khi nghe vợ nói vậy, rồi vừa quay lưng bước đi mà không hề nói thêm câu nào, mặc Nga đứng như chôn chân giữa nhà. Thấy thái độ của chồng như thế, Nga có cảm giác gờn gợn và những lời "cảnh báo" của bố mẹ cô về việc Chiến chỉ yêu của cải, gia tài của gia đình cô khiến Nga rối bời.
Rồi sau lần thẳng thừng ra mặt chuyện tiền nong, của cải của gia đình vợ, Chiến như trở thành một con người khác hẳn. Anh đi đêm đi hôm triền miên, nhiều hôm về đến nhà khi trời đã gần sáng, người nồng nặc mùi rượu.
Không ít lần Nga đã nhìn thấy trên áo chồng mình những vệt son lem nhem...Thấy những biểu hiện ấy của chồng, Nga buồn lắm, cô suy nghĩ rồi khóc suốt đêm.
Lựa lúc Chiến vui vẻ, Nga đem chuyện Chiến bỏ bê gia đình, rồi điện thoại đặt pass, đi sớm về muộn ra nói với chồng, những mong anh thấy sai mà thay đổi nhưng Nga không thể ngờ Chiến nghe xong những điều vợ nói thì giang thẳng tay tát vào mặt Nga, gằn giọng:
"Cô nghĩ nhà cô có tiền là muốn sai bảo tôi thế nào cũng được sao, tiền của nhà cô nhiều thật nhưng tôi có được hưởng đồng nào đâu, từ ăn tiêu mua sắm đều phải ngửa tay chờ viện trợ từ nhà vợ. Sao nhà cô không thấy "biết ơn" tôi đã lấy cô mà chia gia tài cho tôi chứ. Ít ra cũng phải cho tôi đứng tên một món tài sản nào trong gia đình để tôi thấy mình là "thằng đàn ông đích thực chứ.
"Cưới nhau đến giờ gần 2 năm rồi mà tôi tay trắng vẫn hoàn trắng tay, cô nghĩ xem làm thằng đàn ông như thế có nhục nhã không? Tôi nói cho cô biết, nếu gia đình nhà cô vẫn khư khư giữ của, tôi sẽ đưa đơn ra toà ly dị cô, cho cả nhà cô cùng mất mặt với cả cái thành phố này vì con gái thiên kim tiểu thư lại bị chồng bỏ".
Nga chết sững khi nghe những lời Chiến vừa nói ra, cô không thể ngờ người đàn ông mà cô quyết sống quyết chết bảo vệ để lấy làm chồng lại có ngày "hiện nguyên hình" thành một kẻ cơ hội, đào mỏ khốn nạn đến vậy. Nga nức nở khóc rồi chạy vội ra khỏi nhà, gọi taxi về nhà bố mẹ đẻ...
Nghe những gì con gái kể lại, bố mẹ Nga giận sôi máu, nhưng cố kìm lòng bởi thương con gái. Ông bà động viên Nga ở nhà với bố mẹ mấy hôm cho khuây khoả rồi sẽ tìm cách giải quyết sự việc nghiêm trọng này. Bố mẹ Nga cũng thẳng thừng yêu cầu Nga không đưa tiền cho Chiến nữa, cắt đứt mọi "khoản viện trợ" của Chiến.
Một ngày, hai ngày rồi ba ngày không thấy Nga quay về nhà, lúc đầu Chiến cũng làm căng nhưng khi thấy một tuần mà vợ vẫn không thấy bóng dáng, tiền tiêu lại cạn sạch, Chiến liền điện thoại cho Nga, "xuống nước" dỗ cô về nhà để hai vợ chồng nói chuyện. Thấy thái độ của Nga kiên quyết, Chiến trở giọng liền: "Cô không về, tôi có làm điều gì thì đừng trách tôi cạn tầu ráo máng nhé".
Ngay tối hôm ấy bố mẹ Nga gọi vợ chồng anh chị của Nga về nhà rồi tất cả mọi người đến nhà Nga, nói chuyện phải trái với chàng rể sướng không biết đường sướng.
Bấm chuông mãi mà không thấy Chiến ra mở cửa dù xe máy của Chiến dựng trước sân và đèn trong nhà bật sáng choang, Nga đành lấy chìa khoá mở cổng.
Bước vào nhà, tất cả mọi người sững sờ trước cảnh Chiến đang ôm ấp một cô gái ăn mặc gợi cảm trên ghế sofa ngay phòng khách. Thấy cả nhà vợ, Chiến trơ trẽn: "Mọi người vào nhà tôi thì phải có phép lịch sự, bấm chuông, gọi cửa đàng hoàng chứ sao lại xồng xộc vào khi chủ nhân chưa cho phép thế".
Nghe những lời nói ấy của Chiến, anh trai Nga định lao đến đánh thì bố Nga can lại, ông ôn tồn nhưng kiên quyết nói rõ ràng từng lời: "Thứ nhất chủ nhân căn nhà này là tôi, thứ hai tôi đã bấm chuông cửa nhưng anh không chịu ra mở và thứ ba là ngay lập tức anh cuốn gói ra khỏi nhà tôi, đừng bao giờ để tôi nhìn thấy anh lần nữa kẻo khi tôi không giữ được bình tĩnh thì không biết những điều tồi tệ nào có thể xảy đến với anh đâu".
Quá bất ngờ trước những gì bố Nga vừa nói, Chiến quỳ sụp xuống chân Nga xin cho anh ta được "chuộc lỗi", Nga lạnh lùng quay đi không thèm để mắt đến con người bội bạc đang ra sức thanh minh, hứa hẹn ngay dưới chân mình. Cô đau đớn nhưng thực lòng cảm thấy nhẹ nhõm...
Theo Tiền Phong
Tâm sự của anh chồng 4 năm bị nhà vợ 'lừa' trong ngày 1.4 gây sốt 4 năm lấy vợ, cũng là 4 năm chàng rể thật thà, đáng thương này phải dở khóc, dở cười vì những "chiêu lừa" thật cao tay của gia đình vợ. Câu chuyện của chàng rể với tiêu đề "từ lúc lấy vợ về năm nào cũng bị lừa" hiện đang nhận được sự chú ý của đông đảo giới trẻ. Hài hước,...