Tổ công tác đặc biệt túc trực ‘giải cứu’ kẹt xe ở Tân Sơn Nhất
Nhiều lực lượng sẽ túc trực từ sáng sớm đến 23h để giải quyết tình trạng kẹt xe ở sân bay Tân Sơn Nhất dịp cao điểm Tết sắp tới.
Ngày 21/1, Phó giám đốc Sở GTVT Trần Quang Lâm cho biết, tình trạng ùn tắc bắt đầu căng thẳng từ khoảng một tháng trước. Ở những ngày cận Tết này, giao thông sẽ còn khó khăn hơn do nhu cầu người dân đi lại tăng cao để mua sắm, kinh doanh, giao hàng hóa, đi lại thăm hỏi, về quê…
Ngoài khu vực trung tâm thường bị ùn tắc, Sở nhận diện được 2 điểm nóng đặc biệt vào dịp cận Tết là quanh sân bay Tân Sơn Nhất (quận Tân Bình) và cảng Cát Lái (quận 2).
“Khu vực sân bay hiện chưa phải cao điểm đi lại của người dân, trung bình khoảng 650 chuyến bay thôi. Từ 26 Tết trở đi mới đông, 800 chuyến bay mỗi ngày. Dự báo những ngày tới khu vực này ùn tắc rất cao, nhất là vào chiều tối”, ông Lâm nói.
Khu vực sân bay Tân Sơn Nhất được dự báo sẽ là điểm nóng nhất về ùn tắc giao thông trong những ngày cao điểm Tết. Ảnh: Duy Trần
Để giảm ùn tắc ở Tân Sơn Nhất, TP HCM đã đề nghị Cục hàng không tăng các chuyến bay đêm. Sở Giao thông thành phố cũng tăng cường biển báo từ xa ở các tuyến đường quanh sân bay.
“Sở cùng các đơn vị liên quan cũng lập các tổ công tác đặc biệt, gồm lực lượng Thanh tra giao thông, Công an Tân Bình, Phòng CSGT TP HCM (PC67)… túc trực ở các chốt như cổng sân bay, nút giao Lăng Cha Cả, đường Hoàng Văn Thụ từ sáng sớm đến 23h để kịp thời giải tỏa ùn tắc. Đặc biệt là đội CSGT Tân Sơn Nhất sẽ được tăng cường tối đa lực lượng”, ông Lâm nói.
Phó giám đốc Sở GTVT cũng cho biết, hiện tín hiệu camera ở khu vực sân bay đã được truyền về trung tâm quản lý ở hầm Thủ Thiêm, giúp linh hoạt cho việc điều động lực lượng giải quyết các sự cố hơn trước đây. “Khi có nguy cơ kẹt xe mà mình chủ động điều tiết sẽ hạn chế mức độ. Nếu các lực lượng có mặt trễ thì ùn tắc sẽ kéo dài và lan sang nhiều khu vực khác”, ông Lâm nói.
Ở khu vực cảng Cát Lái, Sở bổ sung biển báo phụ, cấm xe tải từ 1,5 tấn trở xuống lưu thông vào giờ cao điểm theo đường vành đai vào thành phố; từ ngày 21/1 cho xe máy đi vào cao tốc TP HCM – Long Thành (từ đường Mai Chí Thọ đến đường Vành đai 2) để giảm ùn tắc trên nút An Phú. Ngoài ra, sẽ thu gom 62 trong tổng số 114 rào chắn nhằm mở rộng mặt đường để người dân lưu thông.
Video đang HOT
Trong khi đó, Phòng CSGT TP HCMcho biết, dịp Tết năm nay dự kiến lượng hành khách đến sân bay Tân Sơn nhất sẽ tăng khoảng 30% so với năm trước. Riêng các ngày cao điểm trước và sau Tết sẽ tăng đột biến (khoảng 10.000 khách so với ngày cao điểm nhất của năm 2016).
Phòng CSGT sẽ phối hợp cùng Công an các quận Tân Bình, Phú Nhuận, Gò Vấp, Phòng Cảnh sát trật tự, lực lượng Thanh niên xung phong… tăng cường bố trí tại các giao lộ để điều tiết, phân luồng, bảo vệ và giải tỏa nhanh các sự cố.
“Chúng tôi cũng phối hợp chặt chẽ cùng Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất nắm bắt lịch bay, các chuyến bay để chủ động bố trí lực lượng điều hòa giao thông, đặc biệt vào lúc tập trung nhiều chuyến bay. Việc tăng cường liên lạc giữa hai đơn vị là rất quan trọng – để sân bay lên kế hoạch điều chỉnh lượng xe ra vào cảng thời điểm các tuyến đường đang đông xe, các xe di chuyển chậm”, lãnh đạo PC67 nói.
Ngoài ra, trong các ngày cao điểm Tết, CSGT sẽ phối hợp cùng lực lượng Cảnh sát trật tự tuần tra kiểm soát tại khu vực phía trước Ga Quốc nội cũng như các tuyến đường quanh sân bay.
“Phòng cũng tăng cường các tổ sử dụng camera ghi hình liên tục, ghi nhận các hành vi dừng, đỗ xe quá thời gian quy định; không chấp hành hiệu lệnh người điều khiển giao thông, đèn tín hiệu, biển báo hiệu, vạch kẻ đường… ở các tuyến đường quanh sân bay để xử lý nghiêm”, lãnh đạo Phòng CSGT cho biết.
Hữu Công – Quốc Thắng
Theo VNE
Đề xuất xây cáp treo vào Tân Sơn Nhất để giảm kẹt xe
Doanh nghiệp đưa ra ý tưởng xây tuyến cáp treo dài hơn 1 km từ Công viên Gia Định tới Tân Sơn Nhất, công suất 3.000-4.500 hành khách mỗi giờ, để giảm ùn tắc các tuyến đường quanh sân bay.
Giám đốc doanh nghiệp ở Sài Gòn cho biết, do TP HCM đang nghiên cứu làm tuyến metro từ Công viên Hoàng Văn Thụ vào sân bay Tân Sơn Nhất dài 2 km, tốn gần 250 triệu USD, nên ông nghĩ ra ý tưởng làm cáp treo. Như vậy kinh phí sẽ rẻ hơn rất nhiều, khoảng 550 tỷ đồng và thời gian thi công chỉ mất khoảng 10 tháng.
"Cục Hàng không cũng có ý định cho hành khách làm thủ tục check-in ở công viên. Nếu sử dụng cáp treo, khi làm thủ tục xong hành khách lên cabin cáp treo vào sân bay. So với vận chuyển bằng xe buýt, đi cáp treo sẽ giúp giảm lượng xe trên đường, giảm ùn tắc giao thông hiệu quả hơn", ông nói.
Ông phân tích, mỗi cabin có thể chứa 8-10 người, tốc độ khoảng 25km/h, mỗi giờ có thể vận chuyển 3.000 khách, kinh phí khoảng 550 tỷ đồng. Nếu thiết kế theo công nghệ hiện đại hơn có thể đạt 4.500 lượt khách, song chi phí sẽ cao.
Về góc độ kỹ thuật, tác giả ý tưởng cho rằng, cáp treo có thể đi dọc đường Hồng Hà. Giữa tuyến có thêm trụ lớn, đường kính khoảng 2 m và hành lang an toàn nền móng là 5x5 m.
"Cáp treo phát huy hiệu quả nhất ở cự ly 2-5 km. Còn với khoảng cách tầm vài chục km thì metro sẽ là lựa chọn phù hợp nhất. Làm cáp treo sử dụng điện thân thiện với môi trường, người dân đi cũng nhẹ nhàng và ngắm cảnh. Tuổi thọ của hệ thống này cũng rất cao", ông nêu quan điểm.
Từ Công viên Gia Định đến sân bay Tân Sơn Nhất khoảng hơn 1 km. Ảnh: Google maps
Về đề xuất này, chuyên gia giao thông Phạm Sanh cho rằng "đây là ý tưởng táo bạo nhưng không khả thi".
"Nếu tốt, có hiệu quả và an toàn các nước phát triển đã làm chứ không phải chờ đến lúc chúng ta có ý tưởng. Cáp treo chỉ có thể áp dụng trong các địa hình hiểm trở, vùng núi cao, ít hoặc không có người bên dưới; tránh làm đường nhằm bảo tồn các di tích văn hóa, phục vụ du lịch, khai thác cảnh quan và phục vụ lượng người đi ít... chứ không ai làm cáp để giải quyết kẹt xe", ông Sanh nói.
Theo TS Phạm Sanh, dù chi phí giảm so với xây dựng tuyến Metro kết nối sân bay, song cáp treo phải bảo trì thường xuyên. Nếu dùng như tuyến giao thông thì mật độ sử dụng cáp treo dày hơn rất nhiều, dù làm bằng công nghệ hiện đại tốt nhất nhưng không ai dám bảo đảm nó an toàn tuyệt đối. "Thậm chí, nếu có cáp đung đưa trên đầu tại một đô thị đông dân, ai dám di chuyển ở bên dưới?", ông Sanh lo ngại.
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Thiện Tống (nguyên chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không trường Đại học Bách khoa TP HCM) cho rằng: "Ýtưởng này có vẻ mới nhưng không thực tế, bởi cảnh quan khu vực sân bay Tân Sơn Nhất không thể làm cáp treo".
"Cáp treo đi qua khu vực nào thì bên dưới không thể xây dựng. Với không gian khu vực sân bay thì rất khó tìm được vị trí làm. Hơn nữa, mật độ giao thông cao như khu vực sân bay mà có cáp treo phía trên thì cũng tiềm ẩn sự nguy hiểm. Mà nếu có thật, chưa chắc khai thác hiệu quả vì không phải ai cũng đi vào sân bay từ hướng có cáp treo", ông Tống nói.
Hệ thống Metrocable tại Medellin, Colombia là tuyến cáp treo giao thông công cộng đầu tiên trên thế giới được hoàn thành vào năm 2004. Ảnh: Guardian.
TS Nguyễn Bách Phúc - Chủ tịch Hội tư vấn Khoa học công nghệ & quản lý TP HCM (HASCON) - đánh giá đề xuất xây cáp treo vào sân bay Tân Sơn Nhất là "thiếu thiết thực, không giải quyết bản chất vấn đề giảm kẹt xe tại khu vực".
Ông dẫn chứng, số liệu Cục Hàng không cho thấy giờ cao điểm nhất cũng chỉ có 42 chuyến bay lên xuống. Nếu tính mỗi chuyến bay có 150 hành khách thì tổng số khách đi lại và người đến đưa tiễn khoảng 19.000 người ra vào cửa Tân Sơn Nhất trong một giờ. Và đây cũng chính là số người lưu thông trên đường Trường Sơn - đường độc đạo vào Tân Sơn Nhất.
Trong khi đó, năng lực lưu thông của đường Trường Sơn là 170.000 người một giờ. Như vậy, Tân Sơn Nhất lúc tấp nập nhất cũng chỉ đóng 11% năng lực lưu thông của đường Trường Sơn.
"Rõ ràng đường Trường Sơn bị kẹt không phải do hành khách tăng lên mà do người dân thành phố đi lại qua khu vực nhiều", ông Phúc khẳng định.
Trao đổi với VnExpress về ý tưởng xây cáp treo giảm ùn tắc quanh sân bay, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP HCM Bùi Xuân Cường cho biết, Sở luôn hoan nghênh và trân trọng các ý tưởng, đề xuất, giải pháp của các nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân cùng chung sức với thành phố giải quyết ùn tắc giao thông, đặc biệt là ở khu vực Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.
"Thực tế cũng có một số nước trên thế giới đã sử dụng cáp treo như một phương tiện vận tải công cộng. Nhưng với đề xuất này chúng tôi chưa thể khẳng định được tính khả thi vì mới dừng ở bước ý tưởng. Cần phải nghiên cứu rất kỹ, toàn diện về phương án kỹ thuật, hiệu quả tài chính, khả năng ảnh hưởng đến các quy hoạch dọc tuyến, rồi những thuận lợi khó khăn khi khai thác vận hành nữa", ông Cường nói.
Hữu Nguyên
Theo VNE
Ám ảnh kẹt xe ở Tân Sơn Nhất: Mở đường, xây cầu có hết tắc? Hai cầu vượt sẽ được xây, 4 dự án mở rộng các tuyến đường kết nối sân bay Tân Sơn Nhất nhằm giảm kẹt xe khu vực sân bay sẽ được triển khai từ đầu năm nay 2017. Ông Nguyễn Vĩnh Ninh, Giám đốc Khu Quản lý Giao thông đô thị số 1 (Sở GTVT TP.HCM) cho biết những ngày qua, Khu đô...