Tỏ tình qua cánh thư vỏ kẹo thân thương
Nếu không nói có lẽ chẳng ai biết ở trên đời lại có những lá thư tuyệt vời đến thế, “ thư vỏ kẹo”, cánh thư của tuổi học trò đã ăn sâu vào tiềm thức, mãi ám ảnh, để tôi luôn khắc khoải, da diết nhớ nhung về miền ký ức của một thời đã xa…
Ngày ấy, khi chúng tôi còn là những cô cậu học trò tinh nghịch của những lớp cấp ba trường huyện, với biết bao kỷ niệm buồn vui, biết bao trò đùa ma quỷ. Những khoảnh khắc giận hờn vu vơ, những tình yêu dại khờ ngập ngừng không dám nói, những phút miên man thả hồn theo màu hoa cánh bướm… Tất cả, tất cả nỗi niềm ấy được lưu giữ bằng các cánh thư vỏ kẹo nhỏ nhắn thân thương.
Với chúng tôi, những người trong cuộc cũng chẳng còn ai nhớ rõ thư vỏ kẹo xuất hiện từ khi nào và ai là người khai sinh ra nó. Chỉ biết rằng, vào đầu năm cấp ba, phong trào ăn quà vặt trong lớp nở rộ một cách kỳ lạ và lẽ dĩ nhiên kẹo lạc xốp trở thành vật bất ly thân trong ngăn cặp mỗi đứa.
Tôi phải nói để các bạn biết rằng, kẹo lạc xốp là một sản vật trứ danh của xứ Nghệ quê tôi. Đó là sự kết hợp hoàn hảo của lạc, mật, gừng và một vài thứ gì nữa để tạo nên hương vị đọc đáo ngầy ngậy, cay cay, thơm thơm… hấp dẫn đến nao lòng. Điều quan trọng là kẹo được gói bằng một mảnh giấy hai mặt đỏ và trắng rất dễ thương, mặt trắng ấy chính là nơi để chúng tôi “chia những nỗi niềm” các cánh thư vỏ kẹo cứ lặng lẽ truyền tay nhau hoàn thành sứ mệnh thiêng liêng của nó.
Đó có thể là một vài câu chuyện phiếm ngớ ngẩn, bọn con gái nói xấu con trai hoặc ngược lại, đó có thể là một lời thơ tỏ tình ngây ngô lạc điệu, một lời nhắn gửi vu vơ của ai đó dành cho ai đó… Nói chung, thư vỏ kẹo là tất cả những gì trên trời dưới đất mà đám học trò muốn nói với nhau mà các thầy cô giáo chẳng thể nào kiểm soát nổi. Nói thế thôi, chứ tôi đã không ít lần phải nếm trái đắng vì cánh thư thần tiên ấy.
Tôi nhớ có lần, trong giờ kiểm tra toán, khi cả lớp đang chăm chú làm bài, tôi cúi xuống nhặt lá thư mà em gửi thì bị cô giáo tóm gọn. Cô giận dữ bắt cả hai đứng dậy vì cái tội trao đổi bài. Cả em và tôi run bắn lên khi cô bắt phải đọc lớn những gì em gửi cho tôi. Thấy cả hai ấp úng, cô tiến tới cầm lấy “vật chứng”, đọc xong và nở một nụ cười hiền hậu, còn mặt em thì ngượng chín cả lên.
Video đang HOT
Cô bảo cả lớp nghe chị N. viết nè: “ông xã mà không trả lại kẹo cho bà xã thì ra chơi coi chừng đó”. Cả lớp phá lên cười sung sướng. Sau sự cố ấy, mọi người mới vỡ lẽ tôi và em là “tri kỷ” của nhau. Thế nhưng, tình yêu học trò mơ màng như cơn gió thoảng, em giờ đã là “bà xã” của người ta, còn tôi mãi lang thang trên con đường danh vọng, chỉ có những lá thư vỏ kẹo vẫn mãi được mang theo dù màu mực đã nhòa theo năm tháng.
Những lúc cô đơn, tôi lại ngồi lần giở các bức thư vỏ kẹo, nhớ biết bao kỷ niệm tuổi học trò, bất giác những câu thơ cũ hiện về trong tâm tưởng: “Hãy trả lại cho tôi những gì ngày xưa ấy, lời yêu đầu chưa dám nói cùng em. Hoa học trò hãy còn vương, mái tóc em đâu rồi trong ký ức ngày xưa…”.
Theo VNE
Việt Nam: Hoa hậu chính thống đang bị... 'bỏ rơi'
"Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch đã cấp phép cho cuộc thi Hoa hậu Đại Dương sẽ diễn ra vào tháng 5 này tại TP. Phan Thiết, Bình Thuận. Như vậy, cơ hội duy nhất còn lại sẽ chỉ dành cho một trong hai cuộc thi là Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam và Hoa hậu Việt Nam".
Nhiều cuộc thi hoa hậu nhất... thế giới
Những ngày gần đây, thông tin cuộc thi Hoa hậu Đại Dương chính thức được bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cấp phép đã khiến nhiều người lo ngại rằng, hai cuộc thi hoa hậu được xem là chính thống (Hoa hậu Hoàn vũ và Hoa hậu Việt Nam) sẽ phải tranh giành tấm vé còn lại.
Điều đáng nói, Hoa hậu Đại Dương Việt Nam là một cái tên mới lần đầu tiên xuất hiện. Tuy nhiên, ngay lập tức, cuộc thi này đã nhận được sự đồng ý cho phép tổ chức của cơ quan chức năng. Trước đó, trên các diễn đàn báo chí, chưa hề có một thông tin nào về cuộc thi này. Tuy nhiên, khi vừa mới chạm ngõ các kênh thông tin, ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Đại Dương đã gây tranh cãi bởi trước đó, trong thông tin ban tổ chức gửi tới báo chí, cuộc thi này được gọi là Hoa hậu Đương Đại. Trái ngược với Hoa hậu Đại Dương, hai cuộc thi được kỳ vọng sẽ diễn ra trong năm nay là Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam và Hoa hậu Việt Nam. Đây là hai cuộc thi đã được tổ chức lâu năm, thường niên và có uy tín lớn, được xem là cái nôi đào tạo nhiều gương mặt hoa hậu tham gia các đấu trường nhan sắc thế giới. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, cả hai cuộc thi này vẫn chưa có được giấy phép của Bộ chủ quản.
Sau lần xuất hiện rầm rộ đầu tiên vào năm 2008, 6 năm sau, Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam vẫn khó có thể tổ chức được lần thứ 2.
Trong vòng 10 năm nay, Việt Nam được xem là quốc gia có nhiều cuộc thi hoa hậu nhiều nhất thế giới. Đến mức, báo chí phải dành một cụm từ "loạn hoa hậu" để miêu tả hiện tượng này. Các cuộc thi hoa hậu từ cấp quốc gia đến cấp tỉnh liên tục diễn ra. Không ít người nhận ra, để đội lên đầu vương miện không còn là điều gì quá khó. Mỗi khi có ai đó giới thiệu một cô gái nào đó là hoa hậu, họ ngơ ngác và không hiểu cô hoa hậu đó bước ra từ cuộc thi nào, tên là gì? Lộn xộn, chộp giật là những từ chính xác nhất để miêu tả các cuộc thi nhan sắc ở Việt Nam trong những năm gần đây.
Dư luận tự hỏi, vì sao việc cấp phép các cuộc thi này đã trở nên dễ dàng như thế? Phải chăng đó là sự buông lỏng của cơ quan chức năng? Năm 2012, trước những phản ánh gay gắt của báo chí, bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch ban hành văn bản số 79 quy định mỗi năm chỉ cấp phép cho hai cuộc thi hoa hậu cấp quốc gia. Động thái này nhăm siết chặt việc quản lý, tổ chức và cấp phép, đồng thời mong muốn mang lại chất lượng trong các cuộc thi nhan sắc Việt Nam.
Tuy nhiên, mới đây, việc một cuộc thi vừa mới ra đời đã nhanh chóng nhận được sự đồng ý của cơ quan chức năng khiến dư luận cho rằng, điều này sẽ làm khó chính họ trong việc đẩy lùi tình trạng "loạn hoa hậu". Điều này cũng dấy lên quan ngại, những cuộc thi chính thống đang bị làm khó, hoa hậu chính thống đang bị lép vế bởi những hoa hậu khác.
Trao đổi về vấn đề này, ông Dương Xuân Nam, nguyên Tổng biên tập báo Tiền Phong, người được mệnh danh là cha đẻ của các cuộc thi hoa hậu Việt Nam cho rằng: "Thực tế Hoa hậu chính thống vẫn bị bỏ rơi và lãng quên như thường". Ông Nam cho biết thêm, đây không phải là vấn đề mới. Từ rất lâu, những câu chuyện hậu đăng quang vẫn thường xuyên được nhắc đến với nhiều băn khoăn chưa được giải đáp. Vì sao nhan sắc Việt Nam vẫn chưa đạt được giải cao trên đấu trường quốc tế? Không phải vì chúng ta chưa đẹp, chưa chuyên nghiệp mà vì chúng ta chưa có đủ tiền. Rất nhiều người đẹp nếu được đi thi họ sẽ đoạt giải cao nhưng vì không có nhà tài trợ. Rất nhiều người hỏi tôi, vì sao cô này, cô kia xấu thế mà vẫn được cử đi thi. Vì họ có tiền, có nhà tài trợ lo cho từ A đến Z. Còn những người đẹp mà mãi không đi thi là vì họ không có cơ hội đó. Trường hợp, người từ chối thì ít lắm. Không một hoa hậu nào dại dột khước từ cơ hội được đặt chân lên sân khấu thế giới đâu.
Cả Thùy Dung, Ngọc Hân và Thu Thảo đều không được đi thi Hoa hậu Thế giới, dù cả hai đều đăng quang trong cuộc thi hoa hậu danh giá bậc nhất Việt Nam.
"Loạn hoa hậu vì cách tổ chức chộp giật
Mỗi một cô gái khi được đặt chân lên đấu trường nhan sắc thế giới, với họ đó không chỉ là cơ hội để khẳng định bản thân mà còn là trách nhiệm quảng bá hình ảnh quốc gia, dân tộc. Việc họ không đạt được giải cao không chỉ hạn chế thành tích cá nhân mà còn hạn chế cả cơ hội đưa hình ảnh Việt Nam đến gần hơn với thế giới.
Chia sẻ về vấn đề này, nhà thơ Dương Xuân Nam khẳng định: "Theo tôi, thi hoa hậu là cách tốt nhất và nhanh nhất để quảng bá hình ảnh đất nước. Vậy thì các cơ quan chức năng phải xem đây như là một trách nhiệm cao cả. Đáng tiếc là từ rất lâu, họ lại đứng ngoài cuộc. Bình thản với những sự tiến cử, hay lựa chọn gương mặt nào đó. Các nhà quản lý văn hóa, họ có chuyên môn. Họ phải nhìn ra được cô nào đủ tiêu chí để đi thi sắc đẹp thế giới. Chứ cứ bàng quan hay chỉ biết xét duyệt theo hồ sơ, dựa trên những quy định cứng nhắc thì nhan sắc Việt sẽ bị bỏ phí vô cùng".
Nối máy với nhà thiết kế Võ Việt Chung, Trưởng ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Đại Dương, anh không giấu giếm tham vọng sẽ khai sinh ra một cuộc thi mang tầm đẳng cấp thế giới. Tuy nhiên, khi giải thích về những nhầm lẫn tên gọi cuộc thi ngay khi vừa mới ra mắt báo chí, nhà thiết kế lại tỏ ra lúng túng. Võ Việt Chung khẳng định, chúng ta có quá nhiều cuộc thi hoa hậu nhưng chất lượng lại đang đi ngược lại với số lượng. Vì thế phải để cái mới thay thế cái cũ. Có như thê, chúng ta mới hướng tới sự chuyên nghiệp và thành công trong công cuộc kiếm tìm hoa hậu được. Nhưng đáng tiếc thay, sự chuyên nghiệp như anh nói lại mở đầu bằng những nhầm lẫn vớ vẩn nhất: Chưa thống nhất tên gọi đã công khai thông tin với báo chí.
Cho đến thời điểm này, cuộc thi hoa hậu được xem là chính thống nhất với lịch sử gần 25 năm là Hoa hậu Việt Nam, mặc dù theo thường niên sẽ được tổ chức vào năm nay nhưng hiện tại vẫn chưa nhận được quyết định cấp phép của Bộ chủ quản, ông Lê Xuân Sơn, Tổng biên tập báo Tiền Phong, đơn vị tổ chức cuộc thi Hoa hậu Việt Nam xác nhận thông tin. Sự chậm trễ này khiến nhiều người cho rằng, ban tổ chức đang gặp nhiều khó khăn trong công tác chuẩn bị.
Xuất hiện rầm rộ một lần rồi mất hút hoặc phải rất nhiều năm sau mới quay lại, đó là một thực trạng đáng báo động của nhiều cuộc thi hoa hậu hiện nay. Nếu công tác xét duyệt vẫn còn dễ dãi, nếu công tác chuẩn bị của các nhà tổ chức vẫn sơ sài thì hiện tượng "loạn hoa hậu", chộp giật, lộn xộn sẽ khó lòng thay đổi. Những ngày gần đây, thông tin cuộc thi Hoa hậu Đại Dương chính thức được bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cấp phép đã khiến nhiều người lo ngại rằng hai cuộc thi hoa hậu được xem là chính thống (Hoa hậu Hoàn vũ và Hoa hậu Việt Nam) sẽ phải tranh giành tấm vé còn lại.
Theo Nguoiduatin.vn