Toàn cảnh cáp treo kỷ lục thế giới lên đỉnh Fansipan
Kể từ ngày 2/2, du khách lên “nóc nhà Đông Dương” chỉ mất 15 phút, bằng hệ thống cáp treo ba dây hiện đại nhất thế giới.
Khởi công tháng 11/2013, cáp treo lên đỉnh Fansipan đã khánh thành vào sáng 2/2. Đây là loại cáp treo ba dây hiện đại nhất thế giới, lần đầu tiên có mặt tại châu Á. Tổng mức đầu tư giai đoạn một của tổ hợp dự án là 4.400 tỷ đồng. Quãng đường từ bản Mường Hoa lên tới đỉnh đi qua 6 cột trụ chính, mỗi cột trụ cách nhau 1 km.
Đại diện Kỷ lục thế giới (Guinness World Record) đã trao chứng nhận 2 kỷ lục Guinness cho hệ thống cáp treo Fansipan Sa Pa gồm: Cáp treo ba dây có độ chênh giữa ga đi và ga đến lớn nhất thế giới (1.410 m) và Cáp treo ba dây dài nhất thế giới (6.292,5 m).
Nhìn từ nhà ga đến ở độ cao 3.000 m, phong cảnh xung quanh bồng bềnh mây, kỳ vĩ.
Công trình được thi công trong vòng 2 năm ở điều kiện kiện địa hình hiểm trở và thời tiết khắc nghiệt. Toàn bộ nguyên vật liệu đều phải vận chuyển thủ công từ dưới lên núi.
Sáng 2/2, những hành khách đầu tiên được dịp trải nghiệm cáp treo, bao gồm các khách mời, lãnh đạo tỉnh và người dân địa phương… Một ca bin của cáp treo có thể chứa được tối đa 35 khách. Công suất vận chuyển lên đến 2.000 người mỗi giờ. Thời gian từ ga đi tới ga đến chỉ mất 15 phút.
Ông Hà Văn Khuyên (70 tuổi) và cháu ngoại Lê Trọng Hà (3 tuổi, sống tại phố Tuệ Tĩnh, thị trấn Sa Pa) là hai trong số những người đầu tiên lên “nóc nhà Đông Dương” bằng cáp treo. Ông Khuyên tâm sự, trong đời từng hai lần leo bộ lên đỉnh Fansipan vào các năm 1972 và 1987. Năm 1987, ông là người dẫn đoàn Liên Xô lên đặt cột mốc 4 cạnh tại đây.
“Tôi từng đi cáp treo rất nhiều nơi trên thế giới nhưng là lần đầu tiên tôi lên đỉnh Fansipan. Tôi rất thích ngắm cảnh tại đây, nhưng do có tuổi nên chưa từng có cơ hội”, ông Nguyễn Tấn Vạn, Chủ tịch Hội kiến trúc sư Việt Nam chia sẻ.
Video đang HOT
Nếu điều kiện thời tiết ấm áp, nắng đẹp, không có sương mù, du khách sẽ có cơ hội được ngắm cảnh đẹp của bản Mường Hoa dưới chân núi.
Tham gia trải nghiệm cáp treo chuyến đầu tiên còn có nhà sử học Dương Trung Quốc. Đây là lần đầu tiên ông có mặt trên đỉnh Fansipan.
Vé đi cáp có 2 mức: người lớn (giá vé 600.000 đồng), trẻ em có chiều cao từ 1-1,3 m (400.000 đồng). Trẻ em cao dưới 1 m được miễn phí.
Từ nhà ga đến lên cột mốc đỉnh Fansipan, du khách sẽ phải leo thêm 600 bậc thang đá.
Nóc nhà Đông Dương ở độ cao 3.143 m. Trong thời tiết nắng ấm, mây vờn, du khách có cơ hội chiêm ngưỡng, chụp ảnh từ ban công gỗ.
Anh Lê Hồng Quang (phải) và anh Tuấn từng đặt cột mốc Fansipan lên đỉnh cách đây 8 năm. Hôm nay, họ có thêm cơ hội giương cờ Tổ quốc chào mừng.
Theo Zing News
Thác Tình Yêu đẹp diệu kỳ giữa Hoàng Liên Sơn
Nép mình vào một góc trong vườn quốc gia Hoàng Liên (Lào Cai), thác Tình Yêu rộn ràng như một 'nốt nhạc' thăng hoa cho những người đang yêu.
Thác Tình Yêu
Từ trung tâm thị trấn Sapa, đi theo quốc lộ 4D khoảng 14km về hướng Lai Châu, bạn sẽ tới khu du lịch thác Tình Yêu. Đây là một cung đường đầy quyến rũ với những đường cong mỹ miều của đèo Ô Quý Hồ, với sương giăng mây phủ huyền ảo, với những vườn treo su su xanh mướt và với nụ cười của những cô gái Dao, Mông trong bộ trang phục truyền thống.
Ngôi nhà nhỏ lọt thỏm giữa vườn treo su su xanh mướt
Cổng vào thác Tình Yêu cũng chính là Trạm Tôn - điểm bắt đầu của hành trình chinh phục đỉnh Fansipan. Do vậy, nhiều tay leo núi thường ghé qua thác để tìm cảm giác yên bình sau những ngày "gai góc trầy trụa" trên nóc nhà Đông Dương.
Dù chưa đến thác, núi non trùng điệp cũng đã làm say lòng lữ khách
Qua khỏi cổng soát vé, bạn sẽ được thác Tình Yêu "chiêu đãi" ngay một con đường lát đá sạch đẹp với hai hàng trúc xanh. Đi thêm một đoạn, trước mắt bạn lại là trùng trùng điệp điệp núi non của dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ. Đến cuối đoạn đường là Suối Vàng, con suối có màu vàng óng ánh lạ kỳ.
Dòng Suối Vàng len lỏi giữa núi rừng
Hãy đi ngược dòng con suối ấy, bạn sẽ được mãn nhãn với rừng cây xanh mướt, hoa đỗ quyên đỏ thắm, những dây leo chằng chịt hoang dã và thỏa thích nghe thác đổ ầm ào như "reo vui" chào đón khách quen ở phía trước. Tiếng suối róc rách, tiếng lá cây xào xạc dưới chân cũng tạo thành bản đồng ca núi rừng thật dễ chịu. Nếu may mắn, bạn còn nghe được tiếng kêu da diết của loài chim Ô Quý Hồ huyền bí.
Thiên nhiên hoang dã nhưng lại rất yên bình
Chiếc cầu gỗ cheo leo giữa rừng già
Và rồi, thác Tình Yêu dần hiện ra, rũ xuống giữa rừng già. Sự đối lập luôn tạo nên cảm xúc mãnh liệt và sự mâu thuẫn luôn mang lại vương vấn. Lần này là sự đối lập giữa thác trắng và rừng xanh, giữa cái mạnh mẽ của thác ghềnh và cái yên bình của không gian; là sự mâu thuẫn giữa vẻ ngoài mượt mà của dòng thác và thanh âm dữ dội của chính nó. Cái mâu thuẫn của con thác mang tên Tình Yêu khiến người ta chợt nghĩ đến những mâu thuẫn trong cảm xúc của những người đang yêu: khi giận khi thương, khi vui khi buồn, khi xa khi gần, khi có và khi không.
Thác Tình Yêu hiện ra vừa mượt mà vừa mãnh liệt
Lần mò qua những hòn đá ẩm ướt để đến gần con thác, bạn sẽ cảm thấy cả người mát lạnh, không phải cái lạnh đến từ tiết trời lạnh giá của Sapa, mà là cái lạnh khoan khoái tỏa ra từ bên trong và bao trùm cả cơ thể.
Nào, những bàn chân đã mỏi, hãy buông mình xuống dòng nước mát để tận hưởng thành quả của một chuyến đi. Nào, những người đang yêu, hãy nắm tay nhau cùng nghĩ về tương lai tươi đẹp. Nào, những kẻ cô đơn, hãy nhìn về phía thác đổ, nơi có sắc màu cầu vòng rực rỡ và tưởng tượng ra một nửa của đời mình. Người dân Sapa vẫn tin rằng, trai gái yêu nhau khi băng rừng lội suối đến với thác Tình Yêu thì tình cảm sẽ vững bền và hạnh phúc, còn người lẻ loi cũng sẽ tìm được bến đổ cho riêng mình.
Nhiều người trẻ đến thác vừa để tham quan khám phá, vừa để cầu mong những điều tốt lành cho tình yêu
Lời đồn đại đó có lẽ bắt nguồn từ một huyền thoại. Chuyện rằng xưa kia các nàng tiên hay xuống tắm ở dòng Suối Vàng mát lành. Trong số đó, có nàng tiên thứ bảy. Vì mải mê tiếng sáo của chàng tiều phu Ô Quý Hồ (vốn là con trai của Thần Núi) mà ngày ngày nàng đều hạ giới nơi con thác đầu nguồn để cùng chàng nhảy múa hát ca. Và rồi, nhà Trời phát hiện chuyện của hai người. Vì không được phép xuống trần nữa, nên nỗi nhớ nhung khiến nàng tiên thứ bảy hóa kiếp thành một loài chim, bay quanh dãy Hoàng Liên Sơn, cất tiếng kêu da diết "Ô Quý Hồ, Ô Quý Hồ". Thương cho chuyện tình dang dở, người xưa mới đặt tên cho con thác, nơi ghi dấu tình yêu đẹp của nàng tiên thứ bảy và con trai Thần Núi là thác Tình Yêu.
Theo người dân nơi đây, hiếm ai thấy được chim Ô Quý Hồ, chỉ biết là tiếng kêu của nó từ lâu đã gắn bó với vùng núi này và chỉ có ở vùng núi này.
Đường đèo Sapa xanh mướt
Một đoạn đường đèo Ô Quý Hồ - Ảnh: Ngô Huy Hòa
Tạm biệt thác Tình Yêu và Suối Vàng, nếu máu khám phá vẫn còn rần rần trong bạn, đừng bỏ qua những điểm đến danh tiếng khác của dãy Hoàng Liên Sơn: ngắm nhìn cảnh núi non Sapa hùng vĩ từ độ cao gần 2.000m của "Cổng trời", lượn quanh đèo Ô Quý Hồ ngoằn nghoèo hiểm trở để trải nghiệm một trong tứ đại đỉnh đèo Tây Bắc, chinh phục thác Bạc cao hơn 200m và tham quan trại nuôi cá tầm - cá hồi dưới chân thác.
Thác Bạc tuôn nước xuống từ giữa không trung
Dù có vi vu cả ngày với những cảnh đẹp bất tận của Sapa, tin rằng khi trở về, bạn vẫn còn vấn vương cảm giác yên bình giữa núi rừng Hoàng Liên Sơn và nét đẹp quyến rũ của thác Tình Yêu.
Theo iHay
Những cột mốc nổi tiếng nhất Việt Nam Bên cạnh 4 cột mốc tại 4 cực Đông, Tây, Nam, Bắc, Việt Nam còn có những cột mốc khác như cột mốc 3243 tại Fansipan, cột cờ Lũng Cú hấp dẫn nhiều người. Dưới đây là 6 cột mốc mà bất cứ du khách ưa mạo hiểm nào cũng muốn đặt chân tới một lần. 1. Cột mốc số 0 A Pa...