Tòa án Hà Nội tuyên án không thể thi hành được trong thực tế
“Kỳ án” oan khuất của mẹ liệt sĩ Triệu Thị Mão kéo dài gần 13 năm nhưng chưa thể kết thúc vì bản án số 206/2013/DSPT vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng dẫn đến việc có thể coi đây là “bản án hài hước”, bởi bản án không thể thi hành trong thực tế.
Như báo Dân trí đã đưa tin ở những bài báo trước,vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại thôn 5, xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội đã trải qua hơn 9 phiên xét xử kéo dài gần 13 năm nay nhưng quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự trong vụ án vẫn không được đảm bảo theo quy định của pháp luật. Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án cho thấy, thửa đất số 142 thuộc quyền sở hữu hợp pháp của ông Nguyễn Văn Kế và bà Triệu Thị Mão, do được thừa kế hợp pháp của bố mẹ là cụ Sụn, cụ Nghĩa.
Sự việc tranh chấp bắt đầu từ năm 1994 khi anh Nguyễn Văn Tạo – con trai ông Kế bà Mão tự ý đi kê khai tách thửa đất 142 thành 2 thửa và làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) mang tên anh Tạo và anh Nguyễn Văn Chung – con trai ông Bốn (bị tâm từ nhỏ). Sau hơn một thập kỷ mẹ liệt sĩ Triệu Thị Mão đấu tranh đòi lại quyền, lợi ích hợp pháp của mình với nhiều cấp xét xử thì 8 bản án đã tuyên đều không thừa nhận tính hợp pháp của 2 GCNQSDĐ trái pháp luật, thế nhưng đi ngược lại với kết quả nghiên cứu, lao động trong suốt gần 13 năm trời của nhiều vị thẩm phán công tâm, tài giỏi, ngày 26/8/2013 bà thẩm phán Nguyễn Thị Minh Tân đã cho ra đời một bản án hết sức “ sáng tạo” khi ngang nghiên thừa nhận tính hợp pháp của 2 GCNQSDĐ nói trên.
Bản án 206 có rất nhiều điểm đặc biệt khi không chỉ vi phạm cả về nội dung, thủ tục tố tụng mà còn có cả những sai số về diện tích thửa đất 142 so với số liệu có trong hồ sơ vụ án cũng như số liệu thực, khiến bản án này không thể thi hành trên thực tế.
Gia đình mẹ liệt sĩ Triệu Thị Mão cho rằng HĐXX ngày 26/8/2013 có nhiều điểm “bất thường” cần làm rõ
Theo trích lục sơ đồ thửa đất hiện được lưu trữ tại xã Đông Mỹ thì thửa đất 142 có diện tích là 1.020m2, ngoài ra trong lời khai của các đương sự tại phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm cũng như toàn bộ các bút lục, các bản án trong 8 năm qua đều công nhận thửa đất 142 có diện tích 1.020m2. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì mà bản án 206 lại tuyên và có sơ đồ đính kèm thì thửa đất trên lại có tổng diện tích là 1.022,7m2, sai số lớn hơn so với số liệu thống nhất từ trước đến nay là 2,7m2, điều này đã khiến cho đông đảo những người quan tâm đến vụ án đều hết sức kinh ngạc trước sự chênh lệch số liệu trên.
Bức xúc trước bản án tuyên trái pháp luật, ngày 12/9/2013, chị Nguyễn Thị Nhung (con gái bà Triệu Thị Mão) đã mời Công ty địa chính Hà Nội đo đạc lại toàn bộ diện tích thửa đất 142 thì kết quả vô cùng bất ngờ khi diện tích thực của thửa đất này lại là 983.7m2. Như vậy, diện tích thửa đất trong bản án là không đúng với diện tích thực tế, điều này khẳng định rằng vào năm 1994, khi làm GCNQSDĐ, cơ quan địa chính UBND xã Đông Mỹ và UBND huyện Thanh Trì đã không tiến hành khảo sát, đo đạc thực tế mà chỉ xem xét qua loa và quyết định cấp 2 GCNQSDĐ cho anh Tạo và anh Chung trên lý thuyết, giấy tờ mà thôi.
Gần 20 năm sau, bà thẩm phán Nguyễn Thị Minh Tân lại sáng tạo hơn khi đưa ra một số liệu hoàn toàn mới là 1022,7 m2 khiến cho kết quả làm việc gần 13 tháng trời của các cán bộ Tòa án TP Hà Nội trong phiên tòa có một kết cục vô nghĩa, bởi sự ra đời của một bản án trái pháp luật và không thể thi hành được trên thực tế, khi mà sự chênh lệch giữa số liệu thực tế với số liệu mà bản án 206 đưa ra.
Để làm sáng rõ vấn đề mà rất nhiều người hiện đang quan tâm , PV Dân tríđã có cuộc trao đổi với luật sư Phan Thị Lam Hồng – thuộc Đoàn luật sư TP Hà Nội.
Thưa luật sư Phan Thị Lam Hồng, đây có phải là trường hợp có thể yêu cầu Tòa án sửa chữa, bổ sung bản án được không?
Theo khoản 1 Điều 240 Bộ luật tố tụng dân sự quy định về các trường hợp được sửa chữa, bổ sung bản án như sau:
Video đang HOT
“Sau khi tuyên án xong thì không được sửa chữa, bổ sung bản án, trừ trường hợp phát hiện lỗi rõ ràng về chính tả, về số liệu do nhầm lẫn hoặc tính toán sai. Việc sửa chữa, bổ sung phải được thông báo ngay cho người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc sửa chữa, bổ sung; đồng thời thông báo cho cơ quan, tổ chức khởi kiện và Viện kiểm sát cùng cấp”.
Việc sửa chữa, bổ sung bản án chỉ được thực hiện trong trường hợp khi phát hiện lỗi rõ ràng về chính tả, về số liệu do nhầm lẫn hoặc tính toán sai. Ngoài các trường hợp nêu trên thì không được sửa chữa, bổ sung bản án.
Mặt khác, theo quy định tại khoản 1 Điều 38 Nghị quyết số 05/2012/ NQ – HĐTP về sửa chữa, bổ sung bản án quy định tại Điều 240 của BLTTDS:
“Chỉ được sửa chữa, bổ sung bản án trong các trường hợp sau đây:
a) Phát hiện lỗi rõ ràng về chính tả như: lỗi do viết không đúng từ ngữ, dấu, chữ viết hoa, viết thường, phiên âm tiếng nước ngoài sang tiếng Việt, bỏ sót không ghi tên đệm trong họ, tên của đương sự…
b) Số liệu do nhầm lẫn hoặc do tính toán sai (kể cả án phí) như: cộng, trừ, nhân, chia sai… mà phải sửa lại cho đúng”
Như vậy, đối chiếu với các quy định trên, thì việc số liệu diện tích thửa đất trong bản án không đúng với diện tích thực tế không nằm trong các trường hợp được sữa chữa, bổ sung bản án. Vì thế, theo quy định của pháp luật thì bản án 206 không được phép sửa chữa, bổ sung.
Thưa luật sư, nếu không được sửa chữa, bổ sung bản án thì bản án 206 có đủ điều kiện để thi hành trong thực tế không?
Căn cứ vào số liệu trong hồ sơ vụ án cũng như trong nội dung bản án đã tuyên, cùng với số liệu thực tế mới đo được thì có thể khẳng định bản án 206 không đủ điều kiện để thi hành trong thực tế.
Luật sư Lam Hồng cho biết, theo khoản 1 Điều 179 Luật thi hành án dân sự năm 2008 quy định trách nhiệm của cơ quan ra bản án, quyết định trong thi hành án: “ Bảo đảm bản án, quyết định đã tuyên chính xác, rõ ràng, cụ thể, phù hợp với thực tế”.
Như vậy, khi ban hành một bản án thì nội dung bản án đó phải chính xác về đối tượng, số liệu rõ ràng, chính xác, cụ thể và phù hợp với thực tế.Trong khi đó, bản án 206 xác định diện tích thửa đất là 1.022,7m2 nhưng khi chị Nhung mời Công ty địa chính Hà Nội đo đạc thì diện tích thực tế là 983.7 m2, còn số liệu theo hồ sơ vụ án suốt hơn mười năm qua thì lại là 1.022,7m2, như vậy không đủ điều kiện thi hành bản án đã tuyên.
Cũng theo quy định tại Điều 1 Thông tư số 14/2010/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC: “Trường hợp phát hiện phần quyết định của bản án, quyết định của Toà án có những điểm chưa rõ gây khó khăn cho việc thi hành án hoặc phát hiện lỗi chính tả, số liệu sai sót do nhầm lẫn hoặc tính toán sai thì cơ quan thi hành án có quyền yêu cầu bằng văn bản gửi Toà án đã ra bản án, quyết định giải thích những điểm chưa rõ, đính chính lỗi chính tả hoặc số liệu sai sót. Toà án được yêu cầu có trách nhiệm trả lời về những vấn đề được nêu trong văn bản yêu cầu của cơ quan thi hành án dân sự”.
Tuy nhiên, do đây không thuộc trường hợp được sửa đổi, bổ sung bản án nên Tòa án cũng không thể nào sửa chữa được bản án. Chính vì vậy, cơ quan thi hành án sẽ lập ra Hội đồng tiến hành đo đạc để xác định lại diện tích thửa đất 142 thực tế là bao nhiêu m2. Trường hợp con số đo đạc lại không trùng với con số mà Tòa án đưa ra thì cơ quan thi hành án ( Thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự) sẽ “Kiến nghị người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm đối với bản án, quyết định theo quy định của pháp luật” (theo điểm d, khoản 1 Điều 23 Luật thi hành án dân sự năm 2008)
Như vậy, sau hơn một năm làm việc kể từ ngày thụ lý hồ sơ vụ án theo thủ tục phúc thẩm, Tòa án đã tuyên một bản án không chỉ vi phạm thủ tục tố tụng mà còn sai phạm cả về nội dung, khiến cho bản án không thể được thực thi trên thực tế được. Vậy trách nhiệm của ngành Tòa án ở đâu trong khi để diễn ra một phiên tòa phải cần đến rất nhiều tiền của, thời gian, công sức của các đương sự, gây mất niềm tin trong quần chúng nhân dân. Và ai sẽ là người bồi thường cho những mất mát về mặt kinh tế cho các đương sự, ai sẽ là người “bồi thường” cho danh dự, uy tín của Đảng và Nhà nước trong khi những người thay mặt Đảng, nhà Nước thực thi nhiệm vụ công lý lại gây ra những hậu quả nặng nề như vậy. Đây là câu hỏi đặt ra không chỉ riêng đối với thẩm phán Nguyễn Thị Minh Tân mà còn cả đối với Hội đồng xét xử ngày hôm đó.
Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc về vụ việc trên.
Ngọc Cương
Theo Dantri
Tâm sự vợ ông trùm khét tiếng đất Sơn Tây
"Nếu giờ được quay lại, tôi vẫn muốn cùng anh Việt đi bán ốc đêm hôm, đi tiếp thị sản phẩm, đi giao hàng. Nghèo khó, vất vả đến mấy, tôi cũng chịu được, chỉ mong có một cuộc sống yên ấm hạnh phúc như bao gia đình khác", Nguyễn Thị Nhung (SN 1985) người vợ của Việt "què", ông trùm cho vay nặng lãi khét tiếng vùng ven Hà thành một thời đã trải lòng như vậy.
Việt giờ đang ở trong trại giam để trả giá cho những tội lỗi đã gây ra. Nhưng người vợ từng viết đơn li dị hắn vẫn ngày ngày bán ốc nơi đầu ngõ, một lòng chờ người chồng cũ phục thiện trở về để kết lại mối nhân duyên.
Mối tình thanh mai trúc mã
Chia sẻ cùng chúng tôi, chị Nhung kể, gia đình mình và Việt chỉ cách nhau chưa đầy 3 cây số. Việt là anh cả trong một gia đình gia giáo. Nếu hai người em của Việt học hành tử tế, có công việc đàng hoàng thì Việt hoàn toàn ngược lại. Học hành dở dang, Việt được bố định hướng cho đi học nghề lái xe. Mối nhân duyên giữa hai người cũng bắt đầu từ chính khoảng thời gian hiếm hoi Việt làm người lương thiện này. Khi ấy, nhà chị Nhung rất nghèo. Ông nội của chị là người Hà Nam Ninh (cũ) về Vỵ Thủy làm mõ cho làng. Từ đời ông chị, bố chị đến đời chị bị người trong làng gọi là "nhà mõ". Vì thế, hàng xóm láng giềng cũng ít gần gũi, thân thiết cởi mở với gia đình chị. Vậy nhưng, trong số ít những bạn bè của bố chị lại có bố của Việt "què". Hai ông thân với nhau như chân với tay, có mồi ngon, chai rượu đều nhớ đến nhau. Hai cụ còn nhận kết tình thông gia khi các con cái lớn lên.
Năm 18 tuổi, chị Nhung nổi tiếng khắp vùng nhờ sự nết na, xinh đẹp. Đúng lúc ấy, biến cố xảy đến khi bố chị phát hiện bị ung thư vòm họng. Ở bên kia, cha Việt cũng ốm thập tử nhất sinh vì viên đạn còn sót lại trong đầu từ thời chiến tranh. Trước lúc mất, hai ông đều muốn thực hiện tâm nguyện làm thông gia. "Vì không muốn ép duyên con cái, hai cụ đã tạo điều kiện để chúng tôi tìm hiểu, đến với nhau bằng tình yêu đôi lứa. Lấy lý do nhà tôi xây nhà cho anh trai ở riêng, bố Việt kêu anh chở vật liệu xây dựng rồi thay ông lên phụ giúp gia đình tôi", chị nhớ lại. Cứ như thế trong mấy tháng "lửa gần rơm", hai người đã yêu nhau. "Mọi người hai bên gia đình tôi và gia đình anh đều ủng hộ, vun vén. Cho đến trước ngày bố mất, tôi mới biết đấy là ý của hai ông cụ", chị tâm sự.
Chị và Việt về ở với nhau được một thời gian thì cả hai cụ thân sinh qua đời. Các em của Việt khi ấy vẫn còn đang đi học chuyên nghiệp, mọi gánh nặng kinh tế gia đình đều trông mong vào những đồng lương hạn hẹp của mẹ Việt. Chị với ông trùm ra ở riêng khi cả hai đều bàn tay trắng. 10 năm làm vợ Việt "què", có với nhau 2 mặt con, những ngày tháng khó khăn ấy, nghịch lý thay lại là những ngày hạnh phúc nhất. Việt vẫn đi lái xe thuê. Chị Nhung thì ngày bán nước ở cổng trung tâm sát hạch lái xe, tối về lại bán ốc luộc đầu ngõ. Chị kể: "Việt là người tham công tiếc việc và có trách nhiệm với gia đình. Ngày đi lái xe vất vả mệt mỏi nhưng buổi tối, anh ấy vấn thức cả đêm phụ vợ bán hàng. Khi cháu lớn được hai tuổi, tôi gửi cháu cho bà nội chăm sóc. Hai vợ chồng lại đi tiếp thị sản phẩm, giao hàng cho các đại lý", chị Nhung nhớ lại.
Bức ảnh ngày Nhung về làm vợ ông trùm giang hồ đất Sơn Tây.
Nhưng rồi, những năm tháng êm đềm ấy sớm bị phá nát bởi thói ham mê cờ bạc của Việt. Chị Nhung kể, gã ham đánh bạc đến nỗi, một ngày không được cầm lá bài là ngứa ngáy chân tay. Con đường trở thành ông trùm khét tiếng của Việt bắt đầu cũng chính từ những canh bạc đỏ đen ấy. "Có khi cả ngày lao động lam lũ vất vả kiếm được vài đồng, đến tối anh ấy lại nướng hết vào chiếu bạc đỏ đen. Bài bạc nhiễm dần vào máu Việt, biến chồng tôi thành một con người khác. Hai vợ chồng mâu thuẫn, mắng chửi nhau cũng là vì thế", chị kể.
Chị với mẹ chồng đã nhiều lần khuyên can, góp ý với Việt nhưng tất cả chỉ như nước đổ lá khoai. Không ngăn được chồng đi đánh bạc đã đành, mỗi khi thua bạc trở về, chị Nhung lại trở thành "bia" cho Việt trút giận. Có những lần, chị phải ôm con chạy về nhà mẹ đẻ tránh đòn roi của chồng. Lạ kỳ thay, ngay cả những lần bị chồng đánh đến thừa sống thiếu chết, người vợ ấy vẫn không trách hờn Việt. Bởi trong mắt chị, ngoài những lúc như thế, Việt vẫn là kẻ yêu thương vợ con, hết lòng lo cho gia đình. Chị Nhung kể, nhà chị có một cậu em làm lái xe taxi, chiều 30 Tết 2010 có một anh sỹ quan quân đội, người Hải Dương bố bị mất, anh phải về quê gấp. Nhưng cậu em không chạy, thấy vậy Việt bảo: "Thôi, cậu không đi thì để anh đi, lấy tiền mừng tuổi cho các cháu". Khi nhà chị đang làm cơm tất niên thì nhận được tin dữ, Việt bị tai nạn giao thông lúc đang trên đường về. Lần ấy, Việt may mắn giữ được tính mạng nhưng đôi chân thì mang "di chứng". Biệt danh Việt "què" cũng bắt nguồn từ đó.
Ly thân vẫn mỏi mòn chờ đợi
Sau vụ tai nạn, gần 1 năm trời Việt nằm ở nhà, chân bị di chứng phải bước tập tễnh. Đời gã tưởng như thế là bỏ đi nhưng ít ai ngờ, một người què như Việt lại vươn lên thành một ông trùm "bình định giang hồ" đất Sơn Tây. Khu nhà chị Nhung ở có nhiều trường chuyên nghiệp, nhiều hộ gia đình trong khu phố mở kinh doanh cầm đồ làm ăn khá giả. "Thấy chồng đi lại không tiện, tôi bèn vay vốn ngân hàng, người thân trong gia đình mở kinh doanh dịch vụ cầm đồ để cho anh ấy ở nhà có việc làm. Tôi thì vẫn bán nước, bán ốc luộc ở đầu ngõ", chị Nhung hối hận vì đã mở hiệu cầm đồ, bởi loại hình kinh doanh nhạy cảm, phức tạp này đã đưa chân Việt "què" vào giới giang hồ.
Phải thừa nhận Việt "què" có đầu óc kinh doanh, việc làm ăn của gã cứ phất lên như diều gặp gió. Từ cầm đồ, Việt cho vay nặng lãi, tổ chức đòi nợ thuê. Tuy nhiên, ngón sở trường của Việt là đánh cờ bạc bịp. Ông trùm rất khôn ngoan, gã không trực tiếp ra mặt mà đứng sau vung tiền, chỉ đạo cho đàn em làm. Nhờ thế chỉ trong vòng hai năm, mỗi khi nhắc đến cái tên Việt "què", người dân đất Sơn Tây đều cảm thấy khiếp đảm. Việt "què" thành ông trùm giang hồ trẻ nhất và có "số má" nhất vùng đất phía Tây Hà Nội.
Ngôi nhà mà Việt từng sống như một cái bóng.
Chị Nhung bảo, khi có địa vị trong giang hồ, Việt càng rời xa gia đình, quên đi tình nghĩa vợ chồng. Những việc ông trùm làm, chị Nhưng đều biết cả. Chị hiểu tính khí Việt, gã đã muốn làm điều gì thì không ai có thể ngăn cản được. "Ăn chơi ngút trời với đàn em chiến hữu ở ngoài, anh ấy không còn quan tâm đến vợ con, người thân trong gia đình như trước nữa. Ngôi nhà một thời là tổ ấm, giờ với anh như cái nhà trọ, thích thì về không thích thì đi. Tôi nhiều lần ngồi nói chuyện thẳng thắn nhưng Việt cứ lờ đi, coi như gió thoảng ngoài tai", chị trải lòng về nguồn cơn bi kịch gia đình.
Việt bị "què" nên gã càng muốn thể hiện đẳng cấp. Người trong giang hồ đồn rằng Việt tiêu tiền... cả quyển, bên người luôn có 2 đến 3 em chân dài. Vậy nhưng ông trùm lại chết mê chết mệt một cô nữ sinh lớp 12. Ngày nào Việt cũng cho đàn em lấy hai xe ô tô con, chỉ để đưa đón người tình bé nhỏ đi học. Khi có cô bồ nhí xinh đẹp, Việt quên hẳn người vợ tần tảo bán ốc luộc. "Ngang nhiên cặp bồ với người khác nhưng về nhà, anh ấy lại coi như không có chuyện gì xảy ra. Trước kia anh đi đánh bạc, vợ chồng có to tiếng xô xát với nhau. Giờ thì ngược lại, anh bỏ mặc tôi muốn làm gì thì làm", chị ngậm ngùi.
Những ngày tháng ấy, điều đau khổ nhất của người phụ nữ này là chồng nằm bên cạnh, sống trong một ngôi nhà mà như người xa lạ. Bế tắc mệt mỏi nên một năm trước, chị đã viết đơn ra tòa ly hôn, chấm dứt đời làm vợ ông trùm. Nhưng vì không muốn các con bị tổn thương, chị và Việt "què" thống nhất ly thân giấu các con và mọi người. Hai người vẫn sinh hoạt cùng nhà như chưa từng có chuyện gì xảy ra.
Chị Nhung tâm sự, dù đã đường ai nấy đi, nhưng trong lòng người phụ nữ bất hạnh này tình cảm chị dành cho ông trùm vẫn như những ngày đầu tiên mới yêu nhau. Việt "què" vẫn là chồng, là cha của những đứa con bé bỏng của chị. Trong trái tim tan vỡ, vẫn từng ngày thổn thức mong người chồng sa ngã nhận ra mình lạc lối, về lại mái ấm gia đình.
Bị què nhưng sai khiến hàng trăm gã giang hồ Việt "què", tức Phạm Văn Sở (SN 1982, thị xã Sơn Tây, Hà Nội) dáng người nhỏ nhắn, mặt mũi không bặm trợn, xăm trổ nhưng là nhân vật nổi tiếng trong giới giang hồ đất Bắc. Nhiều người kiêng nể Việt "què", chỉ nghe đến danh của gã là sợ vã mồ hôi. Người trong giang hồ đánh giá Việt là người "tuổi trẻ tài cao" bởi mới hơn 30 tuổi, chân ướt chân ráo vào giang hồ, gã đã quy tụ dưới trướng cả trăm đàn em "số má". Những thủ đoạn tinh vi, sự tàn độc máu lạnh của Việt "què" thì cũng không kém một ông trùm xã hội đen nào.
Theo Khampha
Sáu thành viên đoàn cưỡng chế nhà bị chém Lúc 20 giờ ngày 22.11, theo thông tin từ Cơ quan CSĐT - Công an Q.Ninh Kiều (TP.Cần Thơ), cơ quan này đã ra quyết định tạm giữ hình sự đối với Ngô Văn Hảo (50 tuổi) và Ngô Văn Hiếu (20 tuổi, cùng ngụ 139/1B Vành Đai Phi Trường, P.An Hòa, Q.Ninh Kiều) để điều tra làm rõ hành vi chống người...