Tình yêu thời xe đạp
Gắn với tình yêu của sinh viên nghèo thời xe đạp cà tàng và chưa a-lô có không ít những điều dung dị, lãng mạn.
ảnh minh họa
Chẳng có gì mà tự sướng
Ngày xưa anh ở cùng một anh trùng tên, cùng quê và cùng đem lòng yêu một cô gái “Hoa thanh quế”. Năm đó cô bé ấy mới 18, vừa ra học đại học, hồn nhiên vô tư lắm. Cũng có thể cái hồn nhiên, nhí nhảnh đó khiến cả hai anh đều thích. Một người yêu âm thầm, còn một người thổ lộ.
Quen nhau qua hai lần chuyển nhà trọ khoảng một năm anh mới dám thổ lộ và mất bốn năm để quên khi họ có người yêu thực sự. Có thể tình yêu thời xe đạp nên nó kì cạch, chậm chạp chứ không tốc hành hiện giờ.
Video đang HOT
Cô ấy thấy sợ và dần xa lánh người thổ lộ. Còn người yêu âm thầm, nhận làm anh kết nghĩa, quan tâm kín đáo thì được cô ấy quý. Nhưng cả hai chàng đều đau khổ.
Hồi đó, chưa đứa nào có xe máy. Cô bé ấy vô tư, nên luôn sẵn sàng đi chơi riêng khi anh rủ. Anh đạp xe chở cô ấy đi khắp Hà Nội. Kể cũng lãng mạn nhưng hồi ấy chưa tậu riêng được máy ảnh hay điện thoại để chụp lại ảnh hai đứa. Có hôm, đạp xe từ Long Biên về Thanh Xuân gặp trời mưa cũng chẳng thèm trú, chẳng mặc áo mưa cứ thế cắm đầu đạp.
Ảnh minh họa.
Một lần, cô ấy tham gia đội bóng của trường, bị ngã chầy xước hết chân tay. Lúc về xóm trọ nhìn thấy thương quá và tất nhiên anh thể hiện kỹ năng y tá bông băng. Lần đầu tiên chăm sóc một người con gái thấy cũng hay thật!
Quà là chiếc lược, kỉ niệm là que kem
Mấy thằng bọn anh nhà nghèo nên cũng không chú ý quà cáp. Chắc vì thế mà cũng chẳng có chuyện chia tay đòi quà.
Cậu bạn học Bách khoa thì có món đàn, lúc buồn lại ôm cây đàn, đánh dở như tra tấn. Nhưng ngày ấy cứ ai biết ôm đàn, hát hò, thơ ca, sáo nhị là được thần tượng và có giá lắm.
Quà tặng nhau cũng đơn giản thôi. Ví như một hôm ở trên lớp tập làm báo được thầy khen, thầy thưởng cái lược thế là về tặng lại người yêu ngay. Bài báo đầu tiên được đăng sướng điên loạn và việc đầu tiên nghĩ tới là đạp xe sang Ngoại Thương chỉ để khoe và rồi đi ăn que kem.
Khi không thể chinh phục được thì trong đầu đã nghĩ đến việc làm một vụ scandal để cả trường Ngoại thương biết nhưng rồi không dám. Có một món quà cuối cùng anh định tặng cô ấy nhưng không tặng được đó là chiếc vòng tự tay anh sâu từ các hạt gốm lần sang Bát Tràng chơi. Anh đã ghép các chữ cái trên hạt gốm thành tên cô ấy. Sau đó anh có viết một đoạn tâm sự: “Anh nhặt tên em trong nỗi nhớ”.
Yêu thương thời chưa ‘A lô’
Yêu đương, hẹn hò ngày ấy cũng khác. Chẳng có điện thoại, nhắn tin, a lô sẵn như bây giờ. Hồi đó đạp xe khỏe thật, 30-40km một ngày mà không thấy mệt như đi xe máy một đoạn bây giờ. Trong nhóm bọn anh, có anh bạn hì hục đạp xe sang tận trường đại học Nông nghiệp để thăm cô bạn gái. Xe đạp cũng không ra hình cái xe đạp, mà mọi người vẫn hay kháo nhau cái gì cũng kêu chỉ trừ chuông xe. Đến nơi thì bạn không có nhà, ngồi đợi cả buổi rồi lủi thủi ra về.
Hay có lần được nghỉ học một tuần, cả bọn rủ nhau về nhà một bạn gái ở Thanh hóa chơi. Về cũng không hẹn trước. Lại cũng không đủ tiền nên nhảy tàu chợ. Anh không mua được vé, phải đi chui nhưng tàu quá đông dễ lạc nhau. Nhiều lúc cứ phải í ới gọi tìm nhau. Đến ga Đò Lèn (Hà Trung, Thanh Hóa) vội vội vàng vàng nhảy xuống.
Về nhà bạn gái thì anh bạn cũng khéo lấy lòng cô gái và bố mẹ cô ấy vì nghệ thuật tán róc khá. Còn anh mượn được cái máy ảnh phim sắp hỏng để đi chụp cho mọi người nhưng hỏng sạch hoặc được thì tối om. Lúc cô bạn đòi trả ảnh chỉ biết cười trừ.
Tình yêu hồi ấy cũng không kém phần lãng mạn, xôn xao đâu. Hồi anh ở Làng Sinh viên Hacinco, có anh bạn đi cưa cẩm nhưng ngại nên hay rủ thêm vài thằng nữa đi cùng. Khi đi hắn thường mang kẹo, hướng dương theo. Đến nơi, hắn thường chẳng nói được gì mà thường để bọn anh nói. Hết hướng dương, kẹo thì cả bọn kéo nhau ra về. Nhưng lúc hắn tỏ tình cũng dân chơi phết! Hắn mua diều, rồi bóng bay ghi tên của cô bé kia và điều muốn nói, rồi thả sang khu nhà cô kia. Mãi đến khi gần ra trường anh biết là hắn cũng chinh phục được nàng.
Tình yêu sinh viên thời đó dù thành hay bại đều rất tốt vì nó đã cho ta trải nghiệm cảm xúc, cho ta kỷ niệm, bản lĩnh và trưởng thành hơn. Với anh, tình yêu là động lực chứ không phải rào cản chuyện học hành, làm ăn. Càng đau đớn càng thất bại sẽ viết báo càng hay, càng ý nghĩa. Anh là một ví dụ.
Theo tienphong