Tòa làm khó báo chí, Bộ trưởng Tư pháp lên tiếng
Bộ trưởng Tư pháp cho rằng thông tư của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đang hạn chế báo chí tác nghiệp tại tòa.
Sáng 19/6, bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường đã chia sẻ với báo chí xung quanh Thông tư 01/2014 về nội quy phiên tòa của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.
Thông tư số 01/2014 về nội quy phiên tòa của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quy định các phóng viên muốn tham dự đưa tin phiên tòa phải xuất trình thẻ nhà báo và giấy giới thiệu.
Quy định trên đây đã vấp phải phản ứng của dư luận bởi theo nghị định số 51/2002/NĐ-CP (quy định chi tiết thi hành Luật báo chí, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật báo chí), nhà báo tham dự phiên tòa chỉ cần xuất trình thẻ nhà báo.
Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường (Ảnh: Phạm Thịnh)
- Xin Bộ trưởng cho biết ý kiến về thông tư 01/2014 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quy định các phóng viên muốn tham dự đưa tin phiên tòa phải xuất trình thẻ nhà báo và giấy giới thiệu?
Thông tư 01/2014 có quy định nhà báo tham dự, đưa tin phiên tòa phải trình thẻ nhà báo và giấy giới thiệu của cơ quan, tổ chức. Vấn đề này Bộ Tư pháp đã phát hiện ra và cần góp ý cho Tòa án nhân dân tối cao.
Về nguyên tắc, Bộ Tư pháp không có thẩm quyền kiểm tra đối với Thông tư của Tòa án nhân dân tối cao nên chỉ góp ý.
Dự kiến đến ngày 21/6, Bộ Tư pháp sẽ có văn bản góp ý cho Tòa án nhân dân tối cao.
- Thông tư 01/2014 của Chánh án tòa án nhân dân tối cao có thực sự cần thiết không, thưa ông?
Video đang HOT
Thông tư này là “giấy phép con”, là rào cản đối với hoạt động báo chí và không cần thiết. Quy định phải xuất trình trước 15 phút, nếu chậm hơn thì không được tham dự cũng là vấn đề.
Nguyên tắc xét xử ở Việt Nam là công khai, trừ một số trường hợp bí mật. Quyền báo chí đã được quy định trong Luật báo chí và Nghị định của Chính phủ.
- Ngày 18/6, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Sơn cho biết đã xin ý kiến và được Hội nhà báo, Bộ Công an đồng ý. Thông tư này có xin ý kiến từ Bộ Tư pháp không, thưa ông?
Tôi được biết bên Tòa án nhân dân tối cao không xin ý kiến Bộ Tư pháp. Nếu cần tôi sẽ kiểm tra lại.
- Nếu TANDTC không sửa thì cơ quan nào có thẩm quyền “tuýt còi” thông tư này, thưa ông?
Tôi nghĩ rằng Tòa án nhân dân tối cao sẽ sửa thông tư này. Còn theo quy định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới có quyền kiểm tra thông tư này.
Tại phiên tòa xử vụ chống người thi hành công vụ ở Tòa án nhân dân huyện Mỹ Đức (Hà Nội) ngày 26/4, phóng viên có thẻ nhà báo nhưng không có giấy giới thiệu vẫn không được vào tòa – Ảnh: T.L.
- Xin Bộ trưởng cho ý kiến về xu hướng gần đây có nhiều văn bản ban hành đã hạn chế, gây khó khăn hoạt động của báo chí?
Thực ra, nghị định của Chính phủ đã quy định rất rõ tạo thuận lợi cho báo chí. Vì vậy, các ngành trong Chính phủ chưa có quy định nào ngược lại.
Hiện nay, Bộ Tư pháp còn nợ nghị định xử lý vi phạm hành chính liên quan đến hoạt động báo chí, cung cấp và đăng tải thông tin nhưng mập mờ giữa chủ thể là nhà báo và người dân. Cần phải tách rõ để chỉ những cơ quan có thẩm quyền mới được xử phạt chứ không phải mọi người đều có quyền này.
- Phải chăng đang có khoảng trống trong kiểm soát thông tư, thưa ông?
Hiện tôi đã nghe lần cuối trước khi xin ý kiến về dự thảo Luật ban hành Văn bản quy phạm pháp luật. Nhưng, tinh thần là có đề nghị Chính phủ, Quốc hội về cơ chế kiểm soát thông tư của các bộ, ngành.
Thông tư của Tòa án, Viện kiểm sát thuộc phạm vi kiểm tra của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nên phải có cơ chế khác để kiểm soát. Ví dụ, các thông tư của Tòa án, Viện kiểm sát bắt buộc phải xin ý kiến của Bộ Tư pháp chứ không được ban hành tùy tiện.
Xin cảm ơn ông!
Trao đổi với phóng viên bên bên lề kỳ họp Quốc hội xoay quanh quy định phóng viên phải có thẻ nhà báo và giấy giới thiệu mới được tham dự phiên tòa, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Sơn cho biết, sở dĩ đưa ra quy định như vậy là để “ngăn ngừa tình trạng thích thì đến, không thích thì không đến”.
Cũng theo ông Sơn, quy định này còn góp phần để “đảm bảo trật tự phiên tòa”. Ông Sơn cũng khẳng định “tinh thần chung là rất mở và rất thoải mái”.
Giải thích lý do đưa ra quy định này, Phó chánh án cho biết: “Khi anh thực hiện công vụ thì cơ quan anh phải có giấy giới thiệu và cử người có thẻ đến để làm.
Báo chí cũng là thực hiện nhiệm vụ, và nhiệm vụ ấy phải được thực hiện trên cơ sở của sự phân công. Khi nhà báo có đủ các điều kiện ấy thì được tham dự phiên tòa”.
Ông Nguyễn Sơn cũng thông tin, khi xây dựng quy định này, các đơn vị khác như Hội Nhà báo, Ban Tuyên giáo, Bộ Công an… đã thống nhất chủ trương đó và cuối cùng mới đi đến thống nhất như vậy.
Phạm Thịnh
Theo_VTC
Giàu bất thường không chứng minh được sẽ bị truy tố
Giàu bất thường không chứng minh được sẽ bị truy tố
Tại phiên chất vấn sáng nay 12-6, báo cáo về việc nghiên cứu sửa đổi Luật hình sự, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết tới đây, làm giàu bất hợp pháp, không chứng minh được nguồn nào làm giàu thì cũng bị truy tố.
Sáng nay 12-6, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường "đăng đàn" trả lời chất vấn trực tiếp tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII.
Từ thực tế xét xử các vụ tham nhũng, việc thu hồi tài sản tham nhũng là một câu chuyện dài không có hồi kết, đại biểu (ĐB) Đỗ Văn Đương nêu thực tế thu hồi tài sản trong đại án tham nhũng được rất ít để đặt chất vấn cũng là gợi ý phải chăng giữa thi hành án thi hành án dân sự cũng phải kết nối gì với cơ quan tố tụng?
Bộ trưởng Hà Hùng Cường đồng tình với ý kiến ĐB Đỗ Văn Đương và nói: "Mỗi khi toà án xét xử các vụ đại án tham nhũng, không khí người dân thì phấn khởi còn anh em thi hành án thì rất lo".
Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết trong sửa Bộ luật Hình sự sắp tới có nội dung nếu không chứng minh được nguồn nào làm giàu thì cũng bị truy tố
Theo Bộ trưởng, nguyên nhân chủ yếu là nước ta chưa có hệ thống đăng ký tài sản tập trung, thống nhất và minh bạch. Bất động sản cũng vậy, động sản cũng vậy. Việc mua bán qua tài khoản tín dụng chưa nghiêm dù có luật pháp. "Có sự cắt khúc, điều tra là một khúc, truy tố là một khúc, đưa ra toà là một khúc, đặc biệt thi hành án dân sự lại tách rời quyền lực của cơ quan tư pháp"-Bộ trưởng đi vào bản chất vấn đề.
Mặt khác, trong luật thi hành án phải có đơn yêu cầu thì mới thi hành. "Ví dụ việc xét xử vụ án tham nhũng ở Tập đoàn Công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam (Vinashin)đã xong, song việc bồi thường cho "con cháu" của Vinashin thì phải có yêu cầu. Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đã yêu cầu song đến nay "con cháu" của Vinashin vẫn không buộc "ông" phải trả lại số tiền đó. Trong khi số tiền này không phải là ít" - Bộ trưởng Hà Hùng Cường dẫn ra một trường hợp.
Giải pháp được Bộ trưởng Bộ tư pháp đề xuất: "Lần này chúng ta sẽ phải hoàn thiện làm sao để kết nối, liên thông giữa hoạt động của cơ quan thi hành án dân sự từ đầu: điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án... thì mới hiệu quả".
Trả lời về chính sách hình sự cần đổi mới như thế nào với tội tham nhũng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết những nội dung mới đáng chú ý: "Trong Bộ luật Hình sự sửa đổi sắp tới, ban soạn thảo và Bộ Tư pháp đã báo cáo Chính phủ và được ra định hướng. Trong đó, về Tội tham nhũng đã được Ban Nội chính Trung ương làm việc trực tiếp theo hướng bổ sung một số tội phạm tham nhũng, nội địa hoá một số tội quốc tế. Ví dụ: Làm giàu bất hợp pháp, không chứng minh được nguồn nào làm giàu thì cũng bị truy tố. Ngoài ra, còn vấn đề kê khai tài sản rắc rối và tham nhũng trong lĩnh vực tư nhân" - Bộ trưởng cho biết.
"Đồng thời chúng tôi cũng trình chính phủ và Chính phủ đồng tình cho nghiên cứu bổ sung vào Luật hình sự truy tố vấn đề pháp nhân, cụ thể là các cá nhân, doanh nghiệp trong việc rửa tiền" - Bộ trưởng Hà Hùng Cương cho biết thêm.
Theo Nguyễn Quyết/Người lao động
Cấp thẻ căn cước cho công dân từ khi chào đời Việc có nên cấp thẻ căn cước cho công dân ngay khi mới chào đời hay phải chờ đến một độ tuổi nhất định mới cấp là vấn đề vẫn còn ý kiến khác nhau khi Ủy ban TVQH thảo luận về dự luật Căn cước công dân tại phiên họp chiều qua, 24.4. Người dân lấy dấu vân tay làm CMND -...