Tình yêu ngày xưa của ông bà đẹp lắm, chạm tay nhau thôi là nhớ nhau suốt đời
Nghe kể chuyện tình yêu ngày xưa của ông bà mà thèm lắm được sống trọn đời trong một mối tình như thế. Yêu thì chỉ đơn thuần là yêu thôi. Bản chất của tình yêu nó đơn giản và tự nhiên như hơi thở, đâu cần tính toán nhiều.
ảnh minh họa
“Ôi tình yêu ngày xưa đẹp lắm con ơi
Những dòng thư tay viết vội, những lời ngây ngô đầu môi
Và thời ấy, bình dị lắm con ơi
Chạm tay nhau một giây thôi, là nhớ nhau cả đời.”
Video đang HOT
Xin mượn lời bài hát “ông bà anh” của ca sĩ Lê Thiện Hiếu để bày tỏ chút cảm giác “ghen tị” với tình yêu thuần khiết của bố mẹ, ông bà chúng ta thời xưa. Thời mà yêu chỉ đơn thuần là vì yêu thôi, chứ không hể có sự “chen ngang” của bất kỳ yếu tố bên ngoài nào khác.
Tán tỉnh “ngô nghê” nhưng chứa đựng cả tấm chân tình
Quay ngược thời gian lạc về quá khứ, tình yêu thế hệ cũ hiện lên thật dung dị như những thước phim đen trắng. Bộ phim ấy tuy không hề được trau chuốt bằng màu sắc nhưng vẫn ngập tràn sự chân thành, sâu sắc. Họ tán tỉnh nhau qua lời nói và hành động tuy có chút “ngô nghê” nhưng kỳ thực, lại xuất phát từ tận đáy lòng.
Có những buổi tối, chàng ăn vận chỉnh tề, không đứng ngoài cổng chờ nàng xuống mà vào tận trong nhà thưa gửi đàng hoàng. Nàng ở buồng trong, bụp miệng cười khi nghe giọng chàng lắp bắp xin phụ huynh được đèo nàng đi chơi, hứa sẽ về trước 10 giờ tối. Nàng tựa đầu vào vai chàng, nói toàn những mẩu chuyện vu vơ mà tưởng như cả thế giới bé tí lại chỉ đúng bằng khúc sông đang chảy êm đềm trước mặt. Còn chàng thì vừa cố gắng làm nàng vui, vừa lo nơm nớp chiếc xe đạp đằng sau sẽ bị “chôm mất” lúc nào không hay.
Rồi chàng đi học xa nhà, có những cuộc gọi chỉ kéo dài vỏn vẹn dăm ba phút nên thành ra đáng quý vô cùng. Họ vẫn kiên trì gửi gắm niềm nhớ nhung qua bao lá thư tay như trút cả tấm chân tình vào từng câu chữ. Thời ấy, tình yêu khi được thử thách bằng xa cách không khiến nó chông chênh mà chính là “bước đệm” để tình cảm thêm bền chắc.
Ngày chàng trở về, hạnh phúc gói tròn trong hình ảnh đôi trai gái lai nhau trên khắp nẻo đường quê. Dừng xe dưới tán cây đang có vài tia nắng lọt qua khẽ khàng, chàng “đánh liều” hỏi nàng có muốn gắn kết tương lai cả hai đứa vào chung một mái nhà. Nàng đỏ bừng mặt, e thẹn gật đầu. Vậy là họ nên vợ nên chồng chỉ qua vài lời nói chân phương, không cầu hôn kiểu cách cũng chẳng hỏi cưới cầu kỳ. Kể từ cái “gật đầu” năm ấy, đến nay họ vẫn nắm tay nhau đi suốt cuộc đời.
Nghĩa vợ chồng nặng hơn tri kỷ
Ngày xưa, có lẽ vì thiếu thốn về vật chất mà tình cảm vợ chồng được đong đầy hơn qua những gian khó mà họ đã trải qua cùng nhau. Ngày được tin vợ mang bầu lần thứ bốn, chồng vừa mừng vừa lo. Mừng vì các con có thêm em, bố mẹ có thêm “hình hài nhỏ” để yêu thương. Lo bởi thêm thành viên là thêm “miệng ăn”. Chồng tự nhủ mình phải chăm chỉ lao động gấp 10 lần. Vợ lặng lẽ thu gom quần áo cũ, may vá lại đàng hoàng vì từ nay sẽ phải tiết kiệm hơn để lo cho em bé sắp chào đời.
Hai vợ chồng họ cứ vậy sát cánh bên nhau, ngăn mọi bão bùng dừng chân ngoài cánh cửa để tổ ấm nhỏ được yên an. Thế nhưng, nhà càng đông con, càng chật vật về kinh tế. Chồng lặng lẽ bảo vợ thu xếp quần áo nhét đầy ba lô. Họ nuốt nước mắt gửi gắm bốn người con cho các bên nội ngoại nuôi giùm rồi nắm tay nhau lên thủ đô. Đêm đầu tiên tại phương xa. Hai vợ chồng chẳng có nổi một xu trong túi, vui vẻ bẻ đôi bắp ngô chia nhau. Giây phút ấy, đâu còn là nghĩa vợ chồng đơn thuần mà phải gọi là tình tri kỷ, đồng cam cộng khổ, sống chết không rời mới xứng. Chẳng ai nói một câu một nhưng cả vợ lẫn chồng đều hiểu rõ rằng một khi đã quyết đình rời quê hương lên thành phố có nghĩa là họ cần chung sức cùng nhau phấn đấu vì một tương lai tốt hơn cho cả gia đình.
Giây phút chia nhau một bắp ngô bẻ đôi đâu còn là nghĩa vợ chồng đơn thuần mà phải gọi là tình tri kỷ, đồng cam cộng khổ, sống chết không rời mới xứng (Ảnh: Internet)
Hai đôi chân buông thõng trên thành cầu. Hai ánh mắt hướng cùng về một phía, nơi những ánh đèn của phố xá hoa lệ đang lấp lánh mời gọi. Nhưng đó là câu chuyện của 20 năm về trước. Đến nay, đầu họ đã đủ hai thứ tóc, kinh tế bắt đầu ổn định, con cái đều đã lớn khôn nhưng thi thoảng họ vẫn cùng nhau ôn lại chuyện cũ. Vẫn có những cái nắm tay thật chặt chằng rời mỗi đêm đi ngủ. Vẫn là tiếng gọi ý ới từ ngoài cửa: “Mình ơi, mình đâu rồi?” mỗi lần chồng về đến nhà. Vẫn là tình nghĩa vợ chồng nặng hơn cả tri kỷ ấy, chỉ đầy lên theo tháng năm chứ nhất quyết không phai mờ.
Hạnh phúc là khi nhìn thấy nhau già đi từng ngày
Khái niệm hạnh phúc ngày xưa đơn giản lắm, đâu có đo đếm bằng nhà lầu xe hơi “cầu kỳ” như bây giờ. Chỉ cần có những bữa cơm no đủ, con cái lớn khôn nên người và được thấy màu tóc nhau bạc đi từng ngày là đã đủ để mỉm cười bước tiếp.
Ngày trẻ, ông đi lính miết, để lại bà một mình nai lưng nuôi hơn 10 người con nheo nhóc. Vậy mà, bà chẳng nửa lời kêu ca, vẫn miệt mài ngày đêm trồng lúa, trồng ngô kiếm tiền cho các con ăn học tử tế, một lòng một dạ chờ ông về. Đôi khi, những cách biệt, chia ly ấy lại tiếp thêm sức mạnh cho tình yêu được đơm hoa dựa trên hy vọng. Đó là ước nguyện về một ngày ông trở về, cùng bà vun vén gia đình. Mong ước ấy nhỏ thôi nhưng luôn căng tràn, sục sôi và là nguồn sống lớn nhất để bà tồn tại trên cõi đời này.
Đôi khi, những cách biệt, chia ly thời chiến lại tiếp thêm sức mạnh cho tình yêu được đơm hoa dựa trên hy vọng (Ảnh: Internet)
Ngày đất nước không còn tiếng súng, ông trở về mái nhà xưa nhưng chỉ còn bà ở đó bởi các con đều đã “cất cánh” đi xa gây dựng cuộc sống riêng. Họ cùng nhau viết tiếp câu chuyện tình tuyệt đẹp vào thời bình mang tên “tựa vào vai nhau sống an nhiên khi tuổi xế chiều”. Dù con cái đã nhiều lần mở lời xin rước ông bà về phụng dưỡng nhưng họ nhất quyết không chịu. Cả thời chiến đã xa nhau rồi, đây chính là giai đoạn họ cần bên nhau để bù đắp lại khoảng thời gian xa cách đằng đẵng ấy.
Vậy là, mỗi sáng, bà đều thức dậy đúng 5 giờ, bắc một ấm nước đun cho thật sôi để ông hãm trà, quyét hết cả cái sân rồi gọi ông dậy cho kịp bữa. Trưa đến, ông nhẩn nha ngồi đọc báo, thi thoảng lại chạy xuống bếp xem bà nấu cơm hoặc sẽ đi câu một con cá thật to để chiều bà món cá rán giòn vào buổi tối. Mỗi lần con cháu về thăm, bà sẽ giết một con gà, luộc chín tới ăn mừng. Ông tay run run nhưng vẫn chặt gà thành từng miếng gọn gàng để bà rắc lá chanh lên thơm phức. Họ nhìn nhau mỉm cười từ những niềm vui lụn vụn nhất.
Tóc bà ngày một bạc, đồi mồi trên da ông cũng ngày một đậm màu hệt trái chuối chín cây. Chỉ có nụ cười của họ là còn vẹn nguyên theo năm tháng. Hạnh phúc của ông bà chúng ta chỉ đơn giản là được nhìn thấy nhau già đi từng ngày như thế.
Nghe chuyện ông bà yêu nhau mà thèm lắm được sống trọn đời trong một mối tình như thế. Yêu nghĩa là hiến dâng trọn vẹn cho người đó, không mong cầu được đền đáp, cũng chẳng chút vụ lợi cá nhân. Yêu thì chỉ đơn thuần là yêu thôi. Cái bản chất của tình yêu nó đơn giản và tự nhiên như hơi thở, đâu cần gượng ép phải thay đổi hay nỗ lực quá nhiều.
Theo Afamily