Tình yêu ngày cuối năm
Lần đầu gặp mặt, Hân ngỡ ngàng khi “đối tượng” là một thanh niên mặt búng ra sữa. Thế nhưng, hắn luôn mồm xưng anh và gọi cô là em.
Hân quen Khương trên một trang web hò hẹn online. Tất cả khởi đầu từ một đoạn giới thiệu mang đầy tính khiêu khích: “Trần Lê Ngọc Hân, viết lách tự do, sinh năm 1974, tuổi Dần. Ai không sợ bị thịt thì cứ nhào vô”.
Ba ngày sau khi đăng hai câu giới thiệu ấy. Hân nhận được rất nhiều thư nhưng cô khá ấn tượng trước một lá thư khiêu khích không kém trong hộp mail: “Nguyễn Đăng Khương, thiết kế nội thất, tuổi Mèo. Mèo là chú của cọp nên không sợ bị thịt, sẵn sàng nhào vô”.
Đọc e-mail, Hân khinh khỉnh: “Nhỏ hơn một tuổi à? Cũng không đến nỗi”.
Thế nhưng, Khương chỉ mới 20 xuân xanh, thua Hân 13 tuổi, vẫn đang học đại học. Cũng là Mèo nhưng đi sau Hân hơn một con giáp. Buổi hẹn hò offline đầu tiên ở Hands, quán cà phê yêu thích của Hân nhìn khuôn mặt búng ra sữa của Khương, Hân suýt té ghế. “Em trêu tôi đấy à?”, Hân gằn giọng.
Khương tỉnh queo: “Ban đầu định là vậy nhưng bây giờ thì không. Chị đẹp hơn em nghĩ”, Hân xô ghế đứng dậy, quay đi không thèm ngó lại.
Thế nhưng Khương không dễ bảo như Hân nghĩ. Một tháng sau buổi hẹn hò thất bại ấy, Khương xuất hiện trước mặt Hân, cũng tại Hands, với dáng vẻ hoàn toàn khác. Tóc húi cua, hàm râu quai nón gọn gàng, vóc dáng cao ráo, săn chắc nổi bật trong chiếc áo pull màu đỏ vang và quần bò bạc thếch. Trước ánh mắt sững sờ của Hân, Khương nhe răng: “ Sao? Bây giờ tôi xưng anh với Hân được chưa?”. Hân tự rủa sả mình sao lại tiết lộ quán cà phê Hands và cả thói quen ngồi đồng ở đây để Khương biết đường mò đến. Cô đốp chát ngay: “Trừ khi em tẩy được cả giấy khai sinh”.
“Giấy tờ không quan trọng, một người làm việc tự do, chẳng bao giờ ký hợp đồng như em hẳn phải hiểu điều đấy chứ”, Khương đốp chát lại.
“Nhưng như vậy không có nghĩa em có thể lớn lên bằng tôi”, Hân phản bác.
Khương gân cổ cãi: “Cũng không có nghĩa là anh nhỏ hơn em, phải không? Thôi thì em cứ xem anh như là một con mèo, còn em là một con cọp, bỏ qua chuyện tuổi tác, được không?”. “Chị không rảnh để chơi với em, nhóc à!”. “Vậy có rảnh để yêu không?”. “Không, chỉ rảnh để cưới thôi”.
Khương im lặng. Hân vẫn giữ gương mặt điềm tĩnh nhưng trong bụng hò reo chiến thắng. Đàn ông nào cũng vậy, nghe đám cưới là rụt vòi, huống chi Khương chỉ mới 20 tuổi, còn thích bay nhảy. Thật tình, Hân cũng thấy tiếc cậu chàng đẹp trai này nhưng giá 20 nhân thêm cho hai thì còn có cơ may…
Đột ngột, Khương lên tiếng: “Em hứa đấy nhé, rảnh để cưới, ghi cho anh địa chỉ nhà em, mai anh sang nhà hỏi cưới”.
Hân sa sầm nét mặt: “Đùa đủ rồi đấy, cậu làm tôi bực rồi đấy!”.
Khương vẫn kiên nhẫn: “Người ta bảo con gái yêu thường muộn chồng. Nếu lấy chồng sớm thế nào cũng goá bụa. Em bây giờ lấy chồng được rồi, anh cũng không sợ bị em khắc chết”.
Hân bật cười, không thể nghĩ ra thêm lý do để xua đuổi con mèo si tình từ trên trời rơi xuống này. Vậy là yêu nhau!
Một ngày mưa, Hân nằm cuộn tròn tấm chăn mỏng, gối đầu lên ngực Khương, thì thầm: “Em muốn sinh con”, Khương ngái ngủ: “Bao giờ?”.
“Ngay bây giờ “. Khương giật mình, tỉnh cả ngủ, mắt mở to: “Em đùa à?”.
“Không, em nói thật. Em đã hơn 30 tuổi rồi, cũng đã đến lúc sinh con”. Khương im lặng. Hân lại tiếp: “Anh không cần lo. Em tôn thờ chủ nghĩa độc thân nên chỉ muốn sinh con chứ chẳng ràng buộc trách nhiệm gì ở anh cả. Nếu thích, anh có thể đến thăm con, không thì thôi, em chẳng mang con đến mè nheo hay làm phiền anh đâu”.
Khương vẫn im lặng.
“Chắc lại sắp vùng ra khỏi chăn và bỏ chạy. Rồng hay mèo hay ngựa thì cũng nhát như nhau cả, ôi đàn ông”. Hân nghĩ một cách ca thán. Trải qua vài ba mối tình, Hân không còn ngạc nhiên hay đau lòng trước phản ứng hiện giờ của Khương. Những người tình trước của cô có say đắm đến mấy cũng bỏ chạy khi nghe đến chuyện sinh con.
Khương bước ra khỏi chăn thật nhưng không khoác áo và rời khỏi phòng như những anh chàng khác.
Anh lặng lẽ rít thuốc hồi lâu rồi bảo: “Mình cưới nhé!”. Hân tưởng mình nghe lầm: “Sao?”.Khương quay lại nhìn cô, cười dịu dàng: “Đám cưới, anh nói là mình làm đám cưới”. Đến lượt Hân im lặng, cô chưa lường trước tình huống này.
Video đang HOT
Nhìn vẻ mặt của Khương, Hân biết anh không đùa. Hân khinh khỉnh: “Anh không cần vì đứa con mà cưới cả con vợ già đâu. Em nói rồi, em tôn thờ chủ nghĩa độc thân”.
Khương bật cười, dụi đầu vào ngực Hân: “Anh không vì đứa con mà cưới em. Anh muốn dùng đám cưới để hợp thức hoá mong ước sinh con của em, không được sao? Bỏ quách cái chủ nghĩa độc thân của em đi, cũng đã đến lúc em cần một gia đình đúng nghĩa rồi đấy cưng” và anh hôn cô thật nồng nàn.
Khương nói là làm nên ngay tuần sau, anh đưa cô về ra mắt mẹ và xin cưới. Bố Khương mất từ khi anh còn nhỏ, nhà chỉ có hai mẹ con. Mẹ Khương đón Hân bằng ánh mắt sắc sảo pha chút lạnh lùng.
Khương chỉ mới hơn 21 tuổi, chưa đến lúc lập gia đình, bà tự hỏi ở cô gái này có điều gì khiến con trai mình say mê đến vậy. Hân rợn người khi mẹ Khương đưa mắt “chiếu tướng” cô từ đầu đến chân mình.
Cô chưa từng biết sợ ai hay điều gì nhưng giờ đây, tim cô đang đập mạnh. Rõ ràng, mẹ Khương không như những trở ngại mà Hân từng đối đầu.
Sau mấy phút căng thẳng, bà tằng hắng hỏi: “Cháu là người ở đâu?”. “Dạ, cháu sinh ra ở Sài Gòn nhưng cả nhà cháu đã qua Mỹ định cư, chỉ còn mình cháu ở đây thôi ạ”.
“Sao cháu không đi theo họ?”.
“Dạ, tại vì cháu thích ở Việt Nam”, Hân đáp hơi khiên cưỡng, không lý nào lại nói với mẹ chồng tương lai rằng mình ở lại Việt Nam lúc ấy chẳng qua vì mối tình đầu với một anh chàng kiến trúc sư.
“Cháu bao tuổi rồi?”.
Hân lúng túng. yêu Khương đã hơn năm nhưng cô vẫn ngại khi thú nhận với ai đó cô hơn anh 13 tuổi, dù sau khi Khương nỗ lực thay đổi ngoại hình, trông cô chẳng đến nỗi già hơn anh.
Ngay lập tức, Khương đỡ lời cho người yêu: “Dạ, cô ấy tuổi Dần ạ”.
Gương mặt mẹ Khương bỗng biến sắc, bà gằn giọng: “Tuổi Dần thì không được, không cưới xin gì cả”. Khương thảng thốt: “Sao vậy mẹ?”.
“Sao trăng gì? Con gái tuổi Dần lấy chồng sớm có số sát phu, con thừa biết mà”.
“Trời ơi, đó chỉ là chuyện vớ vẩn. Sao mẹ tin được”.
“Không vớ vẩn, nếu muốn, hai đứa chờ mười năm sau, bước qua tuổi 30 rồi cưới”. Mẹ Khương nói với giọng đắc thắng, bà thừa biết chẳng đứa con gái nào chịu điều kiện vô lý này.
Khương cũng đắc thắng đáp ngay mà quên mất điều mình đang cố giấu: “Cô ấy đã qua ba mươi rồi mẹ ơi”. Nhìn đôi mắt mở to của mẹ Khương lúc ấy, Hân rên thầm trong bụng: “Thôi rồi”.
Sau ngày hôm ấy, sóng gió phủ chụp lên mối tình của họ. Mẹ Khương kiên quyết phản đối, thậm chí lấy cái chết để doạ con. Khương cố gắng thuyết phục mẹ nhưng vô ích. Sợ Hân buồn, anh khuyên cô kiên nhẫn cho anh thêm thời gian.
Trước mặt Khương, Hân luôn tỏ ra điềm tĩnh nhưng đêm về, cô ôm gối khóc. Đã lâu lắm rồi từ sau mối tình đầu tan vỡ cũng bởi định kiến tuổi Dần, Hân mới khóc vì một người đàn ông.
Nửa năm sau, mẹ Khương tìm gặp Hân. Cô hẹn bà ở Hands vào ngày 28 Tết, ngày làm việc cuối cùng trước Tết Nguyên Đán của Hands. Năm nào cũng vậy, Hands luôn đóng cửa vào 28 Tết và khai trương lại vào mùng Bốn. Hân vẫn còn nhớ ngày đầu tiên mình lồng tay vào tay Khương cũng là 28 Tết.
Hands nằm cuối một con hẻm nhỏ yên tĩnh giữa trung tâm thành phố sầm uất. Người không biết khó có thể tìm ra Hands giữa những con đường ngoằn ngoèo và chi chít như bàn cờ. Hands nhỏ, có chưa đến năm cái bàn nhưng nhờ vậy mà tuyệt đối yên tĩnh. Hân vẫn thường một mình đến Hands với chiếc laptop, ngồi vào chiếc bàn kê sát ô cửa sổ trắng và gõ lóc cóc viết bài. Và giờ đây, cô cũng đang ngồi ở chiếc bàn ấy, đối diện với mẹ Khương.
Mẹ Khương mở đầu chuyện một cách nhẹ nhàng: “Cháu có thật sự muốn làm con dâu của bác không?”.
Hân im lặng, cân nhắc hồi lâu và khẽ đáp: “Cháu thật sự muốn làm vợ Khương và cháu mong bác đồng ý”.
Vẫn giữ vẻ tự nhiên, bà hỏi: “Cháu nghĩ Khương muốn cưới cháu vì điều gì?”. Hân im lặng, cô muốn trả lời vì tình yêu nhưng không hiểu sao không thể thốt nên lời. Mẹ Khương mỉm cười ý nhị: “Cháu không đủ can đảm để trả lời vì tình yêu, đúng không?”. Hân mím chặt môi: “Bác muốn nói gì?”.
Mẹ Khương vẫn điềm tĩnh: “Bác muốn cháu chủ động rời xa Khương trong một năm, không liên lạc và không giải thích bất kỳ điều gì cả. Nếu nó thật sự yêu cháu, nó sẽ vượt qua khoảng thời gian ấy và sẵn lòng chờ cháu quay về. Khi ấy, bác sẽ không phản đối chuyện đám cưới nữa. còn ngược lại, tình cảm hiện giờ nó dành cho cháu chỉ là đam mê nhất thời và hai đứa nên kết thúc. Bác cũng đang thắc mắc liệu cháu có thật sự tin là Khương yêu mình không hay chỉ đang say mê một phụ nữ từng trải và có chút nhan sắc. Sao? Cháu có tự tin để thử không?”.
Bằng những nhận xét tinh tế của mình, bà thừa hiểu Hân là cô gái ngang tàng và có lòng tự tôn rất cao. Bà biết mình đã đánh trúng đòn và chắc chắn Hân sẽ đồng ý. Một cách chậm chạp, Hân khẳng định lại điều bà đang nghĩ: “Quyết định như vậy, bác nhé!”.
Một năm trôi qua, Hân đang ngồi trên taxi đến Hands. Cây kim giờ trên tay của cô đang nhích dần đến số 11. Đêm đã khuya nhưng Sài Gòn vẫn chưa muốn ngủ. Hôm nay là 28 Tết. “Lại là ngày 28, không biết nên yêu thương hay nguyền rủa nó đây?”, Hân vừa nghĩ vừa nhìn mông lung.
Không khí hội hè phủ khắp nơi nhưng lòng Hân trống rỗng. Cô vừa mong gặp lại Khương vừa sợ mình sẽ thất vọng.
Một năm qua, giữ đúng lời hứa vời mẹ Khương, Hân bẻ sim điện thoại, thay đổi chỗ ở, đóng cửa Facebook, không đến Hands và bất cứ nơi nào khác mà Khương có thể tìm đến. Cô vác ba lô đi khắp nơi, từ Đà Lạt, Nha Trang đến Hà Nội, Sa Pa… Cô đi vừa để viết bài vừa để quên đi nỗi cô đơn đang giày vò mình.
Hân biết ở Sài Gòn, Khương đang điên cuồng tìm cô. Hân đau lòng khi nghĩ đến gương mặt hốc hác và đôi mắt trũng sâu của anh. Ngày nào, Khương cũng gửi e-mail cho Hân và giăng trên Facebook lời van xin tha thiết: “Hân, em đang ở đâu? Đừng tránh mặt anh nữa!”. Hân đọc hết, biết hết nhưng im lặng. Cô chỉ biết động viên chính mình và đánh dấu chéo vào quyển lịch cầm tay khi mỗi ngày trôi qua.
Đã có lúc Hân tưởng mình bỏ cuộc khi những lá e-mail của Khương thưa dần rồi mất hẳn. Dòng chữ tha thiết trên Facebook đã được thay bằng những câu cập nhật cuộc sống thường ngày của anh.
Thỉnh thoảng, Khương lại khoe những tấm ảnh anh chụp khi đi du lịch đâu đó, vây quanh anh luôn có những cô gái xinh đẹp và trẻ trung. Hình ảnh đó làm Hân vừa ghen vừa có cảm tưởng mình như bị xóa sổ khỏi cuộc đời của Khương.
Những lúc ấy, Hân ngồi lặng câm trước laptop và nhếch mép: “Đàn ông…” nhưng nước mắt lại rơi trên má cô nóng hổi. Hân quệt đi ngay, dù gì, đây cũng không phải lần đầu tiên cô không được lựa chọn.
Là con gái tuổi Dần, Hân đã khá quen với điều này. Người tình đầu của Hân cũng đã không thể vượt qua định kiến của gia đình và bỏ rơi cô chỉ vì hai chữ “tuổi Dần”. Với những người tình sau, Hân chẳng bao giờ đặt quá nhiều hy vọng vào họ. Rồi cũng như nhau cả thôi!
Thế nhưng lần này khác, Hân biết mình yêu Khương, yêu thật sự kể từ sau mối tình đầu nên cô không thể dễ dàng bỏ cuộc. Máy bay bà già thì đã sao? yêu thì đã sao? Chẳng lẽ cô không được quyền yêu như bao người phụ nữ khác? Và Hân vẫn ôm ấp một hy vọng nhỏ nhoi, vẫn đánh dấu chéo vào quyển lịch cầm tay khi mỗi ngày trôi qua. Cô chờ ngày được gặp lại Khương.
Chiếc taxi đỗ xịch trước con hẻm nhỏ cắt ngang những dòng suy nghĩ của Hân. Cô thanh toán cước phí rồi lặng lẽ gõ chân trên con đường lồi lõm quen thuộc. Bây giờ là 11 giờ rưỡi đêm 28 Tết và cô đang đến Hands. Nếu thật sự yêu và còn nhớ Hân, Khương chắc chắn đang đợi cô ở Hands, ít nhất là qua 12 giờ đêm nay.
Hands không khác một năm trước là mấy. Vẫn một mảng tường trắng in đầy những dấu tay bằng sơn đủ màu của các vị khách, vẫn những chiếc bàn gỗ mộc mạc được lau chùi sạch sẽ đến bóng loáng, vân những cây mai giả nhỏ xíu đặt trên bàn và những phong bao lì xì đỏ đính lục lạc đong đưa reo vui bên ô cửa sổ…
Hân đưa mắt tìm kiếm chiếc bàn kê sát ô cửa sổ trắng. Tim cô như rơi tõm xuống. Chiếc bàn trống không. Hân đưa mắt nhìn quanh. Hands vẫn còn lác đác dăm vị khách nhưng tuyệt nhiên không có người cô muốn tìm.
Hân tưởng như mình không đứng vững. Một cơn khó thở dâng lên khiến tim Hân đau thắt. Cô ôm lấy lồng ngực, lê chân khó nhọc về phía chiếc bàn quen thuộc và gọi một ly cappuchino. Mọi vật trước mắt cô nhoè đi. Hân biết mình đang khóc. Cô quệt nước mắt và cố gượng cười với cô phục vụ, nhưng nụ cười của cô phản chiếu xuống vệt nước trên mặt bàn trông méo mó và thảm hại như nụ cười của anh hề vào ngày rạp xiếc vắng khách.
Cô phục vụ ái ngại hỏi: “Chị không sao chứ?”. Hân lắc đầu, cố pha trò: “Không, chỉ là tôi có hẹn một người quan trọng nhưng lại bị cho leo cây”.
Cô phục vụ cợt vỗ tay lên trán: “à, thì ra là chị” rồi quày quả đi về phía quầy bar. Cô gái trở lại với một chiếc máy MP3 và bảo: “Sáng nay, có một anh chàng cũng nói câu tương tự như chị vậy. Anh ấy nhờ tôi trao lại thứ này cho cô gái nào ngồi ở chiếc bàn kê sát cửa sổ và cũng bị người ta cho leo cây”.
Hân đón chiếc máy từ tay cô phục vụ, tim cô đập mạnh liên hồi. Tay run run, cô gắn tai nghe và nhấn nút play. Giọng Khương vang lên trầm ấm như đang ở thật gần: “Em đang khóc vì anh đã không đến, có phải không? Anh đã chờ em suốt một năm qua ở Hands và lần nào, anh cũng thất vọng ra về. Anh liên lạc với em bằng mọi cách nhưng vô ích. Anh biết em vẫn quan sát anh từng ngày, anh van xin em rồi khiêu khích em trên Facebook để em xuất hiện nhưng tất cả đều công cốc”.
“Anh tự hỏi mình đã làm gì sai để em phải xa lánh anh như vậy? Sáng nay, anh đến Hands từ rất sớm và chờ em đến tận trưa. Em vẫn mất hút. Anh thật sự không đủ kiên nhẫn nữa. Khi em nghe được những lời này, anh đã ngồi trên máy bay sang Pháp. Anh sẽ làm việc ở đó trong ba năm và có thể lâu hơn. Có lẽ chúng ta không còn gặp lại nhau. Chúc em mạnh khoẻ và hạnh phúc”.
Những lời cuối của Khương như nhoè đi. Hai tai Hân lùng bùng, cô ngồi phỗng như tượng rồi đột ngột đứng bật dậy.
“Không thể như thế! Mình phải ra sân bay”, Hân hốt hoảng vùng chạy. Cô va mạnh vào chiếc bàn và đánh đổ ly cappuchino. Dòng cà phê nóng rẫy đổ trên tay cô nhức buốt nhưng Hân không quan tâm.
Cô luýnh quýnh chạy đi nhưng vấp phải chiếc ghế và ngã sõng soài. “Mình và Khương không thể kết thúc như vậy, không thể”, Hân bật khóc ngon lành như một đứa trẻ.
Chợt một đôi tay mạnh mẽ nâng cô dậy và ôm siết cô vào lòng. Mùi da thịt quen thuộc khiến Hân như bừng tỉnh. Trước khi Hân kịp nhận biết điều gì đang xảy ra, một nụ hôn nồng nàn gắn chặt lên môi cô và giọng Khương thầm thì: “Em là cọp mà sao mít ướt thế? Anh mới trêu một tí đã khóc, vậy mà nỡ bỏ anh đi suốt một năm trời?”.
Hân lắp bắp:”Anh… anh… không phải là anh…”. Khương mỉm cười dịu dàng: “Anh chẳng đi đâu cả, có đi cũng phải tha con cọp này cùng đi. Anh chờ em ở đây suốt một năm qua. Em ác lắm, thoả thuận với mẹ mà chẳng nói với anh câu nào”.
“Anh biết hết rồi sao?”.
“Sáng nay, mẹ đã kể hết cho anh nghe và dặn anh phải đến đây đón em. Mẹ biết chúng ta yêu thương nhau thật lòng nên không phản đối nữa. Về nhà thôi em, mẹ đã làm thức ăn khuya, chờ con dâu tương lai về đó”.
Hân cứ tưởng như mình đang mơ. Cô khẽ dụi đầu vào ngực Khương, miệng cười mà mắt đỏ hoe. Những bao lì xì đỏ đính lục lạc đang đong đưa reo vui như chia sẻ niềm hạnh phúc cùng họ. Mùa xuân đã ở khắp mọi nơi.
Xong một ngụm café, bên tôi đứa con trai năm tuổi đang ríu rít: “Ba ơi! Tối mai ba dẫn con đi xem pháo bông nhé”. “Ừ! Con trai cưng của ba.”
Hạnh phúc đến thật bất ngờ và đôi lúc cũng cần bạn “vun xới và ấp ủ” nó.
Theo Guu
Hạnh phúc và mạnh mẽ với cuộc sống sau khi bỏ chồng
Con của các chị không hề thiếu thốn tình cảm khi sau khi các chị bỏ chồng, không có cha bên cạnh là thiếu thốn vậy có cha bên cạnh mà cha mẹ chì chiết lẫn nhau các chị nghĩ là đầy đủ ư?
Sau bài viết "Những người cha của thời đại mới", thông qua Facebook tôi nhận được rất nhiều email cũng như tin nhắn của các chị đọc giả. Đa số là những chị đang phải nuôi con một mình sau ly hôn. Các chị chia sẻ với tôi những nỗi niềm về cuộc sống cũng như những lo lắng dành cho con trẻ. Thế nên tôi quyết định viết thêm bài viết này để gửi đến các chị.
Nhưng điều đầu tiên tôi muốn nhấn mạnh với các chị là tôi không viết bằng tâm trạng đồng cảm. Vì tôi chưa làm mẹ bao giờ. Tôi cũng không viết theo kiểu an ủi sáo rỗng mà tôi viết bằng sự thực tế của người trong cuộc. Tôi là một đứa trẻ lớn lên trong một gia đình khuyết như con của các chị bây giờ. Chúng tôi sống cùng mẹ bên nhà bà ngoại. Cha tôi thỉnh thoảng ghé thăm và có phụ cấp tài chính để mẹ nuôi chúng tôi.
Nỗi đau đầu tiên mà người mẹ một mình nuôi con gặp phải là khi con trẻ hỏi về cha. Các chị sẽ thấy tủi thân ghê gớm. Sau đó tự mình mang mặc cảm có lỗi với con. Xin thưa với các chị đó là chúng ta dùng cái đầu người lớn vẽ vời tưởng tượng ra. Tôi hồi nhỏ cũng hỏi mẹ tôi như thế. Không bao lâu sau thì không thèm hỏi nữa. Chẳng phải tôi sợ mẹ buồn đâu. Con nít tí tuổi thì biết cái gì vui buồn của người lớn. Hỏi chỉ để hỏi, hỏi chán thì không hỏi nữa. Giống như hôm qua thích chơi búp bê, hôm nay vứt vào một xó mải mê với trò đồ hàng vậy thôi. Trẻ con thích ứng rất nhanh khi đủ tuổi cảm nhận chúng sẽ tự hiểu mà không cần lời giải thích nào cả.
Còn lỗi ư, các chị có lỗi gì? Lỗi không giữ được cha cho con mình à. Thành thật một câu xem nào, có ai mà muốn mình đổ vỡ để phải một mình nuôi con không? Có phải là các chị từng níu kéo bằng đủ cách rồi phải không? Các chị co thê làm được gì đây khi gặp phải một người muốn dứt áo ra đi. Đừng gánh cái lỗi mà mình vốn không phạm phải. Nếu ngày xưa tôi hỏi cha đâu thì khi lớn tôi thấy xót xa cho mẹ hơn. Bởi vì tôi hiểu đâu người đàn bà nào muốn điều đó xảy ra với mình, chẳng qua là hết cách.
Câu cửa miệng của các bà mẹ đơn thân thường là: "Con em không có cha bên cạnh thiếu thốn tình cảm, tội nghiệp". Người đời họ không hiểu họ nghĩ vậy thì chẳng trách làm gì. Mẹ nào mà không thương con nhưng các chị có công nhận là mẹ đơn thân thương con nhiều hơn mẹ thông thường không? Bởi vì con trẻ là tương lai, là niềm an ủi là tất cả đối với các chị. Chính vì thương con các chị chẳng những cố gắng lo cho con bằng chúng bạn. Mà còn sẵn lòng hy sinh hạnh phúc riêng tư hay từ chối một ai đó. Vậy con các chị có thiếu thốn tình cảm không? Mà phải gánh sự thương hại tôi nghiêp lên con mình. Không có cha bên cạnh là thiếu thốn vậy có cha bên cạnh mà cha mẹ chì chiết lẫn nhau các chị nghĩ là đầy đủ ư? Không thể chọn hai con đường một lúc hãy nhớ điều đó.
Ai thấy thiếu thốn chứ cá nhân tôi thì không. Thời thơ ấu bên Việt Nam tôi ở thôn quê. Gia đình tôi cũng phải lo toan chuyện cơm áo gạo tiền nhưng tôi vẫn thấy mình rất có phúc. Khi có được một người mẹ yêu thương chị em tôi hơn mọi thứ trên đời. Xét cho cùng tôi thấy mình vẫn hơn vài đứa bạn có cha có mẹ. Nhưng cha thì rượu chè say xỉn đánh vợ chửi con, mẹ thì lê la đề đóm cờ bạc. Chẳng mấy khi ngó ngàng quan tâm dạy dỗ con cái mà đôi khi vô tình khiến con tiếp thu cái xấu từ họ. Có cha mẹ như thế và không đủ cha mẹ như tôi cái nào mới đáng thương hơn? Chính vì suy nghĩ như vậy tôi không hề thấy buồn vì gia đình khuyết của mình. Ngược lại tôi còn cho rằng tôi có được ngày hôm nay tất cả nhờ vào nghị lực mà tôi học được từ gia đình khuyết của mình.
Chẳng biết từ bao giờ người ta cứ luôn cho rằng những đứa trẻ trong gia đình khuyết thường dễ hư hỏng. Một con người trở nên tốt xấu do môi trường sống xung quanh tác động. Kế tiếp là được giáo dục ra sao và còn nhiều nguyên nhân khác nữa. Đâu có cái nghiên cứu nào bảo con nít trong gia đình khuyết bố hay mẹ lớn lên đều hư hỏng hết đâu. Khối đứa đủ cha đủ mẹ được thương yêu chiều chuộng hư thì vẫn hư. Ngược lại những người thành đạt có xuất thân từ gia đình khuyết thì ít nghe ai nhắc tới. Mặc dù những người sinh ra từ gia đình khuyết luôn chiếm tỷ lệ cao trong tổng số.
Có bao giờ cac chi thư quan sát những đứa bé trong gia đình khuyết chưa? Có phải là chúng mạnh dạn và tháo vát hơn những bạn bè cùng tuổi, cách nghĩ cũng già dặn hơn. Đơn giản bởi chúng hiểu thân tự lo thân thay vì trông chờ vào cha giúp đỡ như bao đứa trẻ khác. Chúng học từ mẹ tính tự lập khi nhìn mẹ tự tay thay bóng đèn, đóng đinh và làm tất tần tật những chuyện không tên khác. Lớn lên một chút chúng lập tức muốn đỡ đần phụ mẹ một tay, trong khi nhiều bạn bè khác vẫn vô tư lo ăn học. Nếu là bé gái lớn lên thường là những cô gái cá tính, thạo việc bếp núc. Nếu là bé trai thì mạnh mẽ trong cách nghĩ nhưng lại rất nhẹ nhàng va hiểu tâm lý phái nữ.
Lúc ra đời để tìm chỗ đứng, trong khi những bạn bè ỷ lại phía sau còn cha mẹ hậu thuẩn thì những đứa trẻ ấy biết rằng: Chẳng những không được ỷ lại mà còn phải cố gắng hết mình. Để có thể trở thành chỗ dựa tinh thần lẫn vật chất cho mẹ mình sau này. Chính những suy nghĩ không được ngã gục, kiên trì và nổ lực ấy là yếu tố quyết định rất lớn cho sự thành công trên đường đời.
Con mèo dạy hải âu bay thì tại sao các chị lại lo con mình không bằng ai ở tương lai. Vì chúng lớn lên từ một gia đình khuyết ư? Chỉ cần các chị yêu thương con mình bằng tình mẫu tử thiêng liêng. Chỉ cần các chị nuôi con bằng hết khả năng mình có. Không phải là nuôi theo cái kiểu trả nợ đời, cũng đừng nuôi theo cái kiểu cho có. Có thể cha của chúng từng làm các chị đau lòng nhưng đừng bao giờ trút cái hận đó lên đầu chúng. Bởi chúng vô tôi va chung là con của các chị.
Đọc tới đây hẳn có người bảo nói thì hay lắm gặp chuyện thì mới biết. Tôi có thể nói một cách chắc chắn nếu một ngày nào đó tôi không còn tìm được hạnh phúc cũng như sự yêu thương từ người hôn phối, tôi sẽ mạnh dạn đi ra làm một bà mẹ đơn thân mà không hề nao núng lo sợ. Tôi thà làm con gà mái xù lông, ưỡn ngực bới giun cho con bằng sức lực của chính mình còn hơn làm con gà mái vàng đứng cam chịu trong chiếc cái lồng hạnh phúc giả tạo. Tôi tin chắc con tôi không bao giờ oán trách vì chuyện lớn lên bên cạnh một người mẹ đơn thân. Bởi vì tôi cũng từng là đứa trẻ lớn lên trong một gia đình khuyết. Tôi chưa có lần nào giận hờn, buồn phiền mẹ mình về chuyện đó. Ngược lại, tôi yêu mẹ gấp đôi do tôi hiểu tương lai tươi sáng của tôi hôm nay được trả bằng thanh xuân và tháng ngày vất vả của mẹ mình.
Làm mẹ đã khó, làm mẹ một mình nuôi con còn khó gấp chục lần. Thế nên các chị cần mạnh mẽ cần nghị lực hơn thay vì tự ti, mặc cảm. Thời gian ngồi khóc xót thân tủi phận thì hãy dùng vui chơi cùng con trẻ. Nuôi dạy làm sao để con của các chị sau này ngẩng cao đầu và nói với người đơi răng: "Tôi được nuôi dạy từ một người mẹ đơn thân". Đó chính là câu trả lời hay nhất dành cho những dè bỉu, định kiến mà các chị đang phải chịu đựng hôm nay. Chỉ đơn giản vậy thôi.
Theo Afamily
Đàn bà không đẹp khó vui lâu... Sinh ra với kiếp phận đàn bà, em cần phải đẹp, phải nỗ lực không ngừng để đẹp. Em đẹp là cách em tôn trọng chính em và kiêu hãnh sống trên mặt đất. Em đẹp để điểm tô cho thế giới này. Mà cái đẹp thì bao la và khôn cùng. Lâu rồi Facebook xôn xao về một bài báo: "Cô gái...