Toàn cảnh giải pháp đa VGA: Liệu có cần bo mạch chủ đắt tiền?
Giải pháp đa card đồ họa là một cách tốt giúp bạn có được hiệu năng cao với chi phí tiết kiệm.
Đặt vấn đề
Chỉ trong vòng một thời gian ngắn, công nghệ đa card đồ họa SLI và CF đã đạt được những bước tiến thần tốc. Nếu như trong thuở sơ khai, hiệu năng 2 card đồ họa chỉ tăng 30% so với đơn card thì hiện nay con số đó đã lên tới hơn 80%! Bỏ ra số tiền gấp đôi và nhận lại mức hiệu năng gần tương đương như vậy – bạn hầu như không thể tìm thấy điều này ở các card đồ họa đơn. Hãy lấy một minh chứng thực tế: Chỉ cần bỏ ra khoảng 400 USD cho cặp GTX 460 hoặc HD 6850 – chúng ta có khả năng xử lý game mạnh tương đương chiếc card GTX 580 có giá trên trời 570 USD!
Nghe qua có vẻ khá hấp dẫn nhưng nếu cảm thấy hứng thú và có ý định tiếp cận giải pháp đa card này, chúng ta lại nảy sinh thêm mối bận tâm khác: Bo mạch chủ.
Bo mạch chủ & làn PCIe
Khái niệm làn PCIe cũng khá phức tạp. Chúng ta chỉ cần biết rằng nó quyết định băng thông dành cho card đồ họa. Một cách trực quan thế này: Băng thông của PCIe x1 2.0 là 500 MBps, với mỗi x là một làn dữ liệu, càng nhiều làn thì tốc độ truyền tải giữa card đồ họa và bo mạch càng nhanh. Các card đồ họa mới hiện nay như GTX 570 hoặc HD 6970 đều sử dụng chuẩn PCIe x16 2.0 – vấn đề bắt đầu nảy sinh từ đây.
Các bo mạch chủ bình dân thông thường chỉ cung cấp băng thông tối đa 16x cho card đồ họa và 4x cho các thiết bị khác (card wirefire, sound card, TV card…). Điều đó có nghĩa là: nếu bạn có ý định gắn 2 card đồ họa trên các bo mạch chủ này (trường hợp chúng có 2 khe PCIe 16x), chúng sẽ chạy với băng thông 8x/8x – bằng một nửa so với khả năng của chúng; hoặc 16x/4x (giá rẻ hơn các bo mạch chủ 8x/8x). Theo lý thuyết, nếu card đồ họa quá mạnh, hiện tượng nghẽn băng thông sẽ xảy ra gây giảm hiệu năng. Chỉ có điều thế nào là “quá mạnh” thì chưa có ai kiểm chứng.
Bo mạch chủ MSI P67A-GD55-B3 hỗ trợ SLI và CrossFire 8x/8x.
Bo mạch chủ Gigabyte P55-UD3L hỗ trợ CrossFire 16x/4x.
Muốn tránh triệt để hiện tượng này, các bo mạch chủ cao cấp như X58, Z68 hay P55, P67 tích hợp thêm chip cầu NF200 là giải pháp tốt nhất, nhưng bù lại chúng lại có nhược điểm chí mạng: giá thành quá cao nên làm mất tính kinh tế của giải pháp đa card đồ họa. Không chỉ vậy, các bo mạch chủ như X58 và P55 NF200 (giá khoảng 250 USD) đều là nền tảng Core-i cũ có hiệu năng chơi game kém hơn Sandy Bridge (giá lại cao hơn i5-2500K), trong khi bo mạch P67 NF200 dành cho “Cầu cát” thì có giá đến… 400 USD.
Bo mạch chủ khủng Asus P67 Maximus IV Extreme B3 hỗ trợ SLI và CrossFire 16x/16x.
Ngay sau đây, chúng ta sẽ đi vào làm rõ vấn đề: liệu băng thông 8x – thậm chí 4x – có gây nghẽn hiệu năng đối với các card đồ họa cao cấp?
Cấu hình thử nghiệm & thiết lập
Có lần cả 3 khe cắm PCIe 16x, 8x và 4x, bo mạch chủ Asus P8P67 rất phù hợp để test hiệu năng băng thông.
3DMark 11
Dù 3DMark 11 không phản ánh chính xác hiệu năng game nhưng với đặc điểm toàn diện về công nghệ cũng như hiệu ứng, phép thử này sẽ phát hiện rất nhạy hiện tượng nghẽn (nếu có).
Chúng ta có thể thấy càng tăng thiết lập lên cao, hiện tượng nghẽn càng giảm, thậm chí hầu như không thể xảy ra tại thiết lập Extreme. Lý do rất có thể bởi đồ họa càng nặng nề thì số khung hình (cũng như dữ liệu) càng ít.
Aliens Vs Predator
Hiệu năng của HD 6950 giảm mạnh 7% khi chuyển từ 8x xuống 4x, trong khi đối với GTX 570 con số này chỉ là 3%.
Quả đúng là tỉ lệ sụt giảm hiệu năng càng giảm khi thiết lập càng cao (đồng nghĩa khung hình càng thấp). Ở độ phân giải 2560 x 1600, chênh lệch giữa 16x và 4x là 2% đối với chiếc card Nvidia và 4% đối với chiếc card AMD.
Crysis
Ở 2 độ phân giải thấp hơn, hiệu năng tụt giảm giữa 16x và 4x là 10%, trong khi giữa 16x và 8x chỉ là 2-3%.
Video đang HOT
Dù lên đến độ phân giải khủng 2560 x 1600, HD 6950 vẫn bị mất tới 10% hiệu năng, trong khi đối với GTX 570 con số này là 6%. Nhận xét rút ra ở đây: AvP là game đòi hỏi nhiều băng thông.
F1 2010
Game đua xe hấp dẫn này là minh chứng rõ ràng nhất cho hiện tượng nghẽn băng thông: GTX 570 sụt tới 18% ở băng thông 4x, HD 6950 thì tồi tệ gấp đôi – tới 38%. Băng thông 8x cho kết quả khả quan hơn cho GTX 570 (4%) nhưng vẫn quá tồi tệ đối với HD 6950 (13%).
Ngay cả ở độ phân giải cao nhất, con số này vẫn duy trì ở mức cao: lần lượt là 10% và 20%.
Just Cause 2
Chiếc card Nvidia mất 2% và 8% hiệu năng tương ứng với băng thông 8x và 4x. Nhân đôi con số đó, ta được kết quả cho HD 6950.
S.T.A.L.K.E.R.: Call of Pripyat
Đây là game duy nhất trong loạt phép thử mà GTX 570 phải chịu thiệt nhiều hơn HD 6950: 6%-10% so với 6%-8%.
Ở độ phân giải khủng 2560 x 1600, sụt giảm chỉ còn 4% cho cả 2 chiếc card. Hơi ngạc nhiên khi chúng vẫn “cân” được game nặng như vậy tại độ phân giải này.
Tổng kết hiệu năng
Như vậy, đối với các bo mạch chủ chạy đa card 8x/8x, chúng ta sẽ mất mát hiệu năng khoảng 2 đến 4%. So với 200 USD chi phí chênh lệch dành cho bo mạch chủ, chắc chắn rằng game thủ vẫn còn lời chán.
Vậy còn các bo mạch chủ 16x/4x thì sao? Tại độ phân giải phổ thông nhất hiện nay là 1920 x 1080, hiệu năng mất mát khoảng 10 đến 18% khi chạy đơn card. Tuy nhiên, hiệu năng đa card 16x/4x thì chắc hẳn không dễ so sánh với đơn card như 8x/8x. Do vậy, hãy xem kết quả bench trực tiếp thể hiện điều gì.
CrossFire 16x/4x – tiết kiệm hơn vài chục USD nhưng có khả thi?
Ở các bo mạch chủ P55 và P67 8x/8x, có một bộ phận gọi là switch tự động nhận biết và phân chia một nửa băng thông ở khe cắm PCIe 16x thứ nhất cho khe cắm thứ hai nếu bạn gắn thêm một card đồ họa. Nhằm giảm giá thành, các hãng sản xuất tung ra một số model sản phẩm không được trang bị bộ phận switch này và “gom” băng thông của các khe cắm PCIe khác thành một khe PCIe 16x (nhưng chỉ có băng thông 4x). Điều này có nghĩa nếu bạn sử dụng thêm thiết bị khác như sound card hay TV card, khe cắm này sẽ bị chia bớt băng thông, thành chỉ còn 16x/3x hoặc 16x/2x. Hãy lưu ý điều này.
Ở độ phân giải 1680 x 1050, kết quả nghẽn thu được trải từ 1% (Crysis) đến 26% (F1 2010) và trung bình 10%. Đa số game chỉ nghẽn nhẹ.
Độ phân giải Full HD, tỉ lệ nghẽn trung bình vẫn là 10%.
Chúng tôi rất hi vọng lên đến độ phân giải khủng 2560 x 1600, con số này sẽ giảm mạnh. Thế nhưng tỉ lệ nghẽn trung bình vẫn duy trì ở 10% và 23% đối với F1 2010.
Kết luận: có nghẽn nhưng chẳng sao
Con số 2% đối với GTX 570 và 4% đối với HD 6950 khi sử dụng bo mạch chủ 8x/8x có lẽ không đáng phải “lăn tăn” so với số chi phí tiết kiệm được. Vậy còn các bo mạch chủ 16x/4x thì sao? Hãy nhìn nhận khách quan một chút: tuy mất đến 10% hiệu năng, nhưng nếu chỉ sở hữu màn hình Full HD, khung hình game vẫn luôn duy trì ở mức hoàn hảo và nếu không sử dụng các phần mềm đo đạc, người viết đảm bảo game thủ không thể nhận ra sự khác biệt. Hơn nữa con số tỉ lệ này chắc chắn còn giảm nếu bạn có ý định CrossFire card đồ họa thấp hơn.
Tuy nhiên, trong trường hợp bạn sử dụng thêm thiết bị phụ “đòi” chia băng thông của card đồ họa, nhất định bo mạch chủ 8x/8x là yêu cầu tối thiểu. Hãy ghi nhớ điều này!
Mời độc giả đón đọc phần sau của loạt bài: 1155 – 1156 – 1366, nền tảng nào tốt nhất cho SLI và CrossFire?
Tham khảo: Tom”s hardware
Theo PLXH
Có trong tay 16 triệu, lắp case chơi game nào?
Chúng tôi xin phép mở đầu series tư vấn case dành cho game thủ với mức giá trung bình: 16 triệu VNĐ (khoảng 800 USD).
Chơi game là một trong những nhu cầu chính đáng và phổ biến. Tuy nhiên để có một chiếc case chơi game hoàn hảo với giá tiền vừa phải không phải là điều dễ dàng. Với mục đích giúp độc giả có thể sở hữu một chiếc case chơi game tốt với giá tiền thấp nhất, chúng tôi xin phép giới thiệu loạt bài viết tư vấn dành riêng cho game thủ. Series này sẽ bao gồm nhiều mức giá khác nhau với những mục tiêu chơi game khác nhau phù hợp với túi tiền của mỗi độc giả.
Trong bài viết đầu tiên, mức giá được lựa chọn là 16 triệu (800 USD) - một mức giá trung bình nếu như bạn muốn thưởng thức đa số các game mới hiện nay ở độ phân giải full HD. Nếu eo hẹp hơn 1 chút, bạn có thể "xoay sở" với khoảng 11 triệu đồng cho đồ 2nd.
Cấu hình xây dựng
Bo mạch chủ: Asus P8H67-V-B3 - 124 USD
Bộ xử lý: Intel Core i5-2500 - 224 USD
Bộ nhớ trong: kit 2x2 GB G.SKILL RIPJAWS 1333 MHz - 67 USD
Card đồ họa: Sparkle GTX 460 1 GB - 195 USD hoặc Asus HD 6850 1GB - 190 USD
Ổ cứng: Hitachi 500 GB / 7200 rpm / SATA II - 43 USD
Nguồn: FSP Blue Storm Pro 500W - 80Plus - Active PFC - 62 USD
ODD & vỏ case: do sở thích và thẩm mĩ của từng người là khác nhau, chúng tôi xin nhường 2 linh kiện này cho độc giả tự lựa chọn.
Tổng: 715 USD ~ 15 triệu đồng (chưa bao gồm ODD & vỏ case).
Thay thế sáng giá:
Bo mạch chủ: MSI P55-GD55 - 133 USD
Bộ xử lý: Intel Core i5-760 - 223 USD
Tổng: 723 USD ~ 15,2 triệu đồng.
Bo mạch chủ - bộ xử lý
Thật đáng mừng khi sự trở lại của các bo mạch chủ Sandy Bridge sửa lỗi đã giúp chúng tôi có thể đưa "cầu cát" vào tư vấn cấu hình. Và trong tầm giá đang xây dựng, chúng tôi quyết định lựa chọn bộ đôi Asus P8H67-V-B3 và Intel Core i5-2500.
Với xung nhịp 3,3 GHz cùng chỉ số hiệu năng/xung nhịp cực cao, bộ xử lý Sandy Bridge này hiện đang nằm trong top những CPU có hiệu năng sử dụng nói chung và chơi game nói riêng tốt nhất hiện nay. Điểm yếu duy nhất của nó là không có khả năng ép xung. Do vậy, việc trang bị bo mạch chủ P67 đắt tiền hơn là hoàn toàn không cần thiết.
Bo mạch chủ P8H67-V-B3.
P8H67-V-B3 được trang bị đầy đủ các cổng giao tiếp quan trọng và tiên tiến nhất hiện nay: 2 cổng USB 3.0, 12 cổng USB 2.0 (4 cổng đằng sau và 8 cổng nằm trên bo mạch), 2 cổng SATA 3 và 4 cổng SATA 2. Thậm chí chiếc main còn có cả... cổng IDE từ thời "cổ đại". Tuy nhiên, theo cảm nhận, thiết kế bo mạch hình như... thừa ra một khe PCIe 2.0 x16 (màu đen) - với băng thông chỉ 4x, có lẽ khả năng chạy đa card đồ họa CrossFire không khả thi lắm. Mặc dù vậy, dàn tản nhiệt của sản phẩm này không chê vào đâu được.
Do hiện nay có nhiều thắc mắc về hiệu năng giữa Sandy Bridge dòng non-K (không thể ép xung) và Core i5-760 sau ép xung, nên chúng tôi quyết định tiến hành đưa thêm hệ thống i5 đời cũ này vào tư vấn và thử nghiệm nhằm giúp bạn đọc tiện so sánh. Trong các phép thử sắp thực hiện dưới đây, bộ xử lý i5-760 sẽ được ép xung lên mức 4,1 GHz. Độc giả sẽ thấy rằng việc lựa chọn bộ xử lý Core i5 thế hệ cũ cũng là một lựa chọn không hề tồi.
Bo mạch chủ MSI P55-GD55.
Ổ cứng - Bộ nhớ trong
"Hữu xạ tự nhiên hương" - không cần phải quảng bá quá nhiều, sản phẩm ổ cứng của Hitachi vẫn chiếm được chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng. Với ưu điểm mát mẻ, hoạt động ổn định cùng chế độ bảo hành uy tín nhanh chóng, ổ cứng Hitachi 500 GB đảm bảo tốt nhu cầu lưu trữ của game thủ.
G.Skill luôn được biết đến như một thương hiệu RAM nổi tiếng toàn cầu. Ngoài các model cao cấp phục vụ người dùng ép xung chuyên nghiệp, G.Skill cũng có những sản phẩm phục vụ người dùng phổ thông với giá thành phải chăng nhưng vẫn hoạt động bền bỉ. Do nhu cầu các game hiện nay ngốn RAM khá nhiều, đặc biệt bạn sẽ cần sử dụng hệ điều hành Win 7 (nặng nề hơn Win XP) nếu muốn chơi các game DirectX 11. Do vậy, chúng tôi quyết định lựa chọn bộ nhớ trong dung lượng 4 GB.
Card đồ họa - Nguồn
Chắc chắn sẽ không ai có thể phủ nhận GTX 460 là điểm sáng nhất trong binh đoàn Fermi thế hệ 1 của Nvidia. Hiệu năng cao cấp, ép xung cực tốt, giá thành quá ổn - có thể nói GTX 460 là card đồ họa hot nhất năm 2010 giúp Nvidia giành lại thị trường trung cấp từ tay AMD. Nếu cảm thấy thích thú với việc ép xung, bạn có thể khiến chiếc card cho hiệu năng cao hơn 15 -> 20% nữa.
Nếu bạn là người yêu thích AMD, HD 6850 cũng là một lựa chọn hoàn hảo. "Kẻ tám lạng - người nửa cân" là câu nói chính xác nhất về tương quan sức mạnh 2 chiếc card, từ hiệu năng, khả năng ép xung cho đến giá thành cực tốt.
Trái tim của toàn hệ thống là bộ nguồn FSP Blue Storm Pro 500W. Có lẽ không cần giới thiệu nhiều về thương hiệu FSP nữa. Những gì chúng tôi dành để nói về bộ nguồn này là "hoàn toàn an tâm".
Hiệu năng hệ thống
Hãy xem với 15 triệu đồng, hệ thống của chúng ta đem lại hiệu năng ra sao. Ngoài ra, bài viết cũng tiến hành so sánh hiệu năng giữa nền tảng LGA 1155 và LGA 1156 cũ (trước và sau ép xung). Rất tiếc hiện chúng tôi không có trong tay HD 6850 để benchmark & so sánh nên các kết quả dưới đây đều sử dụng Sparkle GTX 460 1 GB.
StarCraft II
Phép thử được tiến hành trong thời gian 1 phút combat giữa người chơi với 7 bot (AI máy). Chúng tôi chỉ thiết lập settings high để đảm bảo khung hình không bị tụt trong các combat lớn.
Chúng ta có thể thấy nếu cùng chạy ở mặc định, i5-760 tỏ ra thua sút kha khá so với Sandy i5-2500. Tuy nhiên, khi ép lên mức xung 4,1 GHz tình thế hoàn toàn đảo ngược, đặc biệt khung hình tối thiểu vọt lên mức 41.
Battlefield: Bad Company 2
Tại BBC2, chúng tôi lựa chọn mọi thiết lập cao nhất cùng khử răng cưa 8xMSAA và lọc bất đẳng hướng 16xAF.
Do BBC2 vốn là game rất sát card đồ họa, chúng ta có thể thấy hệ thống chạm đến giới hạn card đồ họa trước giới hạn bộ xử lý. Bằng chứng là cả i5-2500 và i5-760 (trước và sau ép xung) đều cho khung hình y hệt nhau.
F1 2010
Giống như BBC, F1 2010 cũng cho kết quả hòa giữa 2 nền tảng dù có ép xung hay không.
Metro 2033
Metro 2033 là một trong những game DirectX 11 nặng nề bậc nhất thời điểm hiện tại. Lần này chúng tôi quyết định benchmark ở độ phân giải 1680 x 1050 do hệ thống không đủ sức vượt qua sát thủ phần cứng kinh khủng này ở độ phân giải cao hơn. Dù vậy, hiện tượng giật hình vẫn xảy ra khi khung hình tối thiểu tụt xuống tận 17. Ngoài ra, vẫn không có sự chênh lệch hiệu năng giữa 2 hệ thống.
Crysis
Giống như Metro 2033, phép thử này cũng được tiến hành ở độ phân giải 1680 x 1050.
Không có nhiều chênh lệch về khung hình trung bình giữa i5-760 @4,1 GHz, nhưng về chỉ số khung hình tối thiểu thì bộ xử lý cũ ép xung lại trội hơn kha khá.
Ép xung card đồ họa
Không chỉ có hiệu năng và giá thành tốt, điểm đặc biệt tạo nên thành công của GTX 460 còn là khả năng ép xung cực mạnh. Bạn đọc có thể tham khảo thêm về hiệu năng sau ép xung tại đây.
Kết luận
Như vậy, sau một loạt các phép thử, có thể thấy rằng cấu hình của chúng ta có khả năng "cân" tốt các game mới hiện nay ở thiết lập cao (tuy chưa phải cao nhất), chỉ chững lại khi gặp 2 sát thủ "khủng" nhất là Metro 2033 và Crysis.
Có thể nói rằng, nhờ vào khả năng ép xung tốt của mình, thời của các bộ xử lý Core i5-760 và -750 nhất định sẽ còn kéo dài khá lâu nữa, ít nhất đến khi Ivy Bridge xuất hiện. Hiện nay, nếu tính cả khả năng ép xung, chúng hiện vẫn là 2 bộ xử lý có hiệu năng/giá thành tốt bậc nhất, hơn cả Sandy Bridge non-K. Còn đối với Core i5-2500K và Core i7-2600K, xin dành cho chúng từ "vô đối". Tuy nhiên chênh lệch chi phí thì lại quá đắt đỏ - không phải chỉ ở giá thành bộ xử lý mà còn cả bo mạch chủ P67 nữa.
Theo PLXH
Chọn card màn hình 3D Chọn card màn hình 3D như thế nào cho tốt nhất là một quyết định thường phụ thuộc vào máy tính mà nó sẽ được lắp đặt Việc đầu tiên người tiêu dùng cần biết là đưa ra những yêu cầu sử dụng cho máy tính. Ví dụ, một máy tính được sử dụng để chơi các trò chơi video mới nhất, sẽ...