Tòa quốc tế sắp phán quyết về đền Preah Vihear
Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) sẽ ra phán quyết vào ngày 18/7 tới về ngôi đền Preah Vihear, tâm điểm của tranh chấp biên giới giữa Campuchia và Thái Lan.
Ngôi đền Preah Vihear yên ắng sau giao tranh cuối tháng 4, đầu tháng 5. Ảnh: Đình Nguyễn
“Vào ngày 18/7, ICJ sẽ đưa ra phán quyết đối với yêu cầu áp dụng các biện pháp tạm thời đã được Campuchia đệ trình”, AFP dẫn một thông báo trên trang web của ICJ. Campuchia hồi cuối tháng 4 phát động một cuộc chiến pháp lý, với yêu cầu ICJ giải thích về phán quyết trao quyền sở hữu ngôi đền gần nghìn tuổi Preah Vihear cho nước này vào năm 1962.
Campuchia đồng thời yêu cầu ICJ ra lệnh cho Thái Lan phải ngay lập tức rút quân khỏi khu vực xung quanh ngôi đền cổ, nơi đã xảy ra giao tranh giữa hai nước từ đầu năm nay khiến tổng cộng 28 người của cả hai phía thiệt mạng. Campuchia cũng đề nghị về một lệnh cấm các hoạt động quân sự tại khu vực này, nhưng ICJ vẫn đang cân nhắc.
Thái Lan không có ý định tranh giành quyền sở hữu ngôi đền Preah Vihear với Campuchia. Tuy nhiên, cả Bangkok và Phnom Penh lại cùng tuyên bố chủ quyền đối với khu đất rộng 4,6 km2 quanh ngôi đền này. Đây chính là nguyên nhân dẫn tới căng thẳng giữa hai nước, đặc biệt là sau khi Preah Vihear được công nhận là Di sản Thế giới vào tháng 7/2008.
Video đang HOT
Thái Lan mới đây thậm chí còn rút khỏi Công ước Di sản Thế giới để phản đối việc đưa đề xuất kế hoạch quản lý của Campuchia đối với đền Preah Vihear vào chương trình nghị sự của công ước.
Theo VNExpress
Campuchia quyết theo tới cùng vụ Preah Vihear
Bỏ qua lời đề nghị bỏ khiếu kiện từ phía Thái Lan, Campuchia hôm nay tuyến bố sẽ theo tới cùng vụ Preah Vihear tại Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ).
Xinhua dẫn lời Thủ tướng Campuchia Hun Sen khi ông có mặt tại buổi lễ tốt nghiệp của Trường Hành chính Hoàng gia, cho hay: "Dù thế nào đi nữa, Campuchia cũng sẽ không rút lại yêu cầu ICJ giải thích về phán quyết năm 1962 liên quan tới đền Preah Vihear. Hãy để ICJ tiếp tục vụ việc này."
Tuyên bố của Thủ tướng Hun Sen được đưa ra sau khi Bangkok Post dẫn lời Thủ tướng Thái Lan Abhisit Vejjajiva hôm 5/6, cho rằng Campuchia nên từ bỏ tất cả các vụ kiện liên quan tới tranh chấp biên giới tại các cơ quan và tổ chức quốc tế, để quay trở lại đàm phán với Thái Lan.
Thủ tướng Campuchia, Hun Sen. Ảnh: Asianews
"Campuchia trước hết nên thể hiện thiện chí bằng cách rút lại yêu cầu ICJ giải thích về phán quyết năm 1962 liên quan tới đền Preah Vihear. Nếu điều này xảy ra, cả hai nước sẽ cùng có lợi", ông Abhisit nói. Thủ tướng Thái Lan còn gợi ý về việc lên một kế hoạch quản lý chung tại khu vực tranh chấp gần ngôi đền 900 tuổi, và cho rằng Campuchia cần phải rút đền cổ này khỏi danh sách Di sản Thế giới.
Tất nhiên, Campuchia không chấp nhận đề nghị nói trên. Thủ tướng Hun Sen tuyên bố: "Việc có kế hoạch quản lý chung với Thái Lan tại khu vực đền Preah Vihear là không thể xảy ra. Campuchia chưa từng biết hay được nghe về những khu vực đất liền gối lên nhau giữa hai nước. Campuchia cũng không biết khu vực 4,6 km2 nằm ở đâu."
Thủ tướng Campuchia cũng nhắc lại rằng tranh chấp giữa hai nước liên quan tới khu vực quanh đền Preah Vihear đã được trình lên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, ASEAN và Tòa án Công lý Quốc tế, bởi vậy việc nối lại đàm phán song phương như Thái lan đề nghị là không thể xảy ra.
Những ý kiến trái chiều không chỉ tới từ lãnh đạo cấp cao hai nước. Tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore, cố vấn của Thủ tướng Campuchia, Neang Phat, đã đặt câu hỏi về việc tại sao Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan Prawit Wongsuwon đề cập tới việc cuộc họp của Ủy ban Biên giới chung Thái - Campuchia (GBC), sẽ được tổ chức trong tháng này, trong khi người đồng cấp bên phía Campuchia là Tea Banh chưa từng đồng ý góp mặt.
Thủ tướng Thái Lan, Abhisit Vejjajiva. Ảnh: Telegraph
Quan điểm của Campuchia với cuộc họp của GBC là Thái Lan trước hết phải ký vào các điều khoản tham chiếu (ToR) về việc triển khai các quan sát viên Indonesia tại khu vực tranh chấp, và cuộc họp này phải được tổ chức tại Thái Lan hoặc Campuchia. ToR bao gồm gói giải pháp 6 bước được đưa ra trong cuộc gặp ba bên hôm 9/5 giữa các Bộ trưởng Ngoại giao của Indonesia, ông Marty Natalegawa, của Campuchia, ông Hor Namhong, và của Thái Lan, ông Kasit Piromya.
Trước thông tin này, Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan Prawit tỏ ra thất vọng vì cho rằng phía Campuchia không giữ lời hứa về cuộc họp của GBC. Ông Prawit cho hay Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tea Banh đã đồng ý cuộc họp này sẽ được tổ chức nếu Thái Lan cho phép các quan sát viên Indonesia vào khu vực tranh chấp xảy ra giao tranh giữa hai nước. Người đứng đầu giới quân sự Thái Lan cho rằng cuộc họp của GBC là cách duy nhất để giải quyết vấn đề biên giới với Campuchia, và Thái Lan cũng sẽ không ký vào bất cứ ToR nào.
Tại hội nghị ngoại trưởng ASEAN ở Jakarta hôm 22/2, Campuchia và Thái Lan đã đồng ý chấp nhận các quan sát viên Indonesia giám sát thỏa thuận ngừng bắn tại khu vực biên giới hai nước, nhưng việc này vẫn chưa được tiến hành kể từ đó đến nay. Trong nửa đầu năm 2011, giao tranh liên tiếp xảy ra tại biên giới hai nước, khiến gần 30 người của cả hai bên thiệt mạng và gần 100.000 người khác phải đi lánh nạn.
Theo VNExpress