Tổ chức hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều: Kinh nghiệm từ Singapore
Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 1 ở Singapore để lại những bài học kinh nghiệm về an ninh, lễ tân ngoại giao và báo chí khi làm nước chủ nhà của những sự kiện chính trị quan trọng bậc nhất thế giới.
Cảnh sát dẫn đường cho đoàn xe của Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un tới khách sạn Capella trong hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 1 ở Singapore. Ảnh: AP
An ninh
Vấn đề tổ chức hàng đầu trước khi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều ở Singapore ngày 12.6.2018 là an ninh, bắt đầu bằng việc đảm bảo an ninh cho Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un, cũng như đảm bảo an ninh cho khách sạn và địa điểm gặp mặt.
Các kế hoạch cần được đưa ra để kiểm soát đám đông và những bất tiện không thể tránh khỏi với công chúng, bao gồm cấm đường, phân luồng giao thông và kiểm tra an ninh.
Không phận bị giới hạn để nhường chỗ cho các cuộc tuần tra quân sự, hàng không thương mại bị chậm chuyến đi và đến Singapore.
Các cuộc tuần tra đường biển được tăng cường, đặc biệt là vùng biển xung quanh đảo Sentosa, nơi ông Donald Trump và Kim Jong-un gặp nhau.
Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 1 được tổ chức trên đảo Sentosa. Ảnh: AP
Tàu hải quân được triển khai ở vùng biển xung quanh địa điểm họp, trực thăng trực chiến bên trên, tàu tuần tra hộ tống các tàu qua lại.
Câu hỏi tiếp theo là phải làm gì với số lượng phóng viên khổng lồ đến Singapore, hơn 2.500 phóng viên đưa tin về hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều?
Theo các nhà ngoại giao và quan chức lễ tân, những thách thức này và những thách thức khác phải được giải quyết nhanh chóng, so sánh với các hội nghị thượng đỉnh khác có thể được lên kế hoạch trước từ 6 tháng đến 1 năm.
Lễ tân
Các nhóm tiền trạm của cả 2 nước đã dành nhiều ngày đến Singapore đi khắp đảo Sentosa để kiểm tra địa điểm và đặt ra các quy tắc lễ tân, ví dụ có 2 cửa riêng biệt để ông Donald Trump và Kim Jong-un có thể cùng nhau bước vào.
Singapore cũng phải hối hả tìm những người biết tiếng Triều trong số các sĩ quan cảnh sát và dân phòng để giúp họ giao tiếp và phiên dịch với phái đoàn Triều Tiên.
Lực lượng cảnh sát và an ninh được yêu cầu không nghỉ trong khoảng thời gian diễn ra hội nghị thượng đỉnh, các lực lượng vũ trang sẵn sàng trực chiến cùng máy bay chiến đấu và trực thăng tấn công.
Ngoài việc triển khai khoảng 5.000 cảnh sát, dân phòng và các nhân viên khác, Singapore còn thuê thêm các công ty an ninh tư nhân.
4 tầng an ninh
Video đang HOT
Khu vực an ninh đầu tiên là địa điểm diễn ra hội nghị thượng đỉnh tại khách sạn hạng sang Capella trên đảo Sentosa.
Khu vực thứ 2 cách đó khoảng 8km, trong khu Tanglin, nơi 2 nhà lãnh đạo và đoàn tuỳ tùng nghỉ lại. Tổng thống Donald Trump ở khách sạn Shangri-La còn Chủ tịch Kim Jong-un ở St.Regis, 2 khách sạn này cách nhau khoảng 800 mét.
Cảnh sát tuần tra bên ngoài khách sạn St. Regis, nơi Chủ tịch Kim Jong-un nghỉ. Ảnh: AP
Khu vực thứ 3 là lớp an ninh hàng hải trên mặt biển quanh đảo Sentosa.
Khu vực thứ 4 là nhóm phòng không, gồm trực thăng, máy bay chiến đấu bảo vệ vùng trời.
Dấu hiệu an ninh cao độ dễ nhận thấy ở Singapore trong những ngày này là sự hiện diện của lực lượng đặc nhiệm Gurkha vũ trang hạng nặng, cảnh sát được huy động toàn bộ quân số.
Để hỗ trợ hàng nghìn nhà báo đến đưa tin về hội nghị thượng đỉnh, Singapore đã bố trí trung tâm báo chí trong một toà nhà ở đường đua Công thức 1 tại trung tâm. Các sự kiện hội nghị được phát trực tiếp từ đảo Sentosa, cách đó 10km.
Chi phí hội nghị thượng đỉnh
Trong thời điểm diễn ra hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều, Thủ tướng Lý Hiển Long cho biết Singapore dự kiến chi khoảng 14,8 triệu USD, con số sau đó giảm xuống còn 11,8 triệu USD.
Phòng khách sạn của Chủ tịch Kim Jong-un có giá 7.400 USD/đêm. Phái đoàn Mỹ tự chi trả kinh phí – theo thông lệ các sự kiện song phương diễn ra ở một nước thứ ba.
Mặc dù phải bỏ ra chi phí tổ chức, song các chuyên gia marketing cho rằng Singapore đã thu về ít nhất 10 lần số tiền bỏ ra nhờ xuất hiện tích cực trên truyền thông quốc tế.
Ông Jason Tan, thuộc công ty truyền thông Zenith Singapore cho biết, 14,8 triệu USD chỉ mua được khoảng 90 giây quảng cáo trên sóng của sự kiện thể thao lớn nhất tại Mỹ là Siêu cúp bóng bầu dục Super Bowl.
“Với hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều, chúng ta đã có được 1 tuần phủ sóng toàn cầu, chìm trong hào quang thương hiệu tích cực và nhận được sự quan tâm thực sự với tư cách một quốc gia”.
Còn ông Vũ Minh Khương, Phó Giáo sư tại Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Đại học Quốc gia Singapore cho rằng, hơn cả việc được xuất hiện tích cực trên truyền thông, tầm quan trọng chiến lược của Singapore trên trường quốc tế được tăng cường.
“Nước chủ nhà đã tăng vị thế chiến lược là nơi được lựa chọn cho các sự kiện quan trọng và thể hiện cho thế giới thấy mình là một nhân tố có ý nghĩa trong việc làm cho thế giới trở thành nơi tốt đẹp hơn” – ông Vũ Minh Khương nói với tờ Al Jazeera.
NGỌC VÂN
Theo Laodong
Bangkok tiếc nuối khi thượng đỉnh Trump - Kim được tổ chức ở Hà Nội
Bangkok Post cho rằng Hà Nội nổi bật hơn hẳn trong danh sách địa điểm tổ chức hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều và có ba yếu tố vượt qua thủ đô của Thái Lan để được lựa chọn.
Bangkok, Hà Nội và Hawaii là ba trong số những địa điểm có thể được đề xuất khi Mỹ và Triều Tiên đồng ý tổ chức hội nghị thượng đỉnh thứ hai.
Tuy nhiên, theo nhà báo kỳ cựu Kavi Chongkittavorn của Bangkok Post, Hà Nội đã nổi bật hơn hẳn trong danh sách địa điểm tổ chức hội nghị.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un trên đảo Sentosa, Singapore, vào ngày 12/6/2018. Ảnh: AP.
Ban đầu, Thái Lan đã có cơ hội tốt với tư cách là chủ tịch đương nhiệm của ASEAN, thuận lợi giống như trường hợp của trước đó là Singapore tổ chức năm ngoái khi nắm chức chủ tịch.
Tuy nhiên, sau khi khảo sát điều kiện hạ tầng và chính trị - xã hội ở cả hai thủ đô, Hà Nội nổi lên như địa điểm được yêu thích. Hawaii bị loại vì khoảng cách và thời điểm chuyến thăm không phù hợp khi quan hệ Mỹ - Triều Tiên chưa được bình thường hóa hoàn toàn.
Các yếu tố giúp Việt Nam giành ưu thế
Nhìn chung, Thái Lan và Việt Nam có nhiều điểm tương đồng. Trước hết, hai nước đều hoạt động trong các cộng đồng khu vực và quốc tế với tư cách thành viên ASEAN. Việt Nam sẽ là chủ tịch ASEAN tiếp theo sau Thái Lan.
Quan trọng hơn, Hà Nội sẽ ứng cử cho nhiệm kỳ hai năm với tư cách thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc vào năm 2021. Thái Lan cũng đang nỗ lực để trở thành thành viên của Hội đồng Kinh tế và Xã hội Liên Hợp Quốc cho nhiệm kỳ 2020-2022.
Thứ hai, cả hai nước đều có quan hệ tốt với tất cả bên liên quan trong vấn đề bán đảo Triều Tiên, bao gồm Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên và Hàn Quốc. Triều Tiên cũng có đại sứ quán tại Hà Nội và Bangkok.
Thứ ba, các nước này ở cùng múi giờ và khoảng cách bay từ Bình Nhưỡng đến cả hai gần như nhau với thời gian di chuyển khoảng hơn 3 giờ, trong đó Hà Nội ở gần hơn một chút.
Thứ tư, hai thủ đô có cơ sở hạ tầng tốt và từng có kinh nghiệm ngoại giao về tổ chức các cuộc họp cấp cao khác nhau.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đứng cùng Phó chủ tịch đảng Lao động Triều Tiên Kim Yong Chol, nhà đàm phán chính của Triều Tiên về vấn đề hạt nhân với Mỹ, vào ngày 18/1. Ảnh: Reuters.
Tuy nhiên, ba yếu tố quyết định đã giúp Việt Nam giành chiến thắng trước Thái Lan là mức độ bất ổn của chính trị Thái Lan, ô nhiễm không khí ở Bangkok và mô hình kinh tế thành công của Việt Nam.
Mặc dù tuyên bố tổ chức bầu cử vào ngày 24/3 của chính phủ Thái Lan đã làm dịu bớt mối đe dọa của các cuộc biểu tình trên đường phố nhưng lo ngại về việc chính quyền Prayut Chan-o-cha tiếp tục trì hoãn bầu cử vẫn còn treo lơ lửng.
Trong bài bình luận trên Bangkok Post, nhà báo Kavi cho rằng so với Bangkok, Hà Nội ít gặp vấn đề hơn về an ninh với không khí ôn hòa bao trùm các đường phố. Việt Nam có quan hệ hữu nghị với Triều Tiên và ít có khả năng xảy ra biểu tình trong thời gian diễn ra hội nghị thượng đỉnh.
Ban đầu, Đà Nẵng, nơi từng tiếp đón ông Trump trong hội nghị cấp cao APEC vào tháng 11/2017, được xem là ứng viên tiềm năng. Tuy nhiên, sau đó, hội nghị thượng đỉnh được chuyển sang Hà Nội.
Ngoài ra, mức độ nguy hiểm của các hạt bụi siêu vi ở Bangkok những tuần gần đây cũng khiến nơi này mất điểm. Các nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên không quen với chất lượng không khí như vậy và không ai muốn thấy họ đeo khẩu trang.
Mô hình kinh tế đáng học tập
Khi ông Trump nói rằng Triều Tiên sẽ trở thành nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ, quốc gia phù hợp nhất trong khu vực để cho đất nước bị cô lập này thấy tương lai phát triển chắc chắn là Việt Nam, theo ông Kavi.
Trong bốn thập kỷ qua, kể từ khi bắt đầu các cải cách kinh tế của thời kỳ Đổi mới, từ đất nước chìm trong chiến tranh, Việt Nam đã vươn lên thành đối tác thương mại hàng đầu Đông Nam Á.
Kể từ khi gia nhập ASEAN vào năm 1995, sự chuyển đổi của Việt Nam thậm chí còn nhanh hơn và đáng kinh ngạc hơn.
Việt Nam hiện là một trong những cường quốc kinh tế của khu vực. Chắc chắn, ông Trump muốn thể hiện sự hiện đại hóa và tiến bộ của Việt Nam, với hệ thống chính trị ban đầu được giữ nguyên, như là một mô hình để Triều Tiên học hỏi.
Người dân đi qua Phủ Chủ tịch ở Hà Nội, ngày 9/2. Ảnh: AFP-Jiji.
Hơn nữa, Việt Nam còn là thành viên của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), một thỏa thuận thương mại tự do tiêu chuẩn cao của thế giới. Sẽ không có gì ngạc nhiên nếu ông Trump dành dấu ấn cá nhân cho Việt Nam, khẳng định tình hữu nghị và hợp tác với Mỹ tạo ra kết quả tốt.
Trở ngại của Thái Lan
Trong khi đó, quan hệ thân mật Thái Lan - Triều Tiên vẫn có trở ngại. Quân đội Thái Lan là một phần trong lực lượng hòa bình quốc tế gồm 16 quốc gia từng chiến đấu với Bình Nhưỡng trong Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953.
Nhiều năm sau chiến tranh, Bình Nhưỡng đã yêu cầu Thái Lan rút cờ khỏi Làng Hòa bình ở Panmunjom. Thái Lan nói rằng họ sẽ thực hiện điều này khi hiệp ước hòa bình thay thế cho thỏa thuận đình chiến.
Tình trạng ô nhiễm không khí khiến thủ đô Bangkok của Thái Lan mất điểm khi xem xét tổ chức sự kiện lớn như hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều. Ảnh: The Thaiger.
Sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1950, Việt Nam và Triều Tiên đã hỗ trợ lẫn nhau vượt qua thăng trầm trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Trong thập kỷ qua, khi quan hệ của Triều Tiên với Trung Quốc không tốt như ngày nay, các thành phố ven biển của Việt Nam như Hải Phòng từng được sử dụng làm cảng giao thương của Triều Tiên.
Với sự hội tụ đúng lúc của các yếu tố địa chính trị, Việt Nam, Triều Tiên và Mỹ nhận thức được tầm quan trọng của hội nghị thượng đỉnh và ảnh hưởng của nó, đặc biệt Washington và Bình Nhưỡng đã vượt qua rào cản ngoại giao để thực hiện cuộc gặp này.
"Với những tiến bộ thực sự liên quan đến phi hạt nhân hóa, hội nghị thượng đỉnh cũng có thể đặt nền tảng cho Triều Tiên tiến vào quỹ đạo của cộng đồng Ấn Độ - Thái Bình Dương", ông Kavi, người từng là thành viên lãnh đạo báo Bangkok Post, nhận xét.
Vì Bình Nhưỡng là thành viên của Diễn đàn khu vực ASEAN và là bên ký kết Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác ở Đông Nam Á, ASEAN có thể giúp nước này làm quen với tất cả khía cạnh của hội nhập khu vực. Do đó, sự gần gũi và hữu nghị của Triều Tiên với ASEAN sẽ tạo ra vùng an toàn cho nước này.
Theo Zing.vn
"Ngựa thồ" vừa đưa "Quái thú" Cadillac One của Tổng thống Mỹ đến Nội Bài Chiếc "Quái thú" Cadillac One của Tổng thống Mỹ vừa được "Ngựa thồ" C-17 đưa tới Nội Bài cách đây vài phút. 8h sáng nay (23/2), "Ngựa thồ" C-17 đã đưa chiếc "Quái thú" Cadillac One của Tổng thống Trump đến Nội Bài "Ngựa thồ" C-17 vừa tiếp tục hạ cánh tại sân bay Nội Bài mang theo những chiếc xe Cadillac One...