Tình yêu và tham vọng: Mẹ Tuệ Lâm bày cách giúp con gái tán Minh, kết quả thấy rõ ngay lập tức?
Trong tập 18 “ Tình yêu và tham vọng”, mẹ Tuệ Lâm vừa tỉnh dậy đã bày cách cho con gái giành lấy trái tim Minh.
Preview tập 18 Tình yêu và tham vọng
Preview tập 18 Tình yêu và tham vọng gây bất ngờ khi hé lộ cảnh quay ngọt ngào của Minh – Tuệ Lâm dù trước đó, Minh hoàn toàn lạnh lùng xa cách với nữ phó tổng. Nguyên nhân do đâu?
Phải chăng là vì trước đó, khi tỉnh dậy trên giường bệnh, mẹ Tuệ Lâm đã bất ngờ bày cách cho con gái tán đổ “crush”? Bà nói với con: “Có điều này mẹ muốn nói với con từ lâu, con đừng giận mẹ nhé. Con đừng cố gắng đẩy hình bóng cô gái ấy khỏi tâm trí Minh, hãy thử tìm hiểu xem cô ấy và Minh chia sẻ cùng nhau những điều gì? Biết đâu cậu ấy lại mở lòng với con?”.
Có lẽ nghe theo lời mẹ, Tuệ Lâm đã có một buổi cùng ngắm sao trời lãng mạn với Minh, khiến khán giả liên tưởng tới những khoảnh khắc ngọt ngào trước đây của Minh và Thùy Chi. Thấy Tuệ Lâm loay hoay với chiếc kính viễn vọng, Minh đề nghị chỉ cho cô nàng ngắm sao Thổ. Đúng lúc đó thì 2 người lại tình cờ va đầu vào nhau, rồi cả 2 cùng phá ra cười.
Tuệ Lâm và Minh va đầu vào nhau…
… rồi cùng phá ra cười.
Minh còn gõ đầu nữ phó tổng vô cùng ngọt ngào.
“Vụ này làm em nhớ hồi nhỏ, hồi đó anh có chiếc kính thiên văn mới, em mượn mãi mà anh không cho, cuối cùng em đập nát nó luôn” – Tuệ Lâm nhắc lại kỷ niệm xưa khiến Minh bồi hồi: “Hồi đó, em tự xem mình là cái rốn của vũ trụ này, bướng bỉnh kinh khủng đó biết chưa?”. Nói rồi, anh còn gõ đầu Tuệ Lâm vô cùng đáng yêu khiến cô nàng thích thú ra mặt.
Liệu Tuệ Lâm đã thực sự tiến tới gần Minh hơn? Hay đơn giản Minh vẫn chỉ coi cô như cô em gái năm xưa?
Bên cạnh Tuệ Lâm – Minh, cặp đôi Phương – Đông cũng có một cảnh hài hước trong tập này khi Đông giúp Phương đập con gián đang đậu trên… ngực cô nàng. Nào ngờ làm ơn mắc oán, Đông đã bị Phương cho ăn tát vì tội “động chạm”.
Đông thản nhiên “vỗ ngực” Phương.
Kết quả, anh chàng bị cô nàng cho ăn tát.
Đón xem tập 18 Tình yêu và tham vọng lên sóng tối nay trên kênh VTV3.
'Tình yêu và tham vọng': Remake từ bản gốc Trung Quốc nhưng vẫn đậm mùi màn thầu
'Tình yêu và tham vọng' khiến người xem có cảm giác phim vẫn còn mang hồn cốt Trung Quốc khá nhiều.
Tình yêu và tham vọng tiếp nối danh sách những phim truyền hình Việt remake từ kịch bản nước ngoài. Sau loạt phim remake từ phim của xứ sở kim chi, lần này VFC đến với quê hương của món màn thầu - Trung Quốc.
Trailer Tình yêu và tham vọng
Tình yêu và tham vọng được remake từ Thế lực cạnh tranh (tên tiếng Anh: Fighting Time). Nói về việc Việt hóa các kịch bản nước ngoài, biên kịch Gạo nếp gạo tẻ (remake từ Gia tộc họ Vương/ Wang Family) từng tự hào rằng chị đã thành công trong việc thay thế hương vị kim chi bằng vị dưa cà đậm hồn Việt. Tuy nhiên Tình yêu và tham vọng lại có vẻ chưa thành công lắm trong việc khiến câu chuyện trở nên gần gũi với khán giả Việt.
Tình yêu và tham vọng remake từ Thế lực cạnh tranh.
Nữ chính hoàn hảo tới mức khó chịu, đây là mẫu hình nhân vật đã cũ
Việc xây dựng một nữ chính hoàn hảo có lẽ nghe hơi phim cũ cách đây mười năm. Bây giờ khán giả chuộng hình ảnh một nhân vật đa chiều hơn, cô ấy có cả mặt tốt lẫn mặt xấu, thậm chí có cả điểm xấu gây tranh cãi. Đó mới là kiểu nhân vật giống người, còn không thì họ là thiên tài trong phim cả rồi.
Nữ chính hoàn hảo tới mức hư cấu.
Trong Tình yêu và tham vọng, nữ chính Linh (Diễm My 9X) hoàn hảo tới mức chẳng có gì để chê. Ở công ty, cô trên tinh thiên văn, dưới tường địa lý, vừa giỏi chuyên môn lại khéo cả kỹ năng mềm. Cô chính là con ngựa chiến trên thương trường mà cả tập đoàn Bách Hợp lẫn Hoàng Thổ đều thèm muốn.
Ngoài công ty, cô là một cô bạn thân tuyệt vời, một nữ nhân viên cấp dưới đáng yêu của sếp. Về nhà, cô là chị hiền, con ngoan, dù phải sống với dì ghẻ độc ác và em gái quá quắt.
Đây là mẫu hình nhân vật hơi cũ.
Mẫu hình nhân vật như vậy rất cũ, cũ đến mức nhàm chán. Một nữ chính 'Mary Sue' như vậy có thể xuất hiện nhan nhản ở các bộ phim truyền hình Trung Quốc.
Cái tên cũng đậm vị Hán ngữ
Biên kịch Tình yêu và tham vọng đã làm tốt trong khoản đặt tên cho nhân vật. Đa số nhân vật có tên một chữ và hầu hết là tên phổ biến với người Việt như Linh, Minh, Sơn, Phương. Đây là một nét văn hóa quan trọng nhưng không phải biên kịch nào cũng để ý. Người Việt không có thói quen gọi nhau bằng cả tên đệm hay cả họ lẫn tên như ở Trung, Hàn. Việc đặt tên nhân vật gồm hai chữ, ba chữ tạo nên sự bóng bẩy, 'cồng kềnh' không cần thiết về mặt từ ngữ và chưa phù hợp với văn hóa Việt.
Hai tập đoàn đối đầu là Hoàng Thổ và Bách Hợp, nghe đậm chất Hán ngữ.
Tên nhân vật đã Việt hóa rất tốt rồi, nhưng có vấn đề gì với tên công ty vậy? Tại sao lại là Hoàng Thổ và Bách Hợp, những cái tên toàn từ Hán Việt như dịch từ tiếng Trung Quốc sang, mà không phải là những cái tên khác thuần Việt hơn?
Trong tập 5, Phong (Mạnh Trường) có kể câu chuyện lãng mạn về cái tên Bách Hợp của tập đoàn, đó là loài hoa mà người vợ quá cố của anh thích nhất. Tuy nhiên, hoa bách hợp là cách gọi của Trung Quốc khi được dịch ra tiếng Việt, còn người Việt quen gọi là hoa loa kèn hay hoa huệ hơn.
Thoại khiến người xem nổi da gà
Vâng, nổi da gà theo đúng nghĩa đen nhưng không phải vì thoại hay đến mức sửng sốt mà vì thoại quá sến. Trung Quốc vốn là mẫu quốc ngôn tình với những câu văn bóng bẩy, hoa mĩ, có lẽ khi chuyển ngữ kịch bản, đội ngũ biên kịch đã giữ nguyên tinh thần ấy.
Xem tập 5, khi kể câu chuyện về người vợ đã mất của mình, Phong có nói những câu khiến Linh rơm rớm nước mắt như: 'Lam Giang là cô gái ngây thơ, trong sáng nhất mà anh từng biết. Một cô gái thánh thiện, xinh đẹp như vậy mà ra đi khi còn quá trẻ. Cô ấy còn chưa được hưởng hạnh phúc nữa. Mất đi cô ấy, cuộc sống của anh không còn ý nghĩa nữa. Anh hận Hoàng Như Quế. Anh hận Hoàng Thổ đã cướp đi vợ con anh'. Ủa, anh đang viết tiểu thuyết hay gì?
Đời Phong y như cuốn tiểu thuyết ngôn tình.
Văn hóa cúi đầu
Ở các nước Đông Á như Trung, Hàn, Nhật, người ta rất coi trọng thứ bậc, địa vị xã hội. Việc chào hỏi, đặc biệt là nhân viên với sếp thường rất phép tắc, nghiêm trang, thường người cấp dưới sẽ đứng cúi đầu hoặc cúi gập người khi gặp cấp trên. Người ta sẵn sàng hạ mình, thậm chí quỳ lạy để van xin một điều gì đó. Đây là những hành động rất phổ biến trong phim Trung, Hàn nhưng rất ít phổ biến trong phim Việt. Đơn giản vì sự khác biệt văn hóa.
Cả công ty cúi đầu chào đón Minh trở lại.
Người Việt khi chào nhau thường chào thành tiếng, niềm nở tay bắt mặt mừng hoặc mỉm cười gật đầu nhẹ. Người Việt không có kiểu chào cúi đầu, gập người. Việc nhân viên xếp hàng cúi gập đầu chào sếp cũng rất hiếm.
Hình mẫu gia đình chồng chúa - vợ tôi
Các nước Đông Á chịu ảnh hưởng rất mạnh của Nho giáo nên trong gia đình người đàn ông làm chủ, gia trưởng và độc đoán. Vợ được cho là phải phục tùng chồng. Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng bởi Nho giáo nhưng cái gốc rễ vẫn là văn minh lúa nước của khu vực Đông Nam Á, từng có một thời chế độ mẫu hệ thống trị xã hội trước khi được thay thế bởi chế độ phụ hệ.
Bố mẹ Tuệ Lâm là một cặp vợ chồng kiểu chồng chúa - vợ tôi điển hình.
Trong gia đình Việt, người đàn ông đóng vai trò trụ cột gia đình nhưng người phụ nữ cũng có tiếng nói nhất định, những người vợ, người mẹ được coi như một thế lực ngầm, tay hòm chìa khóa trong nhà. Chúng ta vẫn quen với hình ảnh trong nhà có một bà mẹ chồng ghê gớm, trong khi ông bố chồng nhu nhược và hay thở dài, hoặc chồng sợ vợ một phép.
Bà vợ khúm núm như người ở.
Khi đến phân cảnh gia đình Tuệ Lâm (Lã Thanh Huyền), nếu Tuệ Lâm không gọi bà Phương là mẹ thì có lẽ khán giả cũng không biết đó là mẹ cô vì trong cuộc hội thoại trước đó, bà tỏ ra khúm núm, khép nép trước chồng không khác gì người ở. Cũng dễ hiểu vì bà chỉ ở nhà nội trợ, trong khi chồng con đi làm kiếm ra tiền. Tuy nhiên dù có làm bà nội trợ cũng không đến nỗi hành xử như người ở như vậy. Đến chị Khuê (phim Hoa hồng trên ngực trái), ở nhà nội trợ 10 năm vẫn còn dám bật chồng tanh tách cơ mà.
Tóm lại, tổng thể bộ phim từ cốt truyện, nhân vật, thoại, tình huống đều không gần gũi với đời sống hay văn hóa Việt, khiến khán giả có cảm giác xa lạ như xem một bộ phim nước ngoài được thay bằng dàn diễn viên Việt. Nguyên nhân có lẽ xuất phát từ việc Việt hóa kịch bản chưa triệt để, chưa đưa được hương vị Việt mà vẫn còn nặng mùi màn thầu từ bản gốc Trung Quốc.
Tình yêu và tham vọng đang chiếu lúc 21h30 thứ 2, thứ 3 hàng tuần trên VTV3.
Hằng Nga
Những điểm khiến bom tấn truyền hình mới của Nhan Phúc Vinh, Mạnh Trường, Diễm My 9x là phim đáng xem nhất tháng 3 "Tình yêu và tham vọng" có sự góp mặt của dàn diễn viên Bắc - Nam cực "hot". Thương trường khốc liệt, tình trường dữ dội, những cuộc đối đầu đầy kịch tính, từ tình yêu thành thù hận, từ đối tác trở thành kẻ thù... tất cả sẽ có trong 56 tập phim 'Tình yêu và tham vọng' chính thức lên sóng...