Tịnh tâm ở Hội An – Kỳ 2: Đạp xe đi… bar
Để miêu tả về Hội An, tôi thích nhất là dùng từ ‘bình yên’. Mảnh đất này quá lý tưởng cho những ai muốn quẳng gánh lo đi mà tịnh tâm trong vài ngày. Và tất nhiên, bạn cũng cần giữ tâm mình thật tĩnh mới có thể cảm nhận trọn vẹn vẻ đẹp của Hội An.
Ảnh: Mèo Già
Buổi sáng ở Hội An, nếu chịu khó thức dậy sớm, bạn sẽ được thỏa thích hưởng thụ bầu không khí trong trẻo. Bình minh dịu dàng ở phố Hội sẽ khiến bước chân chậm lại. Ngắm nhìn những đô thị cổ đang nuôi trong lòng những cư dân hiện đại, bạn sẽ thấy bình yên mà hoài niệm đến ngạc nhiên.
Những mái nhà rêu phong, những bức tường xưa cũ, những đình chùa cổ kính, những hội quán vàng son, những con phố hẹp thân tình, những chiếc thuyền như có từ nhiều thế kỷ… sống với hơi thở hiện đại mà sao cứ thấy Hội An lúc nào cũng như đang nghiêng mình về quá khứ.
Sau bữa sáng tĩnh lặng trong quán cóc bên đường, bạn sẽ thấy nắng bắt đầu trải vàng mượt trên những con đường quanh. Nắng lấp lánh trên những mái ngói rêu phong phủ gam màu sâu lắng của thời gian.
Ảnh: Mèo Già
Với tôi, những con đường nhỏ là thứ đẹp đẽ nhất ở Hội An. Đường nhỏ đổ thẳng ra bờ sông. Đường nhỏ tới mức hai dãy nhà ở hai bên cứ ngắm nhìn nhau, gần nhau như chỉ với tay một cái là chạm tới. Đường nhỏ mà cảm giác mà không chật chội, vẫn đủ thênh thang để bạn thoải mái thong dong. Từ đường nhỏ, bạn có thể khám phá ra những con ngõ nhỏ phiêu diêu bằng những lỗi rẽ rất bất ngờ.
Ảnh: Mèo Già
Đứng ở bất cứ đâu trên những con đường đó, bạn cũng tìm ra góc đẹp. Tuy nhiên, ống kính máy ảnh dường như bất lực với Hội An. Những bức ảnh dù đẹp đến nhường nào cũng chỉ thể hiện được mảng không gian, mà không thể thấy được vẻ đẹp thời gian. Để cảm nhận được Hội An, chỉ có cách duy nhất là bạn đặt chân đến Hội An!
Đi ngắm bình minh, bạn đừng bỏ qua chùa Cầu nhé. Buổi sáng là thời điểm lý tưởng để bạn chiêm ngưỡng rõ ràng tượng khỉ và chó trong ngôi chùa nổi tiếng này. Theo tương truyền, đặt tượng khỉ và chó trong chùa Cầu là bởi chùa được xây dựng từ năm Thân đến năm Tuất mới hoàn thành. Cũng có cách giải thích khác dựa theo biểu tượng tâm linh Á Đông: khỉ tượng trưng cho sự hiếu động, chó tượng trưng cho sự sung túc, phồn vinh (chó tới nhà là có). Bởi vậy, chùa Cầu chính là biểu hiện ước mong cho Hội An sôi động và phồn vinh.
Video đang HOT
Ảnh: Mèo Già
Ở Hội An, thích nhất là di chuyển bằng xe đạp. Nếu như bạn đi theo tour, hoặc ở khách sạn thì thuê xe đạp rất dễ dàng. Thậm chí, nhiều khách sạn phục vụ xe đạp miễn phí cho khách. Còn nếu không, bạn cũng có thể tự thuê cho mình một chiếc xe không mới, không cũ, dễ sử dụng, ít bị hỏng hóc với giá rất rẻ, khoảng 20.000 đồng/ngày.
Bạn nên dành một buổi sáng để đạp xe ngắm bình minh len lỏi trong phố cổ. Và dành một buổi sáng để đạp xe khoảng 5km ra đón bình minh trên Cửa Đại. Những con đường trải nhựa đi qua những cánh đồng lúa xanh mát, biển và hàng phi lao… sẽ cho bạn sự tĩnh tại mà bao lâu nay bạn thèm khát khi ở Sài Gòn.
Vào buổi chiều, chẳng gì thích hơn là la cà vào một quán cà phê nhỏ xinh trên đường Bạch Đằng bên sông Hoài. Dưới bến là những chiếc thuyền nho nhỏ, hai bên bờ sông là những hàng quán xinh xinh. Những vị khách du lịch ngả lưng vào ghế, ngồi bờ bên ngày ngắm bờ bên kia. Ở Hội An, người ta như chẳng còn bận tâm đến nhân tình thế thái.
Ảnh: Mèo Già
Ảnh: Linh San
Tịnh tâm ở Hội An cũng chỉ đơn giản như tối gội đầu xong, bạn đừng dùng máy sấy tóc nữa. Đạp xe đi lòng vòng, gió lùa sẽ hong tóc khô. Hội An vào đêm rằm không có điện, chỉ còn ánh nến, quá tuyệt vời để bạn thả trôi mình về mọi miền cảm xúc bình yên, lung linh nhất.
Ảnh: Linh San
Có một điều đáng lưu ý là những cư dân Hội An thường đi ngủ rất sớm. Khoảng một năm về trước, khi tôi đến Hội An, không có nhiều quán “thức” quá 11 giờ. Nhưng khách du lịch, đặc biệt là khách Tây, họ thích đi lang thang đêm và dậy trễ. Bởi vậy, để nâng cao chất lượng phục vụ, Hội An đã cho mở nhiều quán bar.
Ảnh: Mèo Già
Nếu như ở Sài Gòn, Hà Nội, người ta vẫn mặc định bar là chốn ăn chơi sành điệu của những người trẻ thời thượng, thì ở Hội An, bar lại thường hiểu là chốn vui đêm của những du khách không quen đi ngủ sớm.
Sau khi dạo chơi, mua sắm ở phố cổ, tôi cùng hai người bạn Tây Ban Nha ghé vào một bar ngay gần ngôi nhà tôi ở. Bar ở Hội An có thể ngoài trời, có thể trong nhà. Nhạc, DJ, rượu và bia không khác gì nhiều các quán bar ở Sài Gòn hay Hà Nội. Nhưng điều gây ấn tượng nhất với tôi là cách khách du lịch đa phần đi bộ hoặc đạp xe đạp đến bar. Giữa cái chốn nhạc ồn ào, mùi bia rượu, mùi khói thuốc… cảnh người ta thong thả dựng xe đạp đi vào sao tôi thấy nó mang vẻ bình yên đến lạ.
Vì đang muốn tịnh tâm nên chúng tôi chỉ nhâm nhi một chai bia, trở về nghỉ ngơi để ngày mai dậy sớm kịp chuyến cano đầu tiên ra Cù Lao Chàm.
Theo iHay
Hội An - vùng đất của những khát khao tái ngộ
Có những vùng đất ta chọn đến để khám phá, nhưng cũng có nơi mới gặp lần đầu đã thấy thật thân quen và luôn khát khao tái ngộ. Hội An là một trong những địa chỉ đáng yêu như vậy.
Lần đầu tiên đến Hội An, tôi mặc định hình ảnh của một đô thị cổ kính và sầm uất. Nhưng thị xã lại đón người lữ khách bằng vẻ dung dị của làng quê. Cánh đồng lúa đương thì trổ bông tỏa mùi hương thanh nhẹ.
Tôi thẳng tới đường Hai Bà Trưng. Một Hội An nhỏ nhắn xôn xao hiện ra trước mặt. Những dãy phố cổ nối nhau tạo nên nét đẹp cổ kính và tĩnh lặng. Dường như, mỗi mái ngói phủ rêu xanh mướt, từng nét chạm trổ tinh vi đều ẩn chứa một câu chuyện riêng về nơi từng là thương cảng thịnh vượng nhất nhì Đông Nam Á.
Những tất bật của đời sống như dừng lại khi bạn về vùng đất có tên gọi Faifo này. Cả không gian và thời gian đều lắng đọng trong những nếp nhà gỗ cổ xưa.
Chùa Cầu, dãy nhà cổ hai tầng quay lưng phía bến sông Hoài, Hội quán Quảng ông, Phúc Kiến... trầm mặc đứng đó như để cân bằng với vẻ tấp nập của dòng người qua lại trên phố.
Nhớ về Hội An là nhớ những mảng tường vàng từ phố này qua phố khác. Khi đặt cạnh đó một khóm hoa giấy, tường là cái nền tuyệt vời của một bức tranh. Khi đặt lên đó một khung cửa gỗ nâu, ta biết ở đằng sau đó, đời sống êm đềm đã nối nhau hàng thế kỷ.
Buổi tối, ánh sáng tự nhiên giảm dần, nhường cho vẻ lấp lánh của triệu chiếc đèn lồng treo lơ lửng, phảng phất dấu ấn của thời gian xưa cũ.
Trong bầu không khí cổ tích đó, bạn hãy đánh thức chính mình bằng việc nếm một vài món ăn phong vị xứ Quảng như bánh bo, bánh vạc, cao lầu, bánh ướt thịt nướng tại các nhà hàng còn giữ nguyên hình ảnh đầu thế kỷ hoặc ngay trên hè phố.
Buổi sáng, áng nắng tươi non khoác cho phố cổ một chiếc áo mới. Không có đèn lồng, tất cả vẫn hiện lên rạng rỡ khiến cả Hội An như trẻ lại.
Người Hội An ăn không nhanh, nói không to và đi không vội. Họ chậm rãi, không ồn ào nhưng đôi khi cũng thật hóm hỉnh và dễ thương.
Hội An là quà tặng thời gian, là di sản văn hóa dành cho tất cả. Nhưng nếu bạn muốn tìm một chút gì đó cho riêng mình thì cũng chẳng khó khăn. Hãy vờ như đi lạc vào một trong hàng trăm ngõ nhỏ rêu phong, hay dạo dọc sông Hoài buổi tối. Hít thở bầu không khí nguyên lành ấy, bạn sẽ lại ước ao một lần trở lại mảnh đất này.
TP Hội An tổ chức cuộc thi ảnh "Hội An - Chuyện chưa kể" từ 28/3-4/6.
Xem thể lệ cuộc thi và tiêu chuẩn ảnh tại đây.
Giải thưởng của cuộc thi Hội An chuyện chưa kể có tổng trị giá 30 triệu đồng và các đêm nghỉ dưỡng tại Hội An.
- 1 giải nhất: 15 triệu đồng và 2 đêm nghỉ dưỡng.
- 1 giải nhì: 10 triệu đồng và 1 đêm nghỉ dưỡng.
- 1 giải ba: 5 triệu đồng và 1 đêm nghỉ dưỡng (Giải thưởng do độc giả Zing.vn bình chọn).
Những người yêu thích du lịch, nhiếp ảnh có thể đăng ký thông tin và gửi ảnh về email info@hoianchuyenchuake.com của chương trình. Ban tổ chức sẽ đưa lên website và fanpage (www.hoianchuyenchuake.com) của cuộc thi và chấm sơ khảo.
Theo Zing News
Những bức ảnh được yêu thích nhất trong cuộc thi ảnh Hội An Cuộc thi ảnh "Hội An - Chuyện chưa kể" đã sắp kết thúc vòng sơ khảo. Dưới đây là ảnh của các tác giả trong top 3 được bình chọn nhiều nhất trên website cuộc thi. Đặng Thúy Mai: Bộ ảnh "Hội An - Đẹp từ những điều đơn giản" của Thúy Mai mang đến những ảnh mộc mạc, giản dị của đô...