Toàn cảnh chiến dịch tiêm phòng COVID-19 tại Châu Á
Hai cường quốc châu lục là Trung Quốc và Ấn Độ đã bắt đầu chương trình tiêm chủng đại trà, trong khi hầu hết các nước khác cấp tập chuẩn bị nguồn cung ứng, sẵn sàng triển khai ngay khi vaccine được phê duyệt.
Nhân viên y tế kiểm tra tại cơ sở của nhà máy sản xuất vaccine Sinovac, Trung Quốc. Ảnh: Reuters
Một năm sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát, các quốc gia khắp thế giới đang tăng tốc hết sức để đảm bảo nguồn cung và phân phối vaccine cho người dân. Một số quốc gia như Mỹ và Anh đã bắt đầu tiêm chủng cho các nhóm ưu tiên và công chúng.
Tại châu á, chỉ một số quốc gia đạt đến giai đoạn này, trong đó chiến dịch lớn nhất đang diễn ra tại Trung Quốc và Ấn Độ, nước đã có năng lực sản xuất để trở thành một đầu mối cung cấp vaccine trong khu vực.
Hầu hết các nước khác vẫn đang chờ cơ quan chức năng phê duyệt các ứng cử viên vaccine trong lúc khẩn trương ký các hợp đồng đảm bảo mua vaccine với các công ty dược quốc tế.
Dưới đây là tình hình chương trình tiêm chủng COVID-19 tại các nước châu Á:
Ấn Độ – nhà sản xuất vaccine lớn nhất thế giới
Ấn Độ, quốc gia hứng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng thứ hai thế giới, sau Mỹ, đã phê chuẩn sử dụng khẩn cấp hai loại vaccine vào ngày 3/1.
Viện Serum Ấn Độ (SII) hiện đang sản xuất loại vaccine được phát triển bởi Đại học Oxford và hãng dược AstraZeneca của Anh. Trong khi đó, công ty tư nhân của Ấn Độ, Bharat Biotech và Hội đồng Ấn Độ về Nghiên cứu Y khoa (ICMR) đã phối hợp phát triển vaccine Covaxin và sản xuất trong nước.
Nhân viên y tế tiêm vaccine COVID cho người dân Ấn Độ.
Cả hai loại vaccine này đều được tiêm 2 mũi. Bộ Y tế Ấn Độ cho biết giai đoạn một của chiến dịch tiêm chủng sẽ là tiêm miễn phí cho các đối tượng ưu tiên.
Vaccine của Oxford-AstraZeneca đã công bố dữ liệu thử nghiệm giai đoạn 3, cho thấy hiệu quả trung bình là 70,4%. Hãng Bharat Biotech hiện chưa công bố dữ liệu hiệu quả thử nghiệm giai đoạn 3, nhưng cho biết vaccine của họ có “hồ sơ an toàn chấp nhận được và phản ứng miễn dịch cao”, không có tác dụng phụ nghiêm trọng nào.
Video đang HOT
Viện Serum Ấn Độ đang chờ đợi ký thoả thuận chính thức với chính phủ. Sau đó, chương trình tiêm chủng có thể bắt đầu trong vòng 7-19 ngày. Kế hoạch của Viện là tiêm cho 300 triệu người ưu tiên cao, gồm nhân viên y tế, công dân nhạy cảm như người già, người bệnh.
Ấn Độ sản xuất trên 60% tổng số vaccine được bán ra trên toàn cầu. Với năng lực sản xuất, Ấn Độ có thể cung cấp vaccine COVID-19 nhanh hơn, rẻ hơn hầu hết các nước khác.
Hiện tại, SII được phép sản xuất vaccine Oxford-AstraZeneca để dùng nội địa, nhưng chính phủ cấm họ xuất khẩu cho đến ít nhất là tháng 3 hoặc tháng 4. Nga cũng đã ký hợp đồng với 4 công ty Ấn Độ sản xuất 300 triệu liều vaccine Sputnik V.
Trung Quốc bán vaccine khắp châu Á
Trung Quốc đã phê duyệt vaccine COVID đầu tiên phát triển trong nước để phục vụ sử dụng công cộng từ ngày 31/12/2020.
Trung Quốc tiến hành rất nhanh chiến dịch tiêm chủng đại trà.
Đây là vaccine được phát triển và sản xuất bởi tập đoàn dược quốc doanh Sinopharm. Vaccine này có hiệu quả 79,34% theo dữ liệu thử nghiệm giai đoạn 3. Ngoài Sinopharm, Trung Quốc có 4 ứng viên vaccine khác đang thử nghiệm giai đoạn 3.
Giai đoạn 3 thử nghiệm vaccine Sinopharm có hơn 60.000 người tham gia. Theo công ty, chỉ có không đầy 0,1% số người tham gia bị sốt nhẹ; và tỉ lệ 2/1 triệu xuất hiện “phản ứng tương đối nghiêm trọng” như dị ứng.
Trung Quốc đã phê chuẩn vaccine của Sinopharm, cam kết tiêm miễn phí cho toàn dân.
Theo báo cáo, đến ngày 9/1, Trung Quốc đã tiêm được 9 triệu liều vaccine phòng COVID, cho nhóm ưu tiên là nhân viên y tế và các nhân viên hải quan. Nhóm tiếp theo sẽ là những người nguy cơ cao như người già, có bệnh lý nền, trước khi tiêm đại trà. Bắc Kinh đặt mục tiêu chủng ngừa cho 50 triệu người trước dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu sắp tới.
Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho người dan tại Thạch Gia Trang, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc, ngày 7/1/2021. Ảnh: THX/ TTXVN
Trung Quốc cũng đã ký hợp đồng cung cấp hàng trăm triệu liều vaccine cho nhiều quốc gia châu Á trong những tháng tới. Thủ tướng Lý Khiết Cường cho biết, các nước Đông Nam Á như Campuchia, Lào, Việt Nam, Myanmar, Thái Lan sẽ được ưu tiên cung cấp vaccine.
Đài Loan/Trung Quốc và Hong Kong
Hong Kong đã phê chuẩn sử dụng khẩn cấp vaccine Oxford-AstraZeneca và ký hợp đồng cung cấp với các nhà sản xuất vaccine Oxford-AstraZeneca, Sinovac (Trung Quốc), Pfizer-BioNTech (Mỹ-Đức).
Người cao tuổi, nhân viên y tế và người có bệnh mãn tính sẽ được xếp ưu tiên hàng đầu, nhận mũi tiêm đầu tiên khi Hong Kong tiếp nhận lô 1 triệu liều Sinovac đầu tiên.
Đài Loan/Trung Quốc đã ký thoả thuận với AstraZeneca, chương trình COVAX của Liên hợp quốc và một nhà sản xuất chưa rõ tên, để mua 20 triệu liều vaccine. Hàng dự kiến được giao vào tháng 3, có thể tiêm miễn phí cho 65% dân số vùng lãnh thổ này.
Nhật Bản tăng tốc khi ca nhiễm mới tăng vọt
Nhật Bản vẫn chưa phê duyệt bất kỳ loại vaccine nào và bị chỉ trích vì sự chậm trễ này trong bối cảnh các ca nhiễm mới đang đạt những kỷ lục mới.,
Thủ tướng Nhật Suga lên kế hoạch bắt đầu chương trình tiêm chủng COVID vào tháng 2. Toàn bộ người dân sẽ được tiêm miễn phí.
Các tình nguyện viên phát khẩu trang miễn phí cho người dân tại Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: THX/TTXVN
Theo đài NHK, hãng Pfizer đã đồng ý cung cấp cho Nhật Bản 120 triệu liều vaccine, đủ tiêm cho 60 triệu người. Các nhà sản xuất khác gồm Oxford-AstraZeneca, Moderna và Novavax cũng đã ký hợp đồng cung cấp cho Nhật Bản tổng cộng hàng trăm triệu liều vaccine.
Các công ty Nhật Bản cũng đã nhận kinh phí để sản xuất vaccine tại địa phương, như vaccine Novavax và một lượng vaccine Oxford-AstraZeneca.
Hàn Quốc nhắm mục tiêu miễn dịch cộng đồng
Giống Nhật Bản, Hàn Quốc vẫn chưa phê duyệt loại vaccine nào, nhưng đã ký hợp đồng với một loạt công ty dược. Theo đó, Hàn Quốc sẽ nhập vaccine của Janssen (thuộc Johnson&Johnson) để tiêm cho 6 triệu người; vaccine cho 10 triệu người từ Pfizer, AstraZeneca, Moderna và chương trình Covax của Liên hợp quốc.
Với đủ số liều vaccine cho 44 triệu người, Chính phủ Hàn Quốc đang nhắm mục tiêu tiêm phòng cho 80% dân số tới tháng 11 năm nay để đạt được miễn dịch cộng đồng.
Các nước Đông Nam Á: Một loạt các hợp đồng cung ứng vaccine
Hầu hết các quốc gia ở Đông Nam Á vẫn chưa phê duyệt vaccine nhưng gần như tất cả đều đã ký các thỏa thuận tiếp nhận các ứng viên vaccine của Trung Quốc, cũng như ký thỏa thuận bổ sung với các nhà cung cấp khác.
Singapore dẫn đầu cuộc đua, đã phê duyệt vaccine Pfizer-BioNTech vào tháng 12/2020. Nước này đã bắt đầu chương trình tiêm chủng, trước hết cho các nhân viên y tế. Những người trên 70 tuổi sẽ được chủng ngừa tiếp theo, bắt đầu từ tháng 2. Tất cả người dân Singapore dự kiến sẽ được tiêm chủng miễn phí vào cuối năm 2021, theo Bộ Y tế.
Một phòng lạnh tại sân bay Changi của Singapore, chuẩn bị cho chuyến hàng đầu tiên của hãng Pfizer-BioNTech, vào ngày 16/12/2020.
Indonesia đã nhận được ít nhất 3 triệu liều vaccine Sinovac (Trung Quốc_. Mặc dù các cơ quan quản lý vẫn chưa ký phê duyệt, các nhà chức trách đã thông báo chương trình tiêm chủng hàng loạt sẽ bắt đầu vào ngày 13/1, với mũi tiêm đầu tiên được trao cho Tổng thống Joko Widodo.
Vaccine sẽ được cung cấp miễn phí cho công chúng. Chính phủ có kế hoạch ưu tiên người trong độ tuổi lao động hơn người cao tuổi, hy vọng đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng và thúc đẩy nền kinh tế.
Thái Lan đã ký một thỏa thuận với AstraZeneca để nhập khẩu 26 triệu liều vaccine và thành lập một cơ sở sản xuất địa phương để sản xuất vaccine này tại địa phương. Các liều vaccine được sản xuất trong nước sẽ được cung cấp cho người dân ở Thái Lan cũng như khắp Đông Nam Á, với việc phân phối dự kiến sẽ bắt đầu vào tháng 5.
Philippines cũng chưa phê duyệt loại vaccine nào nhưng một số vệ sĩ quân đội của Tổng thống Duterte đã được tiêm một loại vaccine không rõ tên từ đầu tháng 9/2020. Ông Duterte bảo vệ hành động này, nói rằng họ không thể chờ đến khi vaccine được phê duyệt. Manila đang đàm phán hợp đồng cung cấp với các công ty Mỹ, Moderna và Arcturus, và đang xem xét phê duyệt vaccine của Pfizer.
Campuchia đã đảm bảo được vaccine cho 3,2 triệu người theo chương trình Covax của LHQ. Những liều bổ sung sẽ được nhập từ các nhà cung cấp khác.
Lào đã nhận 2.000 liều vaccine Sinopharm (Trung Quốc) và đang tiêm cho các nhân viên y tế tuyến đầu, các tình nguyện viên. Lào cũng sẽ tiếp nhận vaccine của Nga và chương trình Covax.
Myanmar ký hợp đồng cung cấp vaccine đầu tiên từ Ấn Độ, dự kiến sẽ tiêm cho các nhóm ưu tiên trong tháng 2. Nước này cũng đang đàm phán với Trung Quốc.
Ukraine mua gần 2 triệu liều vaccine Sinovac của Trung Quốc
Đây là kết quả sau nhiều cuộc đàm phán trong những tháng qua. Theo đó, Ukraine hy vọng sẽ có vaccine COVID-19 tiêm cho người dân từ tháng 3/2021.
Ngày 30/12, Văn phòng Tổng thống Ukraine cho biết, nước này đã ký hợp đồng mua 1,8 triệu liều vaccine Sinovac phòng ngừa COVID-19 của Trung Quốc, sau nhiều cuộc đàm phán tích cực kéo dài vài tháng qua.
Thủ tướng Ukraine - Denys Shmygal hy vọng, nước này sẽ nhận được lô vaccine đầu tiên vào tháng 3/2021. Dự kiến một liều vaccine Sinovac có giá khoảng 18 USD.
Số ca mắc COVID-19 tại Ukraine liên tục gia tăng kể từ tháng 9/2020. Đến nay, nước này đã ghi nhận tổng cộng hơn 1 triệu ca mắc, trong đó hơn 18.000 trường hợp đã tử vong. Dự kiến, Chính phủ Ukraine sẽ thắt chặt các biện pháp hạn chế vào tháng 1/2021 để ngăn chặn dịch bùng phát, như đóng cửa các trường học, quán cà phê, nhà hàng, phòng tập thể dục và các trung tâm giải trí.../.
Ấn Độ sơ tán hàng nghìn người để tránh bão Nivar Ngày 25/11, hàng nghìn người dân Ấn Độ tại khu vực phía Đông Nam của nước này đã sơ tán tránh bão Nivar, dự kiến mang theo mưa lớn tại khu vực duyên hải vào đêm 25 và rạng sáng 26/11. Cảnh ngập lụt do mưa lớn tại Hyderabad, Ấn Độ ngày 14/10/2020. Ảnh: AFP/TTXVN Theo cơ quan dự báo thời tiết, Nivar...