Tình yêu say đắm
Khi tìm thấy một tình yêu say đắm, mỗi chúng ta có thể trở nên “mất trí”, làm những việc điên rồ. Và các nhà khoa học cho rằng, chẳng ai làm gì được để thay đổi thực tế ấy.
Ngày Thánh Tình Yêu, những bản tình ca, những cuốn tiểu thuyết lãng mạn – ngần ấy thứ có vai trò gì trong việc chúng ta phải lòng ai đó? Nhìn qua thì có, nhưng các nhà nghiên cứu cho rằng, vẫn còn 1 “vị thần cupid” khác tham gia vào chuyện này, đó là bản năng.
Tình yêu, đặc biệt tình yêu đắm say, là thứ cảm xúc vượt ra ngoài tầm kiểm soát. Và có vẻ như con người được lập trình để rơi vào cảm xúc yêu đương. Quên những bông hồng hay những viên kẹo hình tim đi, gene mới chính là tác nhân khiến chúng ta không thể ngừng yêu được.
Video đang HOT
Sự tiến hóa của cảm giác yêu
Theo Elizabeth Pillsworth (nhà nghiên cứu tại ĐH Bang California), cảm xúc yêu mãnh liệt có từ thủa bình minh của loài người. Đó là một trong những cảm xúc lâu đời nhất, và tổ tiên chúng ta từ thời sống bầy đàn, săn bắt hái lượm cũng trải qua cảm xúc yêu không khác gì chúng ta trong cuộc sống văn minh.
Thời đó, tình yêu mãnh liệt mang mọi người lại với nhau, vì mục đích sinh tồn, vì sự an toàn và duy trì nòi giống. Ngày nay, con người có thể không còn cần ai đó ở bên vì sự an toàn, vì muốn được sinh tồn hay thậm chí sinh con, nhưng trong sâu thẳm trái tim yêu, điều họ cần vẫn thế: Khao khát yêu và nhận lại thứ tình cảm tuyệt vời này từ người mình yêu. Cảm xúc ấy có trong mọi thế hệ, mọi nền văn hóa và miền đất.
Yêu làm ta phát điên – tại sao?
Con người tập trung đến 90% năng lượng sống vào việc nghĩ đến đối tượng mình đang khao khát, lên kế hoạch để tình cờ “đụng độ” đối phương. Chúng ta mơ về những khoảnh khắc họ nói họ yêu ta và ta cũng đáp lại tình cảm ấy.
Tình yêu đắm say với những cảm giác hưng phấn chỉ là một trạng thái diễn ra ngắn ngủi, thường giới hạn trong giai đoạn đầu của mối quan hệ. Tình yêu khiến ta phát điên bởi nó mang trong mình mọi ý nghĩ chiếm đoạt, những cảm xúc hỗn độn, những khát khao cháy bỏng được kết nối sâu sắc hai tâm hồn, và cả những hành vi gần như là lén lút.
Tình yêu say đắm có thể khiến con người làm những điều điên rồ, nhưng sự điên rồ đó, phần lớn lại là thứ công cụ hữu ích.
Tình yêu có kéo dài mãi mãi?
Khi sự bùng nổ cảm xúc giai đoạn đầu qua đi, nhường chỗ cho thứ tình yêu mạnh mẽ nhưng ít mãnh liệt hơn, mối quan hệ có thể đến một khúc ngoặt mới. Đó sẽ là điểm khởi đầu cho một sự kết thúc, hay mở ra giai đoạn gắn bó dài lâu? Hãy nghĩ đôi chút về lòng chung thủy.
Đặc tính chung thủy có được quy định bởi gene không? Trước câu hỏi này, các nhà khoa học chưa tìm được lời giải đáp nhất quán. Một số nghiên cứu cho rằng, con người khi đang sống trong giai đoạn yêu say đắm giống như anh mù – không nhìn thấy những cá thể quyến rũ khác. Họ chỉ tập trung vào một nửa của mình thôi. Trong khi đó, vẫn có những bằng chứng trái ngược chỉ ra rằng đàn ông và đàn bà sẽ khám phá thêm những chuyến phiêu lưu tình ái mới nếu có cơ hội. Chung thủy chỉ là một giai đoạn rồi sẽ qua đi.
Dẫu vậy, một điều hiển nhiên là chúng ta đều có khả năng kết hợp bản năng vào quá trình đưa ra quyết định. Chúng ta tiếp nhận thông tin về tình hình thực tại: tuổi tác, độ hấp dãn, hoàn cảnh văn hóa, và từ đó có ứng xử thích hợp.
Tình yêu say đắm có thể được điều khiển bởi trí óc hơn là trái tim, nhưng ít ra, ai cũng từng có lúc hành động điên rồ vì nó.
Theo VNE