Tình yêu thổn thức giữa thảm họa dịch bệnh
Hai bộ phim “ Equals” và “ Train to Busan” đã viết nên những câu chuyện đầy cảm xúc về tình yêu trong bối cảnh dịch bệnh, khiến khán giả thổn thức.
Tình yêu giữa đời thường vốn dĩ đã đẹp. Thứ tình cảm ấy càng đẹp và đáng trân quý hơn khi đặt vào bối cảnh dịch bệnh. Đó là thời điểm hỗn loạn, dễ khiến người ta bộc lộ rõ bản chất ích kỷ và yếu hèn. Nhưng đâu đó, vẫn có sự hy sinh vì tình yêu và những người sống hết mình vì tình yêu giữa thảm họa dịch bệnh.
Equals – Tình yêu nảy mầm trong thế giới vô cảm
Cũng khai thác đề tài hậu tận thế và dịch bệnh nhưng Equals (Đồng điệu) không khắc họa hành trình chống lại dịch bệnh dữ dội mà xoáy sâu vào tình yêu. Lấy bối cảnh thế giới tương lai sau một cuộc đại chiến, phim mô tả cuộc sống mới của con người: Triệt tiêu cảm xúc, tối giản và trật tự.
Tất cả những gì con người cần làm chỉ là thức dậy, di chuyển, trả lời những câu hỏi dạng lựa chọn hiện lên màn hình về tình trạng sức khỏe của bản thân. Làm việc – ăn – làm việc – trả lời những câu hỏi – trở về nhà, mỗi ngày của mọi người đều trôi qua trong một vòng lặp giống nhau, dưới những khu nhà vuông vức hay khu làm việc có lối bài trí hệt như nhau.
Ở nền văn minh ấy, con người được giải phóng khỏi cảm xúc, tình yêu cùng ham muốn xác thịt. Họ tồn tại trong trạng thái vô cảm, để đảm bảo sự cân bằng, công bằng và an toàn cho xã hội. Phụ nữ đến tuổi sẽ được gọi đi làm “nghĩa vụ mang thai” để thụ tinh nhân tạo, sinh con và giao đứa trẻ cho trung tâm y tế nuôi dưỡng.
Nhưng mầm mống cảm xúc vẫn âm thầm xuất hiện và bị quy kết thành một loại dịch bệnh mang tên SOS ( Swithched On Sydrome). Người ta phát minh ra thuốc đặc trị để kìm hãm nó. Những cá nhân mắc bệnh, nếu không tích cực điều trị sẽ khó tránh khỏi cái chết. Tuy nhiên, có người vẫn bí mật giữ lại, nuôi dưỡng thứ xúc cảm cấm kỵ ấy và giả vờ “vô trùng”. Trong số đó, có Nia ( Kristen Stewart) và Silas ( Nicholas Hoult).
Tình yêu giữa Silas và Nia là điều cấm kỵ trong thế giới vô cảm ở Equals.
Cuộc đời bình lặng của Silas thay đổi kể từ khi nhận thấy mầm mống của cảm xúc. Thứ bị xem như là dịch bệnh đó đã dẫn lối anh đến với những rung động thầm kín dành cho đồng nghiệp Nia và thuyết phục Silas tin rằng họ là hai kẻ dị biệt. Hai người quyện vào nhau, lén lút nếm thử vị ngọt của trái cấm.
Nhưng rốt cuộc, tình yêu ấy vẫn bị phát giác và dưới ánh mắt dò xét của những công dân còn lại, nó là dịch bệnh cần bị triệt tiêu. Với Nia và Silas, cảm xúc lại giúp họ biết thế nào là “sống”, chứ không phải là “tồn tại”. Để bảo vệ những rung động cuồng nhiệt dành cho nhau, hai người phải cố gắng tách mình ra khỏi cộng đồng.
Equals lồng ghép thông điệp về một thế giới vô cảm cùng bi kịch tình yêu của hai kẻ lạc loài. Chiến tranh để lại đau thương, mất mát lớn đến mức những kẻ sống sót chấp nhận triệt tiêu cảm xúc để đổi lấy sự bình yên trong tâm hồn.
Cảm xúc bị xem là một thứ dịch bệnh và cần phải triệt tiêu.
Không cảm xúc sẽ không còn ham muốn, không còn nhu cầu, không còn tư hữu và từ đó, sẽ không còn hỗn loạn. Điều đó giúp con người dễ dàng xây dựng một xã hội bình đẳng về nhu cầu, vị thế và cả giới tính.
Nhưng sống trong một thế giới mà mọi thứ đều bị san phẳng, khi trốn chạy nỗi đau, tình yêu và cảm xúc, con người không thể định nghĩa được mình là ai, không thể hạnh phúc và không được sống thực sự. Tình yêu cấm kỵ giữa Silas và Nia, dù khiến hai người phải quay lưng với cả thế giới nhưng chí ít, nó đã cho họ cơ hội được sống đúng nghĩa là người.
Train to Busan – Sự hy sinh lớn lao vì tình yêu và tình người
Bom tấn điện ảnh của Hàn Quốc năm 2016 – Train to Busan – từng khiến hàng triệu khán giả rơi nước mắt trước những thước phim cảm động về tình thân, tình yêu trong bối cảnh đại dịch zombie hoành hành. Chuyện phim bắt đầu khi một loại virus bí ẩn bất ngờ lây lan tại Hàn Quốc, biến người bình thường trở thành xác sống.
Những vụ bạo loạn do zombie liên tục xảy ra trên diện rộng, nhưng được chính phủ che đậy bằng lý do khủng bố. Lúc này, trên một chuyến tàu xuất phát từ Seoul đi Busan, các hành khách không hề hay biết hiểm họa cận kề, cho đến khi thây ma bất ngờ xuất hiện và tấn công.
Train to Busan là câu chuyện cảm động về tình yêu và tình người giữa thảm họa zombie.
Đoàn tàu tập trung nhiều đối tượng khác nhau: Seok Woo (Gong Yoo) – một người cha luôn bận rộn, cùng cô con gái nhỏ đến Busan để gặp người vợ đã ly thân. Một đôi vợ chồng vui tính với người vợ (Jung Yu Mi) đang mang thai. Một đoàn học sinh trung học, trong đó có hai cô cậu học trò (Choi Woo Shik và Ahn So Hee) yêu nhau… Họ bị cô lập và buộc phải tìm cách sinh tồn trước hàng nghìn thây ma đang chực chờ cắn giết.
Trận chiến giành giật sự sống giữa lòng cái chết trong không gian chật hẹp ấy mang đến vô vàn cung bậc cảm xúc khác nhau. Khán giả có thể bật cười vì lời thoại hóm hỉnh của nhân vật, tức tối trước hành động ích kỷ của một số hành khách rồi ngay lập tức rơi vào trạng thái căng thẳng, hồi hộp khi những thây ma sắp sửa tấn công ai đó… Cảm xúc bi thương xuất hiện vào thời điểm sinh ly tử biệt, từng nhân vật lần lượt ngã xuống.
Các nhân vật sẵn sàng hy sinh để bảo vệ người mình yêu thương.
Họ hy sinh để bảo vệ người mình yêu thương hoặc để giữ gìn tia sáng sót lại của niềm tin và nhân tính. San Hwa (Ma Dong Seok) chấp nhận bị thây ma cắn chết để giữ đường sống cho mọi người, nhất là người vợ đang mang thai.
Cậu học sinh Yong Guk cũng sẵn sàng chết để cô gái anh yêu – Jin Hee tiếp tục sống sót. Ông bố Seok Goo gắng gượng đến phút cuối cùng để con gái không bị hóa thành zombie như anh. Đó là những khoảnh khắc tỏa sáng không thể nào quên của tình yêu và nhân tính giữa khung cảnh hỗn loạn, chết chóc của Train to Busan.
Theo zing
REVIEW: Contagion - Tình người trong thời khắc đại dịch
Trải qua 106 phút, Contagion như một sự cảnh báo để người xem tự giác bảo vệ và giữ gìn sức khỏe của bản thân hơn giữa sự bùng phát của dịch virus.
Contagion phản ánh chân thực phần nào đó những gì đang xảy ra trên thế giới giữa sự bùng phát của dịch virus Corona.
Giữa tâm điểm của dịch bệnh 2019-nCoV, hay còn được gọi là chủng virus Corona mới, những tín đồ điện ảnh bắt đầu chia sẻ với nhau về các bộ phim lấy đề tài thảm họa đại dịch bệnh. Bên cạnh những The Flu hay Train to Busan... cái tên Contagion đã xuất hiện nhiều hơn cả. Là một bộ phim chính kịch được ra mắt vào năm 2011, với bộ đôi đạo diễn và biên kịch là Steven Soderbergh và Scott Z. Burns, cùng sự tham gia của dàn sao như Gwyneth Paltrow, Matt Damon, Kate Winslet, Marion Cotillard, Laurence Fishburne, Bryan Cranston và Jude Law, Contagion là bộ phim khiến người xem cảm thấy làn ranh giữa những gì xảy ra trên màn ảnh và ở đời thực thật mỏng manh.
Nội dung của Contagion cơ bản giống như những bộ phim có cùng đề tài khác, khi mầm bệnh bắt nguồn từ một cá thể nào đó (trong bộ phim là từ dơi sang lợn) rồi bắt đầu lây lan từ người này sang người khác, cuối cùng dẫn đến một đại dịch trên toàn thế giới. Sự lây lan của con virus trong bộ phim cũng khá giống với virus Corona, khi chúng ta chỉ cần tiếp xúc với người bị nhiễm bệnh hoặc các bề mặt mà họ đã chạm vào thì sẽ có nguy cơ bị lây nhiễm rất cao. Bộ phim bắt đầu với dòng chữ "ngày thứ hai", khi cả thế giới mới chỉ có một người nhiễm bệnh. Thế nhưng chỉ sau một tuần, con số những người nhiễm bệnh đã tăng lên khoảng vài chục, vài trăm ngàn và cuối cùng là hàng triệu người.
Ảnh: Business Insider
Steven Soderbergh, đạo diễn của bộ ba phim phi vụ thế kỷ đó là Ocean's Eleven, Ocean's Twelve và Ocean's Thirteen, rõ ràng đã áp dụng phong cách làm phim đặc trưng của mình vào bộ phim này. Sử dụng kĩ thuật montage (hay một chuỗi những cảnh quay ngắn khác nhau) để đẩy nhanh nhịp độ kết hợp với phần nhạc phim dồn dập, Steven cho người xem thấy được sự lây lan nhanh chóng và khủng khiếp của dịch bệnh, cũng như sự khẩn cấp trong việc cố gắng tìm ra được nguồn bệnh và phương pháp chữa trị, phần nào đó khiến thảm họa đại dịch này có cảm giác như một phi vụ ăn cướp thế kỷ trong các bộ phim trước đó của ông.
Sự nguy cấp của dịch bệnh còn đến từ việc Steven đã đưa ra rất nhiều con số trong bộ phim. Từ số liệu dân số của từng địa điểm được cho là có người nhiễm bệnh, cho đến ước tính của các ca nhiễm, hay thậm chí là một con số rất cụ thể đến từ nhân vật của Kate Winslet khiến người xem phải cảm thấy rợn người: trung bình một người chạm lên mặt của họ từ 2 - 3 ngàn lần mỗi ngày, 3 - 5 lần mỗi phút lúc đang thức.
Ảnh:Deadline
Những con người trong bộ phim cũng không khác mấy so với các bộ phim lấy đề tài thảm họa khác. Có người tốt, người xấu. Có người chỉ quan tâm đến sức khỏe của bản thân trong khi người khác sẵn sàng hi sinh tính mạng của họ để giúp đỡ người bệnh. Có người thì chỉ muốn nhìn thấy một thế giới hỗn độn và trục lợi từ những con người khốn khổ trong cái hệ thống đó.
Kịch bản của bộ phim cũng đánh vào nhiều chủ đề khác nhau. Sự ứng phó của con người như thế nào trước dịch bệnh, sự tác động và gây nhiễu thông tin của truyền thông... nhưng có lẽ nổi bật hơn cả là sự đối xử giữa người với người, cách mà người ta có thể nhẫn tâm lừa dối lẫn nhau, cũng như cách mà họ sẵn sàng làm những điều tốt nhất cho người mà họ yêu thương, tuy có thể người xem sẽ đặt dấu hỏi về những việc làm đó. Thế nhưng, người viết cảm thấy chủ đề trên lại không được thể hiện rõ trong bộ phim khi có quá nhiều tuyến nhân vật, trong khi thời lượng của bộ phim lại khá ngắn (chỉ hơn một tiếng rưỡi đồng hồ). Và tuy phần đầu của bộ phim đã thu hút người xem bằng việc xây dựng sự nguy cấp của dịch bệnh, người xem lại không được nhìn thấy chi tiết hậu quả mà nó gây ra, phần lớn chỉ được thể hiện qua hình ảnh của một sân vận động trong nhà được xây dựng như một bệnh viện dã chiến và một hàng dài xác người đang chuẩn bị được chôn lắp dưới lớp tuyết phủ trắng xóa.
Ảnh: Vox
Nổi bật nhất trong dàn diễn viên có lẽ là Kate Winslet khi nhân vật của cô tạo được nhiều cảm xúc nhất, mặc cho thời lượng xuất hiện trên phim không quá nhiều. Jude Law cũng gây ấn tượng với phong cách ung dung của một gã đểu cáng muốn trục lợi cho bản thân, còn Matt Damon thì lại không có nhiều đất điễn để cho thấy tài năng diễn xuất, mặc cho câu chuyện về nhân vật của anh đáng lẽ ra phải là tâm điểm xuyên suốt bộ phim, dẫn đến một cái kết khiến người xem cảm thấy không thỏa mãn và như đã nói, không thể hiện được rõ chủ đề mà bộ phim đang hướng đến: tình thương yêu và sự quan tâm mà con người dành cho nhau qua những hành động đơn giản nhất giữa lúc hoạn nạn khó khăn.
Ảnh: IMDb
Trải qua 106 phút, Contagion như một sự cảnh báo để người xem tự giác bảo vệ và giữ gìn sức khỏe của bản thân hơn giữa sự bùng phát của dịch virus, cũng như khiến người xem thắc mắc rằng liệu đó có chỉ là những gì xảy ra trên màn ảnh hay chính con người chúng ta cũng không khác mấy những nhân vật giả tưởng trong bộ phim.Nhưng dù thế nào đi nữa, bộ phim vẫn có thể cho chúng ta thấy phần nào đó một chút tia sáng, một chút hy vọng, một chút tình người giữa thời khắc hỗn loạn của một cơn đại dịch.
Theo moveek
5 phim về đại dịch gây ám ảnh đang có trên FPT Play Nhiều phim điện ảnh khai thác đề tài dịch bệnh, dẫn đến cái chết của hàng triệu người, khiến người xem liên tưởng đến dịch viêm phổi đang diễn ra do virus corona. Contagion (2011) Mở đầu cho chuỗi biến cố trong "Contagion" là việc một nữ doanh nhân tên Beth Emhoff trở về Mỹ sau chuyến công tác tại Hong Kong. Cô...