Tĩnh Túc khúc tráng ca
Những ai có dịp qua Tĩnh Túc hẳn đã có lần ngang qua một nghĩa trang liệt sĩ nhỏ bé nằm bên quốc lộ 34 nối giữa Cao Bằng và Hà Giang.
Nghĩa trang liệt sĩ mỏ thiếc Tĩnh Túc hiện nay – Ảnh: Trường Sơn
Có lẽ không nhiều người biết, những liệt sĩ ở đây hầu hết hy sinh ở tuổi mười tám đôi mươi để bảo vệ mảnh đất biên cương vào mùa xuân 1979 đều là những công nhân của mỏ thiếc Tĩnh Túc.
Nghĩa trang liệt sĩ mỏ thiếc Tĩnh Túc khiêm tốn nằm ven quốc lộ 34 là nơi an nghỉ của 17 liệt sĩ. Ngoài 2 chiến sĩ công an hy sinh vào năm 1980 thì 15 liệt sĩ còn lại đều ngã xuống vào những ngày đầu tiên khi quân Trung Quốc bất ngờ nổ súng tấn công Việt Nam trên toàn bộ 6 tỉnh biên giới phía bắc hồi tháng 2.1979.
Hy sinh cho đồng đội rút lui
Ngày 19.2.1979, thời điểm liệt sĩ Phạm Văn Luân anh dũng hy sinh để bảo vệ cây cầu Tà Sa thì con trai vừa tròn một tháng tuổi. 35 năm sau, anh Phạm Ngọc Sơn lại tiếp bước người cha liệt sĩ làm việc ở mảnh đất tiền tiêu của Tổ quốc. Những ký ức về sự hy sinh của cha mình, anh Sơn chỉ được biết qua lời kể của những người đồng đội có mặt trong trận chiến hôm ấy. Quê gốc ở Ninh Bình, sau khi học tập ở Nga về, ông Phạm Văn Luân được phân công lên công tác tại Tĩnh Túc từ năm 1976. Khi chiến tranh xảy ra, ông Luân mới 24 tuổi và đang là công nhân phân xưởng tuyển khoáng mỏ thiếc Tĩnh Túc.
“Các chú các bác kể lại rằng khi thấy lực lượng của ta hy sinh và thương vong quá nhiều, cha tôi lúc đó với cương vị là trung đội phó đã một mình dùng súng trường K50 và một khẩu trung liên của trung đội bắn kiềm chế, tiêu diệt, thu hút hỏa lực địch cho đồng đội rút lui. Cha tôi hy sinh ngày 19.2 nhưng mãi tới tháng 3.1979 ông mới được tìm thấy ở gần nơi diễn ra trận chiến. Lúc đầu ông còn bị nghi ngờ là đã đầu hàng và được đưa qua biên giới. Tìm thấy thi thể rồi ông mới được minh oan”, anh Sơn ngậm ngùi kể lại. Sau khi hy sinh, liệt sĩ Luân đã được truy tặng Huân chương Chiến công và Huân chương Chiến sĩ vẻ vang.
Khúc tráng ca
Đã 35 năm trôi qua nhưng ông Hoàng Quốc Bình, Chủ tịch UBND thị trấn Tĩnh Túc vẫn nhớ như in những thời khắc đầy bi tráng đã diễn ra trong ngày 19.2.1979 ấy. Lúc đó ông Bình cũng đang là một thành viên của lực lượng tự vệ mỏ thiếc. Ngay sau khi được tin Trung Quốc nổ súng tấn công trên toàn tuyến biên giới phía bắc (17.2.1979), lực lượng tự vệ của mỏ thiếc đã được lệnh tập trung chuẩn bị chiến đấu. Thời kỳ đó, Tĩnh Túc được coi là một trong những khu công nghiệp có vị trí đặc biệt quan trọng không chỉ của Cao Bằng mà còn của cả nước. Trước khi xảy ra chiến sự khu vực mỏ thiếc đã được xác định là một mục tiêu trọng yếu cần được bảo vệ.
Video đang HOT
Sau khi nhận lệnh tập trung, trung đội tự vệ mỏ gồm khoảng 30 người đã di chuyển lên hướng tây để chuẩn bị chặn địch. Nhưng đến chiều tối 18.2, đơn vị lại nhận mệnh lệnh mới chuyển sang hướng đông, cách mỏ chừng 30 km để bảo vệ khu vực nhà máy thủy điện và cầu Tà Sa (xã Bắc Hợp, huyện Nguyên Bình). “Cùng với một số đồng chí ở huyện đội chúng tôi lên xe đi luôn và ngay trong đêm đó anh em đã có mặt trên chốt”, ông Bình nhớ lại.
“Trận chiến diễn ra không cân sức, anh em cố cầm cự đến trưa, sau khi thấy có quá nhiều thương vong thì buộc phải rút lui theo nhiều ngả. Trong trận đánh ấy 15 anh em trong đội tự vệ của mỏ thiếc Tĩnh Túc đã ngã xuống mảnh đất này… Đầu những năm 80, nghĩa trang được xây dựng và quy tập anh em về đây”, ông Hoàng Quốc Bình kể lại.
Trong những ngày sau đó, địch đã vấp phải sự chống trả kiên cường của các lực lượng dân quân tự vệ Cao Bằng và chịu nhiều tổn thất nặng nề. Mục tiêu đánh chiếm phá hoại mỏ thiếc Tĩnh Túc đã bị các lực lượng của ta ngăn chặn. Nơi địch tiến vào gần nhất cũng cách mỏ thiếc khoảng 28 km. Đến ngày 5.3.1979, sau khi chịu nhiều tổn thất nặng nề trên toàn tuyến biên giới, địch đã phải rút quân hoàn toàn khỏi lãnh thổ ta.
Cải tạo, nâng cấp Nghĩa trang liệt sĩ mỏ thiếc Tĩnh Túc
Thể hiện sự biết ơn sâu sắc đối với các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống để bảo vệ chủ quyền Tổ quốc, Báo Thanh Niên phối hợp Tỉnh đoàn Cao Bằng sẽ tổ chức cải tạo, nâng cấp Nghĩa trang liệt sĩ mỏ thiếc Tĩnh Túc. Tổng số vốn đầu tư cho công trình khoảng 1,9 tỉ đồng, do Công ty CP đầu tư xây dựng và phát triển hạ tầng Nam Việt Á tài trợ. Đây cũng là công trình tưởng niệm có ý nghĩa nhân dịp kỷ niệm 35 năm chiến thắng cuộc chiến tranh xâm lược biên giới phía bắc (1979 – 2014).
Trường Sơn
Theo TNO
Những "chiến dịch" khai quật mộ liệt sĩ rầm rộ: "Đội mồ" tố cáo nhà ngoại cảm
Trong thực tế, không phủ nhận có những trường hợp tìm được hài cốt qua ngoại cảm (khẳng định qua giám định gene), nhưng tỉ lệ tìm đúng chỉ là con số rất nhỏ trong những "chiến dịch" khai quật hài cốt liệt sĩ rầm rộ của đội quân đông đảo các nhà ngoại cảm.
Bác sĩ Nguyễn Đình Thường - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam - kể, ông có người em trai hy sinh trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ, sau nhiều năm tìm kiếm vẫn không có thông tin về nơi liệt sĩ hy sinh, gia đình đã lập mộ gió để hương khói.
Mặc dù vậy, gia đình BS Thường vẫn kiên trì lần tìm hài cốt người em, gia đình ông đã đến nhờ nhà ngoại cảm có tiếng - P.T.B.H - được phán rằng, hài cốt của LS bây giờ không còn xương cốt nữa, tan hết vào đất rồi.
Không mất hết hy vọng, gia đình lần tìm từ đồng đội, đơn vị chiến đấu, nơi hy sinh của LS..., cuối cùng gia đình tìm được nơi an táng LS và biết rằng phần hài cốt đã được quy tập về nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9.
Theo hồ sơ lưu trữ tại nghĩa trang, được biết có ba phần mộ được quy tập về từ nơi đơn vị an táng LS, gia đình xin lấy mẫu hài cốt của ba phần mộ đem giám định gene, kết quả đã xác định được phần hài cốt của LS em BS Thường. Sau đó, gia đình đã xin đưa hài cốt về nghĩa trang liệt sĩ quê nhà ở huyện Ứng Hòa, Hà Nội.
Năm 1971, anh Nguyễn Viết Thuấn (SN 1951, quê ở An Thọ, xã An Khánh, huyện Hoài Đức, Hà Tây cũ) là người anh trai cả trong gia đình 5 anh em, vì người "thấp bé nhẹ cân" nên không được gọi nhập ngũ. Thấy bạn bè trang lứa nô nức lên đường nhập ngũ, không biết chữ, anh Thuấn nhờ người viết đơn, cuối cùng ước mơ được cầm súng chiến đấu của anh Thuấn cũng đã toại nguyện.
Gần một năm sau ngày đất nước giải phóng, tháng 3.1976, gia đình nhận được giấy báo tử của LS Nguyễn Viết Thuấn. Không quên lời bố dặn trước lúc nhắm mắt xuôi tay về việc tìm hài cốt anh trai, anh Nguyễn Viết Tuynh - em trai LS Thuấn - cùng gia đình ròng rã hàng năm trời tìm kiếm qua nhiều kênh thông tin mà vẫn bặt âm vô tín.
Năm 2008, hay tin người xã bên đã tìm được phần hài cốt LS qua ngoại cảm, gia đình anh Tuynh cũng đến "gõ cửa" nhà ngoại cảm N.Đ.P ở Hà Nội. Sau khi đặt lễ, tiền, nhà ngoại cảm này đã chỉ ra nơi LS Thuấn đang yên nghỉ tại nghĩa trang LS huyện Bình Long (Bình Phước).
Từ Hà Nội, nhà ngoại cảm này còn giỏi đến mức mô tả kỹ càng phần mộ được xác định là của LS Thuấn, trên mộ có vết sứt chéo, có những cây cỏ gì. Thậm chí, nhà ngoại cảm này còn cho biết quản trang là nữ. Khi đến tận nơi, trước những gì nhà ngoại cảm chỉ từ khoảng cách xa gần 2.000km, gia đình anh Tuynh thấy trúng phóc 100%.
Sau đó, gia đình LS Thuấn cũng đã thực hiện được nguyện ước của người cha, đưa được hài cốt LS Thuấn về an nghỉ tại NTLS quê nhà, được chính quyền và nhân dân trọng thể đón. Vì thấy nhà ngoại cảm nói trúng quá, nên gia đình không tiến hành giám định gene.
Anh Đinh Văn Toán (quê Ý Yên, Nam Định) có người em gái lấy chồng ở An Giang kể: Trong những lần vào thăm em, anh được biết về một người hàng xóm là bộ đội, quê ở miền Bắc, do bị thương vào đầu nên mất trí nhớ một thời gian dài. Nay người hàng xóm đó - tên là Thuấn - đã lấy vợ tại địa phương và trí nhớ được hồi phục.
Tuy nhiên, do kinh tế gia đình khó khăn nên bác Thuấn chưa biết làm cách nào liên lạc được với gia đình. Khi biết tôi về Bắc, bác Thuấn có nói chuyện với tôi về quê hương. Tôi không biết gia đình của bác, liền gọi về chính quyền xã và có được điện thoại của người em bác Thuấn. Tôi liền báo tin cho gia đình rằng bác Thuấn còn sống, tôi chụp cả ảnh bác để gia đình nhận diện.
Anh Nguyễn Viết Tuynh khi nhìn ảnh anh trai thì không còn nghi ngờ gì nữa, vượt hơn 2.000km vào tận An Giang để "nhận" lại anh mình. Sau đó, ông Thuấn đã trở về quê hương và đứng bên ngôi mộ của mình.
Như vậy, phần hài cốt LS mà gia đình anh Tuynh đã đưa về từ nghĩa trang liệt sĩ huyện Bình Long (Bình Phước) đã làm mất cơ hội của một gia đình LS khác. Đã có rất nhiều gia đình vì quá tin nhà ngoại cảm, cất bốc cả những hài cốt liệt sĩ đã được quy tập vào nghĩa trang LS. Vì không giám định gene do quá tin tưởng vào lời phán của các nhà ngoại cảm nên họ đã làm nhiều gia đình LS khác không có cơ hội tìm lại hài cốt người thân.
Từ một vài hiện tượng ngoại cảm của hơn chục năm trước, giờ đây ở nước ta đã trở thành phong trào ngoại cảm. Đâu đâu cũng thấy xưng là nhà ngoại cảm này, nhà ngoại cảm kia có biệt tài tìm mộ LS, nói chuyện với người âm. Việc tìm kiếm hài cốt qua ngoại cảm chỉ là kênh thông tin ban đầu, gia đình LS cần xác định đơn vị chiến đấu, nơi hy sinh của LS (thông tin này Cục Quân lực Bộ Quốc phòng, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam và Trung tâm Marin có thể giải đáp, trợ giúp gia đình LS tìm kiếm) để có sự chuẩn xác và hài cốt tìm được cần được giám định gene để xác định danh tính liệt sĩ.
"Chưa bao giờ coi nhà ngoại cảm là kênh tìm mộ liệt sĩ"
Đó là chia sẻ của ông Hoàng Công Thái - Cục trưởng Cục Người có công, Bộ LĐTBXH. Ông Thái nói: Tôi xin khẳng định là từ trước đến nay Nhà nước chưa bao giờ coi nhà ngoại cảm là kênh tìm mộ liệt sĩ. Việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, Chính phủ đã giao cho Bộ Quốc phòng hướng dẫn, chỉ đạo và tổ chức thực hiện việc này.
Mọi tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước khi phát hiện nơi có hài cốt liệt sĩ, hoặc nghi có hài cốt liệt sĩ thì báo cho cơ quan quân sự địa phương để khảo sát, kiểm tra và thực hiện quy tập nếu có hài cốt liệt sĩ. Mới đây nhất - ngày 14.1.2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 150/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin. Tại đề án này, chỉ công nhận 2 phương pháp xác định hài cốt liệt sĩ là:
- Phương pháp thực chứng: Dựa vào hồ sơ của liệt sĩ; hồ sơ của đơn vị hoặc cá nhân an táng liệt sĩ; hồ sơ của các đơn vị quy tập hài cốt liệt sĩ; những di vật còn lại. Liên kết những thông tin này để kết luận về hài cốt và danh tính hài cốt liệt sĩ. Đây là phương pháp đơn giản, chính xác nhưng rất khó vì chiến tranh đã lùi xa mấy chục năm và địa hình địa vật cũng đã thay đổi, chất lượng của hài cốt và di vật cũng không còn nguyên vẹn nữa.
- Phương pháp giám định ADN: Là phương pháp có tính pháp lý và tính khoa học cao nhất. Hiện nay, các nước có nền khoa học phát triển cũng sử dụng phương pháp này để xác định huyết thống.
Tại Thông báo số 2389/TB-LĐTBXH ngày 21.7.2011, Bộ LĐTBXH cũng đã yêu cầu các địa phương: Tăng cường quản lý việc tìm mộ liệt sĩ bằng ngoại cảm, nếu có dấu hiệu lợi dụng để trục lợi thì phải xử lý nghiêm minh. Đối với những trường hợp thân nhân liệt sĩ đã phối hợp với nhà "ngoại cảm" tìm hài cốt liệt sĩ thì phải giám định ADN. Căn cứ vào kết quả giám định mới an táng trong nghĩa trang liệt sĩ và thực hiện gắn bia ghi tên.
Từ nay đến năm 2020, Nhà nước tập trung cao độ cho việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin. Bộ Quốc phòng và Bộ LĐTBXH là những cơ quan được Chính phủ giao làm thường trực cho những công việc này. Khi thân nhân muốn tìm hài cốt liệt sĩ thì liên hệ với cơ quan quân sự địa phương. Muốn xác định danh tính hài cốt liệt sĩ thì liên hệ với các sở LĐTBXH địa phương để được giúp đỡ. Thân nhân liệt sĩ không phải trả một khoản chi phí nào.
Theo Lao Động
Liệt sĩ báo mộng và chuyện có thật 100% vẫn ngỡ như mơ Mọi người đều ngỡ ngàng kinh ngạc khi thấy cô cháu dâu tính tình vốn nhút nhát bỗng đứng trang nghiêm, tay giơ lên trán, miệng hô "nghiêm" chào kiểu nhà binh trước phần mộ mới của người chú liệt sĩ vừa di dời từ Quảng Ngãi về quê. Hỏi, "An nghỉ ở đây, mộ xây thế này được chưa?", thì cô cháu...