Tòa quốc tế buộc Nga bồi thường hơn 50 tỉ USD
Tòa trọng tài ở The Hague hôm qua đã ra phán quyết yêu cầu Nga trả cho các cổ đông trong tập đoàn dầu khí đã phá sản Yukos số tiền kỷ lục lên tới 51,57 tỉ USD vì tịch thu tài sản của họ. Đây là một đòn mạnh đối với nước Nga vốn đang chênh vênh bên bờ vực suy thoái.
Một trạm xăng của Yukos ở Matxcơva hồi năm 2004 – Ảnh: Reuters
Theo Reuters, tòa trọng tài phán quyết rằng Nga phải trả tiền bồi thường cho các chi nhánh của Tập đoàn Menatep đóng ở Gibraltar (lãnh thổ hải ngoại thuộc Anh), một công ty mà người từng giàu nhất nước Nga Mikhail Khodorkovsky thông qua đó để kiểm soát Yukos. Menatep giờ đây tồn tại dưới dạng một công ty của GML và ông Khodorkovsky cũng không còn là cổ đông của GML hay Yukos. Ông Khodorkovsky không tham gia vụ kiện lần này.
Vụ kiện 10 năm
Video đang HOT
Reuters dẫn lời luật sư của nguyên đơn là Emmanuel Gaillard nói tòa trọng tài ra phán quyết Nga phải trả cho nguyên đơn số tiền bồi thường 51,57 tỉ USD sau khi có bằng chứng nói Matxcơva đã buộc Yukos đi đến chỗ phá sản và bán tài sản của tập đoàn này cho các doanh nghiệp nhà nước với lý do chính trị. Bên nguyên, các cổ đông trong Tập đoàn GML, ban đầu đòi bồi thường số tiền lên đến 114 tỉ USD, gấp bốn lần tổng số tiền họ đầu tư vào Yukos. Số tiền 114 tỉ USD này dựa trên những tính toán giá trị giả định đến ngày nay của Yukos cộng thêm lãi. Số tiền bồi thường mà tòa ra phán quyết cũng được biết là lớn nhất trong lịch sử của tòa trọng tài.
Báo Kommersant của Nga cho biết thêm phán quyết của tòa nói rằng Matxcơva đã vi phạm hiến chương năng lượng thế giới mà họ tham gia năm 1991, trong đó vạch ra các vấn đề pháp lý đối với đầu tư trong ngành năng lượng. Nga sẽ có 180 ngày, tức tới ngày 15-1-2015 để bắt đầu trả số tiền hàng chục tỉ USD kể trên, nếu không sẽ đối mặt với việc lãi phát sinh. Sau phán quyết của tòa trọng tài The Hague, cổ phiếu của Rosneft tụt 0,6% trong khi chỉ số RTS Index của Nga tụt 1,8%.
Ông Khodorkovsky bị bắt năm 2003 và bị kết tội trốn thuế vào năm 2005. Công ty của ông – từng có lúc trị giá 40 tỉ USD – đã bị phá sản và quốc hữu hóa với hầu hết tài sản vào tay Tập đoàn dầu khí Rosneft của Igor Sechin, đồng minh của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Khi đó, theo Reuters, ông Putin đã phát biểu về vụ việc rằng: “Một tên trộm thì phải bị bắt vào tù”. Ông Khodorkovsky đã được ông Putin ân xá vào tháng 12 năm ngoái sau 10 năm ngồi tù. Hiện ông đang sống ở Thụy Sĩ.
Giám đốc GML Tim Osborne hoan nghênh phán quyết và nói sẽ buộc Nga phải trả số tiền bồi thường “nếu Nga không trả theo khung thời gian tòa đưa ra”. Số tiền thu được sẽ chia cho các cổ đông. Người được hưởng tiền bồi thường cao nhất là doanh nhân gốc Nga Leonid Nevzlin, người có 70% cổ phần trong Yukos và đã trốn sang Israel để tránh bị truy tố. Về phía ông Khodorkovsky, sau khi bị bắt ông nhượng lại quyền kiểm soát Menatep cho Nevzlin. Theo Reuters, Menatep sở hữu 60-70% cổ phần trong Yukos.
Trong một diễn biến khác, Tòa nhân quyền châu Âu (ECHR) ở Strasbourg (Pháp) vào ngày 31-7 này dự kiến đưa ra phán quyết về khoản tiền hàng tỉ USD mà Yukos đòi Nga bồi thường. Đơn kiện của đại diện cho các cổ đông Yukos gửi tới ECHR nói Yukos đã bị tước đoạt trái phép tài sản bởi sự áp đặt các loại thuế không có thật và việc bán đấu giá các tài sản của tập đoàn này.
Đòn mạnh giáng vào Nga
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói Matxcơva sẽ kháng án và nhấn mạnh những cổ đông kể trên sẽ còn phải đấu tranh lâu dài để hưởng tiền bồi thường. Những cổ đông này đã theo đuổi vụ kiện trong một thập kỷ qua. “Phía Nga, những cơ quan đại diện Nga trong vụ việc, sẽ dùng mọi khả năng pháp lý để bảo vệ quan điểm của mình” – ông Lavrov nói trong một tuyên bố.
Phán quyết được đưa ra trong bối cảnh Nga đang đối mặt với các lệnh cấm vận của Mỹ và phương Tây vì vai trò của họ trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Quân ly khai thân Nga ở miền đông Ukraine cũng đang bị cáo buộc bắn hạ máy bay của Malaysia Airlines. Thêm vào đó, Nga đang đối mặt với tình trạng tăng trưởng kinh tế chậm chạp. AFP dẫn lời ông Osborne nói phán quyết sẽ làm tổn thương đến đầu tư vào Nga. “Tôi nghĩ rằng vào thời điểm này Nga là một nơi mà không mấy người sẽ đến đầu tư” – ông nói.
Tập đoàn Rosneft hôm qua ra tuyên bố nói họ hi vọng sẽ không bị đòi tiền bồi thường sau phán quyết của tòa trọng tài. Tập đoàn này nói rằng họ không phải là bị đơn trong vụ kiện và phán quyết sẽ không có tác động tiêu cực tới “tài sản và các hoạt động thương mại” của họ. Theo AFP, Rosneft nói việc họ mua các tài sản của Yukos từ cuộc đấu giá là hợp pháp.
Theo Tuổi Trẻ
Trung Quốc phải giải trình về Biển Đông trước Tòa quốc tế
Tòa án Trọng tài Quốc tế (PCA) có trụ sở tại The Hague (Hà Lan) ngày 3-6 đã yêu cầu Trung Quốc đưa ra những phản hồi đối với vụ kiện của Philippines về "đường 9 đoạn" của Trung Quốc, chậm nhất là 15-12-2014, bất chấp việc Trung Quốc gửi công hàm từ chối tham gia từ hồi tháng trước.
Philippines biểu tình phản đối Trung Quốc chiếm bãi cạn Scaborough
Theo thông cáo số 2 của PCA, tòa đã ra hạn chót với Trung Quốc, đồng thời yêu cầu nước này nộp văn bản phản biện và những bằng chứng lập luận đối với hồ sơ pháp lý của Philippines kiện Chính phủ Trung Quốc về "đường 9 đoạn". "Trong lệnh án số 2, PCA đã xác định thời hạn cuối cùng để Trung Quốc nộp văn bản phản biện trong vụ kiện của Philippines". Tuyên bố trên website của PCA cho biết: "Tòa án Quốc tế sẽ xác định các quy trình tố tụng tiếp theo cũng như các văn bản đệ trình cần thiết vào thời điểm thích hợp sau khi đã tiếp nhận ý kiến của các bên tham gia".
Năm 2013, Philippines đã chính thức đệ đơn lên PCA và theo yêu cầu của cơ quan này, Philippines đã nộp bộ hồ sơ pháp lý hơn 4.000 trang hôm 29-3 vừa qua, bao gồm nhiều bằng chứng phản bác những yêu sách của Trung Quốc với cái gọi là "đường 9 đoạn" trên khu vực Biển Đông, mà trước đó Trung Quốc đã đơn phương khẳng định chủ quyền, bao trùm cả vùng đặc quyền kinh tế của Philippines (EEZ).
Trong văn bản yêu cầu của PCA, Trung Quốc sẽ phải giải trình về tính hợp pháp đối với những yêu sách của mình trên khu vực Biển Đông, đặc biệt là việc khẳng định chủ quyền bằng "đường 9 đoạn" trên vùng lãnh thổ của Philippines và các quốc gia khác trong khu vực. Ngày 4-6, chính quyền Manila cũng đã lên tiếng thúc ép Bắc Kinh để tham gia vào quá trình tranh tụng và phản biện trước tòa. Phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Charles Jose cho biết: "Tòa án Trọng tài Quốc tế là một cơ quan giải quyết các vấn đề một cách hòa bình, cởi mở và luôn tìm các giải pháp hòa bình lâu dài cho các bên tranh chấp" và "dù Trung Quốc không tham gia tranh tụng hay phản biện, nhưng Philippines vẫn tiếp tục vụ kiện này cho đến cùng".
Theo ANTD