Toàn thế giới ghi nhận 241,59 triệu ca nhiễm SARS-CoV-2
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h ngày 18/10 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 241,59 triệu ca nhiễm SARS-CoV-2, trong đó có 4,91 triệu người không qua khỏi.
Số bệnh nhân bình phục hiện đã lên tới 218,81 triệu người.
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới bệnh viện ở ngoại ô Moskva, Nga, ngày 15/10/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Châu Á là khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch COVID-19 với 77,97 triệu ca nhiễm, tiếp đến là châu Âu với 61,62 triệu ca nhiễm. Bắc Mỹ ghi nhận 55,05 triệu ca nhiễm, Nam Mỹ là 38,14 triệu ca, tiếp đến là châu Phi (8,50 triệu ca nhiễm) và châu Đại Dương (276.844 ca nhiễm).
Tình hình dịch bệnh tại châu Á đã có những dấu hiệu cải thiện, nhờ đó, các nước dần dỡ bỏ và nới lỏng các biện pháp hạn chế phòng dịch, từng bước khôi phục trạng thái bình thường mới và sống chung an toàn với COVID-19.
Singapore thông báo từ ngày 19/10, nước này miễn quy định cách ly đối với hành khách nhập cảnh từ 8 nước đã tiêm đủ liều vaccine ngừa COVID-19 gồm Anh, Canada, Đan Mạch, Pháp, Italy, Hà Lan, Tây Ban Nha và Mỹ. Với hơn 80% dân số đã tiêm phòng COVID-19 đầy đủ, giữa tháng 9 vừa qua, Singapore đã chính thức nối lại hoạt động du lịch quốc tế cho hành khách đã tiêm chủng từ Đức và Brunei trong khuôn khổ chương trình “Vaccinated Travel Lane” (Hành lang đi lại cho người đã tiêm chủng). Theo chính sách này, hành khách sẽ không phải thực hiện cách ly nếu đã tiêm phòng COVID-19 đầy đủ và có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 trước khi khởi hành và khi đến Singapore. Một chương trình tương tự với Hàn Quốc dự kiến được triển khai từ ngày 15/11.
Tại Campuchia, lệnh nới lỏng thời gian cách ly phòng dịch COVID-19 chính thức có hiệu lực từ ngày 18/10. Theo đó, nước này có điều chỉnh quy định phòng dịch, đặc biệt là thời gian cách ly rút ngắn được áp dụng cho tất cả du khách nhập cảnh qua tất cả các cửa khẩu biên giới. Với du khách đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 đầy đủ, thời gian cách ly 3 ngày được áp dụng với nhà đầu tư, chuyên gia kỹ thuật (cả công dân Campuchia lẫn người nước ngoài), nhà ngoại giao, nhân viên dự án hợp tác và công chức công tác trở về (bao gồm cả thành viên gia đình); thời gian cách ly cho du khách thông thường (cả người Campuchia và nước ngoài) là 7 ngày. Với trường hợp chưa tiêm, hoặc tiêm chưa đủ liều, bắt buộc phải cách ly đủ 14 ngày. Bên cạnh đó, tất cả du khách phải mang đủ các giấy tờ liên quan, gồm giấy chứng minh sức khỏe và lấy mẫu xét nghiệm ngay khi tới bất kỳ cửa khẩu nào của Campuchia.
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong khi đó, từ tháng sau, Chính phủ Nhật Bản có thể sẽ dỡ bỏ hoàn toàn quy định yêu cầu các nhà hàng và quán bar rút ngắn thời gian hoạt động tới trong bối cảnh có nhiều dấu hiệu cho thấy dịch COVID-19 đã được kiểm soát.
Bộ trưởng Tái thiết kinh tế Nhật Bản Daishiro Yamagiwa cho biết thêm Chính phủ Nhật Bản đang chuẩn bị để nới lỏng hơn nữa quy định cách ly bắt buộc đối với những người nhập cảnh vào nước này có chứng chỉ tiêm vaccine ngừa COVID-19.
Trong gần hai tuần qua, nhiều dấu hiệu cho thấy dịch COVID-19 đã lắng dịu ở Nhật Bản. Một trong những nguyên nhân quan trọng khiến số ca mắc mới ở Nhật Bản giảm mạnh từ mức đỉnh 25.892 ca được ghi nhận vào ngày 20/8 là do đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine COVID-19 ở nước này.
Theo thống kê của Văn phòng Nội các Nhật Bản, tính đến ngày 14/10, có gần 94,6 triệu người đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa COVID-19, chiếm 74,96% dân số nước này, trong đó 83,66 triệu người đã tiêm đủ hai mũi. Nếu tính riêng nhóm đối tượng từ 12 tuổi trở lên, tỷ lệ tiêm chủng ở Nhật Bản còn cao hơn nhiều. Đáng chú ý, tỷ lệ tiêm chủng đối với người cao tuổi (từ 65 tuổi trở lên), chiếm khoảng 29,1% dân số Nhật Bản, lên tới 90% đối với những người tiêm đủ 2 mũi và 91,1% đối với người đã tiêm ít nhất một mũi. Chính phủ Nhật Bản dự định sẽ hoàn thành tiêm vaccine COVID-19 cho tất cả những người đủ điều kiện tiêm chủng muộn nhất là vào đầu tháng 11. Sau đó, Nhật Bản dự kiến sẽ bắt đầu triển khai tiêm mũi vaccine bổ sung vào tháng 12.
Video đang HOT
Bên cạnh một số nước thực hiện việc nới lỏng các biện pháp hạn chế, một số nước châu Á khá thận trọng khi quyết định gia hạn tình trạng khẩn cấp để bảo vệ thành quả đạt được trong công tác phòng chống dịch thời gian qua.
Chính phủ Indonesia tiếp tục gia hạn lệnh hạn chế các hoạt động cộng đồng (PPKM) cấp độ 1-4 từ ngày 19/10 đến ngày 2/11 tại Java và Bali và từ 19/10 đến ngày 8/11 tại các địa phương nằm ngoài hai hòn đảo đông dân này.
Trong khi đó, Chính phủ New Zealand tuyên bố thành phố Auckland lớn nhất nước này tiếp tục thực hiện phong tỏa cấp độ 3 thêm 2 tuần nhằm khống chế tốc độ lây lan của biến thể Delta.
Tại Thái Lan, vùng cực Nam của nước này đã trở thành tâm điểm của dịch COVID-19 ở nước này, với số lượng các ca nhiễm mới được ghi nhận trong ngày 18/10, vượt qua vùng đô thị Bangkok mở rộng. Các tỉnh Narathiwat, Pattani, Songkhla và Yala ngày 18/10 ghi nhận tổng cộng 2.303 ca mắc COVID-19 mới so với 1.610 ca được ghi nhận ở vùng Bangkok mở rộng.
Học sinh chờ được tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Bangkok, Thái Lan ngày 4/10/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Tại châu Âu, Anh và Nga đang là điểm nóng của dịch COVID-19. Tình hình dịch bệnh tại Anh đang có dấu hiệu phức tạp khi nước liên tục ghi nhận số ca mắc mới tăng cao. Ngày 17/10, Anh ghi nhận 45.140 ca mắc mới, 57 ca tử vong và 915 ca nhập viện. Trong vòng 7 ngày qua, tỷ lệ ca mắc mới ở nước này đã tăng 15% lên gần 300.100 ca, trong khi số ca tử vong và nhập viện tăng lần lượt 8,5% và gần 7% lên 852 ca và 5.559 ca. So với các nước châu Âu, Anh ghi nhận tỷ lệ lây nhiễm theo ngày cao hơn đáng kể, với 495 ca/1 triệu người, so với 137 ca/1 triệu người tại 27 nước Liên minh châu Âu (EU).
Giới chuyên gia nhận định có nhiều nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ mắc COVID-19 cao tại Anh. Thứ nhất, Anh là quốc gia đầu tiên dỡ bỏ mọi biện pháp hạn chế phòng dịch COVID-19 từ ngày 19/7, sớm hơn rất nhiều so với các nước châu Âu khác.
Cùng ngày 18/10, Nga ghi nhận số ca mắc mới trong 24 giờ qua là 34.325 ca – cao nhất từ trước tới nay. Hiện tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này đã lên tới 8.027.012 ca, trong khi số bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi lên tới 224.310 ca sau khi ghi nhận thêm 998 ca trong 24h qua.
Tại châu Phi, một báo cáo mới đây của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy khoảng 7 ca mắc COVID-19 tại châu lục này thì chỉ có 1 ca được phát hiện. Điều này cho thấy số ca mắc trên thực tế cao hơn nhiều và nguyên nhân là năng lực xét nghiệm tại lục địa này còn hạn chế.
Theo phân tích của WHO, số ca mắc COVID-19 trên thực tế tại châu Phi có thể lên tới 60 triệu ca. Theo thống kê hiện nay, kể từ khi đại dịch bùng phát, châu Phi ghi nhận 8,4 triệu ca mắc, trong đó có 214.000 ca tử vong. Tuy vậy, tỷ lệ xét nghiệm tại lục địa này ở mức thấp so với các khu vực khác trên thế giới.
Báo cáo cho thấy kể từ khi đại dịch bùng phát, 70 triệu xét nghiệm COVID-19 đã được ghi nhận tại các nước châu Phi. chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng số 1,3 tỷ dân. Trong khi đó, cũng trong khoảng thời gian trên, khoảng 550 triệu xét nghiệm đã được tiến hành tại Mỹ, còn tại Anh số lượng xét nghiệm còn cao hơn khi cứ 1 người thì có hơn 4 xét nghiệm được tiến hành.
Ông Matshidiso Moeti, Giám đốc WHO tại châu Phi, chỉ rõ hầu hết các xét nghiệm COVID-19 đều được thực hiện ở những người có triệu chứng, song phần lớn các ca lây nhiễm là đều không có triệu chứng, do vậy những gì đang diễn ra mới chỉ phần nổi của tảng băng chìm. Theo ông, số ca tử vong tại châu Phi cũng không được thống kê đầy đủ. Báo cáo của WHO ước tính cứ 3 ca tử vong trên thực tế thì có 1 ca được thống kê chính thức.
Để khắc phục tình trạng này, WHO đã tiến hành một chương trình thí điểm nhằm năng cao năng lực giám sát dịch COVID-19. Chương trình này sẽ được triển khai tại 8 quốc gia và sử dụng xét nghiệm kháng nguyên nhằm phát hiện các ca mắc COVID-19 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ. Một khi phát hiện các ca dương tính, các nhà chức trách sẽ thực hiện “cách tiếp cận vòng tròn”, tức là triển khai xét nghiệm đối với những người sinh sống trong vòng bán kính 100 m xung quanh ca mắc mới, nhờ đó có thể ngăn chặn dịch lan rộng.
Thế giới vượt 234,2 triệu ca mắc COVID-19; dịch bệnh vẫn phức tạp tại Đông Nam Á
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h ngày 30/9, thế giới ghi nhận tổng cộng 234.240.846 ca mắc COVID-19, trong đó có 4.791.252 ca tử vong.
Trên 211,04 triệu bệnh nhân COVID-19 đã hồi phục trong khi vẫn còn trên 18,4 triệu bệnh nhân đang điều trị.
Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại Singapore. Ảnh: AFP/TTXVN
Tại khu vực Đông Nam Á, tình hình dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại Lào, Malaysia, Campuchia, Singapore, Hàn Quốc.
Cụ thể, Lào ghi nhận 358 ca mắc mới COVID-19 và 1 ca tử vong, nâng tổng số ca bệnh ở nước này lên 23.846 ca, trong đó có 18 ca tử vong. Do số ca mắc tiếp tục tăng, Chính phủ Lào thông báo gia hạn các biện pháp hạn chế thêm 2 tuần nữa, đến ngày 15/10. Bên cạnh đó, những cá nhân, các thực thể pháp lý hay các tổ chức vi phạm quy định phòng chống dịch của nước này sẽ bị truy tố theo các bộ luật và quy định liên quan, tùy từng trường hợp.
Còn Malaysia ghi nhận thêm 12.735 ca mắc mới COVID-19, nâng tổng số ca bệnh ở nước này lên 2.245.695. Theo Bộ trưởng Nội vụ Hamzah Zainudin, Malaysia vẫn đang ở giai đoạn coi COVID-19 là đại dịch và việc nước này có sẵn sàng chuyển sang giai đoạn coi COVID-19 là bệnh đặc hữu hay không dựa trên quyết định của Bộ Y tế. Ông Hamzah Zainudin cho biết Bộ Y tế sẽ tuyên bố khi nào đất nước đã sẵn sàng (cho việc chuyển sang giai đoạn coi COVID-19 là bệnh đặc hữu) và khi đó, Cục Di trú cùng Lực lượng Hành động Trung ương (GOF) sẽ sẵn sàng cho việc mở cửa biên giới trở lại. Hiện Malaysia vẫn duy trì lệnh cấm đi lại xuyên bang, chỉ cho phép đi lại xuyên quận và thực hiện "bong bóng du lịch" ở đảo Langkawi đối với những người đã hoàn thành tiêm chủng ngừa COVID-19.
Tại Campuchia, nước này có thêm 978 ca mắc mới và 17 ca tử vong, nâng tổng số ca bệnh đến nay lên 112.651 ca, trong đó có 2.319 ca tử vong. Tính từ khi bắt đầu chiến dịch tiêm phòng COVID-19 trên quy mô lớn ngày 20/2 đến ngày 29/9 vừa qua, đã có 9.898.651 người từ 18 tuổi trở lên (tương đương 98,99% tổng số người trưởng thành ở nước này), được tiêm ít nhất một mũi vaccine, trong đó 9.406.034 người đã hoàn thành hai mũi tiêm. Bắt đầu từ ngày 11/10 tới, chính quyền thủ đô Campuchia sẽ triển khai tiêm phòng liều tăng cường cho toàn bộ người dân đã tiêm đủ hai mũi vaccine ngừa COVID-19 trước đó, với khoảng cách tối thiểu giữa mũi thứ 2 và thứ 3 là 4 tháng.
Singapore cũng ghi nhận thêm 2.268 ca mắc mới COVID-19, cao hơn mức kỷ lục ghi nhận 1 ngày trước đó 32 ca. Như vậy, trong 2 ngày qua, số ca mắc mới tại Singapore liên tục lập mốc cao nhất từ trước tới nay. Tình hình dịch bệnh tại Singapore diễn biến phức tạp trong bối cảnh nước này vừa nới lỏng các hạn chế sau khi được ghi nhận là một trong những nước có tỷ lệ tiêm chủng cao trong khu vực và thế giới, với hơn 80% dân số đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19. Trước tình hình trên, từ tuần này, Singapore đã phải siết chặt lại một số hạn chế, trong đó giới hạn không được tụ tập quá 2 người và yêu cầu người dân làm việc tại nhà.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: Kyodo/TTXVN
Tại Hàn Quốc, chính phủ đã kêu gọi người dân nên hạn chế đi du lịch và tụ tập trong 2 ngày lễ sắp tới là Ngày lập nước (3/10) và Ngày sáng tạo chữ Hàn Hangeul (9/10) trong bối cảnh số ca mắc tại Hàn Quốc tăng mạnh sau Trung thu.
Chính phủ Hàn Quốc cũng đang cân nhắc việc công bố mức giãn cách xã hội áp dụng từ tuần tới, sau cuộc họp Ủy ban đối sách phòng dịch trung ương ngày 1/10. Nhiều khả năng nước này sẽ gia hạn mức giãn cách xã hội hiện nay, do quy mô lây nhiễm vẫn đang ở mức cao sau đợt nghỉ lễ Tết Trung thu và khó để điều chỉnh mức độ phòng dịch một cách vội vàng trước thềm chuyển đổi hệ thống phòng dịch, khôi phục dần đời sống thường nhật cho người dân vào đầu tháng 11 tới.
Hàn Quốc phát hiện thêm 2.564 ca mắc mới COVID-19, mức cao nhất trong các thứ Tư từ đầu dịch. Số ca nhiễm mới đã ở mức 4 con số trong 86 ngày liên tiếp kể từ ngày 7/7.
Tại châu Âu, Nga và Ukraine ghi nhận số ca tử vong và ca mắc tăng mạnh. Cụ thể, Nga ghi nhận thêm 867 ca tử vong do COVID-19 - cao nhất từ trước tới nay, và 23.883 ca mắc mới COVID-19, nâng tổng số ca bệnh lên 7.511.026 ca, trong đó có 207.255 ca tử vong.
Ukraine cũng ghi nhận số ca mắc mới tăng mạnh với 11.757 ca mắc mới. Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 4 vừa qua, số ca mắc mới tại Ukraine tăng gần 12.000 ca/ngày. Nước này cũng ghi nhận thêm 194 ca tử vong.
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tới bệnh viện tại Moskva, Nga. Ảnh: AFP/TTXVN
Tại Pháp, chính phủ nước này thông báo bắt đầu áp dụng quy định yêu cầu thanh thiếu niên từ 12 tuổi trở lên trình chứng nhận y tế khi tới các địa điểm công cộng như nhà hàng, câu lạc bộ thể thao và rạp chiếu phim. Trong 2 tháng qua, người trưởng thành tại Pháp đã phải thực hiện quy định này. Pháp ban hành quy định nói trên nhằm bảo vệ các kết quả phòng chống dịch COVID-19 mà nước này đạt được trong bối cảnh có nhiều lo ngại khả năng số ca nhiễm mới gia tăng khi thời tiết lạnh hơn và có nhiều người tham gia các hoạt động ngoài trời hơn.
Trong khi đó, tại Tây Ban Nha, từ ngày 1/10 tới, các địa điểm thể thao ngoài trời được phép hoạt động hết công suất, trong khi các địa điểm thể thao trong nhà được phép phủ kín 80% khán đài. Người hâm mộ thể thao sẽ cần giữ khoảng cách 1,5 mét và đeo khẩu trang khi đến xem thi đấu, được phép uống nước nhưng không được mang đồ ăn hoặc hút thuốc lá.
Trong bối cảnh làn sóng dịch bệnh thứ 5 nhanh chóng qua đi trong khi tỷ lệ người tiêm chủng vaccine đạt hơn 77% dân số, chính quyền trung ương và các địa phương của Tây Ban Nha đã nhất trí cho phép các trung tâm thể thao ngoài trời được tăng số lượng người tham gia trong tháng 9 này. Đến nay, Tây Ban Nha ghi nhận hơn 4,95 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có 86.397 ca tử vong.
Tại vùng Caribe, các bãi biển và bể bơi ở thủ đô La Habana của Cuba, cũng như đại lộ El Malecon nổi tiếng ven biển, đã mở cửa trở lại sau 9 tháng đóng cửa do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Các bãi biển và bể bơi được phép hoạt động 50% công suất nhưng phải đảm bảo thực hiện tất cả các biện pháp phòng, chống dịch. Theo đó, tại các bể bơi và khu vực bãi biển, việc đeo khẩu trang là bắt buộc trừ khi bơi lội. Ngoài ra, chính quyền La Habana cũng cho phép người dân tập thể dục ở những nơi công cộng.
Giới chức Cuba cho biết nước này sẽ mở lại biên giới cho khách du lịch quốc tế từ ngày 15/11 và từng bước mở cửa lại trường học trong tháng 10 và tháng 11. Theo các phương tiện truyền thông nhà nước Cuba, nước này đã có thể mở cửa trở lại sau khi ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 liên tục giảm trong 8 tháng qua cũng như những tiến bộ trong chiến dịch tiêm chủng.
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em tại bệnh viện Juan Manuel Marquez ở La Habana, Cuba. Ảnh: AFP/TTXVN
Liên quan tới vaccine ngừa COVID-19, Liên minh châu Âu (EU) thông báo sẽ gia hạn cơ chế kiểm soát và có thể hạn chế việc xuất khẩu vaccine ngừa COVID-19 của khối này cho đến cuối năm 2021, thay vì hạn chót vào cuối tháng 9.
Trước đó hồi đầu tuần, Ủy ban châu Âu đã đề nghị gia hạn cơ chế trên. Ban đầu toàn bộ các nước thành viên EU không ủng hộ đề xuất này do chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19 được triển khai khá nhanh và không còn tình trạng thiếu vaccine như trong 6 tháng đầu năm. Tuy nhiên, do chưa chắc chắn về việc đảm bảo các mũi vaccine tăng cường trong bối cảnh các biến thể mới lây lan, nên các nước sẽ phải duy trì một số biện pháp kiểm soát xuất khẩu.
Thế giới có trên 194,3 triệu người mắc COVID-19 đã bình phục Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h00 (giờ Việt Nam) ngày 30/8, thế giới đã ghi nhận 217.415.551 ca mắc COVID-19, trong đó có 4.518.600 ca tử vong. Hiện 194.329.776 bệnh nhân đã bình phục và 18.567.175 bệnh nhân đang phải điều trị, trong số này 113.592 ca đang trong tình trạng nguy kịch. Nhân viên y tế điều trị cho bệnh...