Tỉnh nào cũng có lươn, nhưng bất ngờ là vẫn phải nhập khẩu
Trong bối cảnh dịch tả heo châu Phi đang bùng phát, các nông hộ có thể tận dụng diện tích chuồng trại nuôi heo, gà để chuyển sang nuôi lươn không bùn, vì đây cũng là loại thực phẩm chứa nhiều chất dinh dưỡng.
Hiệu quả cao, nhưng thiếu giống
Theo Sở NN-PTNT TPHCM, thành phố hiện có 27 hộ nuôi lươn không bùn, với tổng số 778 bể nuôi, tương đương diện tích 9.336m2; trong đó, diện tích mỗi bể nuôi từ 4 – 8m2. Phần lớn, diện tích nuôi tập trung tại huyện Củ Chi chiếm hơn 90%, phần còn lại ở các huyện Hóc Môn, Bình Chánh và quận 12.
Từ năm 2008, tại TPHCM đã xuất hiện mô hình nuôi lươn theo phương thức mới là nuôi trong bể không bùn và sử dụng giá đỡ/vạt làm chỗ ở cho lươn thay thế ống nước hay gạch nung như trước.
Mô hình nuôi lươn không bùn cho kết quả tốt, song chưa phát triển do giống chủ yếu nhập từ Thái Lan, Campuchia chiếm 95% với giá thành cao, 5% còn lại từ các tỉnh miền Tây.
Nuôi lươn trong hồ mang lại hiệu quả cao.
Trung tâm Khuyến nông (Sở NN-PTNT TPHCM) đánh giá, nuôi lươn không bùn trong hồ xi măng dễ quản lý và thuận lợi chăm sóc, có thể tận dụng nguồn phân bò để nuôi trùn quế làm thức ăn cho lươn. Năng suất trung bình tại các hộ nuôi lươn đạt 250kg/bể với diện tích 6m2, chi phí đầu tư mô hình nuôi nhân tạo này gần 2 tỷ đồng/1.000m2/vụ.
Tại huyện Củ Chi, UBND huyện đã cho phép xây hồ nuôi lươn tạm trên đất nông nghiệp, nhằm đáp ứng chuyển dịch theo hướng nông nghiệp đô thị.
Nhận thấy được tìm năng phát triển của mô hình nuôi lươn thương phẩm đang phát triển, năm 2018, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp – Công nghệ xanh Bình Minh được thành lập với 9 thành viên tham gia nuôi với 464 hồ.
Ông Phạm Viết Sơn, Giám đốc HTX Nông nghiệp – Công nghệ xanh Bình Minh, cho hay theo kế hoạch phát triển kinh doanh đến năm 2020, HTX sẽ tăng số lượng thêm 650 hồ nuôi với diện tích khoảng 4.000m2, nâng tổng diện tích chung lên 6.440m2.
Video đang HOT
Ngoài nuôi lươn, HTX còn sản xuất cám viên để cung cấp cho các xã viên nuôi lươn; đồng thời xúc tiến đầu tư hoàn chỉnh quy trình tuần hoàn nước cho lươn giống và hệ thống lọc nước sử dụng lại cho lươn thương phẩm.
Nhằm giảm lượng lươn giống nhập ngoại, HTX đang thử nghiệm mô hình sản xuất con giống nhân tạo, nếu thành công, dự tính đến tháng 3-2021 cung cấp khoảng 1,7 triệu con giống, loại 20 con/kg ra thị trường.
Vấn đề là tuy lươn dễ nuôi, nhưng vẫn phụ thuộc vào mùa vụ thu hoạch từ tháng 7 đến tháng 11 và hiện chưa có thuốc chuyên phòng trị bệnh cho lươn.
Liên kết hướng tới xuất khẩu
Hiện chợ đầu mối Bình Điền đang cung ứng lươn thịt tiêu thụ ra thị trường các tỉnh miền Bắc, miền Trung, Đông Nam bộ và TPHCM. Số lượng lươn thịt này nhập chợ chiếm đến 97% (tương đương khoảng 5.566 tấn/năm), chủ yếu từ các tỉnh Đồng Nai, An Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, Tiền Giang, Tây Ninh; phần còn lại nuôi tại TPHCM.
Cùng với đó, Việt Nam là một trong 10 nước có nhu cầu nhập khẩu lươn nhiều nhất trên thế giới. Năm 2014, giá trị nhập khẩu khoảng 1,3 triệu USD, thì năm 2018 đã chi 9,8 triệu USD để nhập khẩu từ các quốc gia Trung Quốc, Indonesia, Morocco.
“Với diện tích nhỏ, ngành nuôi lươn thịt tại TPHCM rất có triển vọng phát triển, nhất là trong bối cảnh dịch tả heo châu Phi đang gây bất lợi cho người nuôi heo và thị trường khan hiếm mặt hàng thực phẩm này”, ông Võ Chí Cường, đại diện Trung tâm Tư vấn và hỗ trợ nông nghiệp TPHCM, chia sẻ.
Trong báo cáo nghiên cứu mới đây của Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM nhận xét Việt Nam cùng với nhiều nước trên thế giới đang có xu hướng sử dụng thức ăn mềm, dễ tiêu hóa và đầy đủ các chất sinh dưỡng.
Đặc biệt, với những người có cơ địa nhạy cảm thì thịt lươn luôn là lựa chọn hàng đầu vì chứa nhiều chất dinh dưỡng cao như vitamin A, B1, B6.
Theo các chuyên gia kinh tế, do việc nuôi lươn hiện nay phát triển còn mang tính tự phát nên việc tổ chức liên kết sản xuất và xây dựng chuỗi sản phẩm an toàn chưa được đầu tư đúng mức, dẫn đến tiêu thụ sản phẩm còn phụ thuộc rất lớn vào thương lái, giá cả không ổn định.
Sở NN-PTNT TPHCM đề nghị, để phát triển mô hình nuôi lươn không bùn, nhà nước cần nghiên cứu xử lý nguồn nước thải trong nuôi lươn theo hướng tuần hoàn hoặc tái sử dụng cho sản xuất nông nghiệp. Đối với các đơn vị quản lý nhà nước, cần xây dựng quy trình nuôi lươn và tập huấn cho nông dân.
Đồng thời xúc tiến nghiên cứu nhân giống để đảm bảo nguồn lươn giống, đảm bảo chất lượng, giá thành và năng suất cao. Tổ chức kết nối các hoạt động xúc tiến thương mại cho sản phẩm lươn đến người tiêu dùng và doanh nghiệp chế biến thực phẩm, cung ứng thịt lươn cho thị trường toàn quốc.
Hỗ trợ thành lập, củng cố hoạt động của các tổ hợp tác, HTX để kết nối tiêu thụ sản phẩm cho người nuôi lươn; tương lai hướng tới mô hình nuôi lươn sạch, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và hướng đến xuất khẩu.
Về phía người nuôi, cần tận dụng cơ hội hiện có về cơ chế, chính sách của TPHCM, từ kỹ thuật sản xuất, hỗ trợ lãi vay, chứng nhận sản phẩm, xúc tiến thương mại…
Theo Thanh Hải (Báo SGGP)
Nuôi lươn đồng, từ phận nghèo "số khổ" thành triệu phú Hậu Giang
Từ một nông dân nghèo khó, nhưng với mong muốn vươn lên thoát nghèo, anh Lê Hoàng Vũ, ở ấp 8, xã Vĩnh Viễn A, huyện Long Mỹ (tỉnh Hậu Giang), đã thành công từ mô hình nuôi lươn đồng, nhân giống lươn đồng, với mức thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.
Có được như ngày hôm nay, anh Vũ phải trải qua nhiều tháng ngày vất vả và cũng không biết bao lần thất bại từ con lươn đồng. "Gian nan không nản", sau nhiều lần thất bại từ việc nhân giống lươn đồng, anh Vũ cố công đi học hỏi thêm kinh nghiệm nuôi lươn đồng ở một số chủ trang trại nuôi lươn giống ở tỉnh An Giang, Đồng Tháp...
Còn ở quê nhà, anh Vũ không bỏ lỡ một cuộc tập huấn chăn nuôi nào của cán bộ khuyến nông. Anh còn thường xuyên tham khảo, trau dồi thêm tài liệu chăn nuôi lươn đồng qua sách, báo.
Anh Vũ đang làm vệ sinh, thay nước bồn nuôi lươn bố mẹ.
Đúc kết kinh nghiệm học hỏi được, anh mạnh dạn đầu tư chuyển từ mô hình nuôi lươn đồng thương phẩm chuyển sang nuôi lươn đẻ, bán con giống. Nhưng nguồn con lươn giống tự kiếm không đáp ứng đủ nhu cầu nuôi nên buộc lòng anh phải thu mua thêm con lươn giống ở chợ.
Và rồi lại một lần nữa anh Vũ gánh thêm thất bại, bởi lươn giống chết hàng loạt, do con giống mua trôi nổi bên ngoài. Nhất là tập tính lươn đồng còn hoang dã chưa thích nghi với môi trường nuôi trong hồ. Quan trọng hơn là kích cỡ, trọng lượng con lươn giống không đồng đều cũng khó chăm sóc.
Rủi ro lớn nhất là lươn giống anh Vũ mua bị đánh bắt bằng nhiều cách khác nhau, trong đó có cả bằng xung điện, mồi thuốc nên tỷ lệ hao hụt lớn, hiệu quả nuôi không cao.
Không nản chí, anh Vũ tiếp tục thực nghiệm lại quy trình cho lươn đẻ và qua những tài liệu nghiên cứu, kết hợp với kinh nghiệm theo dõi mùa vụ sinh sản của lươn đồng trong môi trường tự nhiên, anh tiến hành thiết kế bể nuôi lươn đẻ.
Mỗi năm, anh Lê Hoàng Vũ xuất bán hơn 1 triệu con lươn giống, lươn giống giá bán trung bình từ 3.000-3.500 đồng/con, sau khi trừ các khoản chi phí, anh còn lợi nhuận hơn 200 triệu đồng/năm.
Chia sẻ thêm về kỹ thuật nuôi lươn sinh sản, anh Vũ cho biết để đạt được hiệu quả cao, người nuôi lươn cần cho lươn bố mẹ ăn đầy đủ dưỡng chất thì trứng mới phát triển tốt. Lươn bố mẹ phải đạt trọng lượng từ 200-250 gram/con thì mới có khả năng sinh sản hiệu quả.
Theo lối nuôi này, cứ cách nhau 10 ngày, anh Vũ thu hoạch trứng lươn một lần, mỗi lần từ 300-500 trứng/ổ/con. Sau đó, anh đem trứng lươn vào bể ấp từ 7-8 ngày trứng nở thành con. Qua thời gian nuôi dưỡng 1-2 tháng, anh xuất bán lươn con.
Anh Vũ cũng cho biết thêm, đặc tính lươn nuôi thường hay mắc bệnh về đường tiêu hóa, vì vậy người nuôi lươn cần phải chia đều các cử ăn của lươn để có sức đề kháng.
Một số hộ dân nuôi lươn đồng trong ấp cho biết ngoài việc sản xuất và bán con giống, anh Vũ còn là người hướng dẫn kỹ thuật nuôi lươn, chia sẻ kinh nghiệm nuôi lươn giúp đỡ bà con một cách tận tình. Đặc biệt là mô hình nuôi lươn thịt trong bể không bùn, người nuôi có thể tận dụng chuồng trại nuôi heo cũ, ốp lót thêm gạch men, hoặc tô hồ dầu láng để tránh lươn bị trầy xước là có thể nuôi được.
Ngoài ra, nếu hộ ít đất, có thể dùng bạt cao su tạo thành bể nuôi lươn với diện tích vài mét vuông, gắn thêm ống nhựa để tiện cho việc thay nước. Bởi lươn nuôi thích nghi môi trường thoáng mát, nguồn nước phải sạch, cho lươn ăn cũng phải đúng giờ, thức ăn phải đảm bảo vệ sinh, trong bể đặt thêm vài chùm dây ni-lông đen làm ụ cho lươn trú ẩn.
Ông Chiêm Hữu Phước, Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Viễn A, cho biết hiện nay mô hình nuôi lươn trong bể lót bạt đang được bà con trong xã nhân rộng. Bởi mô hình nuôi lươn trong bể không bùn là cách làm hay, chi phí đầu tư thấp, nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao nên được nhiều hộ dân áp dụng, góp phần không nhỏ trong công cuộc xóa đói giảm nghèo của địa phương.
Theo Quang Hải (Báo Hậu Giang)
Nuôi nhung nhúc lươn trong bể không bùn, cảnh nhà khá giả Anh La Hữu Lộc ở phường Thới An Đông, quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ nuôi lươn sinh sản và lươn thương phẩm mỗi năm lãi hơn 600 triệu đồng. Với niềm đam mê kinh doanh và tinh thần học hỏi, chịu khó và hơn hết anh nhận thấy ở con lươn đồng có tiềm năng và nhu cầu của thị trường lớn...