Tổ chức làn ưu tiên thế nào để xe buýt phát huy hiệu quả?
Hà Nội đang lên kế hoạch mở thêm các tuyến đường ưu tiên xe buýt. Vấn đề đặt ra là tổ chức làn ưu tiên thế nào để xe buýt phát huy hiệu quả?
Trên đường Nguyễn Trãi thường xuyên xuất hiện tình trạng xe buýt cắt ngang các dòng phương tiện để vào điểm dừng
Hà Nội đang lên kế hoạch mở thêm các tuyến đường ưu tiên cho xe buýt, kỳ vọng cải thiện tốc độ, chất lượng dịch vụ cho loại hình vận tải hành khách công cộng quan trọng nhất này của Thủ đô.
Sẽ có làn ưu tiên cho xe buýt trên 4 trục đường lớn
Có mặt trên chuyến xe buýt tuyến 32 (BX Giáp Bát – Nhổn) BKS 29D – 316.91, PV Báo Giao thông đã mục sở thị cảnh lái xe đánh lái, len giữa dòng phương tiện đông nghẹt để vào điểm chờ đối diện Trường Đại học Xây dựng Hà Nội. Tuyến cửa ngõ phía Nam của Thủ đô này hiện cũng có khoảng 30 tuyến buýt hoạt động. Vào giờ cao điểm, dễ dàng bắt gặp hình ảnh các xe buýt nối đuôi, cắt ngang, cản trở dòng phương tiện khác để vào điểm dừng. Tình trạng tương tự cũng diễn ra trên tuyến đường Nguyễn Trãi – Trần Phú (Hà Đông).
Trước những bất cập trong tổ chức hoạt động của xe buýt, Hà Nội đang lên kế hoạch tổ chức làn đường ưu tiên cho xe buýt trên 4 trục đường lớn bao gồm: Pháp Vân – Giải Phóng – Đại Cồ Việt (4,7km), Nguyễn Văn Cừ – Ngô Gia Tự (5,9km), Phạm Hùng – Khuất Duy Tiến – Linh Đàm (9,6 km) và tuyến Nguyễn Trãi – Trần Phú (5km). Đây là những tuyến đường có lưu lượng giao thông lớn.
Anh Vũ Trọng Phan, lái xe taxi Rồng Vàng ủng hộ quan điểm mở làn ưu tiên cho xe buýt, bởi: “khi có làn ưu tiên, việc lưu thông của xe buýt thuận tiện, an toàn thì các phương tiện khác trên tuyến cũng an toàn theo”.
Trao đổi với Báo Giao thông về việc tổ chức làn đường ưu tiên Nguyễn Trãi – Trần Phú trước đây, ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, đây là tuyến có lượng lớn phương tiện lưu thông, trong đó có nhiều tuyến xe buýt nên việc tổ chức làn đường ưu tiên cho xe buýt đã giúp cho phương tiện này di chuyển thuận lợi hơn. “Mọi người tham gia giao thông đa phần có tâm lý nhường đường khi thấy biển thông báo “làn đường ưu tiên cho xe buýt”. Còn hiện tại, lượng lớn xe buýt lưu thông cùng với các phương tiện khác nên xảy ra xung đột khi xe buýt di chuyển vào điểm dừng”, ông Viện nói.
Video đang HOT
Theo ông Viện, Sở sẽ nghiên cứu kỹ xem tổ chức làn đường ưu tiên hay làn đường riêng biệt cho xe buýt. “Bởi việc làm làn ưu tiên khi xảy ra ùn tắc, các phương tiện có thể lưu thông vào để thoát, còn làn đường riêng biệt như buýt nhanh BRT thì các phương tiện lưu thông vào sẽ bị xử phạt theo quy định”, ông Viện cho hay.
Trong khi đó, khi được hỏi về bài học kinh nghiệm khi tổ chức làn đường ưu tiên trên trục Nguyễn Trãi – Trần Phú trước đây, ông Thái Hồ Phương, Phó giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông đô thị Hà Nội cho hay, sở dĩ làn ưu tiên này phải dỡ bỏ là để phục vụ rào chắn thi công tuyến Đường sắt đô thị số 2A (Cát Linh – Hà Đông) chứ không phải vì không hiệu quả. Trước kia, có làn đường này, tần suất, tốc độ xe buýt được cải thiện, tình trạng ùn tắc giao thông được hạn chế.
Hết bị chen chúc, xe buýt sẽ nhanh hơn, an toàn hơn
Theo ông Thái Hồ Phương, hiện nay, ngoài tuyến BRT Kim Mã – Yên Nghĩa được bố trí làn đường riêng, tất cả các tuyến buýt còn lại ở Hà Nội đều phải sử dụng chung đường với các phương tiện khác.
“Muốn xe buýt nâng cao được chất lượng dịch vụ, bảo đảm rút ngắn thời gian hành trình, đáp ứng nhu cầu của người dân, không cách nào khác, phải có làn đường ưu tiên”, ông Phương nói và thông tin thêm: Có làn đường ưu tiên, xe buýt sẽ hoạt động duy nhất trên một làn đường, không còn tình trạng xe buýt của các tuyến khác nhau dàn hàng ngang trên các làn đường gây cản trở giao thông. Việc này cũng sẽ giúp khắc phục triệt để tình trạng xe buýt cắt ngang các dòng phương tiện khác để vào/ra điểm dừng đón, trả khách gây ùn tắc cục bộ tại các điểm dừng.
Ngoài ra, ông Phương cũng kỳ vọng có thể cải thiện tốc độ vận hành, nâng cao chất lượng dịch vụ của xe buýt, đảm bảo an toàn cho hành khách, từ đó thu hút thêm hành khách sử dụng xe buýt để đi lại góp phần hạn chế việc sử dụng phương tiện cá nhân tham gia giao thông trên tuyến, giảm ùn tắc giao thông.
Cũng theo ông Phương, các tuyến đường dự kiến mở làn ưu tiên cho xe buýt đã được nghiên cứu kỹ lưỡng. “Các trục đường Pháp Vân – Giải Phóng – Đại Cồ Việt, Nguyễn Văn Cừ – Ngô Gia Tự tương tự như đường Nguyễn Trãi, đều là các trục đường hướng tâm có lưu lượng xe buýt hoạt động rất lớn, mặt cắt ngang đường thuận lợi cho việc tổ chức làn đường ưu tiên cho xe buýt. Trong khi đó, trục đường Phạm Hùng – Khuất Duy Tiến – Linh Đàm… lại có dải phân cách bên dưới đường trên cao đủ rộng có thể cải tạo để tổ chức làn đường ưu tiên cho xe buýt”, ông Phương cho hay.
Ủng hộ việc triển khai làn ưu tiên cho xe buýt, TS. Đinh Thị Thanh Bình, giảng viên Khoa Kinh tế vận tải, Đại học GTVT góp ý: Thiết lập một hoặc một vài đoạn đường ưu tiên riêng sẽ rất khó phát huy hiệu quả. “Nếu tổ chức làn đường ưu tiên cho xe buýt thì không thể để tuyến này hoạt động riêng lẻ, rời rạc mà phải kết nối thành mạng lưới liên thông với nhau. Hạ tầng cũng cần đồng bộ với phương tiện, đảm bảo cho người dân lên xuống xe thuận tiện, an toàn”, TS. Bình phân tích.
TP HCM chọn làn giữa 2 tuyến đường dành riêng cho xe buýt
Trao đổi với Báo Giao thông, lãnh đạo Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP HCM cho biết, đã báo cáo với Sở GTVT về việc thí điểm làn đường riêng cho xe buýt trên đường Điện Biên Phủ và Võ Thị Sáu (quận 3).
Đáng chú ý, làn đường giữa sẽ được chọn làm làn riêng cho xe buýt thay vì chọn làn bên trái như trong nghiên cứu lần đầu.
Theo Trung tâm, 2 tuyến đường này có 3 làn xe. Làn trong cùng bên phải dành cho xe gắn máy. Làn giữa dành cho xe buýt, xe cứu thương, cứu hỏa, cấm ô tô đi vào. Làn bên trái dành cho ô tô con. Riêng đối với xe tải, hiện Sở GTVT đang nghiên cứu trình UBND TP trong tháng 6 về giải pháp hạn chế xe tải lưu thông ban ngày nhằm giảm kẹt xe.
Ngoài ra trung tâm sẽ xây dựng các dịch vụ tiện ích phục vụ người dân đi hai tuyến buýt này như có các điểm giữ xe 2 bánh dọc điểm dừng xe buýt, nghiên cứu biển cấm dừng đỗ trên hai trục tuyến đường này đồng thời lắp đặt camera xử phạt những xe đi sai làn…
Đỗ Loan
Theo GTVT
Chất lượng không khí Hà Nội tăng giảm thất thường
Tính đến trưa nay (6/2) chất lượng không khí tại nhiều khu vực ở Hà Nội đã chuyển sang mức kém (màu cam).
[Chỉ số chất lượng không khí Hà Nội ngày 5/2] Đều ở mức tốt
Sau 2 ngày chất lượng không khí ở mức tốt, thì đến hôm nay, chỉ số không khí cập nhật theo giờ trên website: moitruongthudo.vn (Sở TN&MT Hà Nội) tính đến 12h trưa cho thấy, ở Hà Nội, 7/10 trạm quan trắc đưa ra chỉ số chất lượng không khí (AQI) ở mức kém, chỉ số dao động từ 112 - 129 như: Hàng Đậu, Minh Khai, Phạm Văn Đồng...
3/10 trạm quan trắc ghi nhận chất lượng không khí ở mức trung bình là Kim Liên, Tân Mai, Tây Mỗ, chỉ số dao động từ 77 - 90.
Chỉ số chất lượng không khí Hà Nội tính đến 12h (6/2)
Đặc biệt, sáng nay, TP Hà Nội chìm trong sương mù dày đặc, lý giải về hiện tượng này, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội Mai Trọng Thái cho biết, đây là dạng sương mù bình lưu, hình thành khi không khí lạnh đã tồn tại những ngày trước ở khu vực Đông Bắc Bộ suy yếu và dịch chuyển về phía Đông mang nhiều hơi ẩm hơn vào đất liền. Các lớp nghịch nhiệt xuất hiện ở độ cao từ 500 - 1.500m kết hợp với trời lặng gió ở bề mặt chính nên đã xuất hiện tình trạng sương mù. Khi lớp sương mù này tan, chất lượng không khí Hà Nội sẽ được cải thiện hơn.
Sương mù dày đặc sáng 6.2 tại Hà Nội, ảnh chụp từ khu chung cư đường Nguyễn Trãi, Thanh Xuân ( Ảnh: Thủy Nguyễn)
Trong điều kiện chất lượng không khí như hiện nay, Chi cục Bảo vệ Môi trường cũng đưa ra những khuyến cáo cho người dân, nhóm nhạy cảm (bao gồm: Trẻ em, người già và những người mắc bệnh hô hấp) có thể chịu những tác động nhất định tới sức khỏe.
Khi tham gia giao thông mọi người cần tuân thủ triệt để luật giao thông để hạn chế ùn tắc đường. Tăng cường điều tiết giao thông tại một số khu vực có mật độ giao thông cao như: Phạm Văn Đồng, Hàng Đậu, Minh Khai... Các khu vực ngoại thành, người dân cần hạn chế đốt rác và phụ phẩm nông nghiệp.
Theo Kinhtedothi
Sương mù dày đặc khiến Hà Nội hoá Sa Pa, tầm nhìn không quá 100 mét Sáng 6/2, sương mù dày đặc khiến nhiều toà nhà cao tầng ở Hà Nội bị bao phủ, không nhìn thấy nóc. Nhiều người đi đường cũng gặp khó khăn khi di chuyển. Sáng 6/2, nhiều người dân Hà Nội di chuyển trên đường gặp rất nhiều khó khăn bởi lượng sương mù dày đặc bao phủ khắp bầu trời. Với lượng sương...