Toàn thế giới đã vượt 489 triệu ca mắc COVID-19
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h00 ngày 1/4, thế giới đã ghi nhận tổng cộng 489.011.942 ca mắc COVID-19, trong đó có 6.168.476 ca tử vong.
Hiện trên 423,94 triệu người đã bình phục, tuy nhiên còn 57.539 ca đang phải điều trị tích cực.
Bảng yêu cầu người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Toronto, Canada. Ảnh: THX/TTXVN
Mỹ vẫn là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất thế giới, với trên 81,7 triệu ca mắc và trên 1 triệu ca tử vong. Ấn Độ đứng thứ hai về số ca nhiễm (trên 43 triệu ca) trong khi Brazil đứng thứ hai về số ca tử vong (659.860 ca). Châu Âu là khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất với trên 179,1 triệu ca mắc, trong đó có trên 1,7 triệu ca tử vong. Châu Á đứng thứ hai với trên 139,8 triệu ca mắc và trên 1,4 triệu ca tử vong. Khu vực Bắc Mỹ đã ghi nhận trên 96,5 triệu ca mắc và trên 1,4 triệu ca tử vong trong khi các con số này ở Nam Mỹ hiện là trên 56 triệu ca mắc và trên 1,2 triệu ca tử vong.
Ngày 1/4, giới chức y tế Thái Lan cho biết trong 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận 28.379 trường hợp mắc mới COVID-19 – con số thống kê theo ngày cao nhất từ trước đến nay, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này lên trên 3,65 triệu người. Theo Trung tâm Xử lý tình hình COVID-19 (CCSA) của Thái Lan, số ca mắc theo ngày ở nước này đã gia tăng trong 3 ngày liên tiếp. Riêng tại thủ đô Bangkok, đã có 3.350 ca mắc mới ghi nhận trong 24 giờ qua. Trong khi đó, nước này cũng có thêm 92 trường hợp tử vong do COVID-19 – con số ghi nhận theo ngày cao nhất trong hơn 5 tháng qua, nâng tổng số trường hợp tử vong do COVID-19 tại Thái Lan lên 25.222 người. Tính đến ngày 31/3, khoảng 72,3% trong tổng số gần 70 triệu dân của nước này đã được tiêm chủng đầy đủ, trong khi 34,1% đã được tiêm nhắc lại.
Cùng ngày, Malaysia đã mở cửa biên giới đón khách du lịch quốc tế, đồng thời bãi bỏ các hạn chế đã được áp dụng kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát vào năm 2020. Nước này đặt mục tiêu sẽ thu hút hai triệu lượt khách du lịch quốc tế trong năm nay với 8,6 tỷ ringgit (RM) doanh thu từ du lịch. Phát biểu với báo giới tại Sân bay Quốc tế Kuala Lumpur (KLIA) ngày 1/4 khi chào đón 220 hành khách đến Malaysia từ Abu Dhabi (Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất – UAE), Bộ trưởng Du lịch, Nghệ thuật và Văn hóa Malaysia Nancy Shukri khẳng định việc mở cửa biên giới trở lại sẽ mang lại sự phục hồi lớn cho ngành du lịch, đồng thời bày tỏ sự phấn khởi khi ví rằng ngày hôm nay giống như ngày lễ “Hari Raya” (lễ tết lớn nhất trong năm của người Hồi giáo).
Hành khách làm thủ tục tại sân bay quốc tế Changi, Singapore, ngày 1/4/2022. Ảnh: AFP/TTXVN
Singapore đã mở lại hoàn toàn các cửa khẩu cho tất cả du khách đã được tiêm vaccine phòng COVID-19 vào ngày 1/4, sau hai năm đóng cửa. Trước đây, chỉ những du khách từ một số nước mới có thể vào Singapore mà không cần kiểm dịch, nhưng từ ngày 1/4, tất cả những người đã được tiêm chủng chỉ cần có kết quả xét nghiệm COVID-19 âm tính là được nhập cảnh.
Ở chiều ngược lại, Chính phủ Lào đã ban hành một số quy định mới về phòng chống dịch COVID-19 trong bối cảnh số ca mắc mới trong ngày tại nước này vẫn ở mức cao. Theo đó, trong dịp đón Tết cổ truyền Boun Pimay, nước này chỉ cho phép tổ chức các hoạt động truyền thống như cúng lễ, tắm Phật và buộc chỉ cổ tay trong nội bộ gia đình trên tinh thần tiết kiệm; cấm tuyệt đối việc tập trung trong không gian chật hẹp, tạo điều kiện lây lan dịch bệnh trên diện rộng. Ngoài ra, phải thực hiện các quy định phòng dịch cơ bản như giữ khoảng cách, đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc nước diệt khuẩn….
Video đang HOT
Sau khi nhận định làn sóng gia tăng số ca mắc COVID-19 do biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 tại Hàn Quốc đã đạt đỉnh vào giữa tháng 3 vừa qua, chính phủ nước này quyết định nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội phòng dịch COVID-19 trong 2 tuần (tới ngày 17/4). Cụ thể, số người tối đa được phép có mặt cùng lúc tại các hoạt động cá nhân sẽ được nâng từ 8 lên 10 người, trong khi thời gian làm việc sẽ kéo dài thêm một giờ. Các nhà hàng, quán cà phê, cơ sở thể thao trong nhà và quán karaoke, cũng như các câu lạc bộ đêm sẽ được phép mở cửa đến nửa đêm. Theo Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc, mục đích của việc điều chỉnh quy định giãn cách xã hội là nhằm hỗ trợ hoạt động kinh doanh của các tiểu thương và đáp ứng mong đợi của người dân.
Bà Seiko Noda. Ảnh: Kyodo/TTXVN
Cũng trong ngày 1/4, Chính phủ Nhật Bản xác nhận bà Seiko Noda – Bộ trưởng phụ trách vấn đề bình đẳng giới và các chính sách cho trẻ em – đã nhiễm virus SARS-CoV-2. Đây là thành viên đương nhiệm đầu tiên trong nội các Nhật Bản bị mắc COVID-19. Trong khi đó, số ca nhiễm mới ở thủ đô Tokyo đang có xu hướng tăng trở lại. Ngày 1/4, thành phố này ghi nhận thêm 7.982 ca nhiễm mới, tăng 700 ca so với một tuần trước đó. Hiện dòng phụ BA.2 của biến thể Omicron đang nhanh chóng chiếm ưu thế trong số các ca nhiễm mới ở Tokyo. Trong tuần từ ngày 15 – 21/3, các ca nghi nhiễm BA.2 chiếm khoảng 52% trong tổng số ca mắc mới COVID-19 tại đây. Tình trạng tương tự cũng đang diễn ra tại phần lớn các tỉnh, thành khác ở Nhật Bản. Trong tuần từ ngày 25 đến 31/3, số ca nhiễm mới bình quân ở Nhật Bản là 45.345 ca, tăng 17% so với một tuần trước đó. Có tới 44 trong tổng số 47 tỉnh, thành ở Nhật Bản ghi nhận số ca nhiễm mới tăng hoặc đi ngang.
Trong khi đó, các trường học tại vùng thủ đô New Delhi của Ấn Độ đã nối lại hoàn toàn hoạt động dạy và học trực tiếp sau hơn hai năm chuyến sang hình thức trực tuyến do tác động của đại dịch COVID-19. Đây là lần đầu tiên 100% lớp học trực tiếp được mở lại kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát tại Ấn Độ. Các trường học ở New Delhi lần đầu tiên phải đóng cửa từ tháng 3/2020. Tiếp đó, tất cả các cơ sở giáo dục trên cả nước cũng tạm ngừng học trực tiếp, chuyển sang học trực tuyến. Trong hai năm qua, nhiều trường đã duy trì song song cả hai hình thức học và dạy.
Người dân chụp ảnh trước Đấu trường La Mã ở Rome, Italy. Ảnh: AFP/TTXVN
Tại châu Âu, Italy đã chính thức chấm dứt tình trạng khẩn cấp về đại dịch COVID-19 và có thể loại bỏ dần các biện pháp phòng chống dịch còn lại trong khoảng thời gian từ ngày 1/4 – 31/12. Theo các quy định mới, từ ngày 1/4, hệ thống 4 cấp dựa trên mã màu – trắng, vàng, cam và đỏ cho các khu vực không có rủi ro đại dịch, rủi ro thấp, trung bình và cao tương ứng – sẽ không còn được áp dụng. Điều này có nghĩa là các biện pháp còn lại sẽ được áp dụng trên toàn quốc, không phụ thuộc vào tình hình dịch tễ của các địa phương.
Các sân vận động và tất cả các công trình thể thao khác sẽ được phép hoạt động trở lại hết công suất, nhưng mọi người được yêu cầu phải có kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 48 giờ và phải đeo khẩu trang FFP2. Bên cạnh đó, chỉ những người mắc COVID-19 mới phải tự cách ly. Cho đến nay, Italy có khoảng 14,5 triệu ca mắc COVID-19 và hơn 159.000 ca tử vong. Gần 90% số người từ 12 tuổi trở lên đã được tiêm vaccine đủ liều và khoảng 38,8 triệu/59 triệu dân đã được tiêm liều vaccine tăng cường.
Toàn thế giới đã vượt 332 triệu ca mắc COVID-19
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h ngày 18/1 (theo giờ Việt Nam), trên thế giới có tổng cộng 332.086.308 ca mắc COVID-19 và 5.566.031 ca tử vong.
Số ca hồi phục là 269.346.703 ca.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Los Angeles, bang California, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN
Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19 với 67.631.191 ca mắc và 874.321 ca tử vong. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, trong tuần kết thúc ngày 9/1 vừa qua, các viện dưỡng lão ghi nhận trên 32.000 ca mắc mới, tăng gấp gần 7 lần so với cách đây 1 tháng. Ngoài ra, có tổng cộng 645 ca tử vong vì COVID-19 tại các viện dưỡng lão được ghi nhận trong cùng thời gian trên, tăng 30% so với tuần trước đó. Các chuyên gia y tế bày tỏ quan ngại rằng số ca tử vong có thể tiếp tục tăng khi biến thể Omicron đang lây lan nhanh trên cả nước.
Tại châu Âu, nhiều quốc gia ngày 18/1 tiếp tục ghi nhận số ca mắc mới trong ngày tăng cao nhất. Cụ thể, Nga có thêm 31.252 ca mắc mới COVID-19, mức cao nhất kể từ ngày 6/12/2021, nâng tổng số ca trên cả nước lên 10.865.512 ca, trong đó có 322.687 ca tử vong (sau khi có thêm 688 ca tử vong mới); Romania chứng kiến số ca mắc mới trong ngày cao nhất trong 3 tháng, với 16.760 ca ghi nhận ngày 18/1, tăng hơn gấp đôi so với 1 ngày trước và tiến gần đến mốc cao kỷ lục 18.863 ca hồi tháng 10/2021. Tuy nhiên số ca nhập viện vẫn tương đối thấp.
Tình hình cũng tương tự tại Bugaria khi quốc gia Đông Âu này ghi nhận số ca mới tăng đến mốc cao kỷ lục 9.996 ca, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại quốc gia này lên 830.604 ca. Mốc cao kỷ lục về số ca trong ngày trước đó là 7.062 ca vào ngày 12/1 vừa qua.
Còn CH Séc ghi nhận trên 20.000 ca mắc mới, mức cao nhất kể từ ngày 1/12/2021. Nước Trung Âu với 10,7 triệu dân này đang chống chọi với làn sóng dịch mới do biến thể Omicron bắt đầu khiến số ca mắc gia tăng. Chính phủ đã rút ngắn thời gian cách ly như một phần trong các biện pháp mới trong khi cũng bắt đầu xét nghiệm bắt buộc nhân viên các công ty trong tuần này.
Tại Pháp, số ca mắc COVID-19 nhập viện cũng tăng cao nhất kể từ tháng 11/2020 - trước khi chiến dịch tiêm phòng được triển khai tại nước này. Cụ thể, số ca mắc COVID-19 nhập viện đã tăng 888 ca lên 25.775 ca. Số lượng bệnh nhân COVID-19 điều trị trong bệnh viện cao nhất trước đó là trên 25.000 ca ghi nhận ngày 17/12/2020. Viện nghiên cứu Pasteur tuần trước cho biết đơn vị này từng dự báo số ca nhiễm biến thể Omicron sẽ tăng lên mức cao đỉnh điểm vào giữa tháng 1, kế đó số ca nhập viện sẽ lập đỉnh vào nửa cuối tháng này.
Chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới bệnh viện ở Warsaw, Ba Lan. Ảnh: AFP/TTXVN
Tại Ba Lan, làn sóng dịch COVID-19 thứ 5 đã bùng phát và giới chức y tế dự báo số ca mắc mới sẽ tăng lên mức cao đỉnh điểm vào giữa tháng 2 tới với khoảng 60.000 ca/ngày. Ba Lan ngày 18/1 ghi nhận thêm 10.445 ca mắc mới và 4 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số lên 4.323.482 ca mắc và 102.309 ca tử vong.
Tại Đông Nam Á, Lào ghi nhận thêm 733 ca mắc mới COVID-19 và 3 ca tử vong do COVID-19 trên cả nước; trong đó có 3 ca nhập cảnh. Đến nay, tổng số ca mắc COVID-19 tại Lào là 126.066 ca, trong đó có 500 ca tử vong. Bộ Y tế Lào kêu gọi người dân tiếp tục thận trọng và tuân thủ các quy định phòng dịch COVID-19, theo đó không tập trung đông người và tránh tiếp xúc gần, đeo khẩu trang đúng cách, rửa tay thường xuyên bằng nước rửa tay có cồn, hoặc xà phòng.
Thái Lan cũng ghi nhận thêm 6.397 ca mắc mới COVID-19 và 18 ca tử vong, nâng tổng số ca bệnh ở nước này kể từ đầu dịch tới nay, lên 2.337.811 ca, trong đó có 114.376 ca kể từ đầu năm nay. Đại dịch COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của 21.956 người ở Thái Lan, trong đó có 258 người kể từ đầu năm nay. Bộ Y tế Thái Lan cho biết sẽ hạ mức cảnh báo dịch COVID-19 cũng như xem xét nới lỏng thêm các hạn chế nhằm thúc đẩy kinh tế trong bối cảnh tỷ lệ lây nhiễm đang chậm lại.
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Bangkok, Thái Lan. Ảnh: THX/TTXVN
Malaysia ghi nhận thêm 2.342 ca mắc mới và 16 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số ca bệnh và tử vong ở nước này lần lượt là 2.810.689 ca và 31.809 ca. Bộ Y tế Malaysia thông báo từ ngày 19/1 sẽ mở cửa 4 trung tâm tiêm chủng ngừa COVID-19, tiêm mũi tăng cường cho người cao tuổi. Tính đến ngày 17/1, tỷ lệ người cao tuổi từ 60 tuổi trở lên được tiêm chủng tăng cường ở Selangor, Lãnh thổ Liên bang Kuala Lumpur và Putrajaya, Negeri Sembilan, Melaka, Penang cũng như Sarawak đã vượt mức 70%.
Cùng ngày, Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) thông báo nước này ghi nhận 4.072 ca mắc mới, trong đó có 3.763 ca trong nước, nâng tổng số ca mắc tại nước này lên 700.102 ca. Hàn Quốc cũng ghi nhận thêm 45 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số ca tử vong vì dịch bệnh lên 6.378 ca, theo đó tỷ lệ tử vong là 0,91%. Giới chức y tế nước này vẫn hết sức cảnh giác về khả năng gia tăng số ca mắc và biến thể Omicron lây lan mạnh trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.
Trong khi đó, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHS) thông báo Trung Quốc ghi nhận tổng cộng 171 ca mắc mới, giảm so với 223 ca một ngày trước đó. Tổng số ca mắc đã được ghi nhận trên toàn Trung Quốc đến nay là 105.258 ca. Trung Quốc hiện vẫn áp dụng các biện pháp phòng ngừa nghiêm ngặt ở trong nước, xét nghiệm hàng loạt và tăng cường truy vết thông qua các ứng dụng sức khỏe để nhanh chóng khoanh vùng ca lây nhiễm ngay khi phát hiện. Trong bối cảnh Olympic mùa Đông sắp diễn ra vào tháng 2 tới, giới chức Trung Quốc càng siết chặt hơn các biện pháp phòng dịch.
Tại Nhật Bản, số ca mắc mới COVID-19 trong ngày lần đầu vượt 26.000 ca, cao hơn mốc kỷ lục trước đó là 25.992 ca ghi nhận hồi tháng 8/2021. Chính quyền Tokyo ngày 18/1 xác nhận 5.185 ca mới, vượt mốc 5.000 ca lần đầu tiên kể từ ngày 21/8/2021 và tăng gấp 5 lần so với 1 tuần trước đó. Tỉnh Osaka cũng thông báo 5.395 ca mới, cao hơn nhiều mốc kỷ lục cũ là 3.760 ca hồi cuối tuần qua. Trong những tuần gần đây, các khu vực của Nhật Bản chao đảo khi số ca mắc COVID-19 cao kỷ lục do sự lây lan nhanh chóng của biến thể Omicron.
Các phương tiện xếp hàng tại điểm xét nghiệm COVID-19 ở Sydney, Australia. Ảnh: THX/TTXVN
Trong khi đó, Australia ghi nhận số ca tử vong do COVID-19 cao chưa từng có tại nước này, trong bối cảnh đợt bùng phát dịch do biến thể Omicron có tốc độ lây lan nhanh khiến tỷ lệ bệnh nhân nhập viện tăng lên các mốc kỷ lục, dù số ca mắc mới theo ngày giảm nhẹ.
Cụ thể, Australia có thêm 74 ca tử vong do COVID-19 tại 3 bang đông dân nhất cả nước là New South Wales, Victoria và Queensland. Con số này vượt mốc kỷ lục 57 ca ghi nhận vào ngày 13/1 vừa qua, nâng tổng số ca tử vong do COVID-19 trên cả nước lên 2.757 ca. Cùng ngày, có trên 67.000 ca mắc mới COVID-19 được ghi nhận tại 4 bang New South Wales, Victoria, Queensland và Tasmania, giảm đáng kể so với mốc 150.000 ca ghi nhận hôm 13/1 vừa qua. Tuy nhiên, các bang khác vẫn đang tiếp tục cập nhật số liệu trong ngày. Đến nay, Australia đã ghi nhận tổng cộng khoảng 1,6 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có tới 1,3 triệu ca được ghi nhận chỉ trong 2 tuần gần đây.
Thế giới có trên 481,5 triệu ca mắc COVID-19 Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h ngày 27/3 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng 481.575.922 ca mắc COVID-19, trong đó 6.147.254 ca tử vong. Nhân viên y tế xét nghiệm COVID-19 cho học sinh tại thành phố Thượng Hải, Trung Quốc ngày 14/3/2022. Ảnh: THX/TTXVN Hiện đã có 415.849.617 ca bình phục và 59.581.503 ca đang phải điều...