Tỉnh táo trước lời đường mật về fluor
Tuy chưa có thống kê nhưng qua các câu hỏi tư vấn sức khoẻ, dễ dàng nhận thấy có nhiều người đã và đang ngộ nhận về công dụng của fluor.
Thỉnh thoảng trên các phương tiện truyền thông, người ta nghe thấy những quảng cáo về các chế phẩm có chứa fluor với những thông điệp thế này: sử dụng thường xuyên fluor giúp răng chắc khoẻ; thiếu fluor dẫn đến những bệnh lý răng miệng, xương khớp nguy hiểm…
Tuy chưa có thống kê nhưng qua các câu hỏi tư vấn sức khoẻ, dễ dàng nhận thấy có nhiều người đã và đang ngộ nhận về công dụng của fluor.
Hằng ngày cơ thể cần rất ít fluor
Với mong muốn con mình có hai hàm răng trắng bóng, đều như bắp, chắc khoẻ đã thôi thúc không ít phụ huynh tìm mua các chế phẩm chứa fluor cho trẻ dùng thường xuyên, như: kem đánh răng, nước súc miệng, kẹo chewing-gum hoặc các thực phẩm có bổ sung fluor (fluoride supplements). Chế phẩm chứa càng nhiều fluor càng được ưu tiên lựa chọn.
Ngay trong nhiều mẫu quảng cáo, cũng đánh vào tâm lý này bằng những câu nhấn nhá làm đậm hàm lượng và công dụng của fluor có trong sản phẩm.
Có nhiều người đã và đang ngộ nhận về công dụng của fluor
Đúng là fluor có chức năng tham gia vào quá trình phát triển răng, tạo ngà răng và men răng, giúp răng bền vững hơn trước các tác nhân gây bệnh sâu răng. Tuy nhiên, có phải dùng nhiều fluor là tốt?
Hàng ngày, cơ thể chúng ta phải được cung cấp đủ năm nhóm chất dinh dưỡng qua thức ăn, thức uống: chất đạm, chất bột đường, chất béo, vitamin và chất khoáng.
Fluor chính là chất dinh dưỡng nằm trong nhóm chất khoáng và là chất khoáng vi lượng, với ký hiệu hoá học là F. Gọi là vi lượng vì hàng ngày cơ thể ta cần rất ít fluor. Lượng cung cấp qua thức ăn thức uống của fluor tính bằng miligram (mg), như trẻ từ 1 – 3 tuổi cần 0,7mg/ngày, trẻ từ 4 – 8 tuổi cần 1,0mg/ngày, trẻ từ 9 tuổi trở lên và người trưởng thành cần 2 – 4mg/ngày. Trong khi các chất khoáng đại lượng cần cung cấp lại có lượng tính bằng gram (g), như canxi.
Thiếu hoặc thừa fluor đều hại
Video đang HOT
Trong cơ thể, fluor tham gia vào quá trình phát triển răng, tạo ngà răng và men răng. Fluor cũng có vai trò quan trọng trong tạo xương bằng cách ảnh hưởng đến điều hoà chuyển hoá canxi và phôtpho.
Khi thiếu fluor sẽ dẫn đến bệnh sâu răng và loãng xương. Việc phát hiện mối liên quan giữa thiếu fluor và bệnh sâu răng bắt nguồn từ thế kỷ thứ 19, khi người ta quan sát trong răng, đặc biệt ở ngà và men răng có chứa fluor.
Năm 1902, một số nhà khoa học phát hiện dùng fluor có thể khắc phục bệnh sâu răng vì lượng fluor ở những răng sâu (nhất là men răng) thấp hơn đáng kể so với bình thường.
Cũng từ đây, người ta nhận thấy khi lượng fluor trong nước sinh hoạt thấp dưới 0,5mg/l sẽ xảy ra biểu hiện thiếu fluor, thường gặp là tình trạng sâu răng.
Vai trò của fluor chống sâu răng chính là ở chỗ nó giúp răng bền vững hơn với môi trường bên ngoài, như bền vững hơn trước tác dụng của các axit hữu cơ có trong thức ăn hoặc các axit này được tạo thành từ đường ăn hàng ngày.
Một đặc điểm quan trọng của fluor là giới hạn thích hợp của hoạt động sinh học chất khoáng này hẹp. Tức là liều bổ sung thích hợp và liều gây độc của fluor rất gần nhau. Thiếu hoặc thừa fluor đều có hại cho cơ thể.
Giới hạn cho phép của fluor trong khẩu phần ăn là 2,4 – 4,8mg/kg thực phẩm (giới hạn này cũng áp dụng đối với các chế phẩm bổ sung dinh dưỡng) và trong nước ăn sinh hoạt hàng ngày là 1,2mg/l. Nếu bổ sung fluor quá giới hạn sẽ đưa đến thừa fluor và gây độc.
Một loại bệnh thừa fluor hiện nay được nói đến nhiều là bệnh “nhiễm độc fluor ở răng” (dental fluorosis). Đây là bệnh xảy ra ở trẻ được bổ sung quá nhiều fluor trong thời kỳ hình thành và phát triển răng vĩnh viễn.
Lứa tuổi dễ bị mắc bệnh nhiễm độc fluor ở răng là từ 1 – 4 tuổi, quá 8 tuổi xem như không có nguy cơ. Loại bệnh nhiễm độc này thể hiện có vệt bẩn màu trắng hoặc vàng ở men răng, kích thước vệt to dần và có thể tạo màu nâu. Trên men răng còn xuất hiện các rãnh, bờ bị ăn mòn, răng trở nên dễ vỡ. Bệnh gây tổn thương các răng vĩnh viễn.
Nếu bổ sung thừa fluor dài hạn còn có thể gây ra bệnh “nhiễm độc fluor ở xương” (skeletal fluorosis) làm cho xương yếu, biến dạng, dễ gãy. Bệnh nhiễm độc fluor ở xương còn gây triệu chứng kích thích ruột và đau nhức khớp, dễ chẩn đoán lầm bị bệnh viêm đa khớp dạng thấp.
Như bất cứ chất dinh dưỡng nào, fluor được bổ sung hàng ngày với liều lượng vừa đủ là tốt nhất. Việc lạm dụng, cho dù với động cơ tốt, cũng đều tiềm ẩn những nguy hiểm cho sức khoẻ.
Vì vậy, mọi người phải hết sức tỉnh táo trước những lời đường mật của các chương trình quảng cáo khi chọn mua các sản phẩm có chứa fluor.
Chỉ fluor thôi chưa đủ
Để giúp trẻ có hàm răng tốt, không bị sâu răng, chỉ bổ sung fluor thôi là chưa đủ, mà phải thực hiện cùng lúc nhiều biện pháp.
Hiện nay, để phòng chống sâu răng do thiếu fluor, người ta sử dụng một số biện pháp thông qua bổ sung fluor qua đường miệng như các loại kem đánh răng có chứa fluor, sẽ giúp bổ sung một lượng fluor qua đường nuốt khi ta đánh răng. Hoặc có hẳn các chế phẩm bổ sung dinh dưỡng (còn gọi là thực phẩm chức năng) có chứa fluor.
Biện pháp bổ sung fluor quy mô lớn hơn là fluor hoá nước sinh hoạt tại các thành phố và tại các nơi có thể đưa lượng fluor thích hợp vào nước ăn hàng ngày.
Ngoài ra, cần tạo các điều kiện sống hợp vệ sinh cho trẻ, cung cấp cho chúng chế độ dinh dưỡng hợp lý.
Giúp trẻ biết thực hiện các biện pháp vệ sinh nói chung, trong đó có vệ sinh răng miệng đúng cách. Nên định kỳ đưa trẻ đến nha sĩ để khám và được cho lời khuyên thêm về sức khoẻ, vệ sinh răng miệng, nhất là việc bổ sung fluor.
Theo PGS.TS.DS Nguyễn Hữu ĐứcTheo SGTT
Tích lũy canxi
Bổ sung canxi được coi là biện pháp quan trọng để phòng tránh các bệnh lý xương khớp, đặc biệt là loãng xương.
Việc này không nên đợi đến tuổi già, mà phải bắt đầu ở mọi độ tuổi nhằm xây đắp cho cơ thể một hệ thống xương khớp vững chắc ngay từ khi còn nhỏ.
Sữa không chống được loãng xương
Ăn uống dinh dưỡng đầy đủ, phối hợp vận động thân thể qua các hình thức thể dục
Lượng canxi cần được cung ứng hàng ngày cho cơ thể vào khoảng 1.200mg/ngày. Do bữa ăn truyền thống của người Việt Nam hàng ngày thường chỉ đáp ứng hơn 500mg canxi, nên cần bổ sung canxi qua: sữa và các chế phẩm từ sữa (như sữa chua, sữa bột, bánh kẹo sữa...); bánh có canxi; canxi D 1 viên/ngày (hàm lượng 500mg/viên canxi và 400UI vitamin D). Khi mắc thêm bệnh tật khác, nhu cầu canxi sẽ cao hơn.
Sự hấp thu canxi cũng phụ thuộc vào sinh tố D. Sự chuyển hoá dưới da của sinh tố D3 giúp hấp thu canxi hữu hiệu, do đó người bị loãng xương nên phơi nắng mỗi sáng, đi dạo ngoài trời hàng ngày.
Cần lưu ý là sữa không chống được loãng xương, không phải thuốc điều trị loãng xương như thường được quảng cáo đại trà.
Càng sớm càng tốt
Ở độ tuổi 10 - 20: mọi người nên nghĩ đến việc "bỏ ống" chất canxi để dành cho tới tuổi 30 và sau đó xài dần cho tới mãn đời. Càng để dành nhiều canxi lúc trẻ, càng ít rủi ro bị loãng xương khi về già. Ăn uống dinh dưỡng đầy đủ, phối hợp vận động thân thể qua các hình thức thể dục, thể thao ngay từ khi còn nhỏ, không chỉ tạo ra một thân thể cường tráng mà còn đạt được mục tiêu xa là phòng chống loãng xương lúc về già, giúp chất lượng cuộc sống khi đã cao tuổi được tốt.
Cần ăn nhiều thức ăn chứa hàm lượng canxi cao như: rau xanh, brocoli, các loại hạt; sử dụng sữa, sữa chua, phômai và các chế phẩm từ sữa...; các loại cá nguyên xương, tôm, tép... Phụ nữ trong độ tuổi này nên quan tâm theo dõi xem kinh nguyệt có đều đặn, thăm khám bác sĩ sản phụ khoa khi thấy dấu hiệu bất thường để điều chỉnh kịp thời. Phụ nữ đang có kinh thường không bị loãng xương.
Giữa 20 - 30 tuổi: xương ngày càng cứng chắc, vẫn duy trì chế độ tập luyện thể dục thể thao vừa phải, đều đặn và kết hợp dinh dưỡng hợp lý để phòng chống loãng xương. Từ tuổi 35, khối lượng xương bắt đầu giảm.
Phụ nữ sau mãn kinh (quanh 47 tuổi ở Việt Nam), càng nên quan tâm phòng chống loãng xương. Nên duy trì thường xuyên việc sinh hoạt thể dục thể thao nhưng nhẹ nhàng hơn trước, kết hợp dinh dưỡng hợp lý với thức ăn giàu canxi, ít đạm, ít muối và giàu chất xơ hơn. Nên nghĩ đến việc đo tỷ trọng xương để theo dõi làm mốc quyết định phòng ngừa và điều trị. Nên nhớ, phụ nữ sau mãn kinh có thể mất 1 - 6% khối lượng xương hàng năm, gia tăng rủi ro loãng xương và gãy xương. Ở nam giới thì bệnh loãng xương đến muộn hơn: 65 - 70 tuổi.
Khi tuổi đã cao: tập thể dục thể thao cần thay đổi sao cho sự vận động nhẹ nhàng hơn. Tập đều đặn hàng ngày là yếu tố quan trọng trong phòng ngừa loãng xương. Việc tập luyện nhằm giữ sức mạnh và độ chịu lực của cơ bắp, xương, khớp, dây chằng. Tập luyện cũng giúp cơ thể giữ thăng bằng tốt và duy trì sự dẻo dai, độ phản xạ, phòng tránh trượt té. Nên tập các môn thể thao nhẹ nhàng như đi bộ, chạy bộ, các môn thể thao ít dùng lực như cầu lông, bơi lội, bóng bàn. Môn thái cực quyền rất tốt với các thao tác vũ đạo nhẹ nhàng.
Mọi người nên nghĩ đến việc "bỏ ống" chất canxi để dành cho tới tuổi 30 và sau đó xài dần cho tới mãn đời. Càng để dành nhiều canxi lúc trẻ, càng ít rủi ro bị loãng xương khi về già.
Nếu tập yoga, phải được hướng dẫn bởi người có am hiểu y học, chọn lọc các tư thế không cầu kỳ. Nên nhớ tư thế yoga phải chiều theo cơ thể tuổi già chứ không nên cố thực hiện các tư thế cầu kỳ lạ mắt.
Phải tránh hẳn những tư thế không hợp lý như trồng chuối, đá chân lên đầu, bật lên xuống trên giường, bẻ nắn xương sống lưng hay thắt lưng, vặn vẹo xoay người quá mức... Không có gì vô lý cho bằng bắt cột sống cổ chịu lực thân thể và hai chân gấp mười hay hai mươi lần bình thường khi cố trồng chuối ở tuổi 60! Đã xảy ra những trường hợp bong gân nặng, gãy trật cột sống cổ, liệt tứ chi và bí tiểu dẫn đến tử vong do tập sai tư thế.
Loãng xương không đơn giản là vấn đề cá nhân mà là vấn đề lớn của cộng đồng. Mỗi người trong chúng ta nên góp phần phòng trị từ nhỏ: thay đổi thói quen xấu, phòng ngừa trượt té, tập thể dục thể thao thường xuyên. Việc quan tâm giúp nhau hiểu hơn vấn đề phòng chống loãng xương cũng là thái độ tích cực giúp bản thân, gia đình và cộng đồng sống an vui, chất lượng sống cao ở tuổi già.
Theo PGS.TS.BS Võ Văn Thành
Chủ tịch hội Chấn thương chỉnh hình Việt Nam,
chủ tịch hội Cột sống TP.HCM
SGTT
Tiết lộ bí mật bất ngờ về răng miệng Vi khuẩn gây sâu răng có thể lan truyền từ mẹ sang con thông qua nước bọt, chất súc miệng có chứa cồn sẽ làm khô miệng bạn, răng bị lệch có thể gây đau nửa đầu... Vi khuẩn gây sâu răng có thể lan truyền từ mẹ sang con thông qua nước bọt. Nếu sức khỏe răng miệng của bạn kém và...