Tòa thành đá độc nhất vô nhị tại Việt Nam
Thành Nhà Hồ – công trình kỳ vĩ bởi kỹ thuật và nghệ thuật xây dựng đá lớn được xem như một hiện tượng đột khởi “vô tiền khoáng hậu” trong lịch sử xây dựng kiến trúc thành quách Việt Nam và khu vực.
Với giá trị cảnh quan tuyệt đẹp của một vùng kinh đô cổ, ngày 27/6/2011, tại Paris (Pháp), trong kỳ họp lần thứ 35 của Ủy ban Di sản thế giới, UNESCO đã công nhận Thành Nhà Hồ là Di sản Văn hoá thế giới.
Thành Nhà Hồ từng được coi là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của nước ta. Dù chỉ tồn tại trong thời gian ngắn ngủi 7 năm (1400-1407) dưới triều Hồ, nhưng Thành nhà Hồ được xây dựng hoàn hảo như là biểu tượng của vương quyền kết hợp với thần quyền, thể hiện sự gắn kết tài tình giữa công trình kiến trúc với cảnh quan văn hóa và thiên nhiên.
Cổng phía Nam – cổng lớn và đẹp nhất trong 4 cổng của Thành nhà Hồ, với cửa giữa cao 8m, rộng 5,8m và hai cửa bên cao 7,8m, rộng 5m. Ảnh: TTXVN
Thành Nhà Hồ nằm trên địa bàn 2 xã Vĩnh Long và Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa, còn gọi là thành An Tôn, thành Tây Đô, thành Tây Giai hay thành Tây Kinh. Thành được Hồ Quý Ly cho xây dựng vào năm 1397. Tháng 2 năm Canh Thìn, Hồ Quý Ly lên ngôi lập ra nhà Hồ lấy tên nước là Đại Ngu (1400-1407) và Tây Đô là kinh đô
Từ công trình kiến trúc bằng đá độc đáo
Video đang HOT
Thành Nhà Hồ được xây dựng trên địa thế khá hiểm trở, có sông nước bao quanh, núi non hiểm trở tạo lợi thế lớn về phòng thủ.
Kiến trúc của tòa thành được xây dựng hết sức độc đáo, với nguyên tắc kết hợp giữa đá ở bên ngoài và đắp đất ở bên trong. Cũng giống như thành Đại La và Hoàng thành Thăng Long, thành bao gồm thành nội và thành ngoại. Thành ngoại được đắp bằng đất với khối lượng gần 100.000 m3, trên trồng tre gai cùng với hào, sau có bề mặt rộng gần 50m bao quanh. Thành nội bên trong thành ngoại là khối hình chữ nhật, hai mặt Nam – Bắc dài hơn 900m, Đông – Tây dài hơn 700m, tường thành cao trung bình từ 7 – 8m.
Cổng phía Đông Thành nhà Hồ với mái vòm đá đồ sộ. Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN
Đặc biệt, Thành Nhà Hồ thể hiện một trình độ kĩ thuật cao về xây dựng vòm đá. Mặt ngoài thành được nối ghép bằng những khối đá trung bình 2m x 1m x 0,7m, bên trong thành có những khối đã nặng 10 đến 20 tấn được nâng lên cao, ghép lại với nhau mà không cần chất kết dính và trải qua hơn 600 năm những bức tường đá vẫn gần như nguyên vẹn. Điều đáng ngạc nhiên là một công trình kiến trúc đồ sộ, vững chắc như vậy mà chỉ được xây trong vòng có 3 tháng. Từ nửa thế kỷ trước, kiến trúc sư người PhápL.Bezacier đã từng thán phục: “Thành nhà Hồ là một trong những tác phẩm đẹp nhất của kiến trúc An Nam!”.
Đến Di sản Văn hóa thế giới
Với giá trị cảnh quan tuyệt đẹp của một vùng kinh đô cổ, ngày 27/6/2011, Thành Nhà Hồ đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hoá thế giới với những giá trị nổi bật, khẳng định những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của dân tộc ta.
Trong tuyên bố giá trị nổi bật toàn cầu ghi rõ: Khu di sản Thành Nhà Hồ là trung tâm kinh thành của Việt Nam vào cuối thế kỷ XIV- đầu thế kỷ XV; trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của khu vực Bắc Trung Bộ Việt Nam từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XVIII. Thành Nhà Hồ bao gồm tòa thành đá được xây dựng bằng những khối đá lớn.
Các tầng văn hóa nối tiếp nhau trong lòng đất lưu giữ các dấu tích cung điện, đền đài, đường sá và nghệ thuật trang trí, các làng cổ cùng toàn bộ cảnh quan đồi núi, sông hồ mang đậm chất phong thủy điển hình còn lưu giữ được tương đối nguyên vẹn, phản ánh rõ nét về một thời kỳ lịch sử văn hóa, văn minh Việt Nam với các đặc trưng mang tầm vóc khu vực và quốc tế.
Lễ đón Bằng công nhận Di sản Văn hóa Thế giới Thành Nhà Hồ Tối 16/6/2012. Ảnh: Thanh Tùng-TTXVN
Thành Nhà Hồ là một công trình có kiến trúc kiểu kinh thành phương Đông, vừa là trung tâm quyền lực, vừa là một pháo đài quân sự. Di sản là một công trình kỳ vĩ bởi kỹ thuật và nghệ thuật xây dựng đá lớn và sự kết hợp các truyền thống xây dựng độc đáo có một không hai ở Việt Nam, khu vực Đông Á và Đông Nam Á trong thời kỳ cuối thế kỷ XIV đầu thế kỷ XV. Nhờ kỹ thuật xây dựng độc đáo, sử dụng các vật liệu bền vững, đặc biệt là các khối đá lớn hầu như còn nguyên vẹn, đây là một trong số ít các di tích kinh thành chưa chịu nhiều tác động của quá trình đô thị hóa, còn được bảo tồn gần như nguyên vẹn cả trên mặt đất và trong lòng đất.
Để di sản ngày càng thu hút du khách trong nước và quốc tế, tỉnh Thanh Hóa đã và đang tiếp tục nghiên cứu sâu về di tích Thành nhà Hồ và các di tích phụ cận trên nhiều lĩnh vực: lịch sử, văn hóa, kiến trúc, khảo cổ, cảnh quan. Thanh Hóa đã có kế hoạch đầu tư xứng đáng cho di sản cả về kinh phí lẫn đổi mới công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị của di sản. Đó là việc sẽ tiếp tục đầu tư về cơ sở hạ tầng du lịch, tăng cường quảng bá, kết nối các tour du lịch Thành nhà Hồ với các điểm du lịch trong, ngoài tỉnh và quốc tế.
Theo dantri
Trao giải cuộc thi phương án bảo tồn Hoàng thành Thăng Long
Hôm qua, 24-6, UBND TP Hà Nội đã tổ chức Lễ công bố và trao giải cuộc thi Thi tuyển phương án thiết kế kiến trúc bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích Khảo cổ học 18 Hoàng Diệu thuộc Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội.
Phương án thiết kế đoạt giải Nhì của Studio Milou Singgapore Pte.Ltd và
Liên danh Viện Kiến trúc Quốc gia - Bộ Xây dựng
Căn cứ vào kết quả chấm chọn của Hội đồng cùng ý kiến đóng góp của nhân dân, UBND TP Hà Nội đã quyết định phê duyệt kết quả chấm chọn và trao giải cho các phương án. Không có giải Nhất, 2 giải Nhì thuộc về: Studio Milou Singapore Pte.Ltd cùng Liên danh Viện Kiến trúc Quốc gia - Bộ Xây dựng; Công ty TNHH Kỹ thuật bền vững Việt Nam. Giải Ba được trao cho Liên danh Công ty cổ phần tư vấn đầu tư xây dựng số 36 và Công ty CP thiết kế và xây dựng công trình văn hóa.
Cuộc thi tuyển phương án thiết kế kiến trúc bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu nhằm lựa chọn phương án thiết kế tốt nhất, đảm bảo những nguyên tắc chung: Bảo tồn và phát huy giá trị di sản của khu di tích; kiến trúc thanh lịch, hài hòa với các công trình kiến trúc liền kề và cảnh quan chung của khu vực, tiến tới xây dựng một công viên Lịch sử- Văn hóa Hoàng thành Thăng Long, tôn vinh giá trị khu di sản, mang lại lợi ích cao nhất cho sinh hoạt cộng đồng. Sau hơn 3 tháng phát động, triển khai, trung tuần tháng 4-2014, BTC đã nhận được 24 đồ án của 23 đơn vị trong nước và quốc tế tham dự. Từ ngày 30-4 đến 8-5, 6 phương án xuất sắc nhất được Hội đồng bỏ phiếu bình chọn đã được triển lãm tại Hội trường 19C Hoàng Diệu để lấy ý kiến đóng góp của người dân Thủ đô.
Kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính, nguyên Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, việc bảo tồn và phát huy giá trị Khu di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long cần phải đảm bảo các yêu cầu tối thượng: bảo quản tốt nhất và lâu dài nhất cho hiện trường khảo cổ, thành phần cấu thành với những yêu cầu kỹ thuật đặc thù. Bên cạnh đó phải xem đây như công trình văn hóa nghệ thuật tương xứng với thời đại. Đây là lần đầu tiên ở Việt Nam triển khai bảo tồn lâu dài một công trình khảo cổ học trong một không gian cực kỳ đặc biệt, vì thế, không chỉ tính đến yếu tố hài hòa cảnh quan mà còn phải chú trọng sự đặc sắc và vĩnh cửu. Kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính nhận định, việc bảo tồn di chỉ khảo cổ học với chủ yếu là các hiện vật đất nung trong điều kiện khí hậu thổ nhưỡng của Hà Nội khá "đỏng đảnh" là vô cùng phức tạp. Nguyên Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư cũng lưu ý, hãy đừng coi đây là công trình kỹ thuật bảo quản, mà là một công trình kiến trúc - văn hóa nghệ thuật đặc sắc, một sự "hòa thanh" trong khu phức hợp, không gian xanh Ba Đình.
Tại buổi lễ công bố và trao giải, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc đã giao nhiệm vụ cho Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hóa Thăng Long tiếp tục phối hợp với các sở, ban, ngành, các kiến trúc sư, các nhà khoa học khẩn trương triển khai và hoàn thiện công tác chuẩn bị đầu tư dự án, bám sát các yêu cầu đã đề ra, nghiên cứu, tiếp thu ý tưởng các đồ án tham gia dự thi phù hợp với quy hoạch đã được duyệt, trình UBND TP Hà Nội phê duyệt theo quy định.
Theo ANTD
Di sản thế giới ở Việt Nam chưa được quản lý tốt Tại Hội nghị - Hội thảo "Quản lý Di sản Văn hóa thiên nhiên thế giới ở Việt Nam" được tổ chức tại Hà Nội do Bộ VH-TT&DL chủ trì ngày 23-5, nhiều đại biểu, các nhà khoa học đã thẳng thắn đưa ra ý kiến về những hạn chế trong công tác quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di sản...