Toàn thế giới ghi nhận trên 7,23 triệu ca mắc COVID-19
Theo thống kê trên trang mạng worldometers.info, tính đến 22h ngày 9/6 (giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận trên 7,23 triệu ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trong đó có trên 409.500 ca tử vong.
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân tới phòng cấp cứu tại trung tâm y tế ở Brooklyn, New York. Ảnh: THX/TTXVN
Dịch tạm lắng tại các quốc gia châu Âu giúp các nền kinh tế châu lục này dần mở cửa trở lại. Tuy nhiên, tình hình vẫn diễn biến phức tạp tại châu Mỹ và một số nước châu Á buộc chính phủ nhiều nước phải thận trọng cân nhắc kế hoạch nối lại hoạt động kinh tế.
Mỹ là quốc gia chịu tác động mạnh nhất với trên 2 triệu ca mắc bệnh và trên 113.000 ca tử vong. Sáng 9/6 (theo giờ Việt Nam), Mỹ ghi nhận 450 ca tử vong mới, con số thấp nhất trong khoảng 2 tháng qua. Đây là một tín hiệu đáng mừng khi mà có thời điểm giữa tháng 4 vừa qua, số ca tử vong trong 1 ngày ở Mỹ lên tới trên 3.000 ca.
Trong 2 tuần qua, số ca tử vong trong ngày nhiều lần giảm xuống dưới 1.000 ca. Tuy nhiên, số ca nhiễm mới vẫn tăng mạnh ở mức khoảng 20.000 ca/ngày. Các chuyên gia về dịch bệnh cảnh báo các cuộc biểu tình quy mô lớn ở Mỹ liên quan vụ người đàn ông da màu George Floyd tử vong sau khi bị cảnh sát bắt giữ ở thành phố Minneapolis có thể dẫn tới bùng phát đợt dịch mới.
Trong khi đó, do tình hình dịch bệnh đã dịu lại, Chính phủ Canada đã miễn trừ lệnh cấm hoạt động đi lại không thiết yếu qua biên giới, cho phép hàng nghìn công dân người nước ngoài đoàn tụ với gia đình ở Canada. Quyết định miễn trừ có hiệu lực từ sáng 9/6 (giờ Việt Nam) và được áp dụng đối với các đối tượng không phải người Canada như vợ hoặc chồng, trẻ em, phụ huynh hay người giám hộ công dân Canada, người có thẻ thường trú nhân của Canada.
Video đang HOT
Những người này phải bảo đảm không mắc hoặc có triệu chứng mắc COVID-19, tự cách ly 2 tuần ngay sau khi đến Canada và có kế hoạch ở Canada trong ít nhất 15 ngày. Bên cạnh đó, họ vẫn phải có các loại giấy tờ thông thường khác như thị thực hoặc giấy thông hành điện tử.
Cùng ngày, Argentina cũng đã bắt đầu dần mở cửa trở lại sau hơn 2 tháng áp đặt lệnh phong tỏa nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19. Theo đó, một số hoạt động kinh tế sẽ được nối lại tại 18 trong số 24 tỉnh thành. Tuy nhiên, các biện pháp giãn cách xã hội sẽ vẫn có hiệu lực cho đến ngày 28/6, song sẽ được nới lỏng ở những khu vực có ít hoặc không có ca mắc COVID-19. Trong khi đó, các trường học trên toàn quốc vẫn đóng cửa trong khi các cuộc tụ tập đông người, hoạt động biểu diễn, hòa nhạc và thi đấu thể thao vẫn bị cấm.
Nhiều nước châu Âu đang dần thích nghi với trạng thái “bình thường mới”. Anh chủ trương nghiên cứu về tình trạng lây nhiễm virus SARS-CoV-2 trong số các giáo viên và học sinh tại xứ England để tiến tới dần mở cửa trở lại các trường học sau một thời gian dài áp dụng biện pháp giãn cách xã hội trên toàn quốc.
Nhằm góp phần ngăn chặn làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ hai, các nghị sĩ Thụy Sĩ cùng ngày 8/6 đã “bật đèn xanh” cho ứng dụng theo dõi tiếp xúc bằng công nghệ không dây Bluetooth. Nhờ công nghệ này, ứng dụng theo dõi những người có thể vô tình tiếp xúc lâu với một cá nhân sau đó cho kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2.
Chính phủ Slovenia thông báo mở cửa khẩu cho phép công dân của 14 nước châu Âu qua lại do tình hình dịch bệnh trong khu vực diễn biến tích cực. Chính phủ Slovenia đã áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc từ giữa tháng 3 và dần nới lỏng những biện pháp này từ ngày 20/4.
Người dân thủ đô Moskva (Nga) bắt đầu nối lại các hoạt động bình thường trong ngày 9/6 khi lệnh đóng cửa được áp dụng nhằm hạn chế sự lây lan của COVID-19 được dỡ bỏ sau hơn 2 tháng mặc dù chính quyền địa phương vẫn thông báo trên 1000 ca nhiễm mới mỗi ngày. Gần 13 triệu dân thủ đô Moskva giờ đây tự do đi ra khỏi nhà nếu muốn, sử dụng phương tiện giao thông công cộng và đi lại trong thành phố bằng xe riêng. Các hạn chế khác dự kiến sẽ được dỡ bỏ trong tháng 6.
Trong một diễn biến ngược chiều, Israel đã buộc phải ngừng nới lỏng các quy định liên quan dịch COVID-19 trong bối cảnh số ca nhiễm mới tăng mạnh. Theo đó, Israel ngừng tất cả các biện pháp nới lỏng dự kiến áp dụng trong những ngày tới, đồng thời hối thúc người dân đảm bảo giãn cách xã hội, đeo khẩu trang và giữ vệ sinh. Truyền thông Israel đưa tin các biện pháp nới lỏng bị hoãn bao gồm mở lại dịch vụ đường sắt quốc gia, các nhà hát và rạp chiếu phim. Nước này đã ghi nhận tổng cộng 18.032 ca nhiễm, trong đó có 298 ca tử vong.
Tại châu Á, tình hình vẫn phức tạp tại một số điểm nóng như Ấn Độ và Iran. Ngày 9/6, giới chức thủ đô Delhi (Ấn Độ) cảnh báo số ca nhiễm virus tại vùng này có thể tăng gấp 20 lần lên mức 500.000 ca trong vài tuần tới. Ấn Độ đang nới lỏng các biện pháp phong tỏa trên cả nước để giảm thiểu những thiệt hại về kinh tế do tác động của đại dịch, nhưng trên thực tế dịch bệnh vẫn đang lây lan mạnh.
Tới nay, quốc gia đông dân thứ 2 thế giới đã ghi nhận khoảng 270.000 ca nhiễm, đứng thứ 5 thế giới. Cùng ngày, một quan chức y tế Iran ước tính khoảng 15 triệu người dân nước này, tương đương với 18,75% dân số, có thể đã nhiễm virus kể từ khi dịch bệnh bùng phát từ hồi tháng 2. Hiện Iran ghi nhận 8.425 ca tử vong và 175.927 ca nhiễm. Trong 24 giờ qua có thêm 74 ca tử vong và trên 2.000 ca mới được ghi nhận tại quốc gia này.
Ở khu vực Đông Nam Á, Bộ Y tế Indonesia ngày 9/6 ghi nhận thêm 1.043 ca nhiễm, số ca mới hàng ngày cao nhất từ trước tới nay. Như vậy, tính tới nay, Indonesia đã ghi nhận tổng cộng 33.076 ca nhiễm, trong đó có 1.923 ca tử vong. Philippines ghi nhận thêm 6 ca tử vong và 518 ca nhiễm mới. Tính tới nay, tổng số người mắc COVID-19 tại Philippines là 22.992 người, trong đó có 1.071 ca tử vong.
Thái Lan có thêm 2 ca nhiễm mới, đưa tổng số lên 3.121 ca. Trong 15 ngày qua, Thái Lan không ghi nhận ca nhiễm mới trong cộng đồng. Số ca tử vong do mắc COVID-19 tại Thái Lan hiện là 58 người. Trong khi đó, tại Lào, sau hơn 2 tháng phát hiện bệnh nhân đầu tiên dương tính với virus, ngày 9/6, bệnh nhân cuối cùng trong số 19 bệnh nhân đã xuất viện. Đây được coi là một thắng lợi đối với ngành y tế vốn còn nhiều khó khăn của quốc gia này.
Nguồn lây nhiễm COVID-19 tại New York chủ yếu từ châu Âu
Nghiên cứu mới chỉ ra rằng COVID-19 lây lan tới New York vào giữa tháng 2/2020, nhiều tuần trước khi có ca nhiễm đầu tiên được xác nhận và dịch bệnh tại đây chủ yếu có nguồn gốc từ những du khách đến từ châu Âu, không phải châu Á.
Nhân viên y tế chuyển thi thể bệnh nhân mắc COVID-19 tại một bệnh viện ở New York, Mỹ ngày 6/4/2020. Ảnh: THX/TTXVN
"Nguồn lây đa phần là từ châu Âu" - ông Harm van Bakel, một chuyên gia nghiên cứu về gien tại Trường Đại học Y khoa Icahn thuộc Bệnh viện Mount Sinai, đồng tác giả của nghiên cứu khẳng định.
Một nhóm nghiên cứu khác tại Trường Đại học Y Grossman trực thuộc Đại học New York (NYU) cũng đưa ra một kết luận trùng lặp bất ngờ, cho dù cả hai nhóm thực hiện nghiên cứu trên những nhóm đối tượng khác nhau.
Cả hai đều sử dụng phương pháp phân tích bộ gien của virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) lấy từ những bệnh nhân ở New York trong khoảng thời gian bắt đầu từ giữa tháng 3.
Nghiên cứu cho thấy Mỹ có thể ngăn chặn đà phát tán của dịch COVID-19 ở New York nếu như chính quyền và ngành y tế thực hiện các chương trình xét nghiệm quy mô, quyết liệt. Ngày 31/1, Tổng thống Trump cấm người nước ngoài nhập cảnh vào Mỹ nếu số này đã có thời gian ở Trung Quốc hai tuần trước đó. Nhưng phải đến ngày 11/3 Mỹ với ban hành lệnh cấm đối với số hành khách di chuyển từ châu Âu vào Mỹ.
Giữa hai khoảng thời gian này, nhiều người New York có thể đã hồi hương và mang trong mình mầm virus SARS-CoV-2.
Hoài Thanh
Đại dịch COVID-19 ngày 21/4: Trump ước tính 50.000-60.000 người Mỹ thiệt mạng Đại dịch COVID-19 ngày 21/4: Tổng thống Trump ước tính số người chết do COVID-19 ở Mỹ sẽ chỉ ở mức 50.000 - 60.000. Tổng thống Trump giảm ước tính thiệt hại Trong cuộc họp báo sáng nay, Tổng thống Trump ước tính số người chết do COVID-19 ở Mỹ sẽ chỉ ở mức 50.000 - 60.000, thấp hơn so với dự đoán...