TKV “gánh” được lỗ phát sinh từ dự án bô xít
“Tính theo phương án ít lạc quan nhất, dự án bô xít vẫn có hiệu quả, chỉ là số năm lỗ kế hoạch kéo dài hơn, khó khăn thêm cho TKV. Nhưng tập đoàn dàn xếp được lượng vốn cho số năm lỗ phát sinh đó” – Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải trao đổi.
Từ thời điểm Chính phủ đồng ý dừng xây dựng cảng Kê Gà, đến nay Bộ Công thương đã có báo cáo về tình hình triển khai dự án bô xít Tây Nguyên lên Chính phủ?
Bộ Công thương báo cáo nhiều lần, thường xuyên cả về hiệu quả dự án, cảng Kê Gà, đường vận chuyển…
Quan điểm của Chính phủ về việc triển khai dự án này như thế nào?
Kiểm điểm việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, theo đánh giá của Chính phủ, dự án được thực hiện đúng theo các quan điểm, Nghị quyết của Bộ Chính trị. Theo báo cáo của Bộ Công thương khi rà soát lại hiệu quả của dự án thì thấy, tuy bị ảnh hưởng rất lớn của khủng hoảng kinh tế thế giới làm cho mặt bằng giá bị hạ xuống, tác động xấu đến hiệu quả nhưng nếu tính về dài hạn thì dự án vẫn có hiệu quả. Vấn đề chỉ là số năm lỗ kế hoạch kéo dài hơn. Việc đó sẽ ảnh hưởng, thêm khó khăn cho tập đoàn Than – khoáng sản vì theo kế hoạch, TKV đã bố trí lượng vốn để bảo đảm cho những năm lỗ kế hoạch. Giờ số năm lỗ kế hoạch kéo dài ra, doanh nghiệp sẽ phải dàn xếp lượng vốn đó. Nhưng đơn vị nói họ dàn xếp được.
Ngoài ra, thời gian hiệu quả của dự án, tức là thời gian hoàn vốn, sẽ kéo dài hơn.
Tuy vậy, theo một số dự báo về mặt bằng giá alumin, giá nhôm trên thế giới và tính theo những dự báo “bảo thủ” nhất thì đều thấy, dự án vẫn còn hiệu quả. Vì thế, vấn đề không đến mức quá lo lắng.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải: “Dự án bô xít không đến mức quá lo lắng”.
Tất cả những thông số để nói rằng dự án vẫn hiệu quả đều xuất phát từ phía TKV. Vì thế dư luận thấy chưa thuyết phục?
Từ một phía, nhưng phía đó lại hết sức quan trọng, vì TKV là chủ đầu tư. Chủ đầu tư chính là người chịu trách nhiệm về dự án. Ngoài ra, cơ quan kiểm tra dự án là Bộ Công thương. Bộ đã cho kiểm tra qua nhiều năm chứ không phải chỉ một năm, đã rà đi soát lại, đã đánh giá cụ thể về hiệu quả dự án.
Như tôi đã nói, dự án này bị tác động rất lớn của suy thoái kinh tế. Mà không phải chỉ dự án bô xít Tây Nguyên chịu ảnh hưởng, rất nhiều dự án khác cũng chịu tác động như vậy. Trong điều kiện đó, sau khi kiểm tra dự án vẫn còn hiệu quả thì phải tiếp tục, đi liền với đó là phải quản lý rất chặt chẽ.
Tất nhiên, cũng cần lưu ý một điều, nếu điều hành dự án không tốt thì có thể lại chuyển sang lỗ, không có hiệu quả, vì dự án được xác định làm trong 30 năm chứ không phải 1-2 năm. Vì thế, chúng ta phải có cách đánh giá, quản lý thật tốt trong thời gian dài.
Nếu lo lắng cho hiệu quả dự án thì tôi cho là không chỉ đối với dự án bô xít Tây Nguyên mà rất nhiều dự án đều như thế. Kể cả có dự án, ngay ngày đầu làm đã có lãi nhưng nếu quản lý không cẩn thận, hoặc thị trường về sau có biến động thì đến năm thứ 15 lại lỗ, thậm chí lỗ vào thời điểm chưa kịp hoàn hết nợ. Tất cả những việc đó đều có khả năng xảy ra với một xác suất nhất định.
Video đang HOT
Chính vì vậy, người đầu tư trước hết phải là người theo dõi, tính toán rất chặt chẽ về hiệu quả dự án. Còn những vấn đề khác mà dư luận quan tâm như môi trường, an ninh quốc phòng thì theo kết luận Bộ Chính trị, Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho từng bộ để có giám sát rất chặt chẽ, cả trong quá trình triển khai 30-40 năm vẫn tiếp tục giám sát.
Như Phó Thủ tướng đã khẳng định, dự án hiệu quả hay không, TKV phải lo đầu tiên vì tập đoàn chịu trách nhiệm trực tiếp về việc này. Nhưng dù là TKV đầu tư, tiền đó vẫn là tiền của dân, tài sản của xã hội, doanh nghiệp chịu trách nhiệm thế nào với những mất mát rất “thật” đó?
Nói vậy thì phải dừng hết lại? Mà nếu dừng hết lại thì giải quyết được vấn đề gì?
Vừa qua cũng có ý kiến nói dự án mắc “bẫy” của nước ngoài nhưng nói thế thì phải chứng minh cụ thể là “bẫy” gì, mục đích thế nào chứ cứ nói chung chung cảnh báo thế thì rất khó. Trong khi đó các bộ, ngành đều kiểm tra, giám sát dự án thường xuyên.
Và suy luận thông thường thì chính chủ đầu tư phải là người rút ra kinh nghiệm sau khi phát hiện bị hố với ai chứ.
Nhưng rõ ràng việc dư luận lo lắng là điều dễ hiểu vì ngay trong nội bộ TKV cũng có ý kiến quả quyết cứ làm vì sẽ lãi nhưng cũng có ý kiến kêu dừng ngay vì chắc chắn sẽ lỗ?
Mọi người vẫn nghĩ đến khía cạnh TKV là doanh nghiệp nhà nước. Vì thế lo lắng của dư luận là đúng thôi. Nhưng tôi cho rằng, kể cả dự án đó là của doanh nghiệp tư nhân thì chúng ta cũng vẫn phải lo lắng vì có là dự án của tư nhân thì cũng là tiền của xã hội. Tư nhân cùng lắm thì họ chỉ có 30% vốn tự thân, 70% còn lại là vay ngân hàng, nên tiền đó cũng là tiền xã hội. Vì vậy nếu dự án không hiệu quả thì đất nước phải gánh chịu.
Từ góc độ của cơ quan điều hành cao nhất, dư luận chờ đợi chỉ đạo cụ thể của Chính phủ để bảo đảm cho khẳng định của TKV là triển khai dự án sẽ có hiệu quả?
Chính phủ đã giao Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch – Đầu tư, Bộ Tài chính rà soát hiệu quả dự án này. Bộ Chính trị cũng có chỉ đạo sát sao hàng năm qua chứ không phải bây giờ mới bàn. Vì thế, các tính toán đều rất kỹ càng rồi.
Như tôi đã nói, trong khi tính toán, Bộ Công thương lấy những con số từ hướng dự báo không lạc quan nhất để tính toán, vì điều này liên quan rất lớn đến việc dừng dự án hay không, thì thấy dự án vẫn còn hiệu quả. Vậy thì cần kiên quyết mà làm.
Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm đến cùng nên phải rà soát, xem xét lại tất cả các vấn đề. Các bộ ngành cũng phải theo dõi, xem xét, đánh giá để bảo đảm dự án có hiệu quả.
Xin cảm ơn Phó Thủ tướng!
Theo Dantri
"Chờ đợi sự đánh giá thực chất, minh bạch về dự án bô xít"
"Nhà thầu Trung Quốc không có kinh nghiệm, làm tiến độ chậm dự án Tân Rai, làm tăng lãi vay ngân hàng, gây tổn thất không nhỏ... Tôi mong bô xít được đánh giá một cách thực chất, minh bạch, khẳng định những điểm được, chưa được, hướng khắc phục có khả dĩ không"...
Phó Chủ nhiệm UB Khoa học - Công nghệ & Môi trường (UBKH - CN & MT) của Quốc hội Võ Tấn Nhân trao đổivề những vấn đề đang đặt ra đối với dự án khai thác bô xít ở Tây Nguyên.
Dự án khai thác bô xít ở Tây Nguyên vẫn không ngừng làm "nóng" dư luận thời gian qua. Từng tham gia giám sát dự án, báo cáo Quốc hội năm trước, ông còn theo dõi sát thông tin về vấn đề?
Chúng tôi rất quan tâm. Cũng như dư luận, như chính những người trong cuộc đang cảm thấy như ngồi trên lửa, chúng tôi cũng nóng ruột lắm.
Không đánh giá vấn đề hiệu quả đầu tư của dự án, UB KH-CN&MT chỉ tập trung vào việc xử lý hồ bùn đỏ. Khi tiến hành giám sát dự án ở Tây Nguyên, tôi thấy, hồ chứa an toàn, nhưng đúng là phải đầu tư rất lớn. Mới đầu, dự kiến hạng mục chỉ tốn mấy chục tỷ đồng thôi nhưng sau đó vốn đầu tư đã vọt lên tới hơn trăm tỷ.
Đối với dự án này, hiện tại, vấn đề môi trường không phải là lo lắng, trở ngại lớn nhất mà là vấn đề hiệu quả kinh tế.
Phó Chủ nhiệm UB KH-CN&MT của Quốc hội Võ Tấn Nhân phát biểu trong một phiên thảo luận tại Quốc hội.
Không ít chuyên gia hiện đang cảnh báo nhiều về công nghệ thải bùn đỏ ướt đang được cung cấp, áp dụng ở Tân Rai là lạc hậu so với tiến bộ kỹ thuật hiện nay. Chính việc đó gây ra nguy cơ đối với môi trường từ những rủi ro có thể đến từ việc vỡ hồ chứa bùn đỏ. Cơ quan chức năng đã yêu cầu thay đổi gì ở hạng mục này dẫn tới việc tăng mức đầu tư như ông nói?
Mới đầu thiết kế đầu tư hồ bùn đỏ ở tiêu chuẩn thấp thôi nhưng khi đang triển khai dự án thì xảy ra sự cố vỡ hồ bùn đỏ phục vụ khai thác bô xít ở Hungary nên Chính phủ yêu cầu chủ đầu tư đánh giá lại tác động môi trường, đánh giá độ an toàn của hồ chứa bùn đỏ và nâng thiết kế hồ lên ở mức rất chuẩn cho nên chi phí vọt lên hơn trăm tỷ.
Việc xử lý như thế chúng tôi đánh giá là tốt, tránh tình trạng rủi ro xảy ra nhưng nó làm tăng mức giá đầu tư lên. Tuy nhiên, việc này cũng do yếu tố khách quan, từ sự cố ở Hungary làm dư luận không an tâm. Còn mức tăng đầu tư cho khâu này, đối với tổng vốn đầu tư toàn dự án không phải quá lớn.
Dư luận vẫn đặt câu hỏi về công nghệ, nhà thầu được lựa chọn khi thực hiện dự án. Thực tế, nhà thầu Trung Quốc được xem là không có kinh nghiệm trong lĩnh vực khai thác bô xít ở địa hình dạng á núi lửa như Tây Nguyên nên vừa làm vừa phải dò dẫm, điều chỉnh. Kết quả, nhà máy ở Tân Rai đã chậm khá nhiều so với dự kiến năm 2011 đã sản xuất, có lãi có thể trích lại đầu tư cho địa phương?
Vấn đề công nghệ bùn đỏ ướt hay khô, cái nào là hiện đại, tiên tiến hơn thì cũng còn tranh luận với 2 trường phái quan điểm khác nhau trong giới khoa học.
Nhưng đúng là có vấn đề nhà thầu không có kinh nghiệm, làm tiến độ chậm và việc đó làm tăng lãi vay ngân hàng, gây nên tổn thất không nhỏ.
Một vấn đề khác đặt ra, với mức thuế xuất khẩu 0% áp dụng hiện nay, dự án mới đạt hiệu quả kinh tế. Các chuyên gia cho rằng, điều đó đồng nghĩa với việc bán rẻ tài nguyên. Ông đánh giá thế nào về nhận định này?
Nói là bán rẻ tài nguyên thì cũng không hẳn. Có những sản phẩm được chấp nhận áp thuế xuất khẩu 0% để khuyến khích phát triển. Ngoài ra, tính toán về hiệu quả phải xem mọi mặt, không chỉ vấn đề thu thuế mà còn là tác động về giải quyết lao động xã hội, phát triển một ngành sản xuất... Không chỉ bô xít, nhiều loại sản phẩm khác của ta cũng vẫn đang được xuất khẩu với mức thuế 0%.
Nhưng cùng về khoáng sản, ví dụ than, đồng... đều đang được đánh thuế xuất khẩu 15-20%. Rõ ràng, ở khía cạnh này, yếu tố hiệu quả của bô xít thua kém nhiều so với việc khai thác các loại tài nguyên khác?
Trong điều kiện mới bắt đầu ngành sản xuất mới thì cần khuyến khích chứ cũng không nên "quy" rằng như thế là bán rẻ tài nguyên. Nhưng khi đã ra sản phẩm, hiệu quả rõ ràng thì cũng nên có điều chỉnh, không để mức thuế suất với tài nguyên mà ở mức 0% như thế nữa. 0% không có nghĩa là ta mất không khoáng sản nhưng đúng là cần có tỷ lệ nào đó thì mức đóng góp mới lớn, tương xứng hơn.
Còn thông tin so sánh với các loại khoáng sản khác, tôi thấy cũng hơi khó vì các ngành khai khoáng đó đã có truyền thống rồi. Than có một quá trình khai thác, chế biến đơn giản hơn nhiều so với bô xít. Đồng ta cũng đã làm từ nhiều năm trước. Quy trình làm bô xít rất tốn kém, nhất là về điện năng.
Bể lắng quặng đuôi tại nhà máy bô xít Tân Rai.
Dự án Tân Rai đến nay đã hoàn thành nhưng với Nhân Cơ, nhiều chuyên gia đang "can gián", đề nghị tạm dừng nhà máy này, không chỉ vì vấn đề kém hiệu quả đã bộc lộ ở Tân Rai mà còn vì khuyến cáo xem xét lựa chọn lại công nghệ, nhà thầu... Quan điểm của ông về vấn đề này?
UB KH - CN & MT chưa bàn về vấn đề này. Còn tôi cho rằng đây là 2 dự án mà Bộ Chính trị đã cho phép thí điểm. Đã thí điểm thì phải có các tiêu chí để đánh giá kết quả, sau đó mới nhân rộng để làm những cái khác nữa. Dự án ở Nhân Cơ chưa xong nhưng cũng cần chỉ ra tiêu chí rõ ràng để sau này khi ra sản phẩm mới thấy được cụ thể các nội dung như đầu tư như thế, hi sinh như thế thì kết quả ra vậy, có mang lại hiệu quả xứng đáng không. Còn đang đầu tư mà dừng nửa chừng thì cũng chưa đến được kết luận gì. Hiện tại, nếu Chính phủ thấy có thể kết luận được rõ ràng là mô hình này không hiệu quả thì mới dừng.
Khi dư luận còn nhiều tranh luận, thiếu thống nhất, đồng tình như hiện nay, dự án có nên được đưa ra Quốc hội bàn rộng rãi để có quyết định chính xác, kịp thời nhất?
Theo tôi việc đó rất nên. Quốc hội cần thảo luận để từ ý kiến đại biểu, Chính phủ cần có sự tiếp thu, chỉ đạo, điều chỉnh. Nhất là khi bàn về tình hình kinh tế xã hội, Quốc hội nên đề cập những nội dung còn khúc mắc, xem như vậy chủ trương đầu tư, khai thác bô xít có gắn với bảo vệ môi trường, phát triển bền vững... không.
Được biết, UB Thường vụ QH đã yêu cầu Chính phủ báo cáo bổ sung tình hình triển khai dự án bô xít để gửi mỗi đại biểu tự nghiên cứu. Ông trông đợi nội dung gì từ bản báo cáo sẽ nhận được tới đây?
Cá nhân tôi mong bô xít cũng như các vấn đề khác được đánh giá một cách thực chất, minh bạch hóa và khách quan, khẳng định những điểm được, chưa được, hướng khắc phục có khả dĩ không chứ không phải đánh giá chung chung. Dự án đã làm cho đến thời điểm này có thể kết luận được gì thì phải nêu rõ.
Xin cảm ơn ông!
Theo Dantri
Xin" khất 2 tháng để nói về kết quả bô xít Nhân Cơ! "Chỉ trong vòng 2-3 tháng nữa sẽ thấy được quyết định rất quan trọng của việc phát triển bô xít ở Đắc Nông (nơi xây nhà máy Nhân Cơ), tất cả các vấn đề sẽ được giải quyết tại chỗ" - Chủ tịch Tập đoàn Than - khoáng sản (TKV) Trần Xuân Hòa khẳng định. Trao đổi với báo chí bên hàng lang...