Tờ giấy tìm người
Hắn lục lại tờ giấy tìm người. Trong ánh sáng vàng nhạt của chiếc bóng đèn dây tóc duy nhất trong căn phòng, tờ giấy ố vàng dường như càng bạc màu hơn. Chắc nó đã được in lâu lắm rồi. Chừng ấy năm, bà ấy chưa tìm thấy người con. Có khi nào anh ta đã chết rồi cũng hay. Hắn đọc đi đọc lại thông tin ghi trên tờ giấy và nhìn kỹ mặt của đứa con nhưng tiệt chẳng thấy quen.
Hắn đói bụng. Rong ruổi suốt trên đường từ sáng đến giờ, trời thì nắng nóng, mặt nhựa đường hắt cái nóng hầm hập lên trên mặt, hắn mệt. Hắn mệt, hắn khát và hắn đói. Hắn tấp vào một quán nước mía bên lề đường. Vội vã để đại chiếc xe máy dưới gốc cây bàng, sau đó phóng nhanh vào dưới mái bạt che nắng, cởi vội chiếc mũ bảo hiểm sờn bạc và quăng nó lên một cái bàn gần đó, kéo chiếc ghế cạnh bên cái bàn và ngồi xuống. Một nửa mệt mỏi của chặng đường vừa qua vơi đi khi bà chủ quán mang đến cho hắn ly nước mía.
Hắn uống rột rột cho đã cơn khát. Bà chủ quán nhìn hắn thương hại.
Uống xong ly nước mía, hắn nén hết những mệt mỏi trong lồng ngực, xả qua một hơi thở dài.
Bà chủ quán lom lom dòm hắn, những nếp nhăn hằn trên da dường như cũng hằn lên cả đôi mắt già nua. Nhận ra bà đang nhìn mình, hắn ngạc nhiên, nhướng mày định hỏi. Nhưng chưa kịp hỏi thì thấy bà bối rối lảng đi. Ánh mắt bà lúc lảng đi trông u buồn.
“Bác ơi, ly này bao nhiêu tiền rứa bác?” – hắn hỏi.
“Năm ngàn chú ạ.” – bà chủ quá trả lời.
“Da, cho con gửi tiền.” – Hắn rút cái ví cũ kỹ ra khỏi túi quần. Lấy ra năm tờ một ngàn đưa cho bà. Cảm ơn bà ấy xong cho phải phép, hắn đứng dậy toan đi thì bị bà gọi giật lại.
“Chú có vẻ không phải người ở đây. Tôi có việc này nhờ chú. Đây chú xem giúp tờ giấy này.” – Giọng bà ngập ngừng, tay run run cầm một tờ giấy đưa cho hắn.
Hắn nhíu mày, miễn cưỡng cầm lấy tờ giấy.
Đó là một tờ giấy tìm người. Người được tìm là một thanh niên trẻ, đen và gầy. Trên tờ giấy ghi đầy đủ tên họ, ngày tháng năm sinh và đặc điểm nhận dạng của cậu. Hắn liếc xuống hàng chữ phía dưới, “ai có thông tin về người này xin liên hệ với bà Nguyễn Thị Cơm, ngụ tại … hoặc UBND xã …”
Bà chủ quán cầm lấy tay của hắn, giọng xúc động.
“Nó là con của tôi. Nó giận tôi bỏ đi cũng mấy năm rồi chưa về nhà. Tôi thì già cả cũng sắp đi rồi, chỉ mong trước khi chết còn có thể nhìn thấy nó thôi…”
Rồi bà khóc. Tay vẫn nắm chặt lấy tay hắn. Mắt nhìn hắn van lơn.
Hắn vội vàng dìu bà ngồi xuống ghế, định bụng đợi bà thôi khóc. Hắn đang vội đi. Ngày hôm nay hắn chưa bán được mặt hàng nào. Người đàn bà già ấy, chắc cũng hiểu rằng hắn đang vội nên bà cố gắng dằn cơn xúc động. Bà lật đật đứng dậy, lặm cặm lục trong một cái làn cũ kỹ, lấy ra một ổ bánh mì nguội quắt queo bọc kín trong một bịch ni lông.
Video đang HOT
Bà đưa cho hắn.
“Chú cầm lấy. Chắc chú đi đường đói rồi, ở trên đường này không có quán ăn đâu. Chú đi mấy cây nữa mới có. Tôi chỉ còn ổ bánh mì nguội này thôi, chú ăn tạm.”
Hắn tần ngần cầm lấy, cảm ơn rồi chào bà chủ quán nước mía, quày quả rời đi. Chẳng có sự kể lể dông dài nào, chỉ có một lời nhờ vả mà một sự miễn cưỡng nhận lời. Một câu chuyện qua đường. Một bà lão bám víu lấy hy vọng tìm được đứa con trai ở tuổi xế chiều. Và một thanh niên nhận lời vì chẳng có lý do gì để từ chối. Hắn nghĩ như thế.
Đêm xuống trong căn phòng nơi hắn trọ.
Hắn nhớ đến chuyện hồi trưa. Hắn tìm lại ổ bánh mì nguội mà bà chủ quán đưa vẫn chưa kịp ăn. Tần ngần, hắn cầm ổ bánh mì không, đưa lên mũi ngửi rồi gặm một miếng. Cái bánh đã hơi cứng. Miếng bánh nghẹn nơi cổ họng của hắn. Hắn hu hu khóc. Một ký ức đã lâu, lâu lắm rồi bỗng dưng hiện về.
Hồi đó hắn mới học lớp 6.
“Trung ơi, ba mi đợi mi ở cổng kìa” – thằng Bình ý ới gọi hắn.
Hắn vội vàng chạy ra cổng. Ba hắn đứng đó, tay cầm nửa ổ bánh mì không.
“Chi rứa ba?”
“Con ăn đi. Còn nóng đó. Ăn đi rồi học. Thôi ba về nghe.”
Nói xong, ba hắn vội vã leo lên xe đạp, lọc cọc chạy đi. Hắn cầm phần bánh mì ba hắn đưa cho rồi quay trở vô trường. Một con bé cùng lớp đi ngang qua, liếc thứ hắn cầm trên tay, bĩu môi, “Xí! Bánh mì không mà tưởng gì.” Nói xong, nhỏ bỏ đi, bỏ hắn lại với sự ngượng ngùng và xấu hổ.
Giờ ra chơi, hắn tìm một nơi vắng rồi gặm bánh mì. Nhà hắn nghèo, mẹ hắn mất sớm, ba hắn lại không có nghề nghiệp. Ông là thợ đụng, đụng gì làm nấy nên nhà lúc có ăn lúc không. Sáng nay, hắn nhịn đói đi học. Hắn vừa ăn vừa nghĩ, không biết ba lấy tiền đâu ra mà mua ổ bánh này. Hắn đoán chừng ba ăn nửa ổ rồi để dành cho hắn nửa ổ.
Hắn nhớ ba hắn.
Ngày hắn gây ra tai nạn, tông người ta chết rồi vô tù, ba hắn lặng lẽ mỗi tháng hai lần đến thăm hắn. Lần nào ông cũng gói ghém đồ ăn đến cho hắn. Để rồi mỗi lần kết thúc giờ thăm, hắn lại ngồi khóc hàng giờ. Ba hắn già rồi, hắn chưa nuôi nổi ngày nào mà còn khiến ông phải chịu khổ thêm. Hắn cảm thấy mình bất hiếu, hắn giận mình sao vội vã làm chi trong phút chốc để hại hắn, hại ba hắn đến thảm cảnh này. Hắn giận mình sao lại để nạn nhân nằm đó rồi vội vã chạy trốn. Nếu lúc đó, hắn dừng lại, có khi người ta vẫn còn sống và hắn sẽ không phải chịu vòng lao lý. Hắn tự nhủ phải cải tạo tốt để sớm ra mà đoàn tụ với ông, cho ông cậy nhờ …
… Nhưng nào có được. Ba hắn mất trước khi hắn mãn hạn tù 2 tháng. Ông mất vào mùa đông, vào năm trời bỗng dưng có đợt rét đậm, cái xứ miền Trung nắng nóng gần như quanh năm bỗng dưng đổ lạnh thấu xương vào tiết tháng chạp. Ba hắn không chịu nổi cái lạnh nên qua đời. Ngày giám thị trại giam cho hắn biết tin, trời đất như đổ sập dưới chân hắn. Thế mà phút chốc, cũng đã gần 2 năm kể từ ngày ba hắn mất, hắn vẫn chưa nguôi ngoai niềm thương tiếc. Hắn day dứt vì để người cha già ra đi trong cô quạnh. Nỗi hối tiếc như vết thương lở loét cứ khoét sâu vào da thịt hắn cơn nhức buốt không vơi.
Hôm nay, hắn lại nhớ về ba.
Rồi hắn nghĩ đến câu chuyện của bà chủ quán. Bà ấy chắc cũng đang nhớ đứa con trai của mình.
Hắn lục lại tờ giấy tìm người. Trong ánh sáng vàng nhạt của chiếc bóng đèn dây tóc duy nhất trong căn phòng, tờ giấy ố vàng dường như càng bạc màu hơn. Chắc nó đã được in lâu lắm rồi. Chừng ấy năm, bà ấy chưa tìm thấy người con. Có khi nào anh ta đã chết rồi cũng hay. Hắn đọc đi đọc lại thông tin ghi trên tờ giấy và nhìn kỹ mặt của đứa con nhưng tiệt chẳng thấy quen.
Hắn nghĩ người con trai của bà lão thật bất hiếu. Dù gì cũng là mẹ mình, giận dỗi gì đến mức bỏ đi để bà ấy trông ngóng như thế. Phải một hai ngày ít ỏi gì đâu. Cả mấy năm liền. Thói đời, kẻ có chẳng bao giờ là kẻ biết trân trọng. Hắn nửa thương người đàn bà già, nửa ngao ngán đứa con. Hắn vò tờ giấy, vứt vào góc phòng rồi tắt đèn đi ngủ.
Trong giấc ngủ, hắn nhớ đến mẹ hắn. Hắn muốn gặp mẹ. Khuya rồi, nhưng hắn muốn gặp mẹ. Chẳng biết hắn nghĩ gì mà ngồi bật dậy, bỏ mấy bộ quần áo vô trong túi rồi bước xuống đường. Hắn vừa đi vừa huýt sáo, lòng mong mỏi nhanh ra đường lớn. Hắn sẽ bắt đại một chuyến xe nào đấy rồi về nhà. Câu đầu tiên hắn sẽ nói với bà là hắn biết lỗi rồi. Nghĩ đến thế, hắn chợt vui. Hắn nhớ món canh chua cá tràu chuối chát của mẹ. Lâu rồi hắn chưa ăn, nghĩ đến lại thèm. Hắn bước nhanh chân hơn. Đường vắng. Có ánh đèn xe từ phía sau hắn rọi lên. Hắn định lách vô lề để tránh …
… không kịp nữa rồi.
Điều cuối cùng hắn nhớ là khuôn mặt của mẹ hắn. Khuôn mặt khắc khổ của người đàn bà góa đã tần tảo nuôi con đằng đẵng chục năm trời…
Khuôn mặt của bà chủ quán.
Hắn bật dậy trong khuya. Mồ hôi túa ra khắp mình. Nỗi sợ hãi tràn ngập. Trống ngực đập thình thịch.
Và hắn bật khóc.
Theo Guu
Tờ giấy làm bài thi đổi lại là bức di chúc tuyệt mệnh của con trai
Bố mẹ đã chuẩn bị hết mọi thứ, chỉ chờ ngày thông báo nhận kết quả đậu Đại học, vậy mà cái họ nhận được lại là...bức di chúc tuyệt mệnh của con trai.
"Con à, bố mẹ sai rồi, là bố sai rồi, mẹ sai rồi, con về với bố mẹ đi!..."
Ngày họ mong chờ đã đến, hôm nay cậu con trai bước vào ngày thi Đại học đầu tiên, sáng ra họ háo hức chuẩn bị hết đồ ăn, thức uống và đưa con đến địa điểm thi. Con trai ở trong phòng thi căng thẳng bao nhiêu thì họ ở ngoài chờ đợi càng lo lắng bấy nhiêu.
Thế rồi, giờ thi môn Văn kết thúc, giữa muôn vàn thí sinh ồ ạt kéo ra khỏi cổng trường, họ tìm kiếm con mình, đợi mãi, đợi mãi và cuối cùng,...họ tận mắt chứng kiến con mình nhảy từ tầng tám xuống tự tử.
Họ như điên cuồng lao vào ôm lấy con, rồi đau đớn gọi to tên con. Sau khi được đưa đến bệnh viện, các bác sỹ lắc đầu nói với bố nó rằng: "Mong anh chị hãy bớt đau buồn, cậu bé đã đi rồi!".
Đau đớn đến tột cùng, mẹ nó không muốn chấp nhận sự thật này, bà vẫn cố nắm lấy vạt áo của bác sỹ cầu xin: "Vẫn còn hy vọng, vẫn còn hy vọng bác sỹ ơi, cầu xin ngài hãy cứu lấy con tôi, làm ơn...". Một lúc sau, mẹ nó hôn mê bất tỉnh, bố nó nước mắt rơi như suối, ông tuyệt vọng quỳ xuống trước mặt con trai được đắp tấm màn trắng trong bệnh viện.
Một gia đình hạnh phúc, cuộc sống của họ khiến bao người ngưỡng mộ, đầy đủ về vật chất lẫn tinh thần, thế nhưng, giờ đây âm dương cách biệt, người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh, đau đớn đến nhường nào.
Ngày nó bước vào cấp ba, họ đã đưa ra một quyết định quan trọng, đó là bán đi ngôi nhà đang ở hiện tại, chuyển nó vào học ở trường cấp ba trọng điểm và mua một căn hộ gần trường để tiện cho nó học hành. Khi đó, nó muốn ngăn bố mẹ lại, muốn nói ra hết những suy nghĩ của mình nhưng họ không cho nó một cơ hội để nói, đổi lại chỉ là một câu rằng: "Tất cả những việc bố mẹ làm đều là vì muốn tốt cho con mà thôi!".
Kể từ đó, họ luôn đặt gánh nặng lên con trai, mặc dù thành tích học tập của nó cũng không tồi nhưng họ vẫn chưa hài lòng, rồi lại tiếp tục đăng ký cho nó theo học tại lớp nâng cao. Nhiệm vụ của nó chỉ rập khuôn theo ba việc: học hành, ăn cơm và đi ngủ. Ngày nào cũng như ngày nào, họ đều nhắc đi nhắc lại rằng: "Con à, bố mẹ chỉ có một điều đó là, mong con thi đỗ vào trường Đại học tốt nhất, như vậy con sẽ có một tương lai tươi sáng hơn. Tại sao bố mẹ lại phải từ bỏ cuộc sống nhàn hạ để làm những việc này chứ, tất cả đều là vì con đấy. Nếu con không cố gắng, không kiên trì, không thi đậu Đại học thì con có thấy có lỗi với bố mẹ không? Nhiệm vụ bây giờ của con chỉ có học và học mà thôi, mọi việc khác con không cần phải quan tâm".
Khi đó, nó chỉ biết cúi đầu thở dài và đáp lại bằng giọng nói yếu ớt: "Con hiểu rồi!", sau đó quay người đi về phòng của mình. Trong đầu nó lúc nào cũng văng vẳng câu nói: "Mọi việc bố mẹ làm đều vì con cả, nếu không cố gắng con có thấy có lỗi với bố mẹ không?".
Nó vẫn cố gắng và cho đến kỳ thi ngày hôm nay, cầm trên tay đề thi môn Văn, nó bất lực, nó nghĩ đến khuôn mặt buồn phiền của bố mẹ và rồi nó viết những lời muốn nói cuối cùng để lại cho bố mẹ ngay trong tờ giấy làm bài thi.
"Bố mẹ yêu quý!
Con trai bất hiếu, kiếp sau con sẽ lại bù đắp tình yêu thương mà bố mẹ dành cho con. Cuối cùng thì thời khắc của kỳ thi cũng đã kết thúc, và đây cũng là lúc con được giải thoát. Mỗi một ngày còn sống cùng bố mẹ, con đều mang nặng cảm giác tội lỗi.
Vì con, bố mẹ từ bỏ tất cả, con thấy mọi thứ như một ngọn núi lớn đè lên lưng con, khiến con nghẹt thở. Con là đồ vô dụng, con không có đủ khả năng để làm tất cả những điều bố mẹ muốn, con sợ nhìn thấy ánh mắt thất vọng của bố mẹ.
Con không muốn làm liên lụy đến bố mẹ nữa, con chọn cách rời xa như thế này, con biết nó vô cùng tàn nhẫn với bố mẹ, nhưng vì con không vượt qua được hố sâu trong lòng mình, bố mẹ hãy tha thứ cho con nhé! Tạm biệt bố mẹ, con yêu bố mẹ nhiều!
Đọc xong bức di chúc này, bố mẹ nó ngồi sụp xuống đất, khóc không thành tiếng, vừa khóc họ vừa hét to:
"Con à, bố mẹ sai rồi, là bố sai rồi, mẹ sai rồi, con về với bố mẹ đi!..."
Bố mẹ nào cũng luôn mong cho con thành tài, vì thế họ luôn sắp đặt mọi thứ cho con mà quên mất đi cảm nhận của con mình. Có sự kỳ vọng đối với con cái là tốt nhưng không phải bằng cách đặt mọi áp lực lên người con, các bậc cha mẹ nên học cách lắng nghe cảm nhận của con cái, như vậy mới tránh được những trường hợp không hay như câu chuyện của cậu bé này xảy ra. Đến lúc hối hận thì con mình đâu còn nữa.
Theo blogtamsu
Tôi muốn li dị vợ để tìm người phụ nữ hoàn hảo Tôi không ngừng nghĩ về chuyện ly dị, nhiều lúc nhìn vợ mà tôi chán đến mức muốn ly dị ngay lập tức để tìm người phụ nữ khác hoàn hảo hơn. Tôi không nghĩ là một ngày nào đó những suy nghĩ về việc ly dị lại thường xuyên hiện hữu trong đầu tôi đến vậy. Vợ tôi là người cũng khá...