Tình người cảm động của bác bảo vệ bị dàn cảnh cướp xe SH
Những ngày qua, câu chuyện bác bảo vệ Nguyễn Văn Hưng ( quận 9, TP.HCM) bị nhóm cướp dàn cảnh lấy mất xe SH của khách được cộng đồng mạng chia sẻ, giúp đỡ, nhưng chính bác lại mang một phần số tiền đó giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn.
Tôi gặp người đàn ông có khuôn mặt khắc khổ khi bác vừa hết ca trực ban đêm tại quán cà phê trên đường Hoàng Hữu Nam (quận 9, TP.HCM). Cả đêm trực mệt mỏi khiến bác Hưng như già hơn tuổi 68 của bác.
Bác Hưng kể câu chuyện được cộng đồng mạng chia sẻ lâu nay. Khoảng 18h ngày 8.3.2019, khi bác đang ngồi trông xe ở quán cà phê thì có đối tượng đi xe máy, bịt mặt đến hỏi đường về cầu vượt Linh Xuân (quận Thủ Đức). Bác Hưng tận tình chỉ dẫn mà không nghi ngờ gì. Lợi dụng lúc bác đang chỉ đường, tên khác cùng đồng bọn đã bẻ khóa xe, lấy đi chiếc xe tay ga SH Mode trị giá khoảng hơn 40 triệu. Do việc mất trong ca trực nên bắt buộc bác Hưng phải đền cho người bị mất.
Không thể nói hết được nỗi lo lắng của bác Hưng khi sự việc xảy ra. Bác không kìm nén được cảm xúc và bật khóc khi nghĩ về việc phải đền xe cho khách. Số tiền 40 triệu đối với bác và gia đình quá lớn, bác chưa biết xoay xở ra sao để một lúc có đủ số tiền ấy.
Giọt nước mắt rơi trên khuôn mặt khắc khổ của bác Hưng khi không biết xoay sở ra sao để có số tiền 40 triệu đền cho chủ xe.
Bác Hưng kể: “Khi mất xe, tôi đang ngồi thẫn thờ vì lo lắng, hoang mang thì có một nhóm bạn trẻ tới uống cà phê, biết câu chuyện đau lòng vừa xảy ra. Các bạn ấy đăng tải lên mạng xã hội kêu gọi cộng đồng giúp đỡ. Chứ tôi nào biết Fakebook là gì đâu”.
Qua câu chuyện của bác Hưng trên mạng xã hội, những nhà hảo tâm, mạnh thường quân đã tới giúp đỡ bác tiền để đền chiếc xe bị kẻ gian lấy đi. Bác Hưng không ngờ có nhiều người đến giúp khiến số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng. Tối 10.3, sau hai ngày câu chuyện của bác được chia sẻ, bác Hưng đã từ chối nhận sự giúp đỡ.
Bác Hưng cho biết, những ngày gần đây, vẫn có nhiều người tìm đến mong được giúp đỡ riêng cho gia đình bác. Tuy nhiên, bác Hưng cảm ơn và từ chối tấm lòng của mọi người. Bác nói muốn dành phần giúp đỡ đó cho những hoàn cảnh còn khó khăn trong xã hội.
Mảnh giấy do chính tay bác Hưng viết được bạn trẻ chia sẻ trên Fakebook.
Bác chia sẻ: “Ngày hôm qua (19.3), việc thỏa thuận đền bù xe đã xong, sau khi thương lượng, người bị mất xe nhận 38 triệu đồng”. Số tiền mọi người giúp đỡ, bác Hưng chưa thống kê được, khoảng 100 triệu đồng. Bác Hưng đã gửi tặng 10 triệu đồng cho Trường tình thương Ái Linh (nơi hai đứa cháu ngoại của bác Hưng đang học lớp 1).
Video đang HOT
10 triệu bác gửi lại cho hai nhà hảo tâm tới giúp bác 29 triệu (bác nhận 19 triệu) và nhờ họ gửi cho trường hợp em nhỏ mổ thận ở Bệnh viện Nhi Đồng 2. Đồng thời, bác Hưng gửi tiếp 5 triệu đóng góp xây dựng Tịnh xá Ngọc Hương (56, Lê Văn Hưu, TP Huế), nơi mà khi còn ở quê bác luôn ghé qua.
Bác Hưng có hoàn cảnh hết sức khó khăn và thương tâm. Trước kia, nhà bác ở TP.Huế. Ở quê, bác làm nghề xe ôm, vợ và con gái đi bán vé số dạo. Bác còn một cậu con trai sinh năm 1983 nhưng không bình thường sau khi bị tai nạn giao thông từ năm 1994. Em phải nằm bệnh viện hơn 2 tháng, bị chấn thương sọ não, phải nghỉ học và ở nhà từ đó tới nay.
Quán cà phê nơi bác Hưng làm việc và bị kẻ xấu dàn cảnh lấy mất chiếc xe SH.
Bác Hưng chia sẻ, nhìn bề ngoài, Tuấn Anh (con trai đầu của vợ chồng bác) hoàn toàn khỏe mạnh, nhưng nhận thức như một đứa trẻ và không bao giờ tiếp xúc với ai ngoài người trong gia đình. “Tôi cũng không biết nó bị tự kỷ, trầm cảm gì mà nó không bao giờ ra khỏi nhà…”, bác Hưng ngậm ngùi.
Vợ bác, 67 tuổi, và con gái (đã ly hôn, hai đứa con về sống chung) hàng ngày đi bán vé số dạo. Mùa nắng bán vé số còn được khoảng 100 vé, tiền lời được hơn 100.000 đồng, nhưng mùa mưa thì bán chỉ được 60, 70 chiếc. Tổng thu nhập cả nhà chỉ hơn 10 triệu đồng.
Nhiều nhà hảo tâm đọc được câu chuyện đã tìm tới nơi bác Hưng làm việc và giúp đỡ.
Hai cháu ngoại sinh đôi năm nay học lớp 1. Cũng bởi gia đình khó khăn, không có tiền cho cháu học trường công lập nên bác Hưng phải xin cho cháu vào học trường tình thương Ái Linh do các sơ dạy, là trường dành cho các bé có hoàn cảnh khó khăn, lang thang, nhặt vé số, ve chai, mồ côi… (phường Tân Phú, quận 9, TP.HCM).
Cả nhà bác Hưng hiện đang thuê một gian trong dãy nhà trọ tại phường Tân Phú, mỗi tháng trả 2,1 triệu tiền điện, nước. Gian phòng chật chội cho 6 người ở, chỉ chừng 15, 16m, có thêm một gác xép, đồ đạc không có gì đáng giá.
Khi được hỏi lý do vì sao lại chia sẻ khoản tiền hỗ trợ của mọi người trong khi hoàn cảnh đang khó khăn, bác Hưng cười hiền lành: “Tôi gặp khó khăn được mọi người giúp đỡ là quá may mắn, là có phước lắm rồi, tôi bất ngờ và biết ơn cộng đồng rất nhiều, đâu thể lợi dụng lòng tốt của mọi người được.
Tôi còn có cái tâm, cái đạo của mình nữa. Ngoài kia còn nhiều cuộc đời khó khăn, gian nan hơn cần sự giúp đỡ…”.
Nhưng điều khiến bác Hưng buồn nhất bây giờ là có người mạo danh bác kêu gọi hỗ trợ và đưa số tài khoản không phải của bác lên mạng để lừa các nhà hảo tâm, có người ác ý nói bác lợi dụng lòng tốt của cộng đồng.
Theo Danviet
Chuyện tìm lại hình hài là con trai của "cô bé" 13 tuổi người K'ho
"Đứa trẻ này là Ka Nhist, nó mới cắt đi mái tóc dài con gái và gửi ảnh khoe chúng tôi. Cắt tóc, mặc đồ con trai là những bước đầu tiên trong hành trình tìm kiếm hình hài thật của nó...".
Đây là những dòng tâm sự gây xúc động trên Facebook của chị Trần Mai Anh - người đồng sáng lập và quản lý Chương trình "Thiện Nhân và những người bạn" và cũng chính là mẹ của "chú lính chì" Thiện Nhân. Chị Mai Anh đang kể về câu chuyện của Ka Nhist - đứa bé 13 tuổi dân tộc K'ho ở Lâm Đồng trên con đường tìm lại hình hài thật của mình.
Ka Nhist với diện mạo hiện tại: tóc ngắn, mặc đồ con trai. Ảnh: FB chị Mai Anh
Trong bức ảnh gửi về ekip của quỹ, Ka Nhist dường như vẫn mang dáng vẻ của một cô gái mới lớn, đôi mắt to e lệ, dù em đã thay đổi diện mạo bên ngoài, cắt tóc ngắn và mặc đồ con trai. "Bức ảnh cậu con trai cá tính này thật thú vị vì nó còn vương lại dấu vết của app B612 do thói quen là con gái là thích xinh đẹp trắng mịn...", chị Mai Anh chia sẻ.
Ka Nhist chỉ là một trong số hàng nghìn trường hợp mà "Thiện Nhân và những người bạn" giúp đỡ, nhưng đối với chị Mai Anh, trường hợp này rất đặc biệt bởi đứa trẻ này đã can đảm công khai trước dư luận với hình hài "không cần giấu kín".
Ka Nhist viết nhật ký mỗi ngày. Đó có thể là câu chuyện em cắt đi mái tóc dài như thế nào, hay hồi hộp ra sao khi lần đầu tiên xỏ vào bộ đồ con trai bước qua cổng trường đối diện đám đông, hay cả việc, các cô giáo và các bạn cùng lớp bảo vệ em từ lúc em tìm về đúng giới tính của mình.
Hàng ngày, Ka Nhist viết nhật ký để các bác sĩ theo dõi tâm lý của em. Ảnh: FB chị Mai Anh
"Ka Nhist nó làm tôi nể phục vì nó thật mạnh mẽ, dám trực diện đối đầu với ánh mắt người đời khi thử thay đổi thân phận xem con người thực sự của nó là gì. Điều đó càng làm tôi nể hơn, không phải vì người dân tộc thiểu số có phần giản đơn, ít tiếp xúc thông tin khoa học mà vì một bé gái sinh ra và lớn lên trong một cộng đồng mẫu hệ mà khi biết nhiễm sắc thể của nó là XY đứa bé dứt khoát quyết định thay đổi. Tôi nể vì nó thực sự biết được mình cần gì, rồi dám thay đổi, thậm chí hy sinh, trả giá cho điều mình mong muốn hay yêu thương thì không phải ai cũng có can đảm đối diện, ngay cả với chính mình", trích Facebook của chị Trần Mai Anh.
Việc viết nhật ký hàng ngày, theo chị Mai Anh là nhằm giúp bác sĩ theo dõi tâm lý cho Ka Nhist, để cả em và ekip Chương trình và các bác sĩ tự tin rằng em đã sẵn sàng cho một cuộc đại phẫu vào tháng 11 này "biến đổi số phận đời", khi đến cha mẹ cũng nhầm em là con gái trong một hình hài không trọn vẹn.
Từ nhỏ, Ka Nhist vốn được nuôi dưỡng như một cô con gái trong gia đình có ba chị em. Cách đây hai năm, Ka Nhist bắt đầu có những thay đổi về giới tính, không có biểu hiện dậy thì như các bạn gái. Gia đình đã đưa em đi khám ở Bệnh viện Nhi Đồng 2 thì phát hiện em bị rối loạn phát triển giới tính.
K'ho là dân tộc theo chế độ mẫu hệ, gia đình Ka Nhist lại sống ở vùng sâu vùng xa. Việc tìm lại đúng hình hài cho con mình và công khai trước dư luận vốn là điều vô cùng khó khăn, nhưng vượt qua tất cả, mẹ đã đưa Ka Nhist đến Bệnh viện Nhi Đồng 2 và tìm sự giúp đỡ của ekip "Thiện Nhân và những người bạn" vào năm 2018.
Chị Mai Anh cho biết, lúc đầu, "cô bé" Ka Nhist ngày nào còn bối rối với hình hài con trai, nhưng giờ đây, em đã mạnh mẽ hơn, thay đổi hẳn và vui vẻ hơn trước nhiều. Đó cũng là quyết tâm rất lớn để trở thành con trai của Ka Nhist: mạnh mẽ dứt bỏ thân phận nữ nhi, đương đầu với dư luận, với mặc cảm, chấp nhận đau đớn thay đổi hình hài.
Chị Mai Anh (ngoài cùng bên phải) cùng "chú lính chì" Thiện Nhân (ở giữa) và một người bạn. Ảnh: FBNV
"Ka Nhist dũng cảm như một chiến binh bước ra xa trường, một tiểu chiến binh cần được cuộc đời này đón nhận, cổ vũ. Ka Nhist chăm chỉ viết nhật ký mỗi ngày để Massimo Di Grazia - bác sĩ tâm lý người Ý phân tích từng câu chữ, tư vấn giúp Ka Nhist và ekip Thien Nhan & Friends có quyết định tốt nhất trong kỳ khám, phẫu thuật lần thứ 14 vào tháng 11 năm nay...".
Thông điệp của chị Mai Anh không chỉ cho riêng trường hợp của Ka Nhist mà là một thông điệp chung dành cho tất cả những người làm cha mẹ: hãy mạnh mẽ giúp con tìm lại mình khi chẳng may tạo hóa gây ra sự trớ trêu.
Còn thông điệp của Ka Nhist, nó đang hiện hữu ngay trong văn phòng của "Thiện Nhân và những người bạn" - giò lan rừng bung nở tinh khôi với mùi thơm thoang thoảng - món quà đứa trẻ Tây Nguyên dành tặng, mà hồi đầu, chính chị Mai Anh cũng ngỡ ngàng vì giò lan trông như... củi khô.
"Đó là sự hồi sinh. Mình chỉ biết cố giữ và không bỏ sót gì", chị Mai Anh tâm sự.
Theo Danviet
Khách đi tàu góp hơn 20 triệu đồng giúp người bị mất Bị mất 30 triệu đồng trên đường về quê ăn Tết, người phụ nữ được nhà ga Bình Thuận cùng hành khách quyên góp hỗ trợ. Bà Nguyễn Thị Thay (58 tuổi) làm giúp việc nhà ở TP HCM. Hôm 27.1, bà đi tàu SE22 tuyến Nam - Bắc về quê tại huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam để ăn Tết. Đến ga...