“Tổ quốc nhìn từ biển” – thông điệp của lòng yêu nước!
“Xem chương trình này, tôi không chỉ nhìn thấy những hình ảnh thời sự trên biển Đông hiện nay qua truyền hình mà tôi còn nhìn thấy những bằng chứng lịch sử về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa”.
Bruno Philip, phóng viên nhật báo Pháp Le Monde phụ trách thông tin tại Đông Nam Á chia sẻ với PV Dân trí về chương trình “Tổ quốc nhìn từ biển”. Chương trình do Đài truyền hình Việt Nam phối hợp UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức vừa diễn ra tối 8/6 tại Công viên Biển Đông (Đà Nẵng); nối cầu truyền hình với huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi).
Chương trình “Tổ quốc nhìn từ biển” diễn ra tối 8/6 tại Công viên Biển Đông (Đà Nẵng)
Hàng ngàn người trẻ tham dự chương trình
Các em thiếu nhi thể hiện ca khúc “Em như chim bồ câu trắng” với khát vọng hòa bình mở màn chương trình
Chương trình trình chiếu những hình ảnh thời sự biển Đông trong những ngày qua với hình ảnh các lực lượng chấp pháp của Việt Nam bao gồm lực lượng cảnh sát biển và kiểm ngư kiên cường, bình tĩnh phản đối và đấu tranh một cách hòa bình trước những hành động gây hấn của Trung Quốc như phun vòi rồng, vây ép các tàu thực thi nhiệm vụ chấp pháp và cả các tàu cá Việt Nam. Đó là ghi nhận chung của các phóng viên báo, đài trực tiếp tác nghiệp, thông tin sự thật thời sự trên biển Đông từ “điểm nóng” Hoàng Sa từ những ngày đầu tháng 5 tới nay, khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương – 981 ngay cùng biển thuộc đặc quyền kinh tế, quyền tài phán của Việt Nam.
Video đang HOT
Những hình ảnh ngư dân Việt Nam kiên cường bám biển mưu sinh; đồng thời, khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc ngay khu vực “điểm nóng” xúc động người xem. Đặc biệt, sau giai điệu “Em như chim bồ câu trắng” ngân vang nơi Công viên Biển Đông, từ Đà Nẵng, hàng ngàn người tham dự chương trình xúc động nghe những lời chia sẻ của cháu Dương Thị Xuân Trường (13 tuổi), con gái của một gia đình ngư dân từ huyện đảo Lý Sơn rằng: “Những ngày ba đi biển, cả nhà mấy mẹ con lo lắm. Đêm nằm con lăn qua lăn lại không ngủ được. Con ước mơ lớn lên con sẽ trở thành một cảnh sát biển để bảo vệ những ngư dân như ba con mưu sinh trên biển của mình”.
Hình ảnh những ngư dân cùng những con tàu kiên cường bám biển
Và ước mơ trở thành cảnh sát biển của công dân nhỏ Dương Thị Xuân Trường chia sẻ từ đầu cầu huyện đảo Lý Sơn
Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Chủ quyền biển đảo thiêng thiêng của Tổ quốc được khẳng định từ những bằng chứng và cả những nhân chứng lịch sử. Câu chuyện ông Trần Hòa, nguyên là y sĩ từng công tác ở Hoàng Sa có những hồi ức vẫn còn rất ràng. Ông Hòa kể: “Hồi công tác ở Hoàng Sa, tôi nhớ có lần chúng tôi nhìn thấy tàu cá Trung Quốc với 5 người trong một gia đình ngư dân đang chạy trú bão. Anh em chúng tôi trên bờ đã ra sức hỗ trợ họ kéo tàu vào trú bão. Đêm đó bão to. Con tàu bị bão đánh vỡ tan tành. 5 người nhà ngư dân Trung Quốc mắc kẹt trên đảo của ta. Công tác trên đảo rất khó khăn, lương thực chúng tôi có rất eo hẹp. Vậy mà anh em chúng tôi, mỗi người nhịn một phần của mình góp vào san sẻ với họ”.
Từ tờ giấy khai sinh của một công dân Việt Nam tên Nguyễn Hoàng Sa năm 1974 như một bằng chứng về việc người Việt Nam đã sinh sống, đã làm chủ ở Hoàng Sa. Ngay tại Công viên Biển Đông, anh Nguyễn Hoàng Sa, chính chủ nhân của tấm giấy khai sinh đó đã chứng minh không chỉ tấm giấy khai sinh làm bằng chứng mà còn có sự hiện diện của nhân chứng về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.
Anh Nguyễn Hoàng Sa chia sẻ sự xúc động khi tham dự chương trình “Tổ quốc nhìn từ biển”
Xuyên suốt chương trình là những thông điệp của lòng yêu nước, từ những cảnh sát biển, kiểm ngư kiên định với nhiệm vụ chấp pháp trên biển; từ những ngư dân bám biển; từ ước mơ của một công dân nhỏ ở huyện đảo Lý Sơn – “Con muốn trở thành cảnh sát biển để bảo vệ ngư dân, bảo vệ Tổ quốc của con”, tình yêu nước từ tình yêu nơi chôn nhau cắt rốn của công dân Nguyễn Hoàng Sa, hay từ những giọt nước mắt sâu trong đáy mắt mẹ Nguyễn Thị Ngò – mẹ của liệt sĩ Nguyễn Bá Cường đã nằm lại nơi đầu sóng ngọn gió Trường Sa trong cuộc chiến bảo vệ đảo Gạc Ma năm 1988 – khi mẹ nghẹn ngào: “Đau lắm chứ! Chắc đến khi chết thì mẹ mới thôi nhớ con. Song mẹ cũng luôn tự hào về con”.
Khán giả xúc động dõi theo những hình ảnh và những câu chuyện kể trong chương trình “Tổ quốc nhìn từ biển”
“Khi hôm qua ôm con/ Có một phút giây, ba chợt xiết con vào lòng hơi mạnh/ Ba làm con đau/ Bởi hôm qua/ Ba đọc câu chuyện về đồng bảo mình- những huyết cầu Tổ quốc/ Máu tuôn…, xô đập, mảnh ván con tàu…/ Con ơi/ Ba sẽ kể con nghe những câu chuyện những ngư dân hóa thân thành hồng cầu/ Trường Sa, Hoàng Sa vẫn là thịt trong huyết hình Tổ quốc…” – Những dòng thơ của tác giả Đinh Vũ Hoàng Nguyên đã chạm vào trái tim bao người.
Chia sẻ với PV Dân trí, Bruno Philip, phóng viên của nhật báo Pháp Le Monde chia sẻ: “Dự xem chương trình này, tôi không chỉ nhìn thấy những hình ảnh thời sự trên biển Đông hiện nay qua truyền hình; mà tôi còn nhìn thấy những bằng chứng lịch sử ràng về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa”.
Các phóng viên nước ngoài tác nghiệp tại chương trình
Philip Reltien, một phóng viên của Đài quốc gia Pháp tác nghiệp tại chương trình, chia sẻ rằng chương trình cho thấy lòng yêu nước sâu sắc của người dân Việt Nam được thể hiện với một tinh thần yêu chuộng hòa bình.
Dự chương trình “Tổ quốc nhìn từ biển”, được xem những bằng chứng lịch sử về chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, nghe câu chuyện xây dựng và bảo vệ biển đảo từ nhân chứng sống, nhiều học sinh Đà Nẵng chia sẻ rất xúc động. Trần Thảo Nguyên, học sinh lớp 11 THPT Hoàng Hoa Thám (Đà Nẵng) nói: “Dõi theo từng diễn biến thời sự trên biển Đông những ngày qua trên báo đài, hôm nay trực tiếp dự xem chương trình, em rất xúc động. Đặc biệt khi điện thoại vệ tinh bắt sóng từ Công viên biển Đông ra “điểm nóng” Hoàng Sa, em cảm thấy tự hào với hình ảnh những cảnh sát biển, những kiểm ngư viên, những ngư dân… đang ngày đêm bám biển bảo vệ chủ quyền biển đảo và mưu sinh trên biển của mình. Là một công dân trẻ, em luôn muốn góp một phần công sức dù là nhỏ nhoi của mình cho Tổ quốc”.
Còn anh Hoàng Đức Chỉnh, một cảnh sát biển trẻ công tác trên tàu CSB 2016 vừa trở về từ “điểm nóng” Hoàng Sa để sửa chữa những hư hỏng sau cú đâm va của tàu Trung Quốc, chia sẻ: “Ở ngoài biển có nhiều gian khó, nhưng tình cảm của đất liền mà tôi cảm nhận được hôm nay thật nồng ấm. Chúng tôi sẽ mang theo những tình cảm ấy trong hành trình ra biển của mình”.
Khánh Hiền
Theo Dantri
"Tổ quốc nhìn từ biển"
Là chủ đề chương trình cầu truyền hình trực tiếp diễn ra vào 20h ngày 8-6 tới trên kênh VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam.
Chương trình được thực hiện tại 3 điểm cầu gồm: Hà Nội, Công viên Biển Đông - đường Trường Sa và Hoàng Sa (Đà Nẵng) và huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) với những tư liệu sống động và thuyết phục về chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Chương trình cũng sẽ có phần giao lưu trực tiếp với nhân vật ở các điểm cầu để phác họa rõ nét hình hài Tổ quốc nhìn từ biển. Ở đó có những câu chuyện được kể từ đỉnh Lũng Cú xa xôi nơi địa đầu đất nước đến quần đảo Thổ Chu ở cực Tây Nam của Tổ quốc; có những hy sinh âm thầm của người lính ngoài biển đảo, có cuộc sống yên bình của người dân trên hòn đảo tiền tiêu Lý Sơn... Tất cả đều góp phần khẳng định bức thông điệp: mỗi người dân chính là một "cột mốc" sống để khẳng định chủ quyền đất nước.
Theo ANTD
Trung Quốc đã dùng vũ lực chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam năm 1974 Năm 1974, Trung Quốc sử dụng vũ lực chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, vi phạm nguyên tắc cơ bản: Xâm lược không thể mang lại chủ quyền lãnh thổ, trích phóng sự của VTV tối 25.5. Trân trọng giới thiệu phóng sự do VTV thực hiện với những thông tin và phân tích những bằng chứng lịch sử, pháp...