Tình tiết bất ngờ về cặp rắn hổ ‘khủng’ bắt được ở miền Tây
Chi cục Kiểm lâm An Giang đã thông tin chi tiết về cặp rắn hổ vừa bắt được tại khu vực chân núi Cấm.
Hôm nay, trao đổi với VietNamNet, ông Trần Phú Hòa, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh An Giang cho biết, chiều qua, đơn vị đã phối hợp cùng Cảnh sát môi trường tiến hành kiểm tra, xác minh việc 2 con rắn hổ khủng được nuôi nhốt tại 1 khu du lịch ở huyện Tri Tôn.
Cặp rắn hổ đang được nuôi tại 1 khu du lịch ở huyện Tri Tôn (An Giang)
Kết quả xác minh cho thấy tại khu du lịch nói trên có nuôi giữ 2 con rắn. Theo nhận dạng ban đầu đây là mang hổ mang chúa ( rắn hổ mây) – nhóm động vật quý hiếm thuộc nhóm 1b. Trọng lượng mỗi con khoảng 18 kg (không như thông tin báo chí đưa trước đó), chiều dài mỗi con khoảng 4m.
Con rắn hổ phùng mang hướng về du khách
“Chúng tôi đang nghiên cứu, tập hợp các tài liệu để báo cáo cấp trên, có hướng xử lý cặp rắn này”, ông Hòa nói.
Theo ông, hiện vẫn giao cặp rắn cho phía khu du lịch quản lý nhưng cam kết bảo đảm về chuồng nuôi cũng như an toàn cho người đến tham quan.
Theo quan sát, cặp rắn được nuôi trong chuồng bọc bằng lưới thép. Trong hai con rắn hiện có 1 con có dấu hiệu thay da.
Hiện nay có rất nhiều người bỏ tiền mua vé vào khu du lịch để xem cặp rắn hổ mây. Trong đó, có nhiều đoàn khách du lịch từ các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Vĩnh Long… đi viếng Miếu Bà ở Châu Đốc hay tin về cặp rắn đang được nuôi trong khu du lịch ở huyện Tri Tôn cũng kéo sang xem.
“Tôi quê ở huyện Thới Bình, Cà Mau cùng đoàn đi viếng Miếu Bà ở Châu Đốc, vừa đọc báo thấy bắt được cặp rắn hổ mây lớn, đang được nuôi bên khu du lịch nên qua xem. Đến đây tôi thấy cặp rắn lớn và đáng sợ thiệt.”, bà Quách Thị Sinh (63 tuổi) nói.
Rất nhiều người kéo về khu du lịch ở Tri Tôn mua vé vào xem hai con rắn hổ
Tuy nhiên, nhiều người tỏ ra thất vọng khi xem tận mắt cặp rắn hổ. “Thấy trên tivi nó lớn và dài lắm nhưng đến nơi thì khác quá. Cặp rắn này không thể nào nặng 60kg, mỗi con dài 6 – 7m được. Nặng lắm thì mỗi con 20 kg thôi”, anh Lâm (quê Vĩnh Long) nói.
“Tôi thấy cặp rắn này cũng bình thường không lớn như người ta đồn thổi”, ông Năm Đức (quê ở huyện U Minh, Cà Mau) cho biết.
Trước đó, VietNamNet đưa tin, nhóm công nhân và kỹ sư người Ấn Độ của 1 doanh nghiệp làm điện mặt trời dưới chân núi Cấm (xã An Hảo, huyện Tịnh Biên) trong lúc làm việc đã phát hiện, bắt được 1 rắn đực, 1 rắn cái và nhiều con rắn nhỏ.
Trong đó, 2 con rắn lớn có trọng lượng khoảng vài chục kg. Sau đó, doanh nghiệp này xây dựng chuồng trại nuôi cặp rắn tại khu du lịch ở huyện Tịnh Biên cho khách đến tham quan.
Theo H.Thanh (Vietnamnet)
Cặp 'rắn hổ mây' nặng 60 kg, dài hơn 6 m ở núi Cấm
Một doanh nghiệp tại An Giang thông tin nhóm công nhân làm công trình điện mặt trời tại huyện Tri Tôn đã bắt được cặp rắn khủng được cho là hổ mây nặng 60 kg, dài 6 đến 7 m.
Chiều 14/5, Chi cục kiểm lâm tỉnh An Giang cho biết đã nắm thông tin việc một doanh nghiệp trên địa bàn bắt được cặp rắn hổ mây nặng khoảng 60 kg, dài khoảng 6 đến 7 m.
"Lực lượng kiểm lâm sẽ tiến hành làm rõ thông tin về cặp rắn này để xác định chính xác là con gì. Nếu động vật quý hiếm thì cần bổ sung một số thủ tục cần thiết. Hiện tại, mình chỉ mới thấy báo chí nêu vậy thôi", lãnh đạo Chi cục kiểm lâm nói.
Thông tin từ doanh nghiệp làm dự án điện mặt trời dưới chân núi Cấm (xã An Hảo, huyện Tịnh Biên), hai tuần qua một nhóm công nhân và kỹ sư người Ấn Độ lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời đã phát hiện, bắt được ổ rắn có rắn đực, rắn cái và rắn con.
Trong đó, hai con rắn có trọng lượng khoảng 60 kg, với chiều từ 6 đến 7 m/con. Doanh nghiệp này xây dựng chuồng trại nuôi rắn tại khu du lịch ở huyện Tịnh Biên cho khách đến tham quan.
Theo ghi nhận của Zing.vn, hai con rắn rất to, khỏe. Người dân địa phương cho biết đây là loài rắn hổ mây có trọng lượng khủng.
Rắn hổ mây hay rắn hổ mang chúa (tên khoa học Ophiophagus hannah) là loài rắn thuộc họ Elapidae (họ Rắn hổ) phân bố chủ yếu trong các vùng rừng nhiệt đới trải dài từ Ấn Độ đến Đông Nam Á. Đây là loài rắn độc dài nhất thế giới, với chiều dài tối đa ghi nhận được trong tự nhiên là khoảng 7 m.
Theo Minh Anh (Zing)
An Giang: Nuôi nhốt bầy rắn hổ hèo, bán 300-400 ngàn đồng/ký "Không cần diện tích thả nuôi lớn; nguồn thức ăn cho rắn hổ hèo có sẵn trong tự nhiên, dễ tìm; người chăn nuôi không gặp khó khăn trong quá trình chăn nuôi do đây là động vật dễ nuôi, ít bị nhiễm bệnh . Chi phí đầu tư thấp, phù hợp với mọi thành phần kinh tế..." - đó là nhận định...