Tố tàu chiến bị tấn công ở biển Đen, Nga ‘quay xe’ thỏa thuận ngũ cốc
Nga đã tạm dừng vô thời hạn việc thực hiện thỏa thuận giúp Ukraine xuất khẩu ngũ cốc thông qua các cảng ở biển Đen, làm dấy lên những lo ngại mới về an ninh lương thực toàn cầu.
Nga đơn phương thay đổi
Trong một tuyên bố ngày 29.10, Bộ Quốc phòng Nga cho hay các tàu hải quân và tàu dân sự của nước này tham gia đảm bảo an ninh cho cái gọi là “hành lang ngũ cốc” trên biển Đen đã bị tấn công. Do đó, “phía Nga đình chỉ việc tham gia thực hiện thỏa thuận về xuất khẩu nông sản từ các cảng của Ukraine”, báo The Wall Street Journal dẫn lại tuyên bố.
Xem nhanh: Chiến dịch ngày 248, hạm đội Nga bị tấn công, Mỹ lo gì khi gửi vũ khí cho Ukraine?
Động thái trên đe dọa thỏa thuận do LHQ làm trung gian mà các bên ký kết tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) hồi tháng 7. Thỏa thuận đã giúp khôi phục hoạt động xuất khẩu ngũ cốc quan trọng của Ukraine thông qua biển Đen. Trước đó, vùng biển này bị quân đội Nga phong tỏa khiến việc xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine bị “bịt lối”. Vì thế, thỏa thuận trên là một trong những đột phá ngoại giao hiếm hoi kể từ khi xung đột Nga – Ukraine bùng nổ, góp phần xoa dịu khủng hoảng lương thực trên toàn cầu.
Tàu chở ngũ cốc Ukraine gần Istanbul hồi tháng 8. Ảnh REUTERS
Theo phía Nga, Ukraine tấn công các tàu thuộc Hạm đội Biển Đen đóng tại thành phố Sevastopol trên bán đảo Crimea vào đầu ngày 29.10, bằng 16 phương tiện không người lái trên không lẫn dưới nước. Nga ban đầu cho biết tàu quét mìn Ivan Golubets bị hư hại nhẹ trong vụ việc, nhưng các nguồn tin ở cả Nga và Ukraine đã lập tức lan truyền suy đoán rằng kỳ hạm Admiral Makarov cũng có thể đã “trúng đạn”. Tàu tuần dương Moskva của Nga từng bị tên lửa Ukraine đánh chìm hồi tháng 4, khiến khinh hạm Admiral Makarov trở thành tàu chiến quan trọng nhất của nước này ở biển Đen, theo báo The Guardian.
Ukraine vẫn chưa chính thức thừa nhận đứng sau vụ tấn công. Song ngay cả trước sự vụ ở Sevastopol, tương lai của thỏa thuận ngũ cốc đã rơi vào bất định. Nga nhiều lần tuyên bố rằng thỏa thuận tồn tại nhiều vấn đề nghiêm trọng, bao gồm việc Moscow không nhận được các lợi ích tương xứng, và đe dọa sẽ từ bỏ thỏa thuận. Ukraine nói Moscow đã ngăn chặn gần 200 tàu cập cảng để chất ngũ cốc trong những tuần qua.
“Vũ khí hóa lương thực”
Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba vừa cáo buộc Nga sử dụng “cái cớ giả” để phá vỡ thỏa thuận, kêu gọi “tất cả các quốc gia yêu cầu Nga dừng chơi trò đấu trường sinh tử và tuân thủ các nghĩa vụ của mình”. Kyiv cũng cảnh báo nguy cơ đối với an ninh lương thực toàn cầu nếu thỏa thuận không được tái khởi động.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã chỉ trích hành động của Nga, cảnh báo nguy cơ thiếu đói gia tăng. Tương tự, tờ The New York Times dẫn lời Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trong một tuyên bố cho rằng: “Bằng việc đình chỉ thỏa thuận này, Nga lại tiếp tục vũ khí hóa lương thực trong cuộc chiến mà nước này bắt đầu, tác động trực tiếp đến các nước có thu nhập thấp và trung bình cũng như giá lương thực toàn cầu, đồng thời làm trầm trọng thêm khủng hoảng nhân đạo và tình trạng mất an ninh lương thực vốn đã nghiêm trọng”.
Ông Stéphane Dujarric, phát ngôn viên của Tổng thư ký LHQ António Guterres, kêu gọi các bên đảm bảo duy trì thỏa thuận ngũ cốc, gọi đây là “nỗ lực nhân đạo quan trọng”. Một ngày trước tuyên bố từ Moscow, ông Guterres đã hối thúc Nga và Ukraine gia hạn thỏa thuận, vốn sẽ chính thức hết hiệu lực vào ngày 19.11.
Hồi đầu tháng 10, xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine đã quay về gần bằng mức trước xung đột, chủ yếu nhờ vào thỏa thuận. Theo LHQ, Ukraine đã xuất khẩu 9,2 triệu tấn lương thực thông qua hành lang an toàn ở biển Đen kể từ khi thỏa thuận được ký kết và khoảng 25% trong số đó được vận chuyển đến các nước có thu nhập thấp.
Gián điệp Nga bị nghi xâm nhập điện thoại cựu Thủ tướng Anh Liz Truss
Tờ The Mail on Sunday mới đây dẫn các nguồn tin an ninh giấu tên cho biết điện thoại cá nhân của bà Truss từng bị xâm nhập bởi “các đặc vụ tình nghi làm việc cho Điện Kremlin”. Theo đó, các đặc vụ này đã tiếp cận được “các trao đổi thuộc hàng tối mật” giữa bà Truss và ngoại trưởng nhiều nước.
Các trao đổi nói trên được cho là bao gồm trao đổi về tình hình xung đột ở Ukraine, trong đó có việc chuyển giao vũ khí, và trải dài lên đến một năm, tờ báo cho hay. Trước các thông tin trên, phe đối lập ở Anh đã kêu gọi điều tra, phía Nga chưa lên tiếng.
Ukraine đe dọa tiêu diệt Hạm đội Biển Đen của Nga và giành lại Crimea
Quân đội Ukraine tuyên bố có thể tấn công các tàu Nga bằng vũ khí do phương Tây cung cấp.
Các tàu chiến thuộc Hạm đội Biển Đen Nga tại cảng Sevastopol, Crimea. Ảnh: Sputnik
Kênh truyền hình RT dẫn lời Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Vladimir Gavrilov tuyên bố sẽ tiêu diệt Hạm đội Biển Đen của Nga và giành lại quyền kiểm soát bán đảo Crimea bằng vũ khí của phương Tây.
Phát biểu nhân chuyến công du Anh ngày 19/7, ông Gavrilov cho rằng Hạm đội Biển Đen của Nga, đóng tại thành phố cảng Sevastopol ở Crimea, là mối đe dọa thường trực đối với Ukraine nên Kiev cần phải giải quyết vấn đề này.
Ông cho hay Kiev đã chờ đợi để được tiếp viện vũ khí tầm xa hơn từ nước ngoài trước khi tiến hành một cuộc tấn công.
"Chúng tôi sắp nhận được vũ khí chống hạm và sớm hay muộn chúng tôi sẽ nhắm mục tiêu vào hạm đội. Đó là điều không thể tránh khỏi vì chúng tôi phải đảm bảo an ninh cho người dân của mình", Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine giải thích.
Theo ông, Kiev cũng đang có kế hoạch giành lại Crimea - khu vực đã bỏ phiếu trưng cầu dân ý để sáp nhập vào Nga năm 2014.
Theo quan chức này, Chính phủ Ukraine đang thảo luận với các chính phủ phương Tây về việc họ có thể sử dụng vũ khí do nước ngoài cung cấp để nhắm vào các lực lượng Nga trên bán đảo hay không.
Các quan chức Mỹ trước đó đảm bảo rằng Kiev đã cam kết không sử dụng vũ khí do Mỹ sản xuất, trong đó hệ thống tên lửa phóng loạt М142 HIMARS và M270 MLRS, để tấn công lãnh thổ Nga. Tuy nhiên, Kiev cho biết họ không coi Crimea là một phần của Nga.
"Không sớm thì muộn chúng tôi sẽ có đủ nguồn lực để nhắm vào Nga ở Biển Đen và Crimea. Crimea là lãnh thổ của Ukraine, đó là lý do tại sao bất kỳ mục tiêu nào ở đó đều hợp pháp đối với chúng tôi", Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine tuyên bố. Dù vậy, ông Gavrilov cũng không loại trừ các biện pháp ngoại giao để giành lại Crimea.
Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine là quan chức cấp cao mới nhất đe dọa sử dụng vũ lực đối với Crimea. Tuần trước, phát ngôn viên cơ quan tình báo của Bộ Quốc phòng Ukraine, ông Vadim Skibitskiy, cũng cho biết Kiev coi khu vực này là mục tiêu hợp pháp vì nó đang được Moskov sử dụng như một trung tâm vận tải.
Bên cạnh đó, Ngoại trưởng Ukraine Dmitry Kuleba ngày 18/7 đã nêu điều kiện tổ chức đàm phán với Nga, song ông dường như loại bỏ khả năng này sẽ sớm xảy ra. Trả lời phỏng vấn tờ Forbes Ukraine, Ngoại trưởng Ukraine khẳng định các cuộc đàm phán hòa bình giữa Kiev và Moskva chỉ khả thi sau khi Nga bị đánh bại trên chiến trường. Ông cáo buộc cách hành xử của Nga là lý do khiến hai bên không thể ngồi vào bàn đàm phán.
Cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev, hiện là Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia của đất nước, cảnh báo rằng nếu giới lãnh đạo Ukraine thực sự quyết định tấn công Bán đảo Crimea thì "ngày phán quyết" sẽ nhanh chóng xảy đến.
Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào ngày 24/2, với lý do Kiev không tuân thủ các thỏa thuận Minsk, được thiết kế để trao quyền độc lập cho các khu vực Donetsk và Lugansk.
Vào tháng 2/2022, Điện Kremlin công nhận các nước cộng hòa tự xưng ở Donbass là các quốc gia độc lập và yêu cầu Ukraine chính thức tuyên bố là một quốc gia trung lập, cũng như không gia nhập bất kỳ khối quân sự phương Tây nào. Tuy nhiên, Kiev khẳng định chiến dịch của Nga là hoàn toàn vô cớ.
Giá trị số tên lửa Nga dùng trong 2 ngày tập kích Ukraine Các cuộc tập kích tên lửa liên tiếp của Nga khiến nhiều khu vực ở Ukraine rơi vào hỗn loạn, lưới điện ở hàng trăm thị trấn bị phá hủy. Để thực hiện các cuộc tập kích này, Nga được cho là dùng đến loại lên lửa có giá trị cao. Khói đen bốc lên từ Kiev sau vụ tập kích tên lửa...