Tô cháo chả nóng hổi giữa trời chiều Phú Quốc
5h chiều ở trung tâm Dương Đông, Phú Quốc, con đường 30/4 tấp nập người xe, một hàng cháo chả nằm nép mình khiêm tốn đầu con hẻm gần Hội tương tế người Hoa Phú Quốc. Phụ huynh chở con cũng đứng lai rai chờ mua.
Cháo chả bán trên đường 30/4 ở Phú Quốc
Chúng tôi đến quán sau khi đi tìm một quán khác theo tìm kiếm trên Google, cũng trên đường 30/4 nhưng rốt cuộc không thấy. Cách đây nhiều năm, tôi có dịp đến Phú Quốc và được thưởng thức món ăn có tên gọi là cháo chả.
Ký ức của tôi về món ăn này không nhiều, chỉ nhớ rằng hôm đấy sau khi rong ruổi khắp nơi chụp ảnh cưới cho nhỏ bạn thân bằng xe máy đến tối muộn, chúng tôi thấm mệt và được anh chú rể là người Phú Quốc dẫn đi ăn cháo chả cho ấm bụng.
Tôi chỉ nhớ chúng tôi tấp vào một quán cháo nhỏ, gần một ngôi chùa người Hoa. Tô cháo cũng không có gì quá đặc biệt, chỉ là cháo ăn với chả cá. Nhưng đó quả thật là lần đầu tiên tôi thấy người ta ăn chả cá với cháo, dù chả cá vốn chẳng xa lạ gì với tôi vì tôi sinh ra và lớn lên ở Phan Thiết.
Vậy mà tô cháo đêm ấy để lại trong tôi một ấn tượng khá đặc biệt, không ngon xuất sắc đến mức phải thòm thèm, nhưng vẫn cứ nhớ hoài và thỉnh thoảng còn nhắc.
Lần này có dịp đi Phú Quốc cùng chồng, tôi bỗng dưng nhớ ra món ăn này và muốn ăn lại. Thoáng thấy vợ có chút thất vọng vì không tìm được quán, chồng tôi nhấc máy gọi cho một anh bạn là “thổ địa” ở Phú Quốc.
“À, cháo chả hả, giờ này thì chỉ có một quán bán thôi, cũng trên đường 30/4 đó, chạy lên một chút nữa kế bên chùa người Hoa, có cô bán hàng đội nón lá…”, tôi nghe đầu dây bên kia nhiệt tình hướng dẫn.
“Nhưng mà quán vỉa hè thôi nha, cháo chả là món vỉa hè”, anh bạn e dè nói thêm khi nghe chồng tôi nói muốn đưa vợ đi ăn. Tôi phì cười, nghĩ mình có mong gì hơn.
Theo lời hướng dẫn, chúng tôi chạy xe thêm một đoạn ngắn thì phát hiện ra hàng cháo chả, dù cô bán hàng đang không đội nón lá. Quán không tên, không bảng hiệu, nằm nép sát đầu một con hẻm nhỏ kế bên trường Khải Trí.
Hàng cháo chả trên đường 30/4 ở Phú Quốc
Video đang HOT
Tấp vào quán, chúng tôi gọi hai tô đầy đủ, 35.000 đồng một tô, còn chéo quẩy ăn thêm thì 10.000 một dĩa.
Chưa đầy 1 phút sau, hai tô nóng hổi được bưng ra trước mặt gồm cháo, chả cá cắt lát mỏng, huyết luộc, giò, và một dĩa quẩy thêm.
Ngoài ra còn có giá và chanh, ớt ăn kèm, rắc thêm chút hành lá, ngò gai và tỏi phi.
Tỏi phi và rau thơm làm dậy mùi món ăn
“Quán mình bán ở đây chắc cũng gần hai chục năm rồi, từ 2h trưa đến hết, khoảng 9h tối. Gạo mình phải rang lên rồi mới nấu, còn chả thì làm từ cá ảo, cá nhồng tươi…”, mấy cô chú bán hàng nhiệt tình giải thích.
Cháo được nấu từ gạo rang nên hạt gạo nở bung mà không bị nát.
Múc một muỗng cháo rồi cảm nhận vị ngọt của cháo, vị cá tươi dai mềm quyện cùng mùi hạt tiêu, mùi tỏi phi và rau thơm làm thức tỉnh cả khoang mũi, chấm thêm miếng quẩy mềm ngọt thơm nhẹ mùi bơ, mới thấy ăn một tô cháo chả nóng hổi giữa trời chiều mưa lâm thâm sao mà hợp lý đến thế.
Một tô cháo chả đầy ụ chả, thịt, huyết
Chéo quẩy ăn kèm cháo chả
Mà nghĩ cũng lạ, một món “dễ ăn, dễ làm” chỉ gồm hai nguyên liệu chính là cháo và chả như vậy mà lại rất ít người bán, cũng ít người biết đến.
Gì chứ so với những món ăn khác trên bản đồ du lịch ẩm thực Phú Quốc như bún quậy, gỏi cá trích, thì cháo chả có là gì đâu. Không chỉ vậy, tìm hiểu thì cũng chỉ dăm ba hàng còn bán món ăn này ở khắp Phú Quốc.
Lạ hơn nữa là dường như chẳng có ở đâu bán món này ngoài Phú Quốc, hoặc là do tôi chưa được đi hết đất nước mình để biết được.
Lịch sử hình thành cộng đồng dân cư ở Phú Quốc ghi nhận ngư dân miền Trung và người Hoa đến đây từ rất sớm, nên chăng vì thế mà văn hóa ẩm thực địa phương cũng phản ánh sự hội tụ các vùng miền?
Chảo chả – món tưởng lạ nhưng ăn vào mới thấy lại vô cùng quen. Cháo gạo rang ngọt vị nước hầm xương và huyết kiểu này thì đi khắp miền Tây ở đâu mà hổng thấy, chả cá thì nguyên dải đất miền Trung ai mà không biết, lại còn ăn kèm chéo quẩy kiểu người Hoa, đây chẳng phải là món ăn nghe lạ nhưng hòa quyện nhiều yếu tố ẩm thực quen thuộc hay sao?
Rời Phú Quốc, tôi chỉ mong món ăn này không bị thất truyền, để mai mốt có dịp đến đảo ngọc lại được thưởng thức một tô cháo chả lề đường dung dị mà thơm ngon.
Quán cháo bán từ 2h chiều đến 9h tối
Bún quậy Phú Quốc và bí quyết khiến khách xếp hàng dài thưởng thức
Bún quậy đã trở thành một món ăn du khách không thể bỏ qua khi tới du lịch Phú Quốc, không chỉ bởi hương vị thơm ngon mà còn vì... sức hút từ cái tên lạ.
Mới đây, cùng với bún cá Hà Nội, cao lầu Hội An, bún quậy Phú Quốc được tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) của Hong Kong (Trung Quốc) gợi ý khách quốc tế nhất định phải thử khi tới Việt Nam.
Bún quậy là món ăn mang hương vị đặc trưng, hấp dẫn của Đảo Ngọc. Bát bún có vị ngọt, dai của mực, chả cá, bún, hòa cùng nước dùng béo, đậm đà, thơm mùi tiêu xay Phú Quốc. Du khách tới Phú Quốc thường tò mò tìm hiểu về cái tên lạ của món ăn và tìm tới trải nghiệm hương vị độc đáo "vạn người khen".
Bún quậy thu hút du khách. Ảnh: Cao Tấn Anh
Quán Kiến Xây, gần Dinh Cậu là một trong những nơi bán bún quậy đầu tiên ở Phú Quốc và vẫn là quán ăn nổi tiếng bậc nhất Đảo Ngọc. Theo chủ quán, bún quậy còn được gọi là bún tươi hải sản, bắt nguồn từ món bún tôm Bình Định. Món ăn này vốn được người dân Bình Định mang tới Phú Quốc từ những năm 2000. Sau đó, họ khéo léo biến tấu bằng những nguyên liệu sẵn có trên đảo và nêm nếm cho phù hợp văn hóa vùng miền.
Những năm 2000 - 2012, đây vẫn là quán bún không tên, không biển hiệu, chủ yếu bán cho người dân địa phương. Nhưng kể từ khi Phú Quốc trở thành "điểm nóng" du lịch, bún quậy thu hút sự quan tâm của rất đông du khách.
Vào giờ cao điểm 8 - 10h sáng các dịp lễ, Tết, quán Kiến Xây có thể bán 200 bát bún quậy chỉ trong 1 giờ. Du khách tới vào thời điểm này thường xuyên phải chờ 30-45 phút, thậm chí tự... phục vụ.
Thực khách tới thưởng thức bún quậy thường xuyên phải chờ vì lượng khách quá đông. Ảnh: Kiến Xây
Du khách khi tới Phú Quốc thường tò mò hỏi thăm về cái tên bún quậy. Có người nói rằng, món ăn này được người dân Phú Quốc đặt tên là "quậy" vì thực khách ăn bún kèm loại nước chấm được quậy mạnh cho tới khi sánh lại, dậy vị thơm. Nước chấm này thường gồm bột canh, bột ngọt, đường, quất (tắc), ớt xay.
Thế nhưng, theo chia sẻ của chủ quán Kiến Xây, món ăn này có tên "quậy" bởi khi chế biến, đầu bếp quậy liên hồi ở nhiều công đoạn. Ví dụ như miếng chả được quậy rồi ép vào thành tô, bún luộc cũng được quậy lên. Sau này thực khách được tận tay trải nghiệm thao tác quậy chén nước chấm. Những năm 2010 đổ về trước món bún này không ăn kèm nước chấm nhưng cái tên "quậy" đã có từ đó.
Hiện, mỗi bát bún tại quán có giá dao động từ 35.000 - 75.000 đồng tùy kích cỡ và thành phần trong đó, đắt hơn khá nhiều quán trong vùng. Thông thường, một bát bún gồm một con mực trứng luộc, chả cá, chả tôm, hành xắt nhỏ và bún tươi.
Theo chủ quán, tuy giá thành cao hơn nhưng quán vẫn đông khách bởi chất lượng nguyên liệu rất đảm bảo.
Những công đoạn làm bún đều được thực hiện ngay tại quán. Ảnh: Kiến Xây
Phần bún có những điểm đặc biệt riêng: sợi bún mỏng, mềm, có màu trắng trong, vị giống như mì gạo ở miền Bắc. Phần bún tươi được làm từ bột gạo xay, ép khối, sau đó đưa vào khuôn. Gạo làm ra tới đâu sẽ được chần với nước sôi đến đó. Những công đoạn làm bún đều được thực hiện ngay tại quán.
Hải sản được chọn mua trực tiếp từ ghe tàu đánh bắt ven biển mỗi ngày nên tươi ngon.
Nước dùng của bún "quậy" không thêm nhiều các loại gia vị (trừ bột canh), thực phẩm có màu hay dầu mỡ mà chỉ gồm nước luộc bún tươi và nước luộc hải sản, có màu ngà ngà, không quá bắt mắt.
Khi thưởng thức, du khách sẽ tự lựa chọn và chế biến hương vị nước chấm theo ý mình. Ảnh: Chen
Tại Phú Quốc, ngoài Kiến Xây, một số quán bún quậy nổi tiếng khác được người địa phương giới thiệu, có thể kể tới như bún quậy Thanh Hùng, bún quậy Bình Dung, bún quậy Hải Ngân...
Gỏi cá trích - Đặc sản danh bất hư truyền nhất định phải thử khi đến Phú Quốc Cái chất, cái hồn Phú Quốc thấm đượm vào từng thớ thịt cá trích, dậy lên hương vị khó quên về vùng đất này. Nét ẩm thực đặc sắc của vùng biển phía Tây Nam Mới đây, VietKings đã công bố Top 100 món ăn đặc sắc và Top 100 đặc sản quà tặng của Việt Nam năm 2021 - 2022. Món gỏi...