Tòa án Mỹ ‘bật đèn xanh’ đối với quy định người lao động buộc phải tiêm vaccine
Quy định hành chính khẩn cấp, được chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đưa ra, trong đó yêu cầu người lao động làm việc tại các công ty có hơn 100 người phải tiêm vaccine ngừa COVID-19 hoặc phải xét nghiệm hằng tuần, đã được thúc đẩy sau khi một tòa phúc thẩm liên bang ở Cincinnati, bang Ohio, bãi bỏ phán quyết trước đó của một tòa án nhằm ngăn chặn quy định này.
Người dân được tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Chicago, Illinois, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
Một hội đồng gồm 3 thẩm phán của Tòa Phúc thẩm khu vực 6 của Mỹ ngày 17/12 đã chấp nhận đề nghị của chính quyền về việc bãi bỏ phán quyết của Tòa phúc thẩm khu vực 5, ban hành hôm 6/11. Theo phán quyết của Tòa Phúc thẩm khu vực 5, quy định mà Cơ quan an toàn và sức khỏe nghề nghiệp (OSHA) đưa ra hôm 5/11, có hiệu lực trong 6 tháng, về việc chủ các doanh nghiệp có ít nhất 100 nhân viên phải yêu cầu người lao động tiêm vaccine ngừa COVID-19 hoặc phải xét nghiệm thường xuyên, là “bất hợp pháp” và có thể là “vi hiến”.
Trong một tuyên bố, Thẩm phán Tòa Phúc thẩm khu vực 6 Jane B. Stranch khẳng định tầm quan trọng của phán quyết này trong việc ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2, vốn cướp đi sinh mạng của hơn 800.000 người ở Mỹ, gây áp lực đối với hệ thống y tế, buộc các doanh nghiệp phải đóng cửa trong vài tháng và hàng trăm nghìn người lao động bị ảnh hưởng.
Ngay sau đó, Nhà Trắng đã hoan nghênh quyết định trên của Tòa Phúc thẩm khu vực 6, đồng thời cho rằng quy định này sẽ cho phép các doanh nghiệp thực thi những biện pháp bảo vệ nhân viên. Nhà Trắng nêu rõ sự xuất hiện của biến thể Omicron được cho là có khả năng lây nhiễm cao càng khiến quy định trên trở nên cấp thiết vào thời điểm này.
OSHA ước tính quy định yêu cầu người lao động phải tiêm vaccine hoặc xét nghiệm bắt buộc có thể bảo vệ mạng sống của hơn 6.500 người cũng như giúp giảm thiểu hơn 250.000 người mắc phải nhập viện trong 6 tháng.
Dự kiến, quy định này sẽ có hiệu lực từ ngày 4/1.
Italy bắt buộc người lao động phải có chứng nhận tiêm chủng
Từ ngày 15/10, tất cả người lao động ở Italy sẽ bắt buộc phải xuất trình chứng nhận tiêm vaccine ngừa COVID-19, còn gọi là thẻ xanh, khi đến nơi làm việc.
Xuất trình thẻ xanh COVID-19 tại Rome, Italy, ngày 6/8/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Quy định thẻ xanh được chính phủ của Thủ tướng Mario Draghi thông qua hồi tháng trước, theo đó tất cả người lao động phải có chứng chỉ kỹ thuật số hoặc giấy tờ xác nhận đã tiêm phòng COVID-19, kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 48 giờ hoặc được điều trị khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng, mới được đến nơi làm việc. Quy định này có hiệu lực đến cuối năm nay và ảnh hưởng đến khoảng 23 triệu người lao động. Những lao động không có thẻ xanh sẽ bị đình chỉ làm việc mà không được trả lương, hoặc đối mặt với mức phạt 1.500 euro (khoảng 1.700 USD) nếu phớt lờ quy định. Chính phủ Italy hy vọng quy định bắt buộc có thẻ xanh COVID-19 sẽ giúp thay đổi quan điểm của những người chưa tiêm chủng.
Hiện Italy có hơn 80% dân số trên 12 tuổi đã tiêm phòng COVID-19 đầy đủ. Tuy nhiên, vẫn còn khoảng 15% số lao động trong lĩnh vực tư nhân và 8% trong lĩnh vực công ở nước này chưa có thẻ xanh.
Quy định về thẻ xanh COVID-19 nhìn chung nhận được sự ủng hộ ở hầu khắp Italy, dù vẫn có một số cuộc biểu tình phản đối tại thủ đô Rome và thành phố cảng Trieste.
Trong khi đó, các đảng phái tại Italy cũng đưa ra nhiều ý kiến trái chiều về quy định này. Đảng cực hữu Liên đoàn phương Bắc (LN) và Những người anh em Italy (Fdl) cho rằng để giải quyết nguy cơ thiếu lao động, hiệu lực của giấy chứng nhận âm tính với virus SARS-CoV-2 nên được gia hạn từ 48 giờ lên 72 giờ đồng thời miễn phí xét nghiệm cho người lao động chưa tiêm chủng. Đảng Dân chủ trung tả thuộc liên minh cầm quyền của Thủ tướng Mario Draghi, cho rằng cần xét nghiệm thu phí.
Italy ban hành luật mới về 'thẻ xanh' Italy có kế hoạch ban hành luật bắt buộc tất cả người lao động sử dụng "thẻ xanh" nhằm tăng tỷ lệ tiêm vaccine trước mùa đông năm nay. Xuất trình thẻ xanh COVID-19 tại Rome, Italy, ngày 6/8/2021. Ảnh: AFP/TTXVN Theo luật mới dự kiến có hiệu lực kể từ ngày 15/10, người lao động không tiêm vaccine ngừa COVID-19 hoặc không...