Toàn thế giới đã ghi nhận 91.459.410 ca nhiễm virus SARS-CoV-2
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h ngày 12/1 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 91.459.410 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 1.956.575 ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh là 65.448.821 người.
Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Aachen, tây Đức. Ảnh: AFP/TTXVN
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 385.464 ca tử vong trong tổng số 23.152.069 ca nhiễm. Tiếp đó là Ấn Độ với 151.389 ca tử vong trong số 10.485.420 ca bệnh. Brazil đứng thứ 3 với 203.617 ca tử vong trong số 8.133.833 bệnh nhân.
Xét tỷ lệ dân số, Bỉ là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, theo đó cứ 100.000 người dân thì có 174 người tử vong. Tiếp đến là Slovenia với 145 người và Bosnia-Herzegovina với 133 người.
Xét theo khu vực, châu Âu đang là tâm dịch của thế giới với trên 29,1 triệu người mắc COVID-19, trong đó có trên 626.200 ca tử vong. Tiếp đến là các nước Mỹ Latinh và Caribe, với trên 532.700 ca tử vong trong trên 16,5 triệu ca nhiễm. Bắc Mỹ có trên 393.300 ca tử vong trong trên 23,2 triệu ca nhiễm. Châu Á ghi nhận trên 226.500 ca tử vong trong trên 14,3 triệu ca nhiễm. Trung Đông có trên 92.200 ca tử vong, châu Phi có trên 73.400 ca tử vong, trong khi số người không qua khỏi ở châu Đại Dương là 945 người.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Delhi, Ấn Độ. Ảnh: THX/TTXVN
Tại châu Á, Ấn Độ thông báo ghi nhận 12.584 ca mắc mới COVID-19 trong 24 giờ qua – mức thấp nhất được ghi nhận trong vòng 7 tháng trở lại đây. Như vậy, đến nay nước này đã ghi nhận tổng cộng 10,48 triệu ca mắc COVID-19 trên cả nước, trong đó có 151.327 ca tử vong. Tuy nhiên, số ca mắc tại Ấn Độ đang tiếp tục giảm mạnh, đến nay chỉ còn 216.558 ca, tỷ lệ phục hồi lên tới 96,48%, trong khi tỷ lệ tử vong giảm xuống còn 1,44%.
Trong chiều hướng ngược lại, Indonesia ngày 12/1 thông báo ghi nhận thêm 302 ca tử vong do mắc COVID-19. Đây là số ca tử vong cao nhất từ trước đến nay được ghi nhận ở quốc gia Đông Nam Á này trong 1 ngày. Cũng trong 24 giờ qua, Indonesia có thêm 10.047 ca nhiễm mới – mức cao thứ 2 trong một ngày từ trước đến nay. Như vậy, tính đến nay, đã có tổng cộng 846.765 ca mắc COVID-19, trong đó 24.645 ca tử vong tại quốc gia Đông Nam Á này.
Israel cũng đã ghi nhận số ca nhiễm mới ở mức cao chưa từng thấy trong ngày 12/1, với 74.639 ca. Số ca nhiễm mới tại Israel lên mức cao nhất trong bối cảnh nước này áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc vào ngày 27/12/2020 và siết chặt biện pháp này vào ngày 8/1 vừa qua. Tính đến nay, Israel ghi nhận tổng cộng 504.269 ca mắc COVID-19, trong đó có 3.704 ca không qua khỏi. Israel đã bắt đầu tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cho người dân vào ngày 20/12/2020. Đến nay, đã có 1.854.055 triệu người được tiêm vaccine, chiếm 20% dân số.
Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Ramat Gan, Israel. Ảnh: THX/TTXVN
Video đang HOT
Malaysia ghi nhận 3.309 ca nhiễm mới trong ngày 12/1, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 141.533 ca. Đây là số ca nhiễm mới cao nhất theo ngày kể từ khi đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 bùng phát tại Malaysia, trong đó có tới 3.303 ca là lây nhiễm trong cộng đồng. Số ca tử vong đã tăng thêm 4 ca lên 559 ca. Bộ trưởng Nội vụ Malaysia Hamzah Zainudin đã dương tính với virus SARS-CoV-2 gây COVID-19. Đây là quan chức cấp cao thứ 3 của Malaysia mắc COVID-19 trong những ngày gần đây.
Trước đó, Quốc vụ khanh về các vấn đề kinh tế Malaysia Mustapa Mohamed và Bộ trưởng Bộ Phụ nữ, gia đình và phát triển cộng đồng Rina Harun đã dương tính với virus SARS-CoV-2. Quốc vương Malaysia đã ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia nhằm ứng phó đại dịch COVID-19 đang có chiều hướng ngày càng nghiêm trọng, khi số ca nhiễm mới tăng nhanh đe dọa toàn bộ hệ thống chăm sóc y tế của quốc gia Đông Nam Á này. Lệnh tình trạng khẩn cấp này sẽ kéo dài đến ngày 1/8 và có thể dỡ bỏ sớm nếu số ca nhiễm mới giảm. Theo Hiến pháp Malaysia, các phiên họp quốc hội và các hoạt động chính trị tại nước này đều tạm ngừng trong thời gian lệnh có hiệu lực.
Giới chức y tế Đài Loan (Trung Quốc) ngày 12/1 xác nhận 2 ca mắc COVID-19 mới trong cộng đồng. Đây là những ca bệnh trong cộng đồng đầu tiên được ghi nhận tại vùng lãnh thổ này kể từ ngày 22/12/2020 vừa qua. Tới nay, Đài Loan ghi nhận tổng cộng 839 ca mắc COVID-19, trong đó có 7 ca tử vong và hiện 101 ca vẫn đang được điều trị.
Tại châu Âu, Văn phòng Tổng thống Bồ Đào Nha thông báo Tổng thống Marcelo Rebelo de Sousa đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2, song đến nay chưa có triệu chứng bệnh. Theo văn phòng trên, hiện vị tổng thống 72 tuổi này đang tự cách ly tại Dinh Tổng thống ở Belem và đã hủy toàn bộ chương trình làm việc trong vài ngày tới.
Chính phủ Anh thông báo bắt đầu từ 4h00 ngày 15/1 theo giờ GMT (tức 11h00 cùng ngày theo giờ Việt Nam), người từ nước ngoài nhập cảnh vùng England sẽ phải trình kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 cách thời điểm khởi hành 3 ngày. Quy định mới được thông báo trong bối cảnh nhà chức trách Anh đang tăng cường các biện pháp nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2.
Bảng khuyến cáo người dân nên ở trong nhà để phòng lây nhiễm COVID-19 tại bến xe buýt ở London, Anh, ngày 10/1/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Hoạt động đi lại ra và vào nước Anh hiện ở mức rất thấp do các biện pháp phong tỏa. Theo quy định mới, các hãng vận tải cần kiểm tra và đảm bảo hành khách có xét nghiệm âm tính trước khi lên máy bay, tàu hỏa hoặc tàu thủy và sẽ có các điểm kiểm tra khi nhập cảnh. Mức phạt sẽ từ 500 bảng Anh (hơn 677 USD) đối với các hành khách và các hãng vận tải không tuân thủ quy định.
Nga cũng tuyên bố gia hạn lệnh tạm dừng khai thác các chuyến bay đến và đi từ Anh, sau khi giới chức nước này xác nhận có ca nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2 phát hiện đầu tiên ở Anh. Nga thực thi biện pháp tạm dừng giao thông hàng không với Anh từ cuối tháng 12/2020. Quyết định mới gia hạn biện pháp này tới ngày 1/2/2021. Moskva cho biết quyết định trên nhằm ngăn chặn nguy cơ biến thể mới xâm nhập và lây lan trong nước.
Liên quan vaccine ngừa COVID-19, Liên minh châu Âu (EU) ngày 12/1 đã kết thúc đàm phán sơ bộ với hãng dược phẩm Valneva của Pháp để mua 60 triệu liều vaccine của hãng này. Valneva là hãng dược phẩm thứ 8 mà EU đàm phán để mua vaccine ngừa COVID-19. EU cũng đã ký hợp đồng với 6 công ty nhằm đảm bảo việc có được gần 2,3 tỷ liều vaccine để tiêm cho người dân.
Tại châu Mỹ, thêm 2 nghị sĩ Mỹ đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Trong một phát biểu đăng trên Twitter, Hạ nghị sĩ thuộc đảng Dân chủ Pramila Jayapal cho biết bà đã làm xét nghiệm COVID-19 sau khi bị mắc kẹt trong một căn phòng với các nghị sĩ khác khi vụ bạo loạn xảy ra tại Đồi Capitol trong ngày 6/1 vừa qua. Kết quả là bà đã mắc COVID-19. Bà Jayapal đang tự cách ly. Trong tuyên bố, bà cũng đã chỉ trích các thành viên đảng Cộng hòa không chịu áp dụng biện pháp tối thiểu đề phòng COVID-19 là đeo khẩu trang tại nơi đông người. Tương tự, Hạ nghị sĩ đảng Dân chủ Bonnie Watson Coleman cũng thông báo có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-COV-2. Bà Coleman cho rằng đã mắc COVID-19 trong thời gian trú ẩn trong tòa nhà Quốc hội Mỹ với các đồng nghiệp không đeo khẩu trang khi cuộc biểu tình bạo loạn nổ ra tại Đồi Capitol.
Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden được tiêm liều vaccine ngừa COVID-19 thứ hai tại Newark, bang Delaware ngày 11/1/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Chính quyền các bang ở Mỹ đang gấp rút đẩy nhanh chương trình tiêm vaccine ngừa COVID-19. Trung bình mỗi ngày Mỹ có 3.000 người tử vong vì căn bệnh này. Tuy nhiên, tiến độ triển khai tiêm chủng khá chậm chạp. Theo số liệu chính thức, hơn 25,5 triệu liều vaccine COVID-19 đã được chuyển tới các bệnh viện, cơ sở y tế và trung tâm dưỡng lão trên cả nước, nhưng hiện chỉ có khoảng 9 triệu người được tiêm chủng.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Colombia Claudia Blum cũng đã có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2. Bà đã tự thực hiện cách ly phòng ngừa sau khi tiếp xúc với một trường hợp mắc COVID-19. Ngoại trưởng Blum khẳng định sức khỏe của bà hiện ổn định, bà sẽ tiếp tục làm việc tại nhà và tuân thủ phác đồ điều trị của các bác sĩ. Đến nay, Colombia ghi nhận tổng cộng hơn 1,8 triệu người mắc COVID-19 kể từ khi phát hiện ca bệnh đầu tiên hồi tháng 3/2020, trong đó có 46.451 ca tử vong. Số bệnh nhân COVID-19 ở Colombia hiện cao thứ hai tại khu vực Mỹ Latinh, sau Brazil.
Tại châu Phi, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa quyết định gia hạn các biện pháp hạn chế đang được áp dụng từ ngày 28/12/2020, đồng thời siết chặt hạn chế đi lại tại khu vực biên giới trong bối cảnh số ca nhiễm mới tại quốc gia châu Phi này tăng đột biến thời gian gần đây do sự xuất hiện biến thể của SARS-CoV-2. Theo quy định hiện hành, Nam Phi cấm bán rượu và tụ tập đông người, đóng cửa toàn bộ công viên và áp đặt lệnh giới nghiêm từ 21h00. Hoạt động đi lại tại 20 cửa khẩu của Nam Phi sẽ bị hạn chế cho đến giữa tháng 2 tới, trừ hoạt động đi lại vì lý do học tập hay khám chữa bệnh và vận tải hàng hóa thiết yếu như xăng dầu. Tính đến nay, Nam Phi đã ghi nhận hơn 1,2 triệu ca nhiễm, chiếm 40% trong tổng số 3 triệu ca nhiễm toàn châu Phi.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Beirut, Liban. Ảnh: THX/TTXVN
Chính phủ Liban cũng thông báo áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc trong 11 ngày, đồng thời đưa ra các hạn chế đi lại mới ngằm kiềm chế số ca nhiễm mới gia tăng. Theo lệnh mới, người dân nước này bị cấm ra đường từ 5h00 sáng 14/1 đến 5h00 sáng 25/1. Tất cả người dân phải ở trong nhà, ngoại trừ một số người làm trong các lĩnh vực đặc thù như chuyên gia y tế, nhà báo, người làm trong lĩnh vực cung cấp thực phẩm và một số ngành thiết yếu. Toàn bộ biên giới trên bộ và trên biển đều đóng cửa, trừ các trường hợp có thị thực quá cảnh còn giá trị.
Trong khi đó, giới chức Malawi thông báo Bộ trưởng Giao thông và Các công trình công cộng Sidik Mia và Bộ trưởng Chính quyền địa phương Lingson Berekanyama của nước này đều đã tử vong do COVID-19, sau khi được xác nhận mắc bệnh vào tuần trước.
Số ca tử vong do COVID-19 tại Đức và Bỉ lần lượt vượt ngưỡng 40.000 ca và 20.000 ca
Bất chấp chương trình tiêm chủng vaccine phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang được đẩy mạnh, tình hình dịch bệnh dường như chưa có dấu hiệu cải thiện khi các nước châu Âu tiếp tục ghi nhận số ca mắc và tử vong tăng mạnh.
Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Aachen, miền Tây Đức. Ảnh: THX/TTXVN
Ngày 10/1, viện dịch tễ Robert Koch (RKI) của Đức thông báo kể từ khi dịch bùng phát tới nay, nước này đã ghi nhận trên 40.000 ca tử vong. Theo đó, trong 24 giờ qua, Đức ghi nhận thêm 465 ca tử vong, nâng tổng số trường hợp không qua khỏi lên 40.343 người. Cho tới nay đã có tổng cộng trên 1,9 triệu ca mắc được ghi nhận tại Đức, với gần 17.000 ca mắc mới từ ngày 9/1.
Trong thông điệp hằng tuần, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng số liệu thống kê trên chưa phản ánh đầy đủ tác động của việc người dân gặp gỡ, giao lưu trong dịp lễ Giáng sinh và Năm mới. Bà cảnh báo những tuần tới sẽ là "giai đoạn khó khăn nhất của đại dịch", khi nhiều bác sĩ và nhân viên y tế đều trong tình trạng làm việc quá tải.
Đức được xem là một trong số ít quốc gia châu Âu chống dịch hiệu quả trong làn sóng dịch COVID-19 đầu tiên vào mùa xuân năm ngoái, song đã bị "hụt hơi" trong việc ứng phó làn sóng dịch thứ hai. Quốc gia với khoảng 83 triệu dân này đã áp đặt thêm các biện pháp chống dịch, theo đó hạn chế các tiếp xúc xã hội và hỗ trợ các bệnh viện ứng phó với sự gia tăng số bệnh nhân nhập viện. Hiện có trên 5.000 bệnh nhân mắc COVID-19 đang được điều trị tại các bộ phận chăm sóc tích cực trên toàn quốc.
Đức đã đóng cửa các trường học và cửa hàng kinh doanh mặt hàng không thiết yếu, các cơ sở văn hóa và giải trí cho tới ít nhất ngày 31/1 với hy vọng khống chế được đà lây lan của dịch bệnh.
Tương tự các nước khác trong Liên minh châu Âu (EU), Đức đã bắt đầu triển khai tiêm đại trà vaccine phòng COVID-19 của hai hãng dược phẩm Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) vào cuối tháng 12 năm ngoái. Tới nay đã có trên 500.000 người được chủng ngừa. Thủ tướng Merkel thừa nhận chiến dịch tiêm phòng vaccine khởi đầu chậm, song sẽ tăng tốc. Chính phủ cam kết sẽ đảm bảo có đủ vaccine cho mọi người tại Đức.
* Trong khi đó, Viện Y tế quốc gia Bỉ (Sciensano) thông báo số ca tử vong do COVID-19 tại nước này cũng đã vượt 20.000 ca trong ngày 10/1, với hơn một nửa số ca tập trung tại các cơ sở dưỡng lão. Tới nay, quốc gia với 11,5 triệu dân này đã ghi nhận tổng cộng 662.694 ca mắc và 20.038 ca tử vong.
Đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại bến xe buýt ở Brussels, Bỉ. Ảnh: THX/TTXVN
Số ca tử vong do COVID-19 tại các cơ sở dưỡng lão ở Bỉ đã lên tới 10.270 ca vào ngày 18/12/2020. Trong làn sóng dịch đầu tiên, Sciensano đã báo cáo trên 250 người tử vong mỗi ngày với mức đỉnh điểm 322 người vào ngày 8/4/2020. Số ca tử vong có chiều hướng giảm vào mùa hè song sau đó đã bắt đầu tăng trở lại vào tháng 10/2020 với 218 ca tử vong được ghi nhận vào ngày 10/11/2020. Tuần trước, số ca tử vong trung bình được ghi nhận ở mức 58 ca/ngày với khoảng 1.780 ca mắc.
* Tại Anh, Bộ trưởng Y tế nước này Matt Hancock cùng ngày cho biết nước này đã thực hiện tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho 200.000 người/ngày và đang hướng tới mục tiêu chủng ngừa 2 triệu người/tuần. Ông cũng cho biết trong tuần này, Anh sẽ mở cửa các trung tâm tiêm chủng hàng loạt. Theo trang worldometers.info, tới nay, Anh đã ghi nhận 80.868 ca tử vong trong tổng số 3.017.409 ca mắc.
* Nga ngày 10/1 thông báo có thêm 22.851 ca mắc mới COVID-19, trong đó có 4.216 ca tại thủ đô Moskva, nâng tổng số ca mắc tại nước này lên 3.401.954 ca, cao thứ tư thế giới. Ngoài ra, nước này cũng ghi nhận thêm 456 ca tử vong do COVID-19 trong 24 giờ qua, đưa số trường hợp không qua khỏi lên 61.837 trường hợp.
Hàn Quốc: Hợp tác liên Triều cần tìm mô hình như ECSC Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Lee In-young ngày 4/12 cho biết Hàn Quốc và Triều Tiên cần tìm những cách thức sáng tạo để xây dựng hòa bình và thịnh vượng như Cộng đồng Than Thép châu Âu (ECSC) từng đưa châu Âu đến thống nhất "vượt qua rào cản của hệ tư tưởng và biên giới". Bộ trưởng Thống nhất Hàn...