Tòa xử nhầm bị đơn rồi tự… sửa án
Hai pháp nhân khác nhau nhưng khi xử tòa xác định họ là một, dẫn đến việc bản án đã bị VKSND kháng nghị.
VKSND huyện Nhà Bè (TP.HCM) vừa kháng nghị bản án sơ thẩm của TAND huyện này về vụ tranh chấp hợp đồng cho thuê quyền sử dụng đất giữa Công ty TNHH SX TM DV Hồng Việt và Công ty Cổ phần Conrock Australia.VN. Lý do: Tòa xác định nhầm… đối tượng tranh chấp. Về nội dung, VKSND cho rằng tòa cũng đánh giá sai chứng cứ trước khi ra phán quyết.
Tòa tưởng hai công ty là một
Theo đơn kiện của Công ty Hồng Việt, ngày 2-4-2012, công ty này ký hợp đồng với Công ty Conrock Australia.VN thuê lại mặt bằng kho tại huyện Nhà Bè trong thời gian năm năm. Nhưng quá trình thực hiện hợp đồng, Công ty Conrock Australia.VN đã không thanh toán tiền thuê theo thỏa thuận (tính đến khi khởi kiện nợ gần 3 tỉ đồng). Vì thế, Công ty Hồng Việt yêu cầu chấm dứt hợp đồng, trả lại mặt bằng và thanh toán toàn bộ số tiền thuê còn thiếu.
Sau khi thụ lý vụ án, TAND huyện đã phân công Thẩm phán H. trực tiếp giải quyết. Trong tất cả văn bản tố tụng như thông báo thụ lý, bản tự khai của nguyên đơn, các thông báo hòa giải, biên bản hòa giải, bút ký phiên tòa và bản án sơ thẩm ngày 31-7, Thẩm phán H. đều xác định đối tượng tranh chấp là hợp đồng thuê mặt bằng ký ngày 2-4-2012 và Công ty Conrock Australia.VN là bị đơn.
Trong khi đó, theo trình bày của Công ty Conrock Australia.VN, họ có ký hợp đồng với Công ty Hồng Việt nhưng là vào ngày 1-6-2012 và trong suốt quá trình tố tụng phía nguyên đơn không có yêu cầu tranh chấp hợp đồng này. Hai hợp đồng trên có nội dung và tên người đại diện ký giống nhau nhưng thực tế là hai pháp nhân khác nhau và thời điểm ký kết khác nhau. Vì thế công ty này cho rằng nếu tòa xác định họ là bị đơn thì đối tượng tranh chấp phải là hợp đồng ngày 1-6-2012 mới đúng.
Nhà xưởng của Công ty Conrock Australia.VN thuê mặt bằng tại huyện Nhà Bè, TP.HCM. Ảnh: TT
Trong kháng nghị của mình, VKSND huyện Nhà Bè cho biết hợp đồng ngày 2-4-2014 được Công ty Hồng Việt ký với Công ty Cổ phần Conrork Australia. Công ty này có tên bằng tiếng nước ngoài là Conrork Australia Joint Stock Company, tên viết tắt là Conrork Australia JSC (có trụ sở tại 23 Hoàng Dư Khương, phường 12, quận 10, TP.HCM); đăng ký kinh doanh lần đầu ngày 27-10-2011; mã số doanh nghiệp là 0311218794).
Trong khi đó, Công ty Cổ phần Conrock Australia.VN có tên nước ngoài là Conrork Australia.VN, tên viết tắt là Conrork Australia.VN corp (có địa chỉ tại 105 Trần Thiện Chánh, phường 12, quận 10, TP.HCM)… Mặt khác, đối tượng tranh chấp là hợp đồng ký ngày 2-4-2012, tức là trước khi Công ty Cổ phần Conrock Australia.VN thành lập.
Video đang HOT
Tại bản kháng cáo ngày 12-8, Công ty Conrock Australia.VN còn cho biết hiện Công ty Conrork Australia JSC đã giải thể, do vậy việc tòa xét hợp đồng ngày 2-4-2012 và buộc họ phải thực hiện nghĩa vụ với bên khởi kiện là vô lý.
Hợp thức hóa bằng thông báo bổ sung
Hai ngày sau khi có kháng cáo (tức ngày 14-8), Thẩm phán H. đã ra thông báo sửa chữa, bổ sung bản án với nội dung: “Tại dòng 5 từ trên xuống trang 2, dòng 15 từ trên xuống trang 3, dòng 11 và 16 từ trên xuống trang 5 của bản án sơ thẩm ghi: Ngày 2-4-2012…, nay được sửa chữa bổ sung thành: Ngày 2-4-2012 và ngày 1-6-2012″.
Sau đó, ông Tạ Ngọc Thành, đại diện theo pháp luật của Công ty Conrock Australia.VN, đã đứng đơn tố cáo Thẩm phán H. về hành vi ra bản án trái pháp luật. Ông cho rằng việc thẩm phán tự ý “kéo” thêm hợp đồng ngày 1-6-2012 vào bản án chính là hành vi cố tình làm sai lệch hồ sơ vụ án. Vì từ đầu đến cuối tòa đã xác định nhầm bị đơn, nhầm đối tượng tranh chấp, khi phát hiện ra thay vì kiến nghị cấp trên hủy án thì lại hợp thức hóa bằng một hành vi sai phạm khác.
Việc Thẩm phán H. tự ý đưa hợp đồng ngày 1-6-2012 vào bản án là không phù hợp với thực tế vụ án vì theo nguyên tắc pháp lý, thông báo bổ sung trên là một bộ phận của bản án sơ thẩm. Tòa chỉ bổ sung mấy chữ nhưng lại làm thay đổi toàn bộ nội dung bản án vì trong vụ này nội dung tranh chấp phụ thuộc vào hợp đồng…
Hiện đơn tố cáo của ông Thành đã được TAND TP.HCM thụ lý (có biên nhận ngày 15-9) và đang trong quá trình giải quyết.
Trao đổi với chúng tôi, kiểm sát viên trực tiếp thụ lý vụ án (đề nghị không nêu tên) cho rằng sau khi có kháng nghị, VKSND huyện cũng đã nhận được thông báo bổ sung này. VKSND sẽ có ý kiến riêng bằng văn bản gửi cho lãnh đạo TAND huyện. Riêng việc tòa xác định nhầm đối tượng tranh chấp thì VKSND đã phân tích trong kháng nghị, đây là lỗi thuộc trường hợp cần phải hủy bản án sơ thẩm để giải quyết lại.
Lý giải về việc tại sao tại phiên tòa VKSND không đề cập đến sự nhầm lẫn này, kiểm sát viên cho rằng lúc đó chưa phát hiện, quá trình kiểm sát bản án sau đó mới thấy. “Nếu phát hiện lúc vụ án chưa được đưa ra xét xử thì VKSND đã có phản ứng rồi” – kiểm sát viên này nói.
Đại diện Công ty Conrock Australia.VN cũng cho biết từ đầu họ cũng không phát hiện ra sự nhầm lẫn, thấy tòa gửi thông báo đích danh tên, địa chỉ công ty thì lên tòa. Trong khi đó, hai hợp đồng trên lại giống nhau y chang về nội dung, chỉ khác ngày ký và tên công ty đã thay đổi, đến khi tòa xử xong mới biết.
Cấp phúc thẩm sẽ xem xét Ngày 19-10, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, một lãnh đạo TAND huyện Nhà Bè cho biết do vụ án đã được chuyển lên TAND TP.HCM (vì VKSND cùng cấp kháng nghị, bị đơn kháng cáo). Vì vậy, vị này không thể trả lời cụ thể các câu hỏi vì không có hồ sơ vụ án trong tay. “Các vấn đề liên quan đến việc thẩm phán xác định nhầm bị đơn và ra thông báo bổ sung bản án như đã nói sẽ do tòa cấp phúc thẩm xem xét và đánh giá theo thẩm quyền xem có hợp pháp hay không…” – vị này nói.
Theo Song Nguyễn (Pháp luật TPHCM)
Vụ án có một không hai của tên trộm không lai lịch ở Thanh Hoá
Vụ án hy hữu về đối tượng không tên, không tuổi, không quê quán, họ hàng thân thích... mới được TAND huyện Đông Sơn, Thanh Hoá mở phiên toà sơ thẩm xét xử lưu động tại xã Đông Thịnh, (huyện Đông Sơn, Thanh Hoá) trước sự chứng kiến của đông đảo người dân.
Bị cáo Phan Đình Thiết (tên do bị cáo tự... nghĩ ra) tại phiên tòa.
Lạ lùng đối tượng không tên, không họ...
Chúng tôi tạm gọi tên đối tượng là Phan Đình Thiết (SN 1973) như lời đối tượng khai trước vành móng ngựa là tự đặt tên tuổi cho mình. Theo y án, ngày 3.7.2014, lợi dụng lúc không có người ở nhà, Thiết đã lấy trộm chiếc xe máy của anh vợ là Phùng Đình Sơn rồi bỏ trốn, mặc dù lúc ấy "vợ" hắn đang mang thai những tháng cuối.
Để tiêu thụ chiếc xe này, Thiết tự bóc ảnh của anh Sơn ra rồi dán ảnh của mình vào Giấy phép lái xe và CMND của anh Sơn, sau đó đem đi cầm đồ ở thị trấn Thạch Thành (cách nhà khoảng 50km) lấy 8 triệu đồng.
Với số tiền này, Thiết mua một chiếc xe máy cũ với giá 3 triệu đồng làm phương tiện bỏ trốn ra Hà Nội. Trên đường đi, Thiết bị Công an huyện Đông Sơn phối hợp với Công an Cầu Bươu, huyện Thanh Trì, Hà Nội bắt giữ.
Tại cơ quan công an, Thiết thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội và quá trình bỏ trốn. Nhưng ở phần lý lịch, mặc dù đối tượng cũng rất thành khẩn khai nhận nhưng phải tốn nhiều thời gian, công sức và kinh phí để điều tra, xác minh, giám định thì 3 ngành công an, viện kiểm sát và tòa án mới đủ cơ sở để hoàn chỉnh lý lịch bị can.
Tuy nhiên, bản lý lịch này hết sức "lạ". Lạ ở chỗ các thông tin về nơi đăng ký nhân khẩu thường trú, trình độ văn hóa, họ tên bố mẹ không có đã đành, đến tên, tuổi của Thiết cũng do chính đối tượng tự đặt ra cho mình.
Vì thế, để đảm bảo tuân thủ theo đúng pháp luật, cơ quan điều tra đã phải tỉ mỉ "truy tìm" đối tượng trong hệ thống tàng thư căn cước, trong số các đối tượng truy nã toàn quốc, tiến hành trưng cầu giám định độ tuổi của đối tượng... Ngày 10.9.2014, Viện Khoa học Hình sự, Bộ Công an đã có kết luận giám định pháp y số 2713 kết luận, tại thời điểm giám định (tháng 8.2014), đối tượng có độ tuổi từ 40-50 - là thông tin duy nhất.
Kể lại qua trình điều tra vụ án, đại úy Lê Ngọc Vũ - điều tra viên Công an huyện Đông Sơn, Thanh Hoá - cho biết: Khi khai nhận tại cơ quan công an, tâm lý Thuyết rất bình thường, sức khỏe tốt. Bị can khai báo thành khẩn, hợp tác trả lời mọi câu hỏi liên quan đến hành vi phạm tội. Cơ quan công an cũng đã thu hồi vật chứng vụ án, triệu tập những người liên quan đến làm việc... Tuy nhiên, câu hỏi ngắn gọn "Thiết là ai?" phải mất rất nhiều thời gian để tìm ra đáp án.
Cuộc đời đào hoa
Theo lời khai của đối tượng và xác minh của cơ quan công an, Thiết không biết bố mẹ mình là ai, quê quán ở đâu, chỉ nhớ lúc còn nhỏ, hắn được một người bán nước chè ở thị xã Thanh Hóa (nay là TP.Thanh Hóa) nuôi dưỡng. Khi bà bán nước chè qua đời, lúc ấy Thiết đang còn nhỏ nên không nhớ gì nhiều. Hắn lang thang nay đây mai đó rồi phiêu bạt vào Nam.
Đến thị xã Phan Thiết, hắn thấy thương hiệu nước mắm Phan Thiết nổi tiếng và hay được nhắc tới nên "tự đặt" tên mình là Phan Đình Thiết. Hắn siêng năng, làm khoẻ nên nhiều người khen hắn "khỏe như trâu" rồi hắn suy luận lấy năm sinh là tuổi Sửu (tức năm 1973)...
Không có giấy khai sinh, không có hộ khẩu, công việc, cuộc sống cũng không mấy khi cần đến giấy tờ tùy thân nên hắn cứ vô tư nay đây mai đó với tên, tuổi Phan Đình Thiết do chính hắn tự đặt cho mình. Nếu xét về mặt giấy tờ, thủ tục, có lẽ Thiết sẽ mãi mãi không tồn tại trên đời và có cuộc sống làm thuê lương thiện êm đềm đến hết đời, nếu như hắn không vướng vòng lao lý.
Tuy lai lịch cá nhân "không cơ bản", nhưng Thiết lại là người khá đào hoa. Năm 2001, Thiết gặp chị L.T.B. (SN 1976, ở xã Đông Anh, huyện Đông Sơn, Thanh Hóa), chung sống không hôn thú và sinh được 2 người con. Năm 2009, chị B chết do tai nạn lao động, Thiết đến chung sống với chị P.T.D (tại đội 6, xã Đông Thịnh). Cuộc hôn nhân không hôn thú với một đứa con sắp chào đời thì Thiết gây ra vụ trộm cắp xe máy ngay tại nhà bố vợ.
Trao đổi với ông Doãn Như Thành - Trưởng Công an xã Đông Thịnh - được biết: Chính quyền và công an xã đã từng lập biên bản không cho Thiết ở với "vợ hờ" mà không khai báo lưu trú nhưng Thiết vẫn lén lút qua lại.Nếu như vụ án này không xảy ra thì có lẽ những bí mật xung quanh lai lịch của Thiết sẽ vĩnh viễn không được biết đến. Bản án 9 tháng tù giam không phải là quá dài với hành vi phạm tội của Phan Đình Thiết, nhưng đã để lại nhiều tin tưởng của người dân đối với những người thực thi công lý.
Theo Đình Giang - Thạch Lựu
Người lao động