Tổ công tác đặc biệt của Cục CSGT nói về vụ xe chở cây “quái thú”
Có hay không CSGT các địa phương làm ngơ, bao che, bảo kê để hàng loạt chiếc xe chở cây quá khổ quá tải chạy suốt 16 tỉnh, thành phố là điều dư luận đang hết sức quan tâm… PV Dân trí vừa có cuộc trao đổi nhanh với Trưởng đoàn của Cục CSGT hiện đang có mặt tại Miền Trung về kết quả xác minh bước đầu các vấn đề.
Trung tá Phạm Viết Công, Trưởng phòng hướng dẫn tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ (Phòng 9, Cục CSGT) là người được Cục CSGT giao nhiệm vụ làm Tổ trưởng Tổ công tác của Cục về các địa phương để xác minh, làm rõ có hay không dấu hiệu tiêu cực, dấu hiệu bảo kê, thiếu trách nhiệm của lực lượng CSGT các địa phương trong vụ việc đầy bất thường để hàng loạt xe chở cây khủng, nhiều vi phạm an toàn giao thông chui lọt suốt nhiều tỉnh thành từ Đắk Lắk ra Huế, Hà Nội.
Tổ công tác của Cục CSGT đang truy trách nhiệm CSGT hai tỉnh Đắk Lắk và Khánh Hòa khi chiếc xe đầu kéo chở cây khủng qua Đèo Phượng Hoàng nằm trên Quốc lộ 26 vào ban ngày mà CSGT hai tỉnh này không hề hay biết
Trao đổi nhanh với Dân trí sáng ngày 8.4, Trung tá Công xác nhận, ông cùng các thành viên trong tổ công tác đang có mặt tại Miền Trung để làm rõ những vấn đề nêu trên. “Theo chỉ đạo của Bộ, Tổng cục và Cục, từ ngày 6.4, tổ công tác đã làm việc với Phòng CSGT công an các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế… Hiện tổ chúng tôi đang tiếp tục đi và làm việc với Phòng CSGT các tỉnh còn lại”- Trung tá Công cho biết.
Về nội dung làm việc, Trung tá Công cho biết, Tổ đã yêu cầu Phòng CSGT công an các tỉnh báo cáo quy trình làm việc của các đội, tổ trên tuyến đường mà những chiếc xe chở cây khủng đi qua để xem vướng mắc, thiếu sót ở khâu nào.
Trả lời câu hỏi, sau hai ngày làm việc với Phòng CSGT một số tỉnh nói trên, Tổ công tác của Cục có phát hiện được dấu hiệu nào cho thấy lực lượng CSGT các địa phương đã thiếu trách nhiệm, tiêu cực, bảo kê giúp DN vận chuyển trót lọt cây khủng qua nhiều hàng loạt tỉnh thành(?), trung tá Công cho biết: “Hiện tôi chưa thể thông tin gì về vấn đề này. Chúng tôi đang kiểm tra, đang tiếp tục xác minh để làm rõ. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, chúng tôi sẽ báo cáo bằng văn bản để Cục báo cáo Bộ và Thủ Tướng”.
Theo thời hạn mà Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình giao, Bộ Công an phải báo cáo kết quả xác minh, làm rõ có hay không hành vi bao che cho phương tiện chở quá khổ, quá tải lưu thông trên đường bộ như phản ánh của báo chí trước ngày 15.4.
Video đang HOT
3 xe chở “quái thú” chui lọt CSGT 7 tỉnh, gồm Đắk Lắk, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng trước bị CSGT tỉnh Thừa Thiên Huế tạm giữ vào tối ngày 30.3. Ảnh: Đại Dương.
Trong buổi làm việc với PV Dân trí vào chiều 6.4, Thượng tá Nguyễn Quang Nhật, người phát ngôn của Cục CSGT khẳng định, quan điểm của Cục CSGT là sẽ xử lý nghiêm theo yêu cầu của Thủ tướng, xử lý đúng người, đúng hành vi vi phạm, không bao che cho vi phạm. Nếu phát hiện thấy hiện tượng tiêu cực trong quá trình thực thi nhiệm vụ của CSGT thì Cục sẽ phối hợp cùng với Công an tỉnh, thành phố và các Phòng CSGT xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật và của ngành công an.
Trước đó, như Dân trí đã thông tin, tối ngày 26.3, người dân trên tuyến QL1A thuộc nhiều tỉnh tại Miền Trung không khỏi giật mình trước việc một chiếc xe đầu kéo BKS 73C – 03464 và rơ-moóc BKS – 00338 chở 1 cây gỗ siêu khủng, gốc cây to lớn, dài hơn 20m, với cành ngọn tua tủa vươn ra khỏi thành dễ dàng “chui” qua hầu hết các chốt giao thông trên tuyến quốc lộ 1A trước khi “cập bến” Thủ đô Hà Nội.
Khi dư luận chưa hết bất bình thì đêm 26.3, lực lượng CSGT Thừa Thiên Huế đã bắt giữ 3 xe chở 3 cây cổ thụ với hình dáng tương tự, vượt chiều dài, chiều cao, quá tải cầu đường từ 20-50%.
Cả 4 chiếc xe nói trên đều thuộc sở hữu của Công ty TNHH Cơ khí Hải Sơn, có trụ sở tại TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình.
Tổng cộng chiếc xe chở cây quái thú BKS 73C-03464 đã chui trót lọt ít nhất 20 trạm tuần tra, kiểm soát của lực lượng CSGT 16 tỉnh, thành phố; còn 3 xe bị bắt tại tỉnh Thừa Thiên Huế chui lọt hơn chục trạm của 7 tỉnh. Dư luận bất bình, cho đây là một điều quá bất thường, đồng thời nghi ngờ CSGT các tỉnh thành bảo kê cho doanh nghiệp.
Theo Văn Dũng – Tiến Hiệp (Dân Trí)
Vụ cây "quái thú": Phó Chủ tịch xã nói về chữ ký của mình ở hồ sơ
Liên quan đến hồ sơ 3 cây "quái thú" bị tạm giữ tại Thừa Thiên - Huế, ngày 6.4, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk đã có báo cáo gửi Cục Kiểm lâm kết quả kiểm tra xác minh.
Theo đó, báo cáo cho biết 2 trong số 3 hồ sơ này có nguồn gốc lâm sản trùng khớp với hồ sơ mà chủ sở hữu cung cấp. Hồ sơ còn lại nguồn gốc không khớp với thực tế (Dân Việt đã phản ánh).
Cây "quái thú" đang bị tạm giữ tại Thừa Thiên - Huế. (Ảnh: Trần Hòe)
Đó là hồ sơ nguồn gốc lâm sản do xe BKS 73C-028.80 vận chuyển gồm: Đơn vận chuyển; bản đăng ký khai thác; đơn đề nghị xác nhận cây cảnh, cây bóng mát, cây cổ thụ (đều ghi ngày 23.3.2018) của bà H'Yô Na Buôn Yă (thường trú tại buôn Sú, xã Ea Hồ, huyện Krông Năng, Đắk Lắk). Hồ sơ này đã được bà H'Phi La Niê - Phó chủ tịch xã Ea Hồ - ký xác nhận cùng ngày.
Theo Hạt Kiểm lâm huyện Krông Năng, trong các đơn và bản đăng ký nêu trên đều chỉ có chữ ký của bà H'Yô Na Buôn Yă, chữ ký của bà H'Phi La Niê và dấu của UBND xã Ea Hồ, nhưng không có chữ ký nào của cán bộ kiểm lâm địa bàn hoặc người khác có liên quan.
Đơn xin vận chuyển cây có chữ ký của Phó chủ tịch xã Ea Hồ.
Tại biên bản làm việc với kiểm lâm ngày 5.4, bà H'Yô Na Buôn Yă khẳng định mình không ký vào bất cứ đơn xin khai thác hoặc vận chuyển cây nào. Bà này cũng cho biết, trên vườn rẫy của mình không có bất kỳ cây đa sộp nào.
Liên quan đến chữ ký của mình trong hồ sơ, qua làm việc lần thứ 2 với Hạt Kiểm lâm Krông Năng, ngày 5.4, bà H'Phi La Niê đã thừa nhận chữ ký trong hồ sơ là của mình. Bà này lý giải do giải quyết hồ sơ hàng ngày cho dân nhiều, nên nhiều lúc không đọc hết nội dung các đơn và do một phần chủ quan của bản thân nên đã ký xác nhận đơn khai thác, vận chuyển cây ngày 23.3.2018.
Về trách nhiệm của kiểm lâm địa bàn trong việc này, Hạt Kiểm lâm huyện Krông Năng cho biết, xã Ea Hồ không còn rừng tự nhiên nên không bố trí cán bộ kiểm lâm địa bàn.
Trước đó, theo nguồn tin của PV, trong hồ sơ lâm sản có dấu hiệu làm giả này không phải có 1 cây mà có đến 2 cây với đường kính và chiều dài bằng nhau lần lượt là 1,4m và 12m. Ngoài ra, người có đơn xin vận chuyển là ông Đinh Công Quân (trú Thạch Thất, Hà Nội). Theo đơn này, ông Quân cho biết đã mua 1 trong số 2 cây đa sộp nói trên của bà H'Yô Na Buôn Yă.
Bảng đăng ký khai thác 2 cây đa sộp có chữ ký của bà Phó chủ tịch xã Ea Hồ.
Trong khi đó, theo báo cáo ngày 5.4 của Chi cục Kiểm lâm Thừa Thiên - Huế, chủ lâm sản 3 cây xanh "khủng" đang bị tạm giữ tại tỉnh này là ông Kiều Văn Chương (trú tại xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội).
Sáng 7.4, PV Dân Việt đã liên hệ với bà H'Phi La Niê - Phó chủ tịch xã Ea Hồ và ông Phan Quốc Thắm - Chủ tịch xã Ea Hồ để làm rõ hơn về bộ hồ sơ giả nói trên. Tuy nhiên, bà Phó chủ tịch xã đã từ chối cuộc gọi của PV, còn ông Chủ tịch xã đã lấy cớ máy không nghe rõ để thoái thác trả lời. Điều kỳ lạ là trong khi các câu hỏi khác không liên quan đến sự việc trên của PV, ông Thắm đều nghe và trả lời rõ ràng.
"Lát mình vào lấy điện thoại bàn gọi lại ngay, mình đang ở ngoài vườn cà phê" - ông Thắm nói rồi cúp máy. Tuy nhiên, sau lời hứa này ông Thắm chẳng những không gọi lại mà khi PV gọi đến ông cũng không bắt máy.
Theo Danviet
Người sở hữu 3 cây "quái thú" bị tạm giữ tại TT-Huế khai gì? Người sở hữu 3 cây "quái thú" đang bị tạm giữ tại Thừa Thiên - Huế đã được cơ quan công an lấy lời khai. Có nhiều thông tin bất ngờ từ lời khai của người này... Về vụ 3 cây "quái thú" bị tạm giữ tại Thừa Thiên - Huế, sáng nay (7.4), nguồn tin từ Công an thị xã Hương Thủy...