Toàn thế giới đã ghi nhận 247,6 triệu ca nhiễm SARS-CoV-2
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h ngày 1/11 (giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận 247,6 triệu ca nhiễm SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 5,01 triệu người không qua khỏi.
Số bệnh nhân bình phục hiện đã lên tới 224,25 triệu người.
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Moskva, Nga, ngày 20/10/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Châu Á là khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch COVID-19 với 79,41 triệu ca, tiếp đến là châu Âu với 64,63 triệu ca. Bắc Mỹ ghi nhận 56,24 triệu ca, Nam Mỹ gần 38,42 triệu ca, tiếp đến là châu Phi (8,57 triệu ca) và châu Đại Dương (312.267 ca).
Ngày 1/11 đánh dấu một loạt nước châu Á mở cửa trở lại và tiếp tục thực hiện nới lỏng các hạn chế sau khi đã đạt được những tiến bộ nhất định trong chương trình tiêm vaccine phòng COVID-19, cùng với đó là quy trình chuẩn bị và những điều kiện đi kèm để giảm thiểu nguy cơ tái bùng phát dịch bệnh.
Từ ngày 1/11, Thái Lan cho phép du khách quốc tế đã tiêm vaccine phòng COVID-19 từ 46 quốc gia và vùng lãnh thổ nhập cảnh mà không cần cách ly. Thủ tướng Campuchia Samdec Techo Hun Sen tuyên bố quốc gia này mở cửa trở lại hoàn toàn trong mọi lĩnh vực từ ngày 1/11 và đã sẵn sàng cho một cách sống mới.
Du khách nước ngoài tới sân bay Phuket, Thái Lan, ngày 1/11/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Campuchia sẽ áp dụng mô hình thử nghiệm mở cửa du lịch “cơ chế hộp cát” – cho phép du khách đến thành phố Sihanoukville, đảo Koh Rong (tỉnh Sihanoukville) và Dara Sakor (tỉnh Koh Kong) kể từ ngày 30/11 tới mà không cần cách ly, như là bước đi đầu tiên trong chiến lược tổng thể từng bước mở cửa trở lại đón khách quốc tế.
Chính phủ Hàn Quốc lấy thời điểm ngày 1/11 để bắt đầu thực hiện kế hoạch 3 giai đoạn nhằm khôi phục hoàn toàn cuộc sống thường nhật. Theo đó, giai đoạn 1 sẽ nới lỏng hạn chế thời gian hoạt động của các cơ sở kinh doanh. Giai đoạn 2, chính phủ sẽ cho phép tổ chức sự kiện quy mô lớn, và tiến tới dỡ bỏ hoàn toàn hạn chế số người tụ tập trong giai đoạn 3.
Cùng ngày, người dân Australia cũng trải qua những cảm xúc đặc biệt khi nước này mở lại biên giới quốc tế sau gần 600 ngày đóng cửa. Sau hơn 18 tháng tuân thủ những biện pháp bảo vệ biên giới nghiêm ngặt nhất, hàng triệu người dân Australia hiện có thể tự do đi lại mà không cần giấy phép hay cần phải cách ly khi đến nước này.
Thủ tướng Australia Scott Morrison khẳng định đây là một ngày đặc biệt, đồng thời khẳng định nước này đã “sẵn sàng để cất cánh”. Kế hoạch ban đầu sẽ giới hạn với công dân Australia, các thường trú nhân và gia đình trước khi mở rộng ra với du khách và lao động quốc tế.
Video đang HOT
Người dân tập trung tại khu mua sắm Nakamise ở Tokyo, Nhật Bản, ngày 30/10/2021, sau khi các biện pháp hạn chế phòng dịch COVID-19 được nới lỏng. Ảnh: Kyodo/ TTXVN
Chính phủ Nhật Bản ngày 1/11 công bố quyết định nới lỏng quy định về hạn chế số người tham gia các sự kiện quy mô lớn như các giải đấu thể thao chuyên nghiệp, các buổi hòa nhạc đã được áp dụng tại 27/47 tỉnh.
Theo quyết định trên, số người được phép tham gia các sự kiện tập trung trung đông người là 5.000 người, hoặc tương ứng 50% sức chứa tại nơi diễn ra sự kiện, thay vì 1.000 người theo quy định cũ. Quy định mới này có hiệu lực tại thủ đô Tokyo và các vùng khác mà trước tháng 10 vẫn đang phải áp đặt tình trạng khẩn cấp hoặc một phần khẩn cấp. Tuy nhiên, chính quyền các tỉnh có thể chủ động và linh hoạt trong việc thực hiện các quy định nới lỏng hạn chế tùy theo tình hình dịch bệnh thực tế tại các địa phương.
Chính phủ Indonesia ngày 1/11 quyết định nới lỏng các điều kiện đi lại bằng máy bay, theo đó hủy bỏ yêu cầu trình kết quả xét nghiệm PCR đối với các hành khách.
Ở Trung Đông, Israel, một trong những quốc gia tiêm phòng sớm và nhanh nhất trên thế giới, từ ngày 1/11 cũng mở cửa trở lại biên giới cho khách du lịch đã tiêm vaccine, với điều kiện những du khách đó không đến từ các quốc gia thuộc nhóm “đỏ” về dịch bệnh trong vòng 2 tuần trước khi tới Israel. Đây là ngày đầu tiên Israel mở cửa đón du khách đã tiêm phòng kể từ khi dịch bùng phát hồi tháng 3/2020.
Du khách phải được tiêm phòng đầy đủ với 1 trong 8 loại vaccine mà Israel phê chuẩn gồm vaccine của các hãng Sinopharm, Sinovac, Moderna, Pfizer, Janssen, AstraZeneca, Covishield (vaccine của AstraZeneca được sản xuất tại Viện Huyết thanh Ấn Độ) và Sputnik-V của Nga. Những người đã hồi phục cũng được phép nhập cảnh Israel nếu có chứng nhận kỹ thuật số về tình trạng bệnh. Ngoài ra, mọi du khách đều phải cung cấp giấy xét nghiệm âm tính thực hiện trong 72 giờ trước khi đến Israel và được xét nghiệm khi đến, cách ly trong vòng 24 giờ chờ đợi kết quả.
Những diễn biến trên là một phần trong nỗ lực của các nước nhằm khôi phục kinh tế, đặc biệt là ngành du lịch, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hoành hành gần 2 năm qua đã đẩy ngành du lịch toàn cầu rơi vào khủng hoảng.
Trong khi đó, dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp tại châu Âu. Ngày 1/11, Cơ quan liên bang về phòng chống dịch bệnh của Nga cho biết trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 40.402 ca mắc mới COVID-19, nâng tổng số ca mắc trên cả nước lên hơn 8,5 triệu ca. Đây là ngày thứ 3 liên tiếp số ca mắc mới tại Nga vượt trên 40.000.
Cũng trong 24 giờ qua, Nga ghi nhận 1.155 ca tử vong vì COVID-19, nâng tổng số ca tử vong trên cả nước lên 239.693 ca. Trong khi đó, số người bình phục và đủ điều kiện xuất viện là 23.187 người. Như vậy, số người đã khỏi bệnh hiện chiếm 86,3% tổng số ca mắc.
Cùng ngày, giới chức Nga nhận định đội ngũ bác sĩ tại nước này đang đứng trước áp lực vô cùng lớn do số các ca mắc COVID-19 tăng mạnh. Đáng chú ý, thủ đô Moskva đã phải áp đặt lệnh phong tỏa trong dịp nghỉ lễ quốc gia từ 28/10-7/11 nhằm ngăn chặn dịch bệnh diễn biến phức tạp. Theo đó, hầu hết các hoạt động kinh doanh và các dịch vụ không thiết yếu đều phải tạm ngừng hoạt động.
Tại Pháp, giới chức y tế thông báo số lượng bệnh nhân nhập viện vì COVID-19 đã tăng 48 người trong 24 giờ qua lên 6.572 người. Đây là mức tăng cao nhất trong một ngày kể từ ngày 6/9.
Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua là 6.329 ca, tăng 26,5% so với một tuần trước, nâng tổng số ca lên 7.17 triệu ca. Cũng theo ghi nhận, số ca nhiễm mới trung bình trong 7 ngày qua tại Pháp ở mức 5.858 ca và là mức cao ghi nhận trong 5 tuần gần đây.
Ngoài ra, số bệnh nhân COVID-19 phải điều trị tích cực tăng 7 trường hợp trong 24 giờ qua lên 1.046 người. Trong khi đó, với thêm 12 ca không qua khỏi, tổng số ca tử vong vì COVID-19 tại Pháp hiện tăng lên thành 117.755 ca.
Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân COVID-19 tại một bệnh viện ở Magdeburg, Đức. Ảnh: AFP/TTXVN
Tại Đức, trước tình hình dịch bệnh đang có dấu hiệu bùng phát trở lại nhanh chóng, Chủ tịch Hiệp hội y tế Đức Klaus Reinhardt kêu gọi cần phải tăng cường biện pháp kiểm soát phòng dịch hơn nữa.
Ông Klaus đề xuất 3 điểm gồm áp dụng quy tắc 2G (những người đã tiêm chủng hoặc đã bình phục) trong phần lớn các địa điểm đông người như bảo tàng, nhà hàng, siêu thị; áp dụng quy tắc 3G (những người đã tiêm chủng, đã bình phục hoặc có xét nghiệm âm tính) tại nơi làm việc; và tăng cường xét nghiệm đối với nhóm người già, người dễ bị tổn thương hoặc làm việc tại những nơi có nguy cơ lây nhiễm cao. Ngoài ra, ông cũng ủng hộ việc kích hoạt trở lại các trung tâm tiêm chủng tập trung để có thể đẩy mạnh chiến dịch tiêm tăng cường mũi vaccine thứ 3 cho tất cả những người đã được tiêm.
Trước đó, phát biểu sau Hội nghị thượng đỉnh G20, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết tình hình dịch bệnh hiện tại “rất đáng lo ngại” và cần phải nhanh chóng hành động. Bà nhấn mạnh chính phủ liên bang và chính quyền các bang sẽ phải cùng nhau thảo luận về các biện pháp tiếp theo để ngăn chặn đại dịch cũng như tình trạng quá tải của hệ thống y tế.
Thế giới đã ghi nhận trên 245,5 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h00 ngày 27/10, thế giới đã ghi nhận tổng cộng 245.548.901 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 4.983.723 ca tử vong.
Hiện có 222.553.453 người đã khỏi bệnh. Trong số 18.011.725 ca đang điều trị, có 75.614 ca đang trong tình trạng nguy kịch.
Nhân viên y tế chuyển thi thể bệnh nhân COVID-19 tại Brooklyn, New York, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
Mỹ, Ấn Độ và Brazil là 3 nước bị ảnh hưởng nhất thế giới, với số ca nhiễm lần lượt là trên 46,5 triệu ca, trên 34,2 triệu ca và trên 21,7 triệu ca. Xét về số ca tử vong, Mỹ đứng đầu thế giới với 760.080 ca, tiếp đó là Brazil với 606.293 ca và Ấn Độ với 456.354 ca.
Tại châu Á, Lào vẫn ghi nhận số ca mắc mới ở mức cao. Bộ Y tế Lào nước này ghi nhận 733 ca mắc mới, trong đó có tới 731 ca cộng đồng ghi nhận tại 12 tỉnh, thành, còn lại là các ca nhập cảnh được cách ly ngay. Như vậy, đến nay, tổng số ca tại Lào là 37.751 ca. Có thêm 3 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong từ đầu dịch lên 59 ca. Tính riêng từ đầu tháng 10 đến nay, Lào đã ghi nhận 41 ca tử vong do COVID-19 và hầu hết đều là người cao tuổi, có bệnh lý nền và chưa được tiêm vaccine. Trước bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhà chức trách một số tỉnh ở Lào đã chỉ thị tiếp tục phong tỏa và cấm đi lại, trong đó có tỉnh Khammuan, Bokeo, tỉnh Bolikhamxay...
Cùng ngày, Bộ Y tế Campuchia cho biết nước này có 111 ca mắc mới, trong đó có 11 ca nhập cảnh. Ngoài ra, nước này ghi nhận thêm 7 ca tử vong, trong đó có 6 ca chưa tiêm phòng vaccine ngừa COVID-19. Sau 27 ngày "bình thường mới" với số ca mắc mới ở mức thấp và hiện ở mức hơn 100 ca/ngày, Campuchia đang xem xét mở cửa hoàn toàn nền kinh tế - xã hội.
Trong động thái mới nhất nhằm từng bước mở cửa du lịch cho khách quốc tế, Bộ Du lịch Campuchia ngày 26/10 đã thông báo từ ngày 30/11 tới sẽ chính thức triển khai "cơ chế hộp cát" cho phép miễn cách ly đối với những du khách quốc tế đã tiêm đủ liều vaccine tới Sihanoukville, đảo Koh Rong và khu nghỉ dưỡng Dara Sakor Resort ở tỉnh Koh Kong. "Cơ chế hộp cát" sau đó sẽ được áp dụng sang tỉnh Siem Reap, nơi có quần thể Di sản văn hóa thế giới Angkor, kể từ tháng 1/2022. Theo Bộ Du lịch Campuchia, "Gói du lịch an toàn miễn cách ly" sẽ được áp dụng cho những du khách đặt trước ít nhất 5 ngày nghỉ tại những địa điểm nói trên, sau đó họ được phép đi tới bất cứ nơi nào tại Campuchia nếu như xét nghiệm âm tính.
Vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer-BioNTech. Ảnh: AFP/TTXVN
Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng và Giao thông Hàn Quốc (MOLIT) cho biết bắt đầu từ tháng 11 tới, các sân bay thuộc các tỉnh thành trên cả nước sẽ tái khởi động các chuyến bay quốc tế trong bối cảnh tỷ lệ tiêm chủng tăng cao. Quyết định này được đưa ra ngay sau khi chính phủ Hàn Quốc công bố lộ trình 3 giai đoạn tiến tới "sống chung với COVID-19".
Theo thông cáo báo chí của MOLIT, Chính phủ Hàn Quốc sẽ dần dần nới lỏng những hạn chế đối với các chuyến bay quốc tế, vốn được áp dụng từ tháng 4/2020 nhằm ngăn chặn đại dịch COVID-19, đồng thời nối lại các dịch vụ bay quốc tế một cách thường xuyên kể từ tháng 11 tới dành cho những người đã được tiêm phòng đầy đủ hoặc có chứng nhận miễn cách ly. Theo đó, người nước ngoài và người Hàn Quốc ở nước ngoài có thể sử dụng các chuyến bay quốc tế nếu đã được tiêm chủng đầy đủ các loại vaccine của các hãng Pfizer, Moderna, AstraZeneca, Johnson & Johnson 2 tuần trước thời điểm bay. Những người thuộc diện được miễn cách ly cũng có thể đến Hàn Quốc sau khi nhận được giấy chứng nhận miễn cách ly do cơ quan đại diện ngoại giao của Hàn Quốc ở nước ngoài cấp để nhập cảnh khẩn cấp hoặc với các lý do khác như công vụ, kinh doanh, học tập, hoặc nhân đạo.
Tại châu Âu, Anh ghi nhận 43.941 ca nhiễm mới và 207 ca tử vong. Trong khi đó, các nước khu vực Đông Âu chứng kiến số ca mắc và tử vong tăng vọt. Hungary ghi nhận 3.125 ca mắc mới, mức tăng hàng ngày cao nhất được ghi nhận kể từ tháng 4. Chính phủ Hungary đã kêu gọi người dân tích cực đi tiêm vaccine ngừa COVID-19, vốn đã được triển khai trên toàn quốc. Số ca tử vong tại Hungary đã lên tới 30.647 ca.
CH Séc ghi nhận 6.274 ca mắc mới, tăng gần gấp đôi trong một tuần trong bối cảnh nước này đang đối mặt với làn sóng dịch bệnh mới. Đây cũng là mức tăng cao nhất hàng ngày được ghi nhận kể từ ngày 7/4 ở đất nước có 10,7 triệu dân này. Số liệu của Bộ Y tế Séc cũng cho thấy số ca nhập viện vì COVID-19 đã tăng lên 1.146 ca tính đến ngày 26/10, tăng gấp hơn 4,5 lần so với đầu tháng, trong đó có 166 ca phải điều trị tích cực. Mặc dù tăng nhanh song số ca mắc và nhập viện hiện nay vẫn thấp hơn nhiều so với mức đỉnh được ghi nhận vào đầu năm nay và cuối năm ngoái.
Tiêm vaccine COVID-19 cho người dân ở Moskva, Nga. Ảnh: THX/TTXVN
Nga thông báo có thêm 1.123 ca tử vong, mức tăng cao nhất trong một ngày kể từ khi dịch bùng phát. Nước này cũng ghi nhận thêm 36.582 ca mắc mới, trong đó có 5.789 ca ở thủ đô Moskva. Dù đã áp dụng cơ chế tuần lễ không làm việc nhưng số ca nhiễm mới tại Nga vẫn tăng lên. Nhằm khống chế sự lây lan của dịch bệnh, giới chức Nga đã khuyến cáo người dân hạn chế đi lại trong tuần lễ không làm việc kéo dài từ ngày 30/10 đến ngày 7/11.
Tuần trước, Tổng thống Vladimir Putin đã cho phép người dân có 1 tuần nghỉ làm và vẫn được trả lương, nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch. Các hãng tin Nga trích dẫn các khảo sát cho biết hơn 33% người dân nước này lên kế hoạch đi du lịch trong thời gian nghỉ lễ trên, trong khi Thị trưởng thành phố nghỉ dưỡng Sochi đã cảnh báo một lượng lớn du khách đến thành phố này. Tuy nhiên, hiện Nga chưa có kế hoạch áp dụng lệnh cấm đi lại và cấm du lịch đối với người dân vào những ngày không làm việc theo quyết định của Tổng thống Putin.
Ở Đức, tại cuộc thảo luận trong khuôn khổ tiến trình đàm phán thành lập liên minh cầm quyền tại Đức, 3 chính đảng gồm Dân chủ Xã hội (SPD), đảng Xanh và đảng Dân chủ Tự do (FDP), đều bày tỏ mong muốn chấm dứt "tình trạng khẩn cấp", được áp đặt từ tháng 3/2020 để phòng, chống đại dịch COVID-19, vào tháng 11 tới. Thay vì các biện pháp khẩn cấp này, các bên đề xuất biện pháp mới trong khuôn khổ Luật phòng, chống dịch bệnh lây nhiễm sửa đổi trong mùa đông này.
Theo đó, chính quyền các bang tại Đức có quyền tự đưa ra một số biện pháp phòng, chống dịch bệnh, trong đó có đeo khẩu trang bắt buộc và hạn chế tiếp xúc tại những sự kiện đông người và địa điểm công cộng ngoài quy định "3G" (tức là có chứng chỉ tiêm chủng vaccine hoặc phục hồi sau khi mắc COVID-19 hoặc xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2). Một số bang chỉ chấp nhận quy định "2G". Ngoài những quy định trên, chính quyền các bang cũng có quyền yêu cầu thực hiện giãn cách xã hội, chủ yếu ở các không gian công cộng trong nhà, cũng như xử lý thông tin điều tra dịch tễ của khách hàng, các quy định xét nghiệm hay đeo khẩu trang trong trường học.
Trước thực tế dịch bệnh hiện nay, Ủy ban khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhận định mặc dù nỗ lực phòng chống dịch COVID-19 trên thế giới đã đạt được nhiều tiến bộ nhờ tăng cường tiêm chủng và áp dụng các phương pháp điều trị phù hợp, nhưng phân tích tình hình hiện tại và các mô hình dự báo cho thấy đại dịch này "còn lâu mới kết thúc". Tuyên bố của ủy ban trên nêu rõ việc sử dụng khẩu trang, giữ khoảng cách, sát khuẩn tay và cải thiện hệ thống thông gió của các không gian trong nhà vẫn là chìa khóa để giảm lây truyền virus SARS-CoV-2. Ủy ban cũng cho biết đại dịch kéo dài đang khiến tình trạng khẩn cấp nhân đạo, di cư ồ ạt và các cuộc khủng hoảng khác trở nên phức tạp hơn. Do đó, các quốc gia cần sửa đổi các kế hoạch chuẩn bị và ứng phó với đại dịch.
Toàn thế giới ghi nhận 241,59 triệu ca nhiễm SARS-CoV-2 Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h ngày 18/10 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 241,59 triệu ca nhiễm SARS-CoV-2, trong đó có 4,91 triệu người không qua khỏi. Số bệnh nhân bình phục hiện đã lên tới 218,81 triệu người. Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới bệnh viện ở ngoại ô Moskva, Nga, ngày...