Tòa chưa xử nhưng đã… thắng kiện
Đó là thắng lợi của 13 hộ dân phường Nhân Chính ( quận Thanh Xuân, Hà Nội) sau nhiều năm trời đi kiện nhờ vào một văn bản của UBND TP.Hà Nội.
Sau nhiều năm ròng rã khiếu nại, 13 hộ dân tại phường Nhân Chính (quận Thanh Xuân, Hà Nội) đã giành “chiến thắng” khi UBND TP.Hà Nội quyết định tách nhà đất của họ ra khỏi phạm vi giải tỏa của một dự án.
Một mét vuông đất được hai tô phở
Cuối năm 2010, các hộ dân tại tổ 1 cụm dân cư Nam Thăng Long 2, phường Nhân Chính nhận được thông tin về việc đất của họ sẽ bị thu hồi để phục vụ dự án xây dựng tòa nhà hỗn hợp văn phòng cho thuê, dịch vụ công cộng và nhà ở. Dự án này do Công ty CP Đào tạo và Xây lắp điện làm chủ đầu tư.
Đến tháng 11.2011, các hộ dân chính thức nhận được quyết định thu hồi đất của UBND quận Thanh Xuân. Điều đáng nói, từ khi có thông tin về dự án cho đến khi nhận quyết định thu hồi đất, các hộ dân không hề được thông báo cũng như tham gia họp bàn về dự án này. “Bị thu hồi đất nhưng lại không nhận được quyết định thu hồi, phải sau rất nhiều lần yêu cầu, quận mới giao cho chúng tôi quyết định đó” – bà Trần Thị Bình, một trong 13 người có đất bị thu hồi, nói.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Hòa khẳng định: “Từ năm 1990, chúng tôi ở ổn định, không tranh chấp với ai và đều hoàn thành đầy đủ các nghĩa vụ tài chính, đều có giấy tờ biên nhận nhưng vẫn chưa được cấp giấy đỏ. Đến khi nhận thông báo thu hồi với mức bồi thường 50.000 đồng/m2, cả gia đình tôi mới tá hỏa”.
“ Thắng kiện” khi đang chờ phiên phúc thẩm
Video đang HOT
Để bảo vệ quyền lợi của mình, 13 hộ dân đã cùng nhau gõ cửa chính quyền. Họ gửi đơn khiếu nại quyết định thu hồi đất của quận Thanh Xuân đến nhiều cơ quan nhưng không nhận được hồi đáp tích cực nào. Bà Trần Thị Bình tâm sự: “Với chúng tôi, khó khăn lớn nhất chính là sự im lặng của nhiều cơ quan. Cho đến giờ, UBND quận vẫn chưa một lần chính thức lên tiếng hoặc phản hồi gì. Chúng tôi đã cùng nhau tới Sở Quy hoạch-Kiến trúc 18 lần, có lần được tiếp, có lần không”.
Bà Trần Thị Bình bên cạnh dãy nhà của các hộ dân tại tổ 1, cụm dân cư Nam Thăng Long. Ảnh: T.P
Khiếu nại không có kết quả, cả 13 hộ dân quyết định kiện UBND quận Thanh Xuân ra TAND quận Thanh Xuân. Thế nhưng trong các phiên xử sơ thẩm gần đây, tòa này lần lượt bác yêu cầu của tất cả các hộ. Các hộ dân tiếp tục kháng cáo đến TAND TP.Hà Nội.
Trong khi TAND TP.Hà Nội chưa xử phúc thẩm thì mới đây, các hộ dân nhận được thông tin: UBND TP Hà Nội vừa có văn bản gửi UBND quận Thanh Xuân thông báo chủ trương điều chỉnh ranh giới và quy hoạch dự án nói trên. Theo đó, UBND TP.Hà Nội chấp thuận chủ trương cho Công ty CP Đào tạo và Xây lắp điện nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch kiến trúc của dự án tòa nhà hỗn hợp theo hướng: Tách diện tích đất thuộc tổ 1 cụm Nam Thăng Long, phường Nhân Chính do các hộ dân đang sử dụng ra khỏi ranh giới khu đất thực hiện dự án để các hộ dân sử dụng và thực hiện việc chỉnh trang theo quy hoạch.
Bà Nguyễn Thị Hòa chia sẻ: “Lúc biết TP ra văn bản, chúng tôi không tin đó là sự thật, quá bất ngờ và quá đỗi vui mừng!”. Còn bà Trần Thị Bình thì nói: “Người ta vẫn nói “con kiến đi kiện củ khoai”, thế nhưng “những con kiến” như chúng tôi đã giành thắng lợi. Chúng tôi đã đòi lại được nhà, đất theo đúng quy định của pháp luật. Từ khi biết TP có văn bản, chúng tôi cảm thấy cuộc đời thay đổi hẳn, hễ ra khỏi cổng là được người dân chúc mừng…”.
Vậy là nỗi vất vả, khó nhọc trong hành trình khiếu kiện của 13 hộ dân cuối cùng đã được đền đáp.
Hiện các hộ dân này chỉ còn chờ nhận quyết định hủy bỏ quyết định thu hồi đất của UBND quận Thanh Xuân nữa là xem như “thắng lợi hoàn toàn”.
Lòng kiên trì của dân được đền đáp Dự án của chủ đầu tư đã có những sai phạm ngay từ đầu, trong đó điểm mấu chốt nhất là sai về quy hoạch. Theo quy hoạch, khu đất thuộc dự án phải phục vụ cộng đồng, nghĩa là chỉ xây dựng các công trình như nhà văn hóa, công viên… chứ không thể xây khu thương mại. Nếu muốn điều chỉnh, họ phải họp bàn với người dân để họ biết và nêu ý kiến. Tuy nhiên, chủ đầu tư đã bỏ qua quy trình này. Đây là tài sản, quyền lợi chính đáng của các hộ dân, có người làm cả đời mới được mảnh đất. Vì vậy, họ kiên trì theo đuổi vụ kiện để bảo vệ quyền lợi của mình. Trước sự kiên trì đó, Sở Quy hoạch-Kiến trúc đã thay đổi và có văn bản gửi tới TP, nhờ đó TP có chủ trương có lợi cho các hộ dân. Luật sư Trần Vũ Hải (Đoàn Luật sư Hà Nội, người trợ giúp pháp lý cho 13 hộ dân)
Theo_Dân việt
Thắng kiện sau 23 năm đòi ủy ban trả nợ
TAND huyện Hòa Thành (Tây Ninh) vừa tuyên buộc UBND huyện này phải trả cho ông Nguyễn Văn Vĩnh gần 44 triệu đồng.
Sau 23 năm vác đơn khiếu nại khắp nơi, giờ ông Vĩnh mới đòi được nợ. Ảnh: N.NGA
Như Pháp Luật TP.HCM từng thông tin, năm 1989, ông Vĩnh ký hợp đồng thi công 2 km đường trị giá hơn 170 triệu đồng với Phòng Giao thông Vận tải huyện Hòa Thành (nay là Phòng Công Thương huyện Hòa Thành). Trong quá trình thi công, UBND huyện không ứng kinh phí kịp thời nên ông Vĩnh phải đi vay vàng bên ngoài. Tiếp đó, UBND huyện đã bảo lãnh cho ông Vĩnh vay ngân hàng 40 triệu đồng để có vốn tiếp tục thi công.
Năm 1990, con đường hoàn tất, Phòng Giao thông Vận tải huyện Hòa Thành thanh lý hợp đồng, lập biên bản quyết toán, ghi rõ còn nợ ông Vĩnh hơn 43 triệu đồng. Tuy nhiên, sau đó UBND huyện không thanh toán tiền với lý do đã bảo lãnh cho ông Vĩnh vay ngân hàng 40 triệu đồng trước đó. Không đồng ý vì cho rằng số tiền vay 40 triệu đồng đã được tính vào bản quyết toán công trình nên từ năm 1992, ông Vĩnh liên tục khiếu kiện khắp nơi, từ trọng tài kinh tế tỉnh đến tòa án để đòi UBND huyện Hòa Thành trả nợ nhưng không cơ quan nào chịu thụ lý, giải quyết. Mãi đến tháng 11-2013, TAND huyện Hòa Thành mới thụ lý đơn kiện của ông Vĩnh.
Ông Vĩnh yêu cầu UBND huyện Hòa Thành phải trả hơn 43 triệu đồng và tiền lãi từ năm 1990 cho đến nay. Tại phiên tòa, đại diện UBND huyện yêu cầu HĐXX khấu trừ gần 39,5 triệu đồng tiền gốc mà ủy ban đã trả nợ ngân hàng thay ông Vĩnh vào số tiền gần 44 triệu đồng mà ông Vĩnh đòi, đồng thời không chấp nhận trả lãi (tức ủy ban chỉ còn nợ ông Vĩnh gần 4,5 triệu đồng).
Theo HĐXX, UBND huyện Hòa Thành cho rằng Phòng Giao thông Vận tải huyện đã chuyển vào tài khoản của ông Vĩnh mở tại ngân hàng để trả nợ cho ông Vĩnh tổng cộng hơn 60 triệu đồng (tiền gốc gần 39,5 triệu đồng, lãi hơn 20 triệu đồng) nhưng không cung cấp được chứng cứ chứng minh. Các chứng từ thu nợ của ông Vĩnh từ tháng 7-1990 đến tháng 5-1992 đã bị ngân hàng tiêu hủy vào năm 2007 nên không xác định rõ ai trả nợ ở hồ sơ vay của ông Vĩnh. Ngoài ra, cũng không có văn bản nào thỏa thuận về việc UBND huyện Hòa Thành trả nợ ngân hàng thay cho ông Vĩnh. Do không có căn cứ xác định ủy ban chuyển tiền vào tài khoản của ông Vĩnh mở tại ngân hàng nên HĐXX không thể chấp nhận việc khấu trừ gần 39,5 triệu đồng vào số tiền ủy ban nợ ông Vĩnh.
Cạnh đó, theo HĐXX, bản quyết toán có thỏa thuận trong vòng 15 ngày ủy ban sẽ thanh toán, nếu không thanh toán thì phải tính lãi theo lãi suất hiện hành nhưng do thời hiệu hợp đồng kinh tế đã hết nên không thể tính lãi suất. Vì vậy, việc ông Vĩnh yêu cầu tính lãi từ ngày 16-5-1990 cho đến ngày xét xử là không có cơ sở chấp nhận. Từ đó, tòa tuyên buộc như trên.
Hiện cả ông Vĩnh và UBND huyện Hòa Thành đều kháng cáo bản án sơ thẩm.
Theo NGÂN NGA
Pháp luật TPHCM
Thắng kiện sau 23 năm đòi UBND huyện trả nợ TAND huyện Hòa Thành (Tây Ninh) vừa tuyên buộc UBND huyện này phải trả cho ông Nguyễn Văn Vĩnh gần 44 triệu đồng. Sau 23 năm vác đơn khiếu nại khắp nơi, giờ ông Vĩnh mới đòi được nợ. Ảnh: N.NGA Như Pháp Luật TP.HCM từng thông tin, năm 1989, ông Vĩnh ký hợp đồng thi công 2 km đường trị giá hơn...