Tỉnh Thanh Hóa: Cá chết trên sông Lạch Bạng do tàu thuyền ra vào
Ô nhiễm từ hoạt động của tàu thuyền ra vào cầu cảng được cho là nguyên nhân khiến cá nước lợ chết trên sông Lạch Bạng (Tĩnh Gia, Thanh Hóa).
Ngày 10/5, UBND tỉnh Thanh Hóa công bố kết luận ban đầu về nguyên nhân cá lồng chết hàng loạt tại cửa sông Lạch Bạng ( huyện Tĩnh Gia). Theo đó, hoạt động của tàu thuyền ra vào cầu cảng là nguyên nhân gây ô nhiễm nước dẫn đến cá chết. Cơ quan chức năng cũng cho rằng việc nuôi cá tại khu vực này là trái phép.
Những con cá lớn 3-5kg của ngư dân Tĩnh Gia nuôi ở cửa sông Lạch Bạng bị chết. Ảnh: Lê Hoàng.
Trước đó, khoảng 7h ngày 5/5, một số hộ nuôi cá lồng trên âu thuyền sông Lạch Bạng (xã Hải Thanh) cho cá ăn. Một giờ sau, họ phát hiện đàn cá bất thường, liên tục ngoi lên mặt nước lấy oxy rồi chết la liệt. Hiện tượng xảy ra trong thời gian ngắn và đến nay không tái diễn.
Các hộ nuôi nghi Nhà máy chế biến Hải sản Lạch Bạng (thuộc Công ty cổ phần bột cá Thanh Hóa) xả nước thải trực tiếp ra sông gây ô nhiễm. Song cả lãnh đạo doanh nghiệp và chính quyền địa phương đều không đồng tình nghi vấn này.
Người dân cho biết số cá chết khoảng 11 tấn, thiệt hại 1,8 tỷ đồng. Tuy nhiên, ông Đỗ Xuân Chung, Chủ tịch xã Hải Thanh cho hay kết quả kiểm tra không nhiều như khai báo. “Khu vực âu thuyền Lạch Bạng có 20 hộ nuôi cá lồng thì 4 hộ có cá chết với khối lượng khoảng 1,5 tấn. Hoạt động nuôi cá lồng của người dân là tự phát, khu vực này chỉ quy hoạch cho tàu thuyền neo đậu”, nhà chức trách thông tin.
Video đang HOT
Theo chính quyền địa phương, việc nuôi cá không đúng nơi quy định khởi phát từ năm 2012. UBND tỉnh Thanh Hóa đã yêu cầu di chuyển lồng cá đến khu vực khác nhằm đảm bảo an toàn giao thông cho tàu thuyền tránh trú bão nhưng bà con không chấp hành. Nay tỉnh quyết liệt dời toàn bộ số lồng bè nuôi cá của ngư dân hai xã Hải Thanh và Hải Bình (huyện Tĩnh Gia) nhằm tránh thiệt hại.
Hàng tấn cá chết được người dân cấp đông đem bán mà không tiêu hủy. Ảnh: Lê Hoàng.
Tại tỉnh Thanh Hóa, không riêng sông Lạch Bạng, mấy ngày qua cá trên sông Bưởi đoạn chảy qua huyện Thạch Thành cũng chết hàng loạt. Thống kê sơ bộ, đến sáng 7/5 đã có khoảng 17 tấn cá lồng bị chết, thiệt hại hàng trăm triệu đồng.
Bước đầu, nhà chức trách xác định, “thủ phạm” gây cá chết dọc 30 km sông Bưởi là Công ty CP mía đường Hòa Bình (có trụ sở đóng tại xã Tân Mỹ, huyện Lạc Sơn, Hòa Bình), xả thải bẩn ra môi trường.
Sông Bưởi và sông Lạch Bạng là hai hệ thống sông khác nhau. Sông Bưởi nằm ở khu vực phía tây tỉnh Thanh Hóa còn sông Lạch Bạng thuộc hệ thống sông Yên, hoạt động ở phía nam. Sông Bưởi hợp lưu với sông Mã còn sông Lạch Bạng đổ thẳng ra biển.
Lê Hoàng
Theo VNE
Thủ tướng hỗ trợ khẩn cấp người dân thiệt hại do cá chết
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Quyết định 772 hỗ trợ gạo, vốn... cho người dân tại Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế bị ảnh hưởng do hiện tượng hải sản chết bất thường.
Quyết định nêu rõ sẽ hỗ trợ hộ nông dân, ngư dân, chủ trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng do hiện tượng hải sản chết bất thường. Theo đó, Chính phủ hỗ trợ 15 kg gạo một người mỗi tháng trong thời gian 1,5 tháng với các hộ gia đình chủ tàu, lao động trên tàu khai thác hải sản vùng ven bờ, vùng lộng công suất dưới 90 CV và các hộ gia đình làm dịch vụ hậu cần nghề cá bị ảnh hưởng trực tiếp.
Cá chết ở Đà Nẵng. Ảnh: NT
Tàu không lắp máy hoặc lắp máy có công suất dưới 90 CV đánh bắt ven bờ và vùng lộng do phải tạm ngừng ra khơi được hỗ trợ một lần tối đa 5 triệu đồng. Thủ tướng giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định mức hỗ trợ cụ thể theo từng loại tàu, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.
Các doanh nghiệp, chủ vựa, tàu dịch vụ hậu cần nghề cá có hoạt động thu mua, dịch vụ hậu cần nghề cá được vay vốn tín dụng tại các tổ chức tín dụng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ định. Khoản vay này sẽ được tính lãi suất thấp nhất áp dụng cho lĩnh vực ưu tiên, kỳ hạn ngắn và được ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% lãi suất trong thời gian tạm trữ tối đa 6 tháng để thu mua, tạm trữ hải sản từ ngày 5/5-5/6.
Thủ tướng chỉ đạo, hải sản khai thác trong vùng biển từ 20 hải lý trở vào thuộc các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế khi cơ quan có thẩm quyền xác nhận không bảo đảm an toàn buộc phải tiêu hủy thì được hỗ trợ tối đa 70% giá trị.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng hỗ trợ khắc phục hậu quả môi trường, gồm chi phí tiêu hủy hải sản chết bất thường như: chi phí vận chuyển, thu gom, vật tư, hóa chất khử trùng, tiêu độc; hỗ trợ tiền công tiêu hủy, bảo hộ lao động, trang thiết bị...
Đầu tháng 4, cá nuôi lồng bè gần khu kinh tế Vũng Áng bị chết. Hiện tượng bất thường này lan dần theo hướng Bắc - Nam đến Lăng Cô (Thừa Thiên - Huế). Khoảng 70 tấn cá biển tự nhiên, 30 tấn cá nuôi lồng bè đã chết. Theo kết quả điều tra do Bộ Tài nguyên công bố tối 27/4, độc tố hóa học thải ra từ hoạt động của con người và hiện tượng tảo nở hoa (còn gọi thủy triều đỏ) có thể là nguyên nhân.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sau đó đã chỉ đạo các bộ ngành khẩn trương lập đoàn kiểm tra, xác định nguyên nhân chính xác gây ra thảm họa môi trường này. Formosa là đối tượng kiểm tra bởi có hệ thống xả ngầm xuống biển.
Ngày 7/5, đoàn liên ngành với sự tham gia của 7 bộ gồm Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ, Xây dựng, Công Thương, Công an, Quốc phòng cùng Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam đã kết thúc đợt thanh tra, đưa các số liệu, tài liệu ghi nhận ở Khu Kinh tế Vũng Áng về Hà Nội phân tích, từ đó có kết luận cuối cùng về việc chấp hành quy định bảo vệ môi trường của Formosa.
Lan Hạ
Theo VNE
Hàng nghìn hộ dân thiếu nước sinh hoạt do ô nhiễm sông Bưởi Không những làm chết cá sông, cá lồng, tình trạng ô nhiễm sông Bưởi còn đe dọa đến nguồn nước sinh hoạt của hàng nghìn hộ dân ở 22 xã thuộc huyện Thạch Thành và Vĩnh Lộc (Thanh Hóa). Ngày 9/5, ông Nguyễn Đức Quyền, Phó chủ tịch tỉnh Thanh Hóa cho biết, tỉnh đang ráo riết chỉ đạo các ngành chức năng...