Tình thế “đổi chiều” vì bị hại “bỗng dưng” rút yêu cầu khởi tố
Đã 3 năm qua, vụ án cố ý gây thương tích đơn giản “hóa” phức tạp vì tỷ lệ thương tật của bị hại (cũng là bị cáo) biến thiên “xoành xoạch”. Khi dư luận bị hút vào diễn biến này thì bất ngờ bị hại rút yêu cầu truy cứu trách nhiệm với bị cáo.
Trở lại vụ án…
Gia đình ông Nguyễn Xuân Hưởng, trú tại xã Tuân Chính, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc; bố của Nguyễn Văn Duy, SN 1986 và hộ ông Nguyễn Văn Uy, bố của Nguyễn Văn Bắc, SN 1969, là chỗ họ hàng. Chỉ vì lối đi chung mà hai nhà đoạn tình. Ông Hưởng đã phải nhờ tòa phân xử và TAND tỉnh Vĩnh Phúc đã tuyên lối đi chung thuộc về hộ ông Hưởng. Tòa cũng yêu cầu, gia đình ông Uy không được cản trở hộ ông Hưởng thực hiện quyền sử dụng của mình trên diện tích và ranh giới đất nói trên. Ông Uy không bằng lòng nên kháng cáo. TAND TC bác đơn và y án sơ thẩm. Mọi sự đã rõ nhưng ông Uy không phục.
Ngày 14-4-2006, Thi hành án dân sự huyện Vĩnh Tường tiến hành cưỡng chế để giao đất cho ông Hưởng. Theo đó, ông Hưởng thuê người đến xây dựng tường rào. 7h30 ngày 20-5-2009, anh Nguyễn Văn Thụ, Nguyễn Văn Duy (con ông Hưởng) đang đào móng thì Bắc cùng một số người trong gia đình ông Uy cản trở. Họ không cho gia đình ông Hưởng thi công. Vì thế, hai bên xảy ra xô xát. Hộ ông Hưởng tạm dừng thi công và Bắc trở về nhà. Tưởng thế đã êm đẹp, nhưng thấy Duy tiếp tục xây, chị Nguyễn Thị Huệ (con gái ông Uy) lại cản và chửi bới. Ức chế, Duy đã nhặt một viên gạch đập vào thái dương và tai chị Huệ. Bị ngã xuống đất, chị Huệ vẫn cố ôm chân Duy. Đúng lúc đó, Bắc đi đến dùng búa đinh đánh anh Thụ, anh Nguyễn Văn Thuần, con trai ông Hưởng, nhưng hai người này tránh được. Ông Hưởng chạy ra can liền bị Bắc dùng búa đánh vào mặt. Thấy bố bị thương, Duy cầm xà beng lao về phía Bắc và đánh vào thái dương.
Bị cáo Duy trình bày trước tòa.
Video đang HOT
“Nhùng nhằng” chuyện thương tật
Ban đầu, Trung tâm giám định pháp y tỉnh Vĩnh Phúc kết luận, chị Huệ bị tổn hại 4% sức khỏe; ông Hưởng là 6%, và Bắc là 30%. Các cơ quan tố tụng huyện Vĩnh Tường không truy cứu trách nhiệm với Duy vì hành vi gây thương tích cho Bắc (do trạng thái tinh thần bị kích động mạnh và thương tật của Bắc dưới 31%). Theo đó, VKSND huyện Vĩnh Tường truy tố Nguyễn Văn Duy, về tội “Cố ý gây thương tích” (làm tổn hại sức khỏe của chị Huệ); Nguyễn Văn Bắc cũng bị truy tố về tội danh này vì đã hành hung ông Hưởng.
Do Bắc đề nghị trưng cầu lại tỷ lệ thương tích của mình, TAND huyện Vĩnh Tường từng trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung. Nhưng CA huyện Vĩnh Tường xét thấy không cần thiết phải giám định lại nên đã chuyển trả hồ sơ cho tòa cấp sơ thẩm. Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 5-11-2010, Bắc và luật sư bào chữa vẫn giữ quan điểm về việc giám định lại. Tòa đã tuyên trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung (giám định lại thương tích đối với Bắc). Theo đó, ngày 17-5-2012, CA huyện Vĩnh Tường có Bản kết luận số 48/KLĐT, trong đó nêu, Bắc bị tổn hại 57%. Cũng từ kết quả giám định tăng “đột ngột” này, VKSND huyện Vĩnh Tường đã truy tố thêm tội “Cố ý gây thương tích trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh” với Duy.
Duy bị quy kết về 2 tội “Cố ý gây thương tích” (gây ra với chị Huệ), “Cố ý gây thương tích trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh” (gây ra với Bắc).
Bị hại cũng là bị cáo “bỗng dưng” xin rút truy cứu!
Ngày 9-8-2012, bị cáo Bắc (cũng là bị hại) hầu tòa với vẻ “thất thần”. Bị cáo tỏ ra chậm chạm, nói không lên lời. Phần kiểm tra căn cước, vị chủ tọa đã khá vất vả khi phải nhắc lại câu hỏi với Bắc. Thế nhưng, khi HĐXX hỏi: “Tội “Cố ý gây thương tích” khởi tố theo yêu cầu của bị hại. Vậy, đến giờ, bị cáo có giữ nguyên quan điểm buộc tội với Duy không?”, Bắc đáp trả nhanh nhẹn và dõng dạc: “Người gây thương tích cho bị cáo là Thụ, anh trai của Duy”.
Bắc được xác định là bị tâm thần và hạn chế nhận thức nên chị Thiều Thị Nguyệt đại diện cho chồng tại tòa. Người phụ nữ này cũng đồng quan điểm với Bắc và đề nghị làm rõ hành vi của anh Thụ.
Khi bị hại “đột ngột” đề nghị rút truy cứu đối với Duy, đại diện VKSND huyện Vĩnh Tường thắc mắc: “Tại CQĐT, bị cáo từng đề nghị khởi tố vụ án hình sự khởi tố bị can đối với người gây thương tích cho mình dù người đó là ai?”. Vợ chồng Bắc (chị Nguyệt là người được chứng kiến mỗi lần điều tra viên lấy cung Bắc) quả quyết, chưa bao giờ Bắc nói như thế, đó là do điều tra viên tự ghi.
Bởi lẽ đó, HĐXX phiên tòa sơ thẩm đã đình chỉ tội danh “Cố ý gây thương tích trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh” đối với Duy và trả hồ sơ để làm rõ có hay không việc anh Thụ dùng xà beng đánh Bắc như lời của bị cáo.
Bắc được ngồi (bên cạnh là vợ) vì lý do sức khỏe. Ảnh: Hoa Đỗ
Nhiều cái “lạ”…
Luật sư Phạm Đắc Hải, Đoàn luật sư TP Hà Nội, bào chữa cho Duy, cho rằng, việc TAND huyện Vĩnh Tường lần thứ 3 trả hồ sơ vụ án là trái với quy định tại mục 4.3 của Nghị quyết 04/2004/NQ-HĐTP ngày 5-11-2004 của Hội đồng thẩm phán TAND TC hướng dẫn thi hành một số quy định trong phần “xét xử sơ thẩm” của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003: “Theo quy định tại khoản 2 Điều 121 của Bộ luật Tố tụng hình sự thì chỉ được ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung không quá 2 lần”.
Ông Hải cũng cho rằng, vụ án này “lùng nhùng” chính ở khâu giám định thương tích. Luật sư phân tích, Bản kết luận giám định số 182/PY/2009/TT ngày 14-10-2009 của Trung tâm giám định Pháp y tỉnh Vĩnh Phúc kết luận, Bắc tổn hại 30% là có căn cứ.
Nhưng sau đó, Viện Pháp y quốc gia lại đưa ra những căn cứ mỗi lúc một khác để kết luận về tỷ lệ thương tật với Bắc khiến vụ án thay đổi.
Trước hết, kết quả giám định lại thương tích của Bắc lần 1, ngày 20-5-2011, Viện Pháp y quốc gia khẳng định, mắt phải của Bắc có sẹo hắc võng mạc trung tâm, rách màng Bruch sau chấn thương và chấn thương mắt phải gây giảm thị lực là 41%, tổng cộng thương tích là 57%.
Ngay sau đó, ngày 10-6-2011, Viện này đã chỉnh sửa lại biên bản giám định để kết luận: “Giảm thị lực mắt phải do hậu quả của chấn thương sọ não, 41% (tỉ lệ mù vĩnh viễn theo bảng xếp hạng thương tật của Bộ LĐ-TB&XH quy định. Thực tế, Bắc vẫn sinh hoạt, làm việc bình thường như không hề bị hỏng 1 mắt – PV), tổng cộng thương tích là 57% (?).
Chưa dừng lại ở đó, ngày 10-2-2012, Viện Pháp y quốc gia có bản kết luận giám định thương tích số 21 cho rằng, mắt phải giảm thị lực do sang chấn cũ. Đáng nói, Duy bị cáo buộc dùng xà beng đánh vào thái dương trái của Bắc làm Bắc bị thương, chứ không phải đánh vào thái dương phải. Cũng ở bản giám định thương tích này, mặc dù khám chuyên khoa mắt kết luận, mắt phải giảm thị lực do “sang chấn cũ” nhưng kết luận lại là, giảm thị lực mắt phải do “chấn thương sọ não” (?).
“Trong Công văn số 28/PY-GĐTH ngày 3-11-2009, Trung tâm pháp y tỉnh Vĩnh Phúc trả lời: “Căn cứ vào giấy chứng thương của BV Việt Đức thấy, qua 2 lần điều trị tại BV không thể hiện nạn nhân bị chấn thương mắt và phần tai”. Đó cũng là lý do, Trung tâm này từ chối giám định bổ sung về mắt và tai. Vậy, căn cứ nào để Viện Pháp y quốc gia lại có thể kết luận, mắt phải của Bắc bị tổn hại. Hội đồng giám định Pháp y quốc gia đã vi phạm Điều 159 Bộ luật tố tụng hình sự về giám định bổ sung hoặc giám định lại vì đã chỉnh sửa biên bản giám định” – ông Hải nói.
Ngoài ra, luật sư Hải cho rằng, Bắc “tự dưng” bị tâm thần khiến dư luận đặt dấu hỏi. Bản giám định số 09 của Viện Giám định pháp y tâm thần Trung ương nhận định, hiện tại, Bắc có bị bệnh tâm thần, hội chứng sau chấn động não, bệnh xuất hiện sau vỡ lún xương sọ khoảng 9 tháng. Nhận xét bị cáo bị “tâm thần” là không phù hợp vì nếu Bắc mắc bệnh thì phải kết luận là bệnh tâm thần phân liệt (mất năng lực hình sự) hay suy thần cấp (trầm cảm, hoang tưởng – vẫn có thể chữa khỏi); trong chuyên môn không có cụm từ bệnh “tâm thần” (?).
Vụ án với nhiều tình tiết chưa sáng tỏ khiến câu chuyện thêm “lòng vòng”; những người trong cuộc bị cuốn vào vòng xoáy tố tụng không biết bao giờ mới thoát ra được.
Theo PLXH