Tính toán của Triều Tiên khi đe dọa phóng tên lửa vào Guam
Giới phân tích cho rằng ngay từ đầu Triều Tiên đã sắp xếp để họ có thể rút lui khỏi căng thẳng mà không mất mặt.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và các binh sĩ Triều Tiên. Ảnh: KCNA
Sau những lời qua tiếng lại gay gắt với Mỹ, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hôm qua hoãn kế hoạch phóng tên lửa tới đảo Guam.
Dù có phóng tên lửa hay không, Bình Nhưỡng đã gây ra nhiều kịch tính và phiền toái, chọc tức Tổng thống Mỹ Donald Trump và làm hoảng sợ các đồng minh Nhật, Hàn của Mỹ. Căng thẳng cũng có thể là dấu hiệu cho thấy Triều Tiên sẽ ngày càng sử dụng chiến thuật “bên miệng hố chiến tranh” nhiều hơn (đẩy tình hình đến mức căng thẳng rồi hạ nhiệt trước khi gặp nguy hiểm).
Nếu Triều Tiên phóng tên lửa vào vùng đặc quyền kinh tế của Guam như kế hoạch, đó sẽ là một động thái cực kỳ nguy hiểm. Vì vậy, ngay từ đầu, Bình Nhưỡng tự chừa cho mình đường ra, AP nhận xét.
Triều Tiên không bao giờ nói rằng họ sẽ tấn công đúng vào Guam và chỉ nói là đánh vào gần đảo này. Để làm rõ ý định, họ cung cấp một kế hoạch rất chi tiết về quỹ đạo dự kiến thời gian bay và khoảng cách từ nơi tên lửa rơi xuống biển với bờ biển của Guam. Quan trọng hơn, họ cũng không tuyên bố ngày lên kế hoạch bắn.
Adam Mount, chuyên gia chiến lược hạt nhân của Trung tâm Tiến bộ Mỹ, nói: “Chính quyền Kim Jong-un đã cố tình tạo ra mối đe dọa như vậy để giúp ông Kim có thể rút lui khỏi căng thẳng mà không mất mặt”. “Dù vậy, lời đe dọa Guam của Triều Tiên phức tạp hơn, đáng tin cậy và có tính đe dọa hơn bất kỳ cảnh báo nào mà Trump đưa ra tuần trước”.
“Có vẻ ngay từ đầu họ đã lên kế hoạch rút lui khỏi căng thẳng, với tính toán rằng dần dà Trump sẽ mất hứng thú. Tuy nhiên, đó không hẳn là lời đe dọa suông, nó cũng chứa đựng nhiều rủi ro”, Jeffrey Lewis, chuyên gia kiểm soát vũ khí của Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury ở Monterey, California nói.
Mặc dù đã dịu giọng về căng thẳng, Triều Tiên vẫn có thể tiếp tục thử tên lửa nếu bị gây thêm áp lực hoặc nếu họ muốn phản đối cuộc tập trận Mỹ – Hàn bắt đầu vào tuần tới.
Video đang HOT
Ngoài ra, nếu Mỹ tiếp tục phô diễn sức mạnh ở bán đảo Triều Tiên bằng máy bay ném bom B-1B, Bình Nhưỡng cũng có cớ để phóng tên lửa hoặc tuyên bố rằng họ kiềm chế không làm vậy nhưng vẫn có thể làm điều đó sau này.
Washington thường điều máy bay ném bom B-1B từ Guam đến không phận bán đảo Triều Tiên để phục vụ tập trận, hỗ trợ đồng minh hoặc răn đe Bình Nhưỡng. Lần gần đây nhất B-1B bay trên bán đảo Triều Tiên là 7/8.
“Triều Tiên có thể nói rằng nhìn này, việc chúng tôi phóng tên lửa chả khác gì các anh cho máy bay ném bom B-1 bay qua bán đảo Triều Tiên. Nếu các anh có thể ‘vươn tay và chạm’ vào chúng tôi thì chúng tôi cũng có thể làm vậy”, Robert Carlin, từng là nhà phân tích cho Bộ Ngoại giao Mỹ và CIA, nhận xét.
Phương Vũ
Theo VNE
Những lực lượng Mỹ trên tuyến đầu với Triều Tiên
Dù căng thẳng đã hạ nhiệt, các binh sĩ Mỹ đóng tại Hàn Quốc hay Guam vẫn phải đề cao cảnh giác với mối đe dọa từ Triều Tiên.
Bên trong căn cứ không quân Andersen của Mỹ trên đảo Guam. Ảnh: ABC.
Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên hạ nhiệt đáng kể sau khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un tuyên bố hoãn kế hoạch phóng tên lửa đạn đạo tới Guam. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng quan hệ Mỹ - Triều có thể nóng lên bất cứ lúc nào, đặc biệt là khi Mỹ và Hàn Quốc sắp tiến hành một cuộc tập trận lớn.
Trong trường hợp khủng hoảng Triều Tiên leo thang trở lại, lực lượng Mỹ đóng quân ở Hàn Quốc và Guam sẽ là những người đầu tiên đối mặt với mối đe dọa từ chương trình tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng.
Phóng viên Vladimir Duthiers từ CBS News đã tới những căn cứ của Mỹ quanh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương nhằm tìm hiểu cách mà các lực lượng quân sự tại đây phản ứng trước kịch bản chiến tranh với Triều Tiên hay họ đang và sẽ làm gì để ngăn nó xảy ra.
Căn cứ Kunsan
Phóng viên Vladimir Duthiers tại căn cứ không quân Kunsan, Hàn Quốc. Ảnh: CBS News.
Một cuộc chiến tranh giữa Mỹ và Triều Tiên sẽ dẫn tới kết quả vô cùng thảm khốc: Hàng triệu người chết, hàng nghìn tỷ USD thiệt hại về vật chất, trật tự kinh tế, chính trị và quân sự toàn cầu đảo lộn.
Nếu Triều Tiên phát động tấn công nhằm vào Mỹ hay các đồng minh ở khu vực, căn cứ không quân Kunsan tại Hàn Quốc, cách biên giới hơn 300 km, sẽ trở thành cơ sở chiến lược tối quan trọng. Những phi công thuộc Không đoàn Tiêm kích số 8 ở đây, với biệt danh "Đàn sói", sẽ nhận nhiệm vụ tung đòn đáp trả Bình Nhưỡng.
"Nếu có chiến tranh, căn cứ chúng tôi sẽ chuyển sang trạng thái phòng vệ", Brent Pico, phi công thuộc Phi đội An ninh số 8, cho hay. Lực lượng này, với quân số khoảng 300 phi công, được huấn luyện hàng ngày để chuẩn bị cho kịch bản căn cứ Kunsan bị kẻ thù tấn công chiếm quyền kiểm soát.
Nhiệm vụ bảo vệ Kunsan mang ý nghĩa sống còn bởi căn cứ này đóng vai trò như vùng đệm trung gian để Mỹ, đối tác và đồng minh phát động các cuộc tấn công chống lại Triều Tiên.
Phóng viên Duthiers từ CBS News có cơ hội tham gia một cuộc diễn tập tấn công giả định của Phi đội An ninh số 8. Họ tới một ngọn đồi mang tên Sói đồng cỏ Lớn, điểm cao nhất ở Kunsan. Tại đây, các binh sĩ thảo luận về chiến thuật sử dụng kết hợp vũ khí nhằm đẩy lùi tất cả những cuộc tấn công vào căn cứ.
Duthiers ngồi sau tiêm kích F-16 khi tham gia một bài huấn luyện tại căn cứ không quân Kunsan. Ảnh: CBS News.
Với tầm quan sát bao quát từ đồi Sói đồng cỏ Lớn, lực lượng an ninh có thể bảo vệ an toàn được các đường băng cho chiến đấu cơ F-16 thuộc Không đoàn Tiêm kích số 8 cất cánh, thực hiện sứ mệnh dội bom Triều Tiên hay đối phó với những cuộc không kích.
Căn cứ Andersen
Một điểm đến khác của Duthiers là đảo Guam ở Tây Thái Bình Dương, nơi Mỹ đặt nhiều căn cứ quân sự chiến lược quan trọng, đồng thời là nơi Triều Tiên tuần trước đe dọa sẽ tấn công tên lửa "bao trùm" nó.
Tư lệnh Không quân Mỹ Sam White, chỉ huy 36 nhóm tác chiến tại căn cứ không quân Andersen trên đảo Guam, giải thích tầm quan trọng của cơ sở này. "Nó có vị trí độc nhất vô nhị giúp Mỹ vươn sức mạnh tới mọi vị trí thuộc Thái Bình Dương", ông nói.
Mặt khác, các oanh tạc cơ chiến lược B1 Lancer với ưu thế về "tốc độ, thời gian hoạt động và tải trọng" tại căn cứ Andersen sẽ là vũ khí hàng đầu chống trả Triều Tiên.
"Chúng tôi ở Guam, xa hơn bất cứ ai, nhưng chúng tôi thực sự có thể tấn công bất kỳ mục tiêu nào trên toàn cầu từ đây, từ căn cứ không quân Andersen", ông White nhấn mạnh.
Vũ Hoàng
Theo VNE
Quan chức Guam vui mừng vì Kim Jong-un hoãn tấn công Giới chức Guam mừng khi Triều Tiên dường như rút lời đe dọa phóng 4 tên lửa về phía hòn đảo thuộc lãnh thổ Mỹ ở tây Thái Bình Dương. Phó thống đốc Guam Ray Tonorio (thứ hai, từ trái sang) và cố vấn an ninh nội địa George Charfauros (giữa) trong cuộc họp báo hôm nay. Ảnh: AFP. "Dựa trên những gì...