Tình nguyện viên tiêm Nanocovax: ‘Nếu ai cũng sợ hãi, vắc xin không thể thành công’
“Nếu ai cũng chỉ ngồi chờ, không vượt qua được lo lắng, sợ hãi để tham gia thử nghiệm tiêm Nanocovax thì vắc xin không thể thành công”.
Đây là chia sẻ của của một trong 3 tình nguyện viên Việt Nam đầu tiên tham gia thử nghiệm vắc xin Nanocovax ngừa Covid-19.
Chị là giáo viên tiếng Anh cấp 2 tại Hà Nội, là mẹ của 2 người con và là chủ nhiệm của một câu lạc bộ thiện nguyện hỗ trợ các bệnh nhân.
Ngày 14/1 vừa qua, chị và 2 tình nguyện viên đầu tiên đã được tiêm nhắc lại mũi 25mcg. Hiện sức khỏe cả 3 đều ổn định, được về nhà theo dõi.
Chấp nhận rủi ro
Nữ giáo viên cho biết, chị đăng ký tham gia thử nghiệm vắc xin từ những ngày đầu tiên với số thứ tự gần 200.
Vào ngày 17/12/2020, khi kế hoạch tiêm 3 người đầu tiên gồm 2 nam và 1 nữ được công bố, chị từng nghĩ phải đợt loạt sau, tuy nhiên vào phút chót, một nam tình nguyện viên không đủ điều kiện do 3 lần xét nghiệm một chỉ số không đạt, chị trở thành người thay thế.
Sau tiêm mũi 1, sức khỏe chị hoàn toàn bình thường, không hề có bất kỳ phản ứng phụ nào.
Nữ giáo viên lấy mẫu máu kiểm tra trước khi tiêm mũi 2 vắc xin Nanocovax. Ảnh: T.Hạnh
Chị nói vui: “Có lẽ mình tham gia thử nghiệm với niềm tin rất mãnh liệt nên sức đề kháng cũng tăng lên rất tốt, cơ thể rất khỏe”.
Chị chia sẻ, khi quyết định gửi đơn đăng ký, chị không suy nghĩ nhiều bởi bản thân đã tham gia phòng trào đoàn suốt 27 năm qua nên tinh thần muốn cống hiến, muốn sống cho cộng đồng như ăn vào máu.
Thứ hai, khi xem các bản tin tuyển tình nguyện viên, chị thấy đa phần là sinh viên tham gia. Trong khi vắc xin muốn thành công cần thử nghiệm trên nhiều độ tuổi để tăng tính đa dạng và khách quan. Chị muốn trở thành một phần của nghiên cứu, đại diện cho nhóm tuổi 40-50.
Video đang HOT
Thứ ba, hơn 97 triệu dân đang mong chờ có vắc xin để ổn định cuộc sống. Nhưng nếu y học, đội ngũ y bác sĩ, các nhà nghiên cứu có miệt mài đến mấy mà không có tình nguyện viên tham gia thử nghiệm thì không thể có vắc xin.
“Nếu ai cũng chỉ ngồi chờ vắc xin, không vượt qua được lo lắng, sợ hãi để tham gia thử nghiệm thì vắc xin không thể thành công”, nữ giáo viên nêu quan điểm.
3 lý do ấy đã thôi thúc chị quyết tâm đăng ký với niềm tin rất mãnh liệt, tin tưởng vào y học Việt Nam.
Dù vậy, ban đầu khi chia sẻ quyết định của mình, chị cũng vấp phải nhiều ý kiến phản đối của bạn bè, người thân.
Các bạn trong câu lạc bộ thiện nguyện khuyên: ‘Chị ơi, mình sắp làm chương trình Tết cho các bệnh nhân rồi, nếu chị có vấn đề gì, còn hàng ngàn mảnh đời đang chờ chị mang tết ấm yêu thương đến cho mọi người’.
Chị cảm động vì được yêu thương, lo lắng nhưng chị bảo có lẽ do mọi người chưa hiểu hết về vắc xin, còn bản thân chị đã nghiên cứu rất nhiều để biết chính xác mình đang tham gia vào một chương trình như thế nào, đã tìm hiểu vắc xin Nanocovax khác các hãng lớn trên thế giới ra sao.
“Qua tìm hiểu, tôi biết công nghệ sản xuất vắc xin của Việt Nam mình an toàn hơn. Để ra được một sản phẩm vắc xin đến hôm nay là nỗ lực, cố gắng rất lớn. Mình có niềm tin mãnh liệt vào bản thân, tin rằng vắc xin sẽ thành công trên cơ thể mình và đã xác định nếu có rủi ro mình cũng chấp nhận. Mình muốn tất cả mọi người hãy tin vào niềm tin của mình, ủng hộ mình”, nữ giáo viên phân tích.
Cuối cùng mọi người cũng hiểu và ủng hộ chị. Trước khi đi tiêm, chị chỉ thông báo với anh chị ruột vì không muốn bố mẹ lo lắng.
Chị kể, ngày Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vào thăm 3 tình nguyện viên, bố mẹ chị có ngồi xem ti vi nhưng vẫn không nhận ra con gái.
“Cảm ơn vì em đã xung phong”
Ngoài bố mẹ, chị cũng giấu 2 con đang học ở nước ngoài. Chỉ khi an toàn sau 72 giờ tiêm đầu tiên, chị mới gọi điện thông báo cho các con.
“Tôi nói mẹ vừa tham gia thử nghiệm vắc xin, giờ mẹ đã an toàn trở về, mẹ báo với các con. Nhưng cậu con lớn liền phản ứng: ‘Vậy có nghĩa nếu mẹ không an toàn, mẹ sẽ không báo cho bọn con à?’ Nhưng sau khi nghe tôi giải thích, các cháu lại quay ra động viên mẹ. Lúc ấy tôi cảm thấy mình đã thành công mọi mặt cả về tâm lý và gia đình”, chị chia sẻ.
Nữ giáo viên tiêm mũi 2 vắc xin Nanocovax sau 28 ngày tiêm mũi 1. Ảnh: T.Hạnh
Sau 3 ngày theo dõi tại Học viện Quân y, chị trở lại trường giảng dạy. Trước đó 1 ngày, một số học sinh xem được hình ảnh Phó Thủ tướng vào thăm 3 tình nguyện viên nên nhận ra chị.
“Khi vừa bước vào lớp, các con ào lên rồi vỗ tay đón cô về. Tôi giả vờ không biết gì vì không muốn công bố thông tin nên nói các con chắc nhận nhầm người nhưng các bé nói con nhìn rõ ràng, con nghe thấy tiếng cô dù cô nói rất ít và nhận ra từ phía sau vì cô hay cài kính lên tóc. Thực sự lúc ấy tôi rất xúc động”, chị nhớ lại.
Một số học sinh sau khi về nhà lại chia sẻ với phụ huynh. Khi biết chuyện, nhiều cha mẹ học sinh nhắn tin động viên chị, hay có những đồng nghiệp đã nghỉ hưu cũng nhắn tin cảm ơn vì “có những người xung phong như em mới giúp được rất nhiều người dân bình thường khác”.
Xuyên suốt buổi trò chuyện, chị luôn nói bản thân tham gia thử nghiệm vắc xin không phải để được cảm ơn, để tạo thành tích hay được ghi nhận vì không ai mang tính mạng của mình để đổi lấy hư danh.
“Tôi chỉ nghĩ một điều, hầu hết các bạn tham gia thử nghiệm là sinh viên ngành y, kiến thức và tâm thế khi bước vào cuộc thử nghiệm sẽ khác với người dân bình thường như tôi. Tôi nghĩ khi tôi tham gia sẽ tạo tin tưởng, yên tâm hơn nữa cho các tình nguyện viên tiếp theo và giúp nhiều người tin vào y học Việt Nam”, nữ giáo viên giãi bày.
Ngoài nữ giáo viên, trong buổi tiêm mũi 2 ngày 14/1 còn có 2 sinh viên ngành y gồm 1 nam và 1 nữ.
Nam thanh niên chia sẻ, bản thân tham gia vì muốn đóng góp sức mình vào công cuộc phòng chống dịch bệnh để Việt Nam sớm có vắc xin.
Khi biết con trai đăng ký, bố mẹ nam sinh rất ủng hộ, thậm chí còn nhắc nhở con: “Con cứ đi đi không có gì phải sợ, vào đó nhớ giữ gìn sức khỏe và phải lễ phép”.
Sau mũi tiêm đầu tiên, nam thanh niên chỉ bị sốt nhẹ 37-37,2 độ ngày đầu tiên nhưng bản thân không hề lo lắng vì biết đây là phản ứng hết sức bình thường.
Còn nữ sinh viên chỉ sốt nhẹ vài giờ đầu nhưng vết tiêm không hề đau nhức.
Sau khi trở về nhà, các tình nguyện viên đều được theo dõi sức khỏe sát sao, được nhắc nhở đi ngủ sớm, tránh rượu bia, thuốc lá, các chất kích thích, cafe.
Vào các ngày thứ 7, 14 và 21 sau tiêm, các tình nguyện viên sẽ trở lại Học viện Quân y để lấy mẫu máu kiểm tra tính sinh miễn dịch của vắc xin.
PGS.TS Hồ Anh Sơn, Phó giám đốc Viện nghiên cứu Y dược học quân sự, Học viện Quân y cho biết, mũi tiêm đầu tiên tạo ra phản ứng miễn dịch rất tốt. Sau khi tiêm tiếp mũi 2, lượng kháng thể sẽ còn tiếp tục tăng vọt lên 4-5 lần, thậm chí 20 lần.
Ba cô gái thử vaccine Covid-19 liều cao nhất
Ba cô gái, tuổi từ 20 đến 22, sáng nay tiêm thử nghiệm Nanocovax với liều cao nhất, 75 mcg.
Ba cô gái là những người đầu tiên trong nhóm 20 tình nguyện viên tiêm Nanocovax liều cao nhất. Sau khi ba người này được tiêm và an toàn, sẽ đến lượt 17 người còn lại.
Một trong ba nữ tình nguyện viên là sinh viên y khoa, cho biết cô tham gia thử nghiệm vaccine vì muốn trải nghiệm quy trình nghiên cứu.
"Tôi không cảm thấy lo lắng về phản ứng phụ sau tiêm, do 40 người tiêm đợt trước hiện sức khỏe an toàn", cô gái chia sẻ.
Gia đình cô cũng đã được giải thích, ủng hộ tham gia nghiên cứu.
Ba người được tiêm lần lượt, mỗi người cách nhau 3 giờ. Sau đó, họ ở lại Học viện Quân y để theo dõi trong 72 giờ rồi trở về nhà. Số người còn lại trong nhóm liều 75 mcg dự kiến tiêm thứ sáu tuần này.
Nữ tình nguyện viên tiêm thử Nanocovax sáng 12/11. Ảnh: Vũ Nga.
Phó giáo sư, tiến sĩ Chử Văn Mến, Giám đốc Trung tâm Thử nghiệm lâm sàng và tương đương sinh học, Học viện Quân y, cho biết hơn 500 người đã đăng ký và khoảng 200 người đến sàng lọc cho thử nghiệm. Chỉ 51 người đủ tiêu chuẩn để tiêm thử nghiệm cho toàn bộ giai đoạn một, do tiêu chí tuyển chọn rất chặt chẽ. Trong đó 20 người đã tham gia tiêm liều 25 và 20 người tiêm liều 50 mcg. Vì vậy, đơn vị đang tiếp tục khám sàng lọc để chọn tình nguyện viên đủ tiêu chuẩn tiêm liều 75 mcg.
Đến nay, nghiên cứu thử nghiệm Nanocovax trên người đã đi được 50% giai đoạn một. 40 người đã tiêm vaccine trước đó hiện được theo dõi tại nhà. Theo tiến sĩ Mến, họ xuất hiện các phản ứng phụ không nghiêm trọng gồm đau nhức vùng tiêm và sốt nhẹ.
"Như vậy, có thể đánh giá phần nào vaccine này rất an toàn", tiến sĩ Mến nói.
Giáo sư, tiến sĩ Hoàng Văn Lương, Phó giám đốc Học viện Quân y, cho biết kết thúc giai đoạn một thử nghiệm lâm sàng, Bộ Y tế sẽ nghiệm thu và đánh giá, sau đó cho phép thử nghiệm giai đoạn hai trên 560 tình nguyện viên tiếp theo, dự kiến bắt đầu vào tháng 2/2021. Việc tuyển chọn đối tượng thử nghiệm lâm sàng giai đoạn hai đang được thực hiện, đến nay đã có 350 người đăng ký tham gia.
Nanocovax là vaccine Covid-19 đầu tiên ở Việt Nam được đưa vào thử trên người, quá trình nghiên cứu và phát triển trong vòng 6 tháng, với ba liều 25 mcg, 50 mcg và 75 mcg. Vaccine sử dụng công nghệ protein tái tổ hợp, tức là lấy trình tự một đoạn S protein gai trên nCoV, tích hợp nó vào một dòng tế bào động vật đang nuôi cấy để tạo ra protein của virus, rồi pha chế với các tá dược khác nhằm tạo ra vaccine.
Chuẩn bị tiêm thử Nanocovax liều cao nhất Nhóm 20 tình nguyện viên cuối cùng trong nhóm thử nghiệm giai đoạn một, sẽ tiêm liều vaccine Covid-19 Nanocovax 75 mcg vào ngày 18/1. Thông tin từ Học viện Quân y ngày 11/1, kế hoạch tiêm thử cho nhóm dùng liều cao nhất là 75 mcg, vừa được Bộ Y tế phê duyệt. Dự kiến, ở nhóm này, ba người sẽ được...