Tình yêu người chồng giúp chữa khỏi căn bệnh ung thư vú giai đoạn 2 của vợ
Teresa Tam, 33 tuổi rơi vào bế tắc khi được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vú giai đoạn 2 vào năm 2011. May mắn thay, chồng cô luôn ở bên cạnh trong suốt quá trình điều trị, an ủi và nâng đỡ tinh thần cô. Sau 9 năm dài đằng đẵng, cô hoàn toàn bình phục và cảm thấy hạnh phúc hơn bao giờ hết.
Teresa Tam (Hồng Kông, Trung Quốc) được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vú giai đoạn 2 vào năm 2011. Khi đó cô gần như sụp đổ. Ở tuổi 33, cô bất an về các phương pháp điều trị để vượt qua căn bệnh này và lo lắng rằng cô không thể tố chức sinh nhật lần thứ 40 của mình.
Mặc dù căn bệnh của cô Tam được bác sĩ thông báo có thể chữa trị được nhưng vẫn sợ vì không biết tương lai sẽ như thế nào.
Anh Akio Nishida (chồng của Tam) cũng không khỏi lo lắng nhưng vẫn luôn mạnh mẽ đồng hành cùng vợ. Khi cô kể với anh về tin xấu này, anh trấn an rằng anh sẽ luôn bên cạnh cô. Thật vậy, anh Nishida luôn cùng vợ đến các cuộc hẹn kiểm tra sức khỏe và các buổi hóa trị trong những năm sau đó; cho cô tất cả không gian cần thiết để bộc bạch nỗi sợ hãi và thất vọng.
Nishida chia sẻ, “Tôi không muốn vợ có cảm giác lẻ loi. Các tác dụng phụ của việc điều trị đã khiến cô ấy rất nhạy cảm nên tôi phải cố hết sức để an ủi cô ấy. Tôi cũng đọc sách báo về ung thư vú và tìm hiểu nhiều cách để bảo vệ hệ thống miễn dịch của Tam luôn khỏe mạnh. Tôi chỉ muốn cô ấy cảm thấy được hỗ trợ, thấu hiểu và yêu thương”.
Ngoài ra, Nishida còn chơi guitar, viết thơ và vẽ những bức tranh đáng yêu để giúp tinh thần vợ lạc quan hơn. Để khiến Tam luôn có niềm tin vào những lúc bệnh trở nặng, anh sẽ gợi nhắc cô về kế hoạch tương lai của họ. Anh thậm chí còn nghỉ làm để toàn tâm toàn ý ở bên và chăm sóc cô.
Sự quan tâm, tình yêu thương và chăm sóc của chồng trong chặng đường dài 9 năm đã giúp Tam chữa lành vết thương về cả thể chất lẫn tinh thần. Hiện tại, 9 năm sau khi được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vú, Tam cho biết cô đã hoàn toàn hồi phục và hạnh phúc hơn bao giờ hết.
Cô chia sẻ: “Tôi không may mắn mắc phải căn bệnh này, nhưng tôi có Nishida. Tôi nghĩ rằng hành trình bình phục của tôi sẽ gian nan hơn nếu không có chồng bên cạnh. Nhờ anh ấy, tôi tự nhủ rằng mình phải vượt qua những trở ngại về tinh thần. Hóa trị là một trong những điều tồi tệ nhất tôi từng phải trải qua, nhưng với tình yêu và sự khích lệ của chồng, tôi đã tìm thấy sức mạnh để vượt qua nó”.
Teresa Tam và chồng, Akio Nishida, tại Hong Kong năm 2011. Ảnh: Teresa Tam
Tình yêu giúp cải thiện khả năng chống chọi ung thư
Nghiên cứu mới từ Đại học bang Ohio ở Hoa Kỳ đã tìm thấy sự tương quan giữa mối quan hệ ở các cặp đôi hạnh phúc với độ giảm căng thẳng và giảm viêm ở những người sống sót sau ung thư vú. Theo đó, trải qua một tình yêu lãng mạn có thể giúp con người ta cải thiện khả năng chịu đựng và phục hồi từ một cuộc khủng hoảng sức khỏe.
Một nghiên cứu được công bố trực tuyến vào tháng 6/2020 trên tạp chí Psychoneuroendocrinology, cho biết rằng những bệnh nhân sống hồi phục từ ung thư vú cảm thấy hài lòng hơn trong các mối quan hệ tình cảm và căng thẳng tâm lý nhận thức của họ cũng ở mức thấp. Hai yếu tố này khiến khả năng tạo ra các chất gây viêm trong máu thấp hơn. Để tăng cường sức khỏe, đặc biệt là ở những người vượt qua căn bệnh ung thư vú, việc tránh sưng viêm là điều cần thiết. Viêm mãn tính có thể làm tăng nguy cơ tái phát ung thư và các bệnh khác, chẳng hạn như bệnh tim, viêm khớp và tiểu đường loại 2.
Helen Chen, phó giáo sư kiêm trưởng phòng và cố vấn cao cấp của khoa tâm lý học tại Bệnh viện Phụ nữ và Trẻ em KK tại Singapore thông tin: “Một người phụ nữ khi được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vú có thể trải qua một loạt các cảm xúc tiêu cực, bao gồm sốc, tê liệt, giận dữ, sợ hãi, lo lắng, tội lỗi, đau buồn. Khi được hỗ trợ trong các mối quan hệ tình cảm, bệnh nhân sẽ cảm thấy được ưu tiên cho các nhu cầu của mình. Điều này cũng có thể dẫn đến thay đổi trong nhiều mối quan hệ, đặc biệt là về vấn đề thân mật và tình dục.
Khi khả năng chống chọi với bệnh tật tốt hơn, trạng thái tinh thần của bệnh nhân sẽ được duy trì tốt; và mong muốn tích cực là bệnh nhân có thể điều chỉnh hành vi tốt hơn, duy trì lối sống và thói quen lành mạnh, góp phần tạo nên vào kết quả phục hồi tốt. Ngược lại, khi mức độ căng thẳng của bệnh nhân cao, chẳng hạn như khi bị cắt bỏ tuyến vú, phải chịu đựng các liệu pháp điều trị ung thư khắc nghiệt như hóa trị, hoặc không thể chăm sóc con cái; cơ thể bệnh nhân có thể tạo ra phản ứng bất thường với miễn dịch giống như bị viêm mãn tính. Điều này có thể ảnh hưởng xấu đến quá trình phục hồi.
Video đang HOT
Nhưng yếu tố tâm lý không phải là tất cả khi chiến đấu với bệnh ung thư vú. Bà Chen nói rằng nếu ung thư được phát hiện muộn và ác tính hoặc nếu điều trị ung thư thất bại vì bất kỳ lý do gì, cho dù phụ nữ có tích cực hay can đảm đến đâu, cũng có thể gây ảnh hưởng đến quá trình điều trị. Phụ nữ mắc bệnh ung thư cũng giống như đang phải gánh vác trọng trách chiến đấu trên vai, mặc dù trong thực tế đôi khi bệnh tật sẽ tiến triển theo hướng tích cực. Vì vậy, điều quan trọng là duy trì sự hỗ trợ và quan tâm, để giúp bệnh nhân cảm thấy được sự chăm sóc và quan tâm.
Nếu đang phải chống chọi với bệnh ung thư vú nhưng không có mối quan hệ tình yêu tốt, bà Chen đề nghị tìm kiếm hỗ trợ tình cảm từ bạn bè và những người thân yêu, hoặc thậm chí từ các chuyên gia chăm sóc sức khỏe như nhân viên công tác xã hội và chuyên gia tâm lý học.
Teresa Tam và chồng, Akio Nishida, tháng 7/ 2020. Ảnh: Jonathan Wong
Ngoài ra, một số cách khác để cải thiện nhu cầu tình cảm của bạn như: ngồi thiền, cầu nguyện, hoặc các hoạt động khác giúp bạn cảm thấy yên bình hơn; cho bản thân có thời gian và không gian riêng; chú ý đến nhu cầu thể chất, dinh dưỡng và các biện pháp tự chăm sóc khác; thể hiện cảm xúc của bạn thông qua việc viết nhật ký, hội họa, âm nhạc, khiêu vũ hoặc nhiếp ảnh. Ví dụ; đi bộ; tạo môi trường gia đình lành mạnh hơn; và tìm hiểu làm thế nào các bệnh nhân và gia đình khác đối phó với bệnh ung thư.
Tam cho biết: “Tôn trọng khía cạnh cảm xúc trong công cuộc chống chọi với căn bệnh ung thư vú chắc chắn là khó khăn. Nói chung, phụ nữ có xu hướng giữ cảm xúc của họ hoặc họ quá bận rộn để quan tâm đến nhu cầu tình cảm của người khác mà quên đi điều đó cho chính mình”. Để vượt qua ung thư cần có một tình yêu thực sự. Khi có một người luôn quan tâm, đồng cảm và cảm thông cũng như biết rằng bạn được hỗ trợ và yêu thương, không chỉ làm sâu sắc thêm mối quan hệ của cả hai, nó cũng khiến cho quá trình hồi phục căn bệnh quái ác này ít tốn kém và đau thương hơn.
Tình yêu người chồng Vĩnh Long dành cho vợ 3 lần nhận 'án tử' ung thư
Tình yêu của anh giúp chị đứng dậy chiến đấu với số phận sau 3 lần nhận 'án' ung thư. Chị hiểu rằng anh đã nén nỗi đau đến thế thì chị không thể yếu mềm.
Chị Nguyễn Ánh Nguyệt - một bệnh nhân ung thư vú đã 5 năm nay.
Câu chuyện của chị Nguyễn Ánh Nguyệt (sinh năm 1974) - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TP. Vĩnh Long khiến bất cứ ai cũng có thể bật khóc.
Anh chị quen nhau khi cùng tham gia phong trào văn nghệ thời chị vẫn còn đang công tác trong Đoàn Thanh niên. Những lần đi diễn, chị thấy anh rất hay giúp đỡ mọi người. Chị đùa rằng, khi yêu thì thấy "người đâu mà dễ thương", còn khi đã lấy rồi, cái tính ấy khiến chị "dễ... điên". Vì hễ cứ ai cần là anh có mặt, quên cả vợ con.
Cũng vì thế mà những năm đầu mới cưới, không biết bao nhiêu lần chị đã nghĩ đến việc dừng lại cuộc hôn nhân với anh. Tính chị khi ấy cầu toàn, làm gì cũng phải thật chỉn chu, nhất là việc nhà và chăm sóc con. Còn anh thỉnh thoảng lại "biến mất" vì bận đi giúp bạn bè, người quen, để mặc chị vật lộn với đống việc nhà.
Anh vốn là con út, được cưng chiều. Đến khi lấy vợ, chị lại là người quán xuyến mọi việc nên những năm đầu hôn nhân, anh có phần vô tâm, vô tư. Những mâu thuẫn nhỏ nhặt trong gia đình khiến anh chị cãi nhau triền miên. Nhưng sau chị nhận ra rằng, chồng mình ai cũng thương, chỉ mỗi mình ghét. Thế là chị buộc phải nhìn anh theo hướng tích cực hơn và điều chỉnh lại mình, bớt cầu toàn đi một chút.
Dần dà, tình cảm vợ chồng chị cải thiện mà theo chị nói "cứ như yêu lại từ đầu, nhìn đâu cũng thấy mùa xuân".
Cuộc sống của chị sẽ hoàn hảo biết bao nếu như biến cố không ập đến vào một buổi tối tháng 7/2015. "Tự nhiên mình có cảm giác đau nhoi nhói một bên ngực. Vốn lo xa nên sáng hôm sau mình đi TP.HCM kiểm tra".
Sau 1 ngày siêu âm, chụp chiếu, xét nghiệm, chị nhận tin sét đánh và ngã quỵ tại phòng khám. Nhìn chữ "ung thư" mà chị khóc lạc cả giọng, tự cấu véo mình với hy vọng đây chỉ là giấc mơ.
Gọi điện về cho anh, chị chỉ dám nói chờ tới sáng mai mới có kết quả. Đêm về phòng trọ, chị đóng cửa lại và bắt đầu gào thét, khóc lóc thảm thiết và không ngừng hỏi tại sao lại là mình. Chị thiếp đi, rồi tỉnh dậy, chị lại khóc.
Hai giờ sáng đêm ấy, chị ngồi dậy viết di chúc, dặn dò chồng nuôi dạy con, gửi gắm con cho 2 dì, lên danh mục những thứ cần mua cho 2 cha con dùng trong 3 năm sau khi chị mất...
Nhưng chính lúc này, tình yêu và sự lạc quan của anh đã kéo chị đứng dậy. Ý nghĩ chấm dứt cuộc sống của mình dần không còn tồn tại trong suy nghĩ của chị nữa.
Sáu tháng sau đó là những ngày chị vật vã, đau đớn lê lết trong bệnh viện. Bệnh viện đặc kín người, mỗi người một độ tuổi, hoàn cảnh khác nhau nhưng ai nấy đầu trọc lóc, đôi mắt trắng bệch, móng tay thâm tím.
Từ ngày chị bị bệnh, anh chiều chuộng mọi sở thích của vợ.
Cũng từ đó, anh từ phiên bản "con út" thành "soái ca" của riêng chị. Anh vừa chăm con, vừa chạy đôn đáo chăm vợ, vừa đi làm, vừa đi học nghiệp vụ. Đau đớn, mệt mỏi, chị không ngủ được, anh thức thâu đêm cùng chị. Anh làm gối cho chị tựa vào để nôn trớ.
Bệnh viện đông, anh tìm chỗ cho chị ngồi để một mình chen chân vào nghe gọi tên. Những ngày anh đi học cách nhà 70km, nghe mẹ nói chị không ăn được, anh chạy về ngay trong đêm. Mọi việc nhà, anh giành làm hết. Chỉ trong vòng 3 tháng, tóc anh bạc nửa đầu.
Thương mình, thương anh và con, chị lấy đó làm động lực để cố gắng vượt qua.
Chị bảo, chị biết ơn anh không chỉ vì những hi sinh đó, mà hơn hết là vì tinh thần lạc quan của anh truyền cho chị. "Lúc nào anh cũng pha trò cười. Anh vui vẻ để mình thấy 'cuộc đời vẫn đẹp sao'. Nhờ đó mà mình càng vững tâm và nhanh chóng tái hòa nhập với cộng đồng".
Cuộc chiến với căn bệnh ung thư vú của chị cứ thế trôi đi đến đầu năm 2019. Chị bắt đầu có dấu hiệu đau xương. Dù đã chuẩn bị trước tinh thần cho trường hợp xấu nhất xảy ra, nhưng khi cầm kết quả "di căn xương", chị ngã quỵ lần thứ 2.
Chị gọi cho em gái thông báo tin dữ trong nước mắt và không dám cho anh biết. Lúc này chị vẫn còn khỏe nên vào bệnh viện một mình, định bình tĩnh lại sẽ lựa lời nói cho anh đỡ "sốc". Mười phút sau, anh gọi cho chị, giọng oang oang: "Anh đang trên đường lên đón em về, cứ ở trong bệnh viện đừng đi đâu nhé!".
Ba tiếng sau, anh xuất hiện, gương mặt vẫn rất bình thường, vui vẻ trò chuyện với các bạn chị đang ở đó để động viên chị. Nhìn thấy anh, chị òa khóc nức nở.
Các chị em cùng cảnh ngộ đã quá quen cảnh này nên gọi ngay những chị em có "tuổi nghề di căn" còn sống khỏe, đến động viên chị. Anh ngồi nghe tất cả những câu nói của chị em, học thuộc vanh vách.
Xe về đến nhà, nội ngoại 2 bên có mặt đầy đủ, ai nấy đều cố gắng che đi dòng nước mắt. Không kip cởi áo khoác, anh tường thuật lại tất cả những gì chị em đã nói và vui vẻ đi nấu nước pha trà, pha sữa...
Mọi người thấy anh lạc quan, cũng cảm thấy nhẹ nhõm phần nào. Chị cũng nhờ thế mà bớt đi một phần ám ảnh.
Sáng hôm sau, em gái chị qua nhà kể lại: "Lúc nhận tin, anh đã đứng ôm hàng rào vừa khóc vừa gọi mẹ ơi, làm em và mẹ khóc hết nước mắt".
Nghe vậy, tim chị như có ai bóp nghẹt lại. Chị hiểu rằng anh đã cố gắng đến thế thì chị không thể yếu mềm.
Chị lại nhập viện và lê lết chiến đấu tiếp. Chị dần tìm lại niềm vui trong công việc ở hội phụ nữ. Chị tổ chức rất nhiều buổi tuyên truyền chia sẻ cách tầm soát và chung sống với ung thư, trở thành người truyền cảm hứng và trợ giúp cho rất nhiều người cùng cảnh ngộ...
Chị say mê với nấu nướng, tham gia các hội nhóm cùng sở thích. Chị vui khi nhận được lời động viên của những người chưa từng gặp mặt.
Chị tổ chức nhiều buổi chia sẻ cách tầm soát và chung sống với ung thư cho chị em phụ nữ.
Chị cũng thường xuyên chia sẻ công thức nấu ăn trong các hội nhóm cùng sở thích.
Trong khi đó, anh chiều chuộng tất cả sở thích của chị, từ trồng hoa trong vườn rau đến làm dàn mướp bên bờ sông, sửa lại chiếc xuồng cho chị đi hái trái bần chỉ để... chụp ảnh đăng Facebook.
Đầu năm nay, chị lại nhận "án tử" lần 3 - tế bào ung thư di căn sang gan. Lần này, chị chỉ khóc đúng 1 ngày, rồi tự vực dậy tinh thần, quyết không để anh thấy chị tuyệt vọng.
Còn anh thì cứ thấy ai chỉ nơi nào có thuốc hay, thầy giỏi là lại kéo chị đi. "Chùa nào anh cũng vào nguyện, ngày nào cũng đốt nhang, van vái, điều mà trước đây không bao giờ anh tin".
Chị đã chuẩn bị xong mọi thứ cho chuyến đi xa. Bây giờ, chị chỉ ao ước được sống đến ngày con gái vào đại học, ao ước được làm thật nhiều việc có ích cho những ngày còn lại.
Đầu tháng 6 mới đây, chị nhận tin vui "tế bào di căn đã tạm dừng phát triển". Chị lại có hi vọng được sống thêm những ngày tháng thật ý nghĩa bên gia đình.
Cuộc sống của chị sau khi mang "bản án tử hình" đã bước sang một trang hoàn toàn mới. Chị yêu quý cuộc sống từng giây phút, trân quý tất cả những người bên cạnh mình. Chị tranh thủ mọi lúc, mọi nơi làm điều vui vẻ cho mình, cho mọi người, học cách tận hưởng cuộc sống. Nhìn đâu chị cũng thấy tình yêu...
Chị hiểu rằng thời gian còn lại bên cạnh anh không còn nhiều, nên chị luôn cố gắng ăn tất cả những gì anh nấu, làm tất cả những gì có thể để anh yên lòng.
Chị tâm sự: "Mình luôn dặn dò con gái, sau này mẹ không còn, con sẽ lớn và có gia đình riêng. Cha sẽ cô đơn nhiều lắm, con đừng ngăn cản cha có người bầu bạn... Sau này nếu có bạn trai, không cần giàu có hay giỏi giang nhưng nhất định phải là người có đạo đức, giống như cha".
Chị Nguyệt cùng chồng và con gái.
Mắng vợ vì để rơi mất nhẫn cưới, đến khi biết sự thật, tôi hối hận thì đã quá muộn màng Tôi cứ chì chiết vợ vì đã để mất nhẫn cưới, kỉ vật thiêng liêng. Nào ngờ sự thật lại quá đỗi cay đắng đến thế. Vợ chồng tôi yêu nhau từ thời sinh viên. Trải qua biết bao khó khổ, chúng tôi mới đến được với nhau. Để chuẩn bị cho lễ cưới, tôi còn tự mình đi đặt một cặp nhẫn...