Tổ ấm sứt mẻ chỉ vì vợ thành “trụ cột”
Khoảng cách vợ chồng ngày càng xa từ khi vợ thành trụ cột kinh tế trong gia đình.
Anh Tiến vốn là chủ một phòng tranh lớn ở TP HCM. Khi mới quen chị Thảo, anh phong độ với túi tiền rủng rỉnh, còn chị là sinh viên mới tốt nghiệp, chưa có việc làm. Anh tuyên bố: “Đám cưới em cứ để anh lo. Nhà cửa cũng vậy, còn việc làm của em, anh sẽ tìm cho”.
Mấy năm sau, anh Tiến không may bị lừa đến sập tiệm. Lúc này, chị Thảo đã vững một chân ở công ty dầu khí, tự tin an ủi chồng: “Thôi, anh cứ ở nhà trông con, kinh tế em lo. Mẹ con em chỉ cần anh có mặt ở nhà là đủ”.
Thế nhưng thực tế, việc anh chỉ cần có mặt ở nhà đã chẳng thể nào “đủ”. Anh đưa đón con đi nhà trẻ, lo cơm nước, lau dọn nhà cửa. Lúc đầu, anh cảm thấy đàn ông làm nội trợ cũng thú vị. Nhưng bất ổn dần lộ diện.
Chị Thảo đi làm về, tắm rửa xong là ngồi vào bàn ăn và bắt đầu bình luận món này ngon, món kia chưa được. Có hôm, anh vứt đũa, bỏ ngang bữa cơm. Hành động đó lại bị chị Thảo kết luận với con gái rằng: “Bố mày dạo này hâm hâm, không hiểu nổi”.
Sự bất ổn còn nằm ở chỗ, mỗi tối, anh lo đọc truyện cổ tích cho con thì vợ ngồi đồng bên laptop, hoặc gọi điện thoại trao đổi việc làm ăn. Khoảng cách vợ chồng vì thế ngày càng xa.
Ảnh minh họa.
Chị viện lý do “ra ngoài nhiều, quen biết rộng” nên tự chọn trường và lo cho con vào học. Chị bảo “đàn ông không tinh tế bằng phụ nữ về mặt mỹ thuật” nên tự chọn bộ salon theo ý mình.
Anh muốn đổi xe máy, chị cũng chọn rồi mua về cho anh, mặc dù anh đã tỏ ý thích kiểu xe khác. Nhiều lần, anh bị bạn bè “khích”: Lo mà đi làm đi, đàn ông phải ngửa tay xin tiền vợ, chịu sao nổi!
Điều khiến Tiến thất vọng tràn trề là mỗi lần đối thoại, tranh luận, vợ anh không còn biết lắng nghe, chia sẻ. Trước mắt anh như có một người đàn ông đầy quyền uy và ngang bướng.
“Mạnh vì gạo, bạo vì tiền”, anh không phải chủ lực về kinh tế nên lời nói kém trọng lượng. Buồn bã, anh sinh tật nhậu nhẹt.
Anh Quang Hải (quận 9, TP HCM) cũng có nỗi khổ tương tự. Anh Hải vốn là con nhà giàu, từ nhỏ không phải đụng tay đến việc gì. Ngược lại, chị Lương – vợ anh lại phải tự lập từ nhỏ nên rất tháo vát.
Những việc đáng lý thuộc về đàn ông như sửa điện, sửa nước, thay bóng đèn, leo mái nhà chống dột… chị giục anh vài lần không được, đều tự tay làm. Giấy tờ nhà đất, chị cũng tự đi làm vì anh không đủ kiên nhẫn chờ cả buổi ở phường để xin một chữ ký.
Lâu ngày, anh Hải dần đánh mất vai trò đàn ông của mình trong gia đình. Và cũng vì vậy, nhiều khi chị Lương thiếu tôn trọng chồng khiến các con có cái nhìn không “tròn” về bố.
Thực tế, ngày càng có nhiều phụ nữ giỏi giang, thành đạt. Chuyện người vợ làm chủ lực kinh tế gia đình cũng không còn hiếm. Tuy nhiên, vô hình trung, người vợ thành đạt đó tự thấy mình là trụ cột, còn người chồng cảm thấy mình bị lép vế.
Video đang HOT
Thực chất, có phải là trụ cột hay không, được quyết định ở giá trị tinh thần. Một người đàn ông không kiếm được nhiều tiền hoàn toàn có thể là trụ cột nếu chứng tỏ được khả năng trở thành chỗ dựa vững chắc cho gia đình.
Tiến sĩ tâm lý Võ Văn Nam (Đại học Sư phạm TP HCM) khẳng định: Người phụ nữ dù tài giỏi đến đâu, khi ở nhà, cũng nên lui về đúng vị trí của mình: một người vợ đảm đang, hiền lành, nết na và có một chút vâng phục chồng.
Nếu người vợ ấy cậy mình “bạo vì tiền”, đưa ra quyết sách cho cả nhà, lấn quyền chồng thì vô tình “cực âm” bị biến thành “cực dương”, mà hai “cực dương” đẩy nhau là điều tất yếu.
Ảnh minh họa.
Với truyền thống và tâm lý Á Đông, vai trò trụ cột vẫn cần thiết thuộc về người chồng. Người phụ nữ dù tài giỏi đến đâu, cũng thực sự cảm thấy hạnh phúc và yên ổn khi nép vào chồng. Bởi không chỗ dựa nào tốt hơn vai chồng mình.
Vì vậy, với những quyết định lớn trong gia đình như xây nhà, mua sắm vật dụng đắt tiền, định hướng cho con cái học hành… người vợ chỉ nên đưa ra ý kiến để chồng tham khảo, trao quyền quyết định lại cho chồng. Thực tế cho thấy, một người chồng yêu vợ, thường quyết định theo… ý vợ, vậy là đẹp cả đôi đường.
Nếu người đàn ông phải lui về hậu phương để lo chuyện bếp núc, thì điều đó cũng chẳng có gì đáng buồn. Theo tiến sĩ Nam, công việc nào cũng có giá trị riêng. Quan niệm làm việc nhà không “oách” bằng việc ngoài xã hội thật sai lầm.
Một nghiên cứu gần đây cho biết, đàn ông ở Mỹ ngày nay thích làm việc nhà hơn làm việc ngoài. Và người chồng không kiếm được nhiều tiền bằng vợ nhưng vẫn làm tốt công việc của mình là tấm gương tốt cho con cái, thì vẫn có quyền tự tin với vai trò trụ cột của mình. Chất “đàn ông” không bao giờ bị hao mòn khi anh ta làm việc nội trợ.
Ở một khía cạnh khác, người đàn ông bị “cướp” vai trò khi vợ quá tháo vát trong các việc vốn dành cho nam giới cũng phổ biến.
Trong trường hợp đó, người vợ có thể viện lý do: “Tại giục mãi mà anh ấy không làm, mà có làm cũng chẳng nên hồn” nhưng người chồng lại có lý riêng: “Tại cô ấy cứ giành làm hết chứ ai ép”.
Vậy là không chỉ tại “anh” hay tại “ả”, mà là “tại cả đôi bên”. Tóm lại, quy luật “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm” vẫn nguyên giá trị.
Có một số công việc thuộc về đàn ông, nhất thiết phải để đàn ông làm như sửa điện, sửa nước, xây dựng nhà cửa. Nếu người chồng chưa làm được hoặc chưa làm tốt, sự khuyến khích, động viên và hỗ trợ của người vợ luôn cần thiết, hơn là trực tiếp nhảy vào làm cho đỡ mất thời gian.
Tiến sĩ Nam kết luận: Đàn ông luôn cần nam tính và phụ nữ luôn cần nữ tính. Chính công việc của đàn ông giúp họ nam tính hơn, vậy thì không lý gì phụ nữ cứ phải cố ôm thêm cái chất thuộc về phái nam ấy vào mình. Bởi điều đó chỉ là “lợi bất cập hại”, người vợ “nặng bụng” vì “ôm rơm” quá nhiều, còn người chồng thì tự ái và cảm thấy bị tổn thương.
Theo Pháp Luật Xã Hội
Tổ ấm bị lung lay vì chồng lép vế vợ
Đi làm về, thấy chồng đang ngồi xem TV, chị Hằng nguýt dài, bực bội vừa đi lên gác vừa lẩm bẩm "Sao không biết kiếm việc làm thêm, ngồi dài ra".
Thấy thái độ của vợ, chồng chị Hằng thở dài, tắt TV. Anh bỏ đi uống cà phê với bạn và tối đó không ăn cơm nhà.
Là người năng động, chị Hằng, trưởng phòng marketing một công ty lớn ở Hà Nội, luôn phấn đấu cho công việc. Sự nghiệp của chị không ngừng phát triển và thu nhập cũng tăng lên nhanh chóng. Ngoài lương, chị còn nhiều nguồn thu khác.
Ngược lại, chồng chị làm kỹ thuật, giờ hành chính, lương ổn định khoảng chục triệu mỗi tháng. Anh hiền lành, sau giờ làm là về nhà, xem TV, đọc báo, chơi với con.
Chị Hằng thỉnh thoảng nhắc chồng học nâng cao hoặc nhận làm thêm việc gì đó vì còn nhiều thời gian rảnh, nhưng anh không thích.
Ảnh minh họa.
"Nhiều khi gặp đối tác làm ăn hay bạn bè - những người đàn ông tài giỏi, bản lĩnh, thành đạt, mình lại chạnh lòng. Chồng mình thì ù lì, chẳng có chí tiến thủ, đã thế còn hay trách vợ xao nhãng gia đình, đòi hỏi vợ phải cơm nước, chăm con. Nói thật, mình mà cũng đi làm 8 tiếng rồi về nhà dọn dẹp, con cái thì còn lâu mới có cơ ngơi này", chị Hằng than thở.
Vợ chồng chị đã có ngôi nhà 4 tầng, không phải lo toan nhiều về tài chính. Thế nhưng, càng ngày anh chị càng cảm thấy xa cách, ít khi trò chuyện.
Những cuộc hội thoại chủ yếu là cãi vã, người này chỉ trích, chê bai người kia. "Anh ta cứ lầm lầm lỳ lỳ, không muốn đi đâu với mình. Mình cũng chán chồng rồi", người phụ nữ 35 tuổi ngao ngán.
Vì không chịu được cảm giác bị vợ coi thường, anh Toàn (Gia Lâm, Hà Nội) vừa gửi đơn ly hôn ra tòa. Làm tại một đơn vị hành chính sự nghiệp, mỗi tháng lương anh Toàn chỉ vài triệu đồng, trong khi anh hay phải đi sớm về muộn và công tác xa nhà.
Chỉ biết chăm chú vào công việc, không có "lậu", anh thường xuyên bị vợ ca thán, so sánh với người này người kia. Theo chị, vì anh không năng động, không lo lắng cho tương lai của vợ con nên mới dậm chân tại chỗ, chứ nhiều người cùng làm với anh đều có thể kiếm ngoài được kha khá.
"Có khi trước mặt đông người, cô ấy nói đổng kiểu "em thừa khả năng nuôi mình và nuôi con, trông đợi gì được vào chồng", hay "anh cứ lo được cho cái thân mình đi đã, rồi hẵn nói"... làm tôi muốn độn thổ. Chẳng phải tôi dốt nát hay lười biếng gì, mà do tính chất công việc nên kiếm được ít tiền thôi", anh Toàn tâm sự.
Vợ anh có một cửa hàng buôn bán nhỏ và thực sự kinh tế gia đình chủ yếu do chị lo toan. Dù vậy, anh Toàn cho biết, những lúc rảnh rỗi, anh đều cố gắng giúp vợ làm việc nhà, chăm con, không nề hà gì.
Thế nhưng, chị hay tỏ thái độ khó chịu với chồng, mỗi lần định mua sắm gì cho gia đình hay biếu quà nhà ngoại... là chị tự làm, không bao giờ bàn bạc qua với anh. Ngày càng cảm thấy mệt mỏi với những lời bóng gió, chì chiết của vợ, anh quyết định ly hôn.
Theo thạc sĩ tâm lý Lê Thị Minh Hoa, tài chính vốn là "chuyện lớn" trong các gia đình, việc vợ kiếm nhiều tiền hơn chồng càng là vấn đề nhạy cảm. Bà từng tư vấn và chứng kiến nhiều cặp vợ chồng hục hoặc vì những vấn đề nảy sinh khi người vợ có thu nhập cao hơn hẳn đức lang quân.
"Thực tế, việc ai kiếm nhiều tiền hơn không phải là nguyên nhân chính gây rạn vỡ mà là thái độ của người trong cuộc, và cách họ ứng xử, giải quyết trước những phát sinh từ đó", bà Hoa nói.
Bà cho rằng, trước nay trong xã hội Á Đông, đàn ông được coi là trụ cột của gia đình, và thường mặc định người chồng phải lo toan kinh tế.
Điều này vô hình tạo một sức ép tới các đấng mày râu, khiến họ luôn muốn phải "hơn" vợ. Và trong nhiều trường hợp, khi không kiếm đủ tiền trang trải cho gia đình hoặc kiếm thua vợ, họ cảm thấy khó chịu, dễ tự ái, tổn thương.
Mặt khác, người phụ nữ khi độc lập về tài chính, không bị lệ thuộc vào chồng, thường có thể và tự cho phép mình quyết định nhiều vấn đề mà không cần hỏi ý kiến bạn đời.
Hơn nữa, nhiều khi do phải lao vào kiếm tiền, họ cũng có thể không còn dành được nhiều thời gian cho gia đình, hay mệt mỏi, cáu gắt... dễ gây hiểu lầm cho chồng và khiến hai bên xảy ra xung đột nhiều hơn.
Chuyên gia tư vấn tâm lý Văn Thanh Sỹ, tổng đài 1088 TP HCM cho rằng, thực tế cặp vợ chồng nào cũng có khúc mắc và những điều không hài lòng về nhau, chẳng hạn vợ bất bình vì chồng ít nói, không lãng mạn, hay vắng nhà, kiếm ít tiền...
Thế nhưng bên cạnh những mặt xấu đó, mỗi người có nhiều mặt tốt khác bù đắp và cả hai vẫn có thể chung sống hạnh phúc bên nhau. Tuy nhiên, khi một trong hai người hoặc cả hai nảy sinh tâm lý coi thường nhau vì điều gì đó, như một người kiếm được ít hơn người kia, thì mọi việc lại khác.
"Lúc này cả hai cần phải ngồi lại xem liệu thu nhập có phải là vấn đề chính gây cảm xúc tiêu cực đó không, hay có điều gì sâu xa bên trong, từ đó mới có thể khắc phục được", ông Sỹ nói.
Theo nhà tâm lý, hầu hết phụ nữ Việt Nam trọng tình cảm, ít khi lấy tiền ra làm thước đo giá trị hạnh phúc gia đình, vì vậy số người khinh thường chồng chỉ vì anh ta thua kém mình trong khoản kiếm tiền rất ít.
Thực tế, nhiều nam giới không lo cho kinh tế gia đình vì lười biếng, lại hạnh họe khi người vợ phải lao ra ngoài kiếm sống, phó mặc việc nhà, con cái cho vợ, lên mặt gia trưởng nạt nộ để khỏa lấp sự tự ti, kém cỏi của mình. Và khi cảm thấy không nhận được cả vật chất lẫn tình cảm từ chồng, người phụ nữ dễ bất mãn, khinh khi "nửa kia".
"Nếu người đàn ông thu nhập không cao nhưng luôn tỏ rõ sự nỗ lực, tìm cách bù đắp lại cho vợ bằng cách chia sẻ việc nhà, lo toan con cái, thể hiện vai trò trụ cột về tinh thần, thì ít người vợ nào lại coi thường", nhà tâm lý chia sẻ.
Tuy nhiên, ông cho biết, trong thực tế cuộc sống gia đình, khi một người mạnh về kinh tế hơn người kia thì thường nâng cái tôi của mình lên, cho mình cái quyền làm đúng, nghĩ đúng, quyết định đúng hơn bạn đời. Cả đàn ông và phụ nữ đều vậy.
Thường cái tôi của người đàn ông lớn hơn, khi thấy vợ kiếm được nhiều tiền hơn, vợ chứng tỏ "cái tôi" của mình to hơn, họ dễ thấy bị sỉ nhục và nảy sinh suy nghĩ tiêu cực.
"Nếu tất cả xung đột không được giải quyết ngay từ đầu, người phụ nữ sẽ ngày càng khinh khi, hết yêu chồng, có xu hướng nhìn ra ngoài nhiều hơn, so sánh chồng với người đàn ông khác. Và sự đổ vỡ rất dễ đến", ông Sỹ phân tích.
Theo ông, khi thấy có vấn đề, hai vợ chồng cần nhìn xem mâu thuẫn bắt nguồn từ đâu, cả hai có yêu và muốn tiếp tục chung sống với nhau không. Nếu có, hãy lên kế hoạch để cải thiện mối quan hệ, bằng việc cùng học lại cách tôn trọng, chia sẻ với nhau từ cảm xúc, việc nhà, mục tiêu tương lai...
"Nếu cảm thấy cả hai không còn tìm được tiếng nói chung, mỗi người có một mục đích sống khác, một người quá đề cao giá trị đồng tiền, người kia không, thì giải phóng cho nhau có lẽ là điều nên làm", ông nói.
Theo Phununews
Hãy nghĩ về những điều này trước khi kết hôn Những điều này sẽ giúp bạn tránh được những cuộc chiến không mong muốn. Có câu nói hôn nhân là nấm mồ chôn tình yêu nhưng cho dù thế, mồ yên mả đẹp cũng còn hơn phơi thây ngoài đường. Chính vì thế, hôn nhân là một quyết định vô cùng quan trọng trong cuộc đời của mỗi người. Bài viết này sẽ...