Tố sếp là cầu thủ chuyên nghiệp trong việc đá “quả bóng trách nhiệm” cho nhân viên, nàng công sở được dân mạng hiến kế nhiệt tình
“Các bác nghĩ sao khi làm dưới quyền của một quản lý thích đá bóng và lúc nào cũng là cầu thủ giỏi khi đá quả bóng trách nhiệm?”.
Nhìn từ ngoài vào, môi trường công sở thật thanh bình với những con người ăn mặc thơm lành sạch đẹp, tác phong lúc nào cũng lịch thiệp khỏi chê. Ấy thế, như các cụ hay bảo, “phải trong chăn mới biết chăn có rận”, ai sống trong môi trường này rồi mới biết, nó thật sự nhiễu nhương vô cùng với hàng trăm kiểu người khác nhau ở những vị trí khác nhau, tốt có mà xấu cũng có.
Và trong số những kiểu người xấu, ngoài dạng hay đâm sau lưng, hay tọc mạch khuấy nước chọc trời, thì kiểu có năng khiếu đá bóng ngầm được xem là đáng sợ nhất. Bóng mà họ đá ở đây không phải là bóng thường mà là quả bóng trách nhiệm!
Xoay quanh đề tài này, mới đây, có một cô nàng đã công sở đã đăng đàn thở than về vị sếp “cầu thủ” của mình như sau:
“Các bác nghĩ sao khi làm dưới quyền của một quản lý thích đá bóng và lúc nào cũng là cầu thủ giỏi khi đá quả bóng trách nhiệm. Việc gì cũng bảo: Chị nói vậy em “clear” chưa, em rõ chưa, em làm ngay đi chứ sao mà chậm thế, rồi chị buông tay mặc kệ luôn nhưng hễ ai hỏi thì lại quay sang bảo nhân viên của chị vướng ở đâu thì chị tháo gỡ đến đấy (thực tế chả thấy tháo gì, chỉ làm cho rối thêm).
Khi báo cáo hoặc trao đổi với các bên với thì lúc nào cũng chị đã giao việc cho bạn này, bạn kia rồi, không thuộc trách nhiệm của chị nữa. Quản lý nhưng không nắm được đầu mục công việc của nhân viên. Ơ hơ hơ, rồi người chịu trận là đứa nhân viên quèn như em đây. Thực sự, nếu không phải vì kiếm cơm trong thời buổi còn chưa tìm được công việc khác ưng ý thì em đã nghỉ lâu rồi các bác ạ”.
Câu chuyện sau khi đăng đàn được ít lâu đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của cộng đồng người dùng mạng. Bất ngờ thay bên dưới phần bình luận, ngoài những sẻ chia đồng cảnh ngộ thì cũng có không ít ý kiến với mục đích hiến kế đối phó với kiểu sếp này cực kỳ hay ho như sau:
Video đang HOT
“Mình từng đi support kiểu leader như thế rồi. Cách giải quyết là mình đá bóng giỏi hơn, thế thôi. Thi thoảng mình còn biết sút một quả thủng lưới cho tan nát công ty luôn. Kẻ cắp thì phải cho gặp bà già quý vị ạ, hiền mãi thì bóng cứ bay vào đầu mình thôi”.
“Yên tâm, cứ tích cực làm vào, giải quyết giùm sếp cầu thủ luôn đi. Nếu bạn xử lý dc vấn đề mà leader không xử lý được thì ghế đó sớm muộn sẽ là của bạn. Ông trùm ở trên dòm thấy hết bạn ơi. Không ai giữ lại người không có thực lực trừ khi người đó mang lại lợi ích khác”.
“Nói lên 3 từ ‘nhân viên quèn’ là đủ hiểu bạn chịu thua số phận thế nào. Tự tin mạnh dạn lên xem nào, leader trực tiếp không ra gì thì còn có leader cao hơn mà, cứ ghi chú lại hết các quy trình làm việc, hôm nào, giờ nào, việc nào ghi hết ra. Đến khi bị đổ trách nhiệm oan thì mail báo cấp trên để họ phân xử. Sợ gì mích lòng, nhẫn nhịn cũng chả yên thân cơ mà”.
Quả thật, trong đời sống công sở không hiếm khi chúng ta vô tình bị đổ trách nhiệm oan, nhưng biết mình thấp cổ bé họng nên đành chấp nhận thiệt thòi. Tuy nhiên, nếu lâm vào cảnh ấy quá thường xuyên và nhận ra đồng nghiệp hoặc sếp của mình là một “chân sút chuyên nghiệp” thì nhanh chóng thiết lập cách đối phó, có khi còn phải mạnh mẽ vùng lên.
Nên nhớ, một khi cụm từ “thiếu trách nhiệm” vô tình bị áp vào mình quá lâu, quá nhiều, rất có thể con đường sự nghiệp của mỗi dân công sở sẽ trắc trở vô cùng trong tương lại. Thế thì dại gì mà để bị đè đầu cưỡi cổ hoài, phải không nào?
Và như vài cách đối phó dân mạng đã hiến kế bên trên, nếu là chị em, chị em chọn cách nào?
Theo Helino
Vị Giám đốc điều hành tự tay viết 9200 thiệp chúc mừng sinh nhật cho nhân viên giải thích về giá trị của lòng biết ơn tại nơi làm việc
Để đề cao lòng biết ơn, Giám đốc điều hành (CEO) của BELFOR Holdings, Inc. đã đều đặn viết thiệp chúc mừng sinh nhật cho 9200 nhân viên mỗi năm.
Nếu ngồi cạnh Sheldon Yellen trong chuyến bay tiếp theo của mình, rất có thể bạn sẽ thấy ông ấy đang viết rất nhiều thiệp chúc mừng sinh nhật.
Yellen là Giám đốc điều hành (CEO) của BELFOR Holdings, Inc., một công ty cứu trợ thảm họa và phục hồi tài sản. Và kể từ năm 1985, rất lâu trước khi Yellen làm CEO, ông đã viết thiệp mừng sinh nhật đều đặn mỗi năm cho nhân viên của công ty.
Sheldon Yellen, vị Giám đốc điều hành tự tay viết 9200 tấm thiệp mừng sinh nhật cho nhân viên
Hôm nay, với tư cách là CEO, Yellen nói rằng ông viết tay tới 9200 thiệp sinh nhật cho tất cả nhân viên của mình.
Yellen bắt đầu việc này từ năm 1985, sau khi được chính anh rể mình tuyển dụng. Chính ông nói rằng những tấm thiệp đó cũng không có gì quá đặc biệt, nhưng sẽ khuyến khích nhân viên ghé qua bàn của Yellen để nói lời cảm ơn.
"Nó có hiệu quả đấy", Yellen nói . "Nó khiến mọi người cởi mở và giao tiếp với nhau nhiều hơn, cũng giúp tôi có được sự tôn trọng trong công ty".
Tầm quan trọng của lòng biết ơn tại nơi làm việc
34 năm đã trôi qua từ ngày Yellen đặt bút viết tấm thiệp đầu tiên cho nhân viên, và bây giờ, trong vali của ông trên mỗi lần đi công chuyện đều chứa đầy thiệp mừng cũng như văn phòng phẩm.
Và không chỉ có thiệp sinh nhật, Yellen còn viết những tờ note cảm ơn, gửi thư động viên cho con cái của nhân viên nếu chẳng may chúng ốm bệnh.
Chính ông là người đặt nền móng và dùng nét văn hóa này để truyền cảm hứng cho toàn bộ nhân sự tại BELFOR Holdings, Inc.
"Khi nhận được những hành động tử tế đầy ngẫu nhiên đến với mình trong lĩnh vực này, tôi cũng muốn đem nó đến cho người khác. Tôi muốn cho nhân viên biết rằng, những nỗ lực của họ trong công việc và cuộc sống luôn được đánh giá cao chứ không chìm nghỉm sau mỗi kỳ lương".
Yellen đã đúng: Các chuyên gia tuyển dụng và quản lý doanh nghiệp thường chỉ quan tâm đến những nhân sự được việc và chăm chỉ. Tuy nhiên, vô số dân công sở đã nói với B.I rằng: Khi và chỉ khi ông chủ thực sự quan tâm đến cảm nhận và hạnh phúc của họ, đó mới là môi trường làm việc lý tưởng.
Khảo sát của B.I chỉ ra rằng, những nhân viên giỏi nhất, có lương thưởng hậu hĩnh nhất - vẫn sẽ bỏ việc nếu những nỗ lực và đóng góp của họ cho tổ chức không được công nhận.
Yellen cho hay, hành động của ông đã truyền cảm hứng cho cả công ty. Đến nay, nhiều quản lý tại BELFOR Holdings, Inc. đã không ngần ngại xây dựng thói quen tự tay viết thiệp mừng cho đội ngũ bên dưới, khách hàng và thậm chí là những người họ yêu quý.
Trong khi nhiều CEO khác coi việc này là phù phiếm, mất thời gian thì Yellen lại có lý do để phản bác ngay: "Kinh nghiệm sau nhiều năm làm việc đã dạy tôi rằng, giá trị về vật chất lẫn tinh thần sẽ quay trở lại nếu bạn biết cho đi".
"Khi các nhà lãnh đạo quên đi yếu tố con người, chính họ sẽ kìm hãm công ty và hạn chế thành công của người khác", Yellen khẳng định. "Chỉ tập trung vào lợi nhuận mà quên đi tài sản lớn nhất của công ty chính là con người, các vị mới đang mắc sai lầm cực lớn!"
Theo B.I/Helino
Chưa thể hòa nhập với công ty mới vì nhớ thương... đồng nghiệp cũ, cảm giác này chị em có lẽ đều trải qua Thật trái ngang làm sao khi mà có người rời bỏ công ty vì bị đồng nghiệp hắt hủi, nhưng cũng có người thương nhớ đồng nghiệp đến mức đi rồi mà vẫn quay quắt nhớ nhung. Khi yêu thì hết lòng hết dạ, đến khi chia tay thì có trăm ngàn lý do - chuyện này hệt như vấn đề nhảy việc...