Toàn cảnh hành trình kêu oan và truy tìm thủ phạm vụ “án oan 10 năm”
Sự kiện ông Nguyễn Thanh Chấn (SN 1961, ở thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) được trở về nhà sau hơn 10 năm chịu án oan vì tội giết người khiến một vùng quê vốn bình yên như vỡ òa.
Cách đây hơn 10 năm khi vụ án mạng xảy ra, rồi ông Nguyễn Thanh Chấn bị bắt cũng khiến làng quê bị chấn động.
Khác với ngày thường, ngay từ tờ mờ sáng ngày 4.11, căn nhà cũ kỹ của cụ Phạm Thị Vì (vợ liệt sĩ Nguyễn Hữu Phấn) đã có đông người qua lại. Họ hàng, rồi người làng khi nghe tin hôm nay ông Nguyễn Thanh Chấn sẽ được trở về, nhiều người đã đến để chia vui cùng gia đình. Trong nhà người quét dọn, người sửa sang lại ban thờ, khung ảnh, đặc biệt tấm bằng Tổ quốc ghi công của cụ Nguyễn Hữu Phấn được treo lại trên một vị trí trang trọng.
Vợ ông Chấn mừng đến ngất lịm.
Làng vui, nhưng vẫn có góc buồn
Khoảng 13 giờ 30 cùng ngày, chiếc xe ôtô 16 chỗ của trại giam chở anh Chấn và người nhà đi đón về đến đầu thôn, hàng trăm người dân đã ùa ra mừng đón. Những cái nắm tay chặt mà nghẹn ngào không nói lên lời. Trong nhà, ngoài sân và cả đoạn đường trước cửa nhà ông Chấn xóm giềng kéo đến chật kín. Nhiều cụ già ở thôn Me chứng kiến cảnh đó đã phải thốt lên “đúng là sự kiện đặc biệt của làng từ trước tới giờ chưa từng thấy”.
Trong khi xóm làng đang vui mừng chào đón một người bị án oan sai trở về thì bên phía nhà ông Nguyễn Hữu Bờ (65 tuổi, cùng ở thôn Me, bố chị Nguyễn Thị Hoan SN 1972, nạn nhân bị sát hại trong vụ án mà ông Nguyễn Thanh Chấn bị quy tội cho là hung thủ) cảnh vắng lặng. Hai ông bà già và đứa cháu ngoại (con chị Hoan) ngồi buồn bã. Dường như nỗi đau xảy ra hơn 10 năm trước đây lại ùa về với ông bà. Vào tối 15.8.2003, khi bà Hoàng Thị Hội (mẹ chị Hoan) đang ngồi xem tivi thì có người làng đến báo tin dữ.
Lao ra tới nơi, bà Hội đã khụy xuống khi trông thấy cảnh con gái mình nằm sóng soài ngay cửa mở ra đằng sau nhà, trên người đầy vết máu bị hung thủ dùng gối che lên mặt. Lúc này cháu Nguyễn Văn Đức (con chị Hoan) 17 tháng tuổi đang ngủ trên giường, gần chỗ mẹ cháu nằm.
“Nỗi đau vì mất con gần như bị nhân lên gấp bội phần khi cháu Đức vắng mẹ khóc ngằn ngặt suốt ngày đêm, bố cháu không về nên gánh nặng Hoan để lại đè cả lên đôi vai của 2 thân già” – bà Hội nói trong nước mắt. Sang đến năm nay Đức đã học lớp 6, vì môi côi nên hằng tháng cháu được nhận trợ cấp của nhà nước 360.000 đồng.
Bên gia đình mất người, bên bị kết án oan ai cũng có nỗi đau. Phía nhà ông Chấn, khi ông vướng vào lao lý đã để lại mẹ già, vợ và 4 người con. Cái tiếng đến sàm sỡ rồi giết người của ông khiến cả gia đình tủi hổ trong sự kỳ thị, khinh bỉ của xóm làng.
Bà Nguyễn Thị Định (chị gái vợ ông Chấn) nói: “Khi Chấn đi tù tất cả họ hàng anh em đều suy sụp. Các cháu đi học thì bị bạn bè xa lánh kỳ thị. Thậm chí cụ Vì đã già cả nhưng vẫn có người độc miệng nhiếc móc rằng đẻ ra kẻ giết người. Từ chỗ kinh tế khá giả, gia đình ông Chấn thành túng thiếu, các con phải kiếm sống từ sớm. Nguyễn Thị Quyết – cô con gái thứ 2 bỏ gia đình đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan. Năm nay đã 29 tuổi nhưng cháu nó vẫn cương quyết nói bố không về được thì con cũng không muốn về nước, không muốn nghĩ tới chuyện lấy chồng”.
Hàng xóm qua nhà ông Chấn chia vui.
Video đang HOT
Chị Nguyễn Thị Thu (25 tuổi, con gái thứ 3 của ông Chấn) nhớ lại: “Ngày bố tôi bị bắt, em chỉ biết ôm mẹ và bà khóc nức nở. Sau đó thì chạy ra đống rơm sau nhà ôm mặt khóc”. Với một cô gái mới 15 tuổi đang đi học thì việc bố bị kết án giết người như vậy khiến Thu khổ hạnh vô cùng.
“Đi học thì bị bạn bè xa lánh, rồi họ xì xào với nhau không nên chơi với cái đứa bố nó giết người làm gì. Mỗi lần đi tập văn nghệ trường, không bạn nào chịu đứng xếp cùng hàng” – chị Thu nhớ lại.
Ở quê, việc lập gia đình là rất sớm, lứa tuổi của Thu, nhiều người có con bồng con bế nhưng do mang tiếng xấu của bố nên con đường tình duyên của chị cũng trắc trở. May mắn, Thu cũng tìm được người thương và hiểu mình. “Có lần tôi hỏi chồng tôi rằng anh có tin bố em bị oan không?”, anh ấy đã trả lời là “có”, nghe thế em thấy mình như vơi đi một phần nỗi đau vì được chia sẻ” – chị Thu nói.
Tình tiết quan trọng bị bỏ qua
Khi lật lại hồ sơ vụ án, thấy có 2 tình tiết quan trọng nhưng ở quá trình tố tụng đã không được cơ quan chức năng tỉnh Bắc Giang xem xét thấu đáo.
Theo ông Nguyễn Hữu Bờ, sau khi chị Hoan bị hạ sát ông kiểm tra thấy con mình mất 2 chiếc nhẫn vàng (mỗi chiếc 1 chỉ) và dây chuyền đeo cổ (là vàng Tây). Tiền bán hàng đựng trong ngăn kéo không bị mất. Hành vi có dấu hiệu cướp tài sản này theo ông Bờ đã không được cơ quan tố tụng xem xét. Coi ông Chấn là thủ phạm nhưng trong bản án việc bị hại mất tài sản lại không được xem xét.
Còn tình tiết quan trọng nữa, cơ quan tố tụng xác định thời gian chị Hoan bị sát hại khoảng từ 19 giờ 5 phút đến 19 giờ 25 phút, nhưng trong thời gian này anh Chấn đang ở quán bán hàng của mình. Bà Phạm Thị Nhâm (ở thôn Me) có giấy xác nhận: “19 giờ 20 ngày 15.8.2003 có ra quán nhà anh Chấn để mua kẹo thì gặp anh Thực vào gọi điện và anh Chấn là người bấm máy cho anh Thực gọi, lúc đó có ông Quyền ra mua mắm cũng biết”.
Bảng kê điện tử tự động thanh toán tiền điện thoại bàn của nhà anh Chấn cũng thể hiện cuộc gọi đi số 566075 của anh Thực ngày 15.8.2003 gọi từ 19 giờ 51 đến 20 giờ 31.
Cuộc gặp sau 10 năm.
Lần theo manh mối để kêu oan
Làm công an xã phụ trách thôn Me từ khi xảy ra vụ án cho đến nay, anh Nguyễn Văn Hoàn cho biết: Bà Chiến có được manh mối là từ câu nói “anh Chấn bị tù oan” từ một người trong gia đình chị Nguyễn Thị Lành, nhờ sự giúp sức của anh rể là Thân Ngọc Hoạt (cùng thôn) bà Chiến đã lần tìm manh mối kêu oan cho chồng.
Bà Chiến cho biết mình mới học hết lớp 3, trước khi chồng vướng vào lao lý, cuộc sống của bà chỉ quẩn quanh sau lũy tre làng. Sau cú sốc chồng bị quy tội giết người, bà Chiến bắt đầu hành trình đằng đẵng đi gõ cửa cơ quan chức năng kêu oan. Không biết viết đơn thế nào, bà đọc lại những bài bào chữa của luật sư đến lúc thuộc cả dấu chấm, dấu phẩy. Đêm nằm ngủ chợt nghĩ ra được câu nào bà lại dậy viết ra giấy câu đó cho đến sáng. Căn nhà tồi tàn của bà đem đi thế chấp ngân hàng được 20 triệu đồng, hết.
Ông Thân Ngọc Hoạt – một người bà con – quyết định thế chấp cả căn nhà của mình được 120 triệu đồng cho em đi kêu oan, rồi số tiền cũng hết.
Trong suốt 10 năm đi kiện ấy, do không biết đi xe máy nên các con bà và ông Hoạt phải thay nhau đưa bà đi. Cho đến tận bây giờ, bà không thể nhớ được đã bị phạt bao nhiêu tiền do mẹ con lớ ngớ đi nhầm vào đường một chiều, đường cấm… ở Hà Nội, rồi bao nhiêu lần ngã xe máy dọc đường. Bà kể có lần lên Hà Nội trời mưa, hai mẹ con bà ngã xe máy, phải vào viện khâu hàng chục mũi, đến trên đùi bà vẫn hằn vết sẹo dài cả gang tay…
Cụ Phạm Thị Đạo (dì ruột ông Chấn) rầu rĩ cho biết: Quá trình đi kêu oan cho chồng khiến người phụ nữ này quá căng thẳng nên thời gian gần đây bà Chiến mắc bệnh thần kinh đang phải điều trị ở Bệnh viện Tâm thần T.Ư.
Anh Hoàn kể, ông Lý Văn Chúc là người Lộc Bình, Lạng Sơn vốn góa vợ, ông này đã có 4 người con. Khoảng năm 2001, ông Chúc về thôn Me sống với chị Nguyễn Thị Lành. Con trai thứ của ông Chúc là Lý Nguyễn Chung (SN 1988) thỉnh thoảng về đây chơi cùng bố, sau đó lại đi. Thế nhưng sau khi xảy ra vụ án mạng của chị Hoan vào năm 2003 không thấy Chung về thôn Me chơi nữa, đi đâu cũng không hay. Lúc này Chung mới 15 tuổi.
Trong đêm hôm án mạng, Chung trở về với chiếc áo có máu nên bà Lành đã gặng hỏi. Chung cũng đã thú nhận hành vi phạm tội của mình. Thấy con phạm tội ông Chúc đã bảo Chung về quê ở Lạng Sơn. Chung về Lạng Sơn kể lại sự việc và đưa hai chiếc nhẫn cướp được cho Lý Văn Phúc. Số tiền lấy được của chị H. đếm được 59.000 đồng Chung sử dụng hết, sau đó trốn vào Đắk Lắk làm ăn.
Bí mật Chung là hung thủ vụ án sau này được bà Lành kể lại cho bố đẻ là cụ Nguyễn Văn Hiền (75 tuổi, trú tại xã Nghĩa Trung). Vào cuối năm 2012, chính cụ Hiền đã nói phong thanh với bà Chiến rằng anh Chấn bị oan quá. Từ manh mối tưởng như vu vơ này bà Chiến đã lần theo tìm hiểu.
Trong những lần tiếp xúc với những người phía bên gia đình bà Lành người được cho là biết chuyện “bí mật”, bà Chiến đều ghi âm cuộc nói chuyện lại làm bằng chứng. Ngày 5.7.2013, Cục điều tra của Viện KSNDTC nhận được đơn kêu cứu khẩn cấp của bà Nguyễn Thị Chiến kêu oan cho chồng là Nguyễn Thanh Chấn – người đang chấp hành án chung thân. Trong đơn, bà Chiến trình bày là nghe được thông tin Lý Nguyễn Chung mới là hung thủ giết chị Hoan chứ không phải chồng bà.
VKS đã thành lập 3 đoàn công tác đi xác minh vụ việc, khi đoàn về Bắc Giang thì cũng là lúc bà Nguyễn Thị Lành là mẹ kế của đối tượng Lý Nguyễn Chung chủ động gọi điện cho cán bộ điều tra kêu cứu về việc bà đang bị ông Lý Văn Chúc đe dọa giết vì bà có ý định tố cáo Chung giết người.
Các cán bộ điều tra tìm về Đắk Lắk nơi Chung đang sinh sống. Tuy nhiên, thấy có động Chung đã lẩn mất. Trong vòng 2 tháng, Chung đã thay đổi gần 100 sim điện thoại liên lạc và thay đổi chỗ ở tránh sự phát hiện. Chung sang Đắk Nông, Gia Lai rồi ngược về Lạng Sơn, sang Trung Quốc rồi lại về Quảng Ninh rồi lại về Đắk Lắk.
Để đưa đối tượng ra đầu thú, cần phải vận động qua người thân, các cán bộ điều tra đã gặp gỡ chị Lý Thị Nghiến (chị gái Chung). Qua chị Nghiến, cán bộ điều tra đã giải thích rằng lúc phạm tội, Chung đang vị thành niên sẽ được hưởng khoan hồng của pháp luật, không nên lẩn trốn mà hãy ra nhận tội. Sau quá trình vận động thuyết phục qua chị Nghiến, đối tượng Lý Nguyễn Chung đã ra đầu thú và khai nhận mình là thủ phạm giết chị Nguyễn Thị Hoan để cướp tài sản.
Từ lời khai nhận tội của Chung, Viện KSNDTC đã ra kháng nghị bản án với anh Nguyễn Thanh Chấn. Anh Chấn đã được tạm đình chỉ thi hành án và được tự do trở về nhà vào chiều 4.11.
Theo Dòng đời
"Nên hạ độ tuổi quy định phạm tội chưa thành niên"
Liên quan đến vụ án Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang bị oan sai, thủ phạm thực sự là Lý Nguyễn Chung phạm tội khi mới 15 tuổi và tình trạng trẻ hóa tội phạm hiện nay, ông Trương Trọng Nghĩa, ĐBQH TP. Hồ Chí Minh đã đưa quan điểm trên bên lề Quốc hội ngày 28/11.
"Tuổi bị xử lý hình sự luôn ở những lứa tuổi khác nhau, vì con người luôn có sự phát triển. Do đó, chế tài với những hành vi phạm pháp trong thanh - thiếu niên, theo tôi tuổi để xử lý nghiêm thì độ tuổi quy định trong luật cũng phải được hạ xuống", ông Nghĩa nhấn mạnh.
Liên quan đến vụ án Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang, thủ phạm thực sự ra đầu thú là Lý Nguyễn Chung phạm tội khi mới 15 tuổi (năm 2003) và tình trạng trẻ hóa tội phạm hiện nay trong các vụ án như cướp tài sản của lái xe taxi, hay mâu thuẫn bột phát trong thanh - thiếu niên ở các làng, xã ven đô, các đối tượng vị thành niên cũng dùng dao kiếm để giải quyết thù tức, ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
Cần phải xem cái gốc của vấn đề này nằm ở chỗ nào. Tôi đã tham khảo nhiều ý kiến của các chuyên gia về pháp luật, họ xác định gốc của vấn đề nằm ở chỗ trong tình hình chung của xã hội những năm gần đây đạo đức xã hội bị xuống cấp. Việc cải cách giáo dục chưa hiệu quả, thì tình trạng xuống cấp chung của xã hội cộng với chưa đổi mới giáo dục nên tác động vào số thanh - thiếu niên hư.
Thêm vào đó là kinh tế thị trường luôn rủi ro, khoảng cách giàu nghèo lớn. Ở các quốc gia có nền kinh tế phát triển, họ giải quyết bằng các chính sách an sinh xã hội, nên những người bị rủi ro trong kinh tế thị trường như thất nghiệp, mất việc, vấn đề an sinh của con em họ khá tốt. Nhưng chúng ta còn nghèo, nên khi phá sản, mất việc, thất nghiệp, thua lỗ trong làm ăn dẫn đến nợ nần dễ dẫn đến bản thân những người đó và con em họ gặp khó khăn trong cuộc sống. Và khi đó vấn đề tâm sinh lý, nhận thức tư tưởng bị ảnh hưởng. Trên đây là những nguyên nhân chung dẫn đến việc tội phạm trong lứa tuổi vị thành niên gia tăng.
Ông Trương Trọng Nghĩa - ĐBQH TP Hồ Chí Minh. (Ảnh: XH)
Phải chăng do pháp luật xử lý đối với các đối tượng phạm tội ở lứa tuổi này còn quá nhẹ chưa đủ sức răn đe thưa ông?
Vấn đề này tôi đã nhiều lần đề nghị. Ở các nước trên thế giới luôn có sự điều chỉnh việc xử lý phạm pháp trong thanh thiếu niên cho phù hợp với điều kiện phát triển tâm sinh lý của xã hội. Tuổi bị xử lý hình sự luôn ở những lứa tuổi khác nhau, vì con người luôn có sự phát triển. Do đó, chế tài với những hành vi phạm pháp trong thanh - thiếu niên, theo tôi tuổi để xử lý nghiêm thì độ tuổi quy định trong luật cũng phải được hạ xuống và phải bàn bạc kỹ. Đây là một trong những vấn đề cần phải bàn bạc, thảo luận kỹ trước khi quyết định.
Trong nhiều vụ án liên quan đến "đòi nợ thuê" hiện nay thì các đối tượng tham gia ở độ tuổi thanh, thiếu niên chiếm tỷ lệ không ít, ông nhận xét như thế nào về hiện tượng này?
Theo tôi, phải dẹp bỏ đòi nợ thuê, không cho phép hoạt động. Trước hết, khi đã xác định nợ, nếu hai bên mà không thống nhất được thì có cơ quan xét xử đó là Tòa án. Chỉ có cơ quan này mới biết rõ vấn đề nợ hay không, trên cơ sở pháp lý nào... giữa các bên để phân xử. Nếu để đòi nợ thuê tồn tại sẽ dẫn đến tình trạng bất chấp pháp luật và gây ra những hệ quả khôn lường.
Tình trạng lạm dụng, lợi dụng đòi nợ thuê để cưỡng đoạt tài sản diễn biến rất phức tạp, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người thiếu nợ. Bởi lẽ, mặc dù thiếu nợ, nhưng người ta vẫn có một số quyền hợp pháp do luật định. Quyền đó được pháp luật che chở và Tòa án là cơ quan xử lý.
Tại nhiều nơi trong đó có Hà Nội đã xảy ra một số vụ đòi nợ thuê mang tính chất cưỡng đoạt tài sản, gây ra những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Có những vụ giá trị tài sản cho vay thấp, nhưng tội phạm đã lợi dụng để gây ra những vụ xiết nợ nghiêm trọng, ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của người khác. Ông có thể đưa ra cảnh báo gì sau những vụ việc trên?
Cần xem lại cấp nào quản lý lĩnh vực này và Nhà nước cần nhanh chóng có quy định cụ thể để dẹp tình trạng đòi nợ thuê. Cách làm này vi phạm pháp luật và quyền con người, là hiểm họa xảy ra tội phạm. Tôi đề nghị cần sớm có quyết định xóa bỏ tình trạng đòi nợ thuê.
Ông có suy nghĩ sẽ đưa vấn đề này ra bàn thảo ở Quốc hội không?
Trước hết, tôi sẽ kiểm tra lại việc giải quyết thực trạng này thì thẩm quyền nằm ở đâu. Nếu thẩm quyền thuộc về Bộ, ngành hoặc cấp Chính phủ, tôi sẽ có ý kiến tới các cấp đó để họ xem xét. Nếu liên quan đến luật, tôi sẽ kiến nghị sửa luật.
Xin cảm ơn ông!
Theo Xuân Hải
Từ vụ Nguyễn Thanh Chấn đến việc chứng minh bị ép cung Trao đổi với PV, luật sư Nguyễn Am, chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bắc Giang cho rằng: Bản thân bị can bị tạm giam đã bị hạn chế về nhiều mặt nên có người đã phải nhận tội với suy nghĩ khi ra tòa sẽ phản cung. Họ đều nghĩ rằng trong thời gian bị tạm giam để lấy cung, nếu như...